Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi ρнáσ giao thừa
Em đứng chờ tôi trước song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm xuân đã về chưa…
Khi những câu hát ngân nga trong cái nắng ấm nhè nhẹ những ngày cuối năm, thì người Saigon biết rằng Tết đã về tràn ngập khắp phố phường. Ai đó đã từng nói rằng, cuộc sống càng hiện đại, Tết lại càng mất đi niềm vui. Phải chăng trong nhịp sống hối hả của hôm nay, cái Tết của Saigon xưa luôn hiện về trong tâm trí những con người mang đầy tâm tư hoài niệm. Tết Saigon xưa có gì mà khiến biết bao nhiêu người tương tư đến thế? Mời quý vị cùng tìm hiểu Tết Saigon xưa qua những hình ảnh hiếm hoi dưới đây.
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cho rằng, tết Bắc – Trung – Nam, mỗi miền đều có mỗi đặc trưng khác nhau. Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như tết ở miền Bắc và miền Trung giữ nhiều phép tắc và kiêng cử,… Tuy có sự khác biệt về phong tục và văn hóa, nhưng trong tâm trí của người Việt, tết là mùa đoàn viên, là dịp để đoàn tụ gia đình, để tưởng nhớ, cúng bái ông bà tổ tiên,…
Saigon là nơi đất lành chim đậu, là nơi hội tụ của người dân tứ xứ đến học tập, làm việc và đinh cư. Vì vậy, tết nơi đây cũng là sự kết hợp của văn hóa nhiều vùng miền hòa vào dòng chảy của nhịp sống và con người Saigon làm nên một mùa xuân độc đáo, khác biệt nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Hằng năm, cứ mỗi lần thấy mấy bác hàng xóm tay cầm thùng vôi, tay cầm cây chổi là người ta bắt đầu cảm nhận không khí Tết đang tràn về. Quan niệm người xưa cho rằng, đầu năm mới, nhà cửa có sạch sẽ thì mới đón rước Phúc Lộc vào nhà. Thế là bắt đầu từ giữa tháng Chạp, người ta đã bắt đầu chuẩn bị sơn phết tường cổng, dọn dẹp nhà cửa, đánh lại bộ lư đồng, thay cát trên bàn thờ để chuẩn bị cho ngày lễ rước ông Táo về trời và đón ông bà tổ tiên và ăn Tết cùng.
Phụ nữ Saigon những ngày giáp Tết cũng phụ giúp trang trí lại cửa nhà bằng cách mua vài ba bức tranh giấy về treo lên tường, khiến ngôi nhà thêm tươi mới. Những người có điều kiện hơn, thường mua mấy bức viết chữ nhũ vàng Ngũ Phúc Lâm Môn, Hiệp Gia Bình An, Phước Lộc Thọ trên những tờ giấy hồng của mấy ông người Hoa ngồi viết ở chợ về dán trước cửa.
Từ sau ngày 23 tháng Chạp, tức sau ngày đưa ông Táo về trời, không khí chuẩn bị tết rộn ràng hơn hẳn. Các mẹ, các chị đi chợ về luôn kèm theo mấy thứ củ quả để làm mứt đón Tết. Rồi cứ sau bữa cơm chiều, mẹ bắt đầu bày cóc, me, khoai, cà rốt,…ra gọt vỏ. ngâm vôi rồi sên với đường đến khi khô lại rồi hôm sau mang phơi là có ngay mấy hũ mứt ngon lành đón tết.
Các khu chợ Saigon thường ngày đã đông người, đến những ngày giáp Tết lại nhộn nhịp và đông vui hơn hẳn. Có thể nói Tết bắt đầu từ chợ, các cửa hàng bày bán đủ thứ mặt hàng. Từ sạp nhỏ đến hàng lớn, chất đầy hàng hóa Tết. Nào là mứt bánh, lạp xưởng, rượu tây rượu ta, nước ngọt, bia, hoa nhựa, hoa giấy, hoa tươi, khăn trải bàn, chén đĩa, áo quần, veston, áo dài, áo đầm,…không thiếu bất cứ thứ gì. Ai muốn đi mua sắm thì đến chợ Bình Tây, ai muốn đi thăm thú thì đến chợ Bến Thành. Hai khu chợ đặc trưng của Saigon mỗi dịp Tết đến. Nếu chợ Bình Tây nổi tiếng với hàng hóa đa dạng phong phú với giá cả phải chăng thì chợ Bến Thành lại là khu vực của những gia đình có điều kiện với những mặt hàng chất lượng và giá cả không hề rẻ.
Từ ngày 27 trở đi, học sinh bắt đầu được nghỉ học, công nhân viên chức cũng được nghỉ làm. Những đứa trẻ con trong xóm bắt đầu tụ nhau lại, Người về quê, kẻ về nhà, nhà nhà lúc này đều rộn ràng tiếng cười nói. Đến tối 28, người ta bắt đầu dựng một nồi bánh chưng lớn trước nhà để nấu bánh. Cả nhà quây quần bên nồi bánh, nói chuyện rôm rả, cười đùa bên nhau để nhắc về chuyện xưa, chuẩn bị đón một cái tết bên cạnh gia đình.
Đi chùa cầu nguyện
Thăm chùa ngày Tết, cầu mong một năm mới bình an đã trở thành một điều quen thuộc của người Saigon. Sau giao thừa, người ta thường tập trung đến Lăng Ông Bà Chiểu, chùa Ông hoặc chùa Bà,… để cầu may mắn, cầu bình an, cầu tình duyên, cầu gia đạo,… Những hờn giận trong năm cũ đều được cho qua bằng một cái nhoẻn miệng cười dành cho nhau. Thế là năm mới, mọi thứ đều mới mẻ và tuyệt vời.
Ngoài đi chùa cầu nguyện, người Saigon xưa còn có tục đi coi bói đầu năm để xem vận mạng năm nay của họ sẽ ra sao. Cách thức xem bói của người Saigon xưa rất đa dạng: xem bói bằng hoa mai, bằng quẻ xăm,… Đặc biệt, xem bói tuồng là một hình thức độc đáo của vùng đất Saigon vốn có nhiều gánh hát rạp hát.
Thăm viếng người mọi người
Người xưa quan niệm rằng: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Tết với người Saigon xưa ngoài là dịp sum họp với gia đình, thì còn là dịp để thăm viếng những người thân quen. Người Saigon vốn chăm chỉ, hăng say làm việc. Nhịp sống Saigon vội vã khiến nhiều người không có lấy thời gian rảnh rỗi để thăm viếng nhau. Tết là thời gian thích hợp nhất để mọi người đến nhà, gặp mặt nhau, ôn lại đôi ba chuyện cũ và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Chợ Hoa ngày tết
Tết Saigon không thể thiếu hoa. Từ những ngày giáp Tết, hoa từ các nhà vườn ở Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức,… và cả những tỉnh miền Tây đều được tập trung về Saigon để bán và trang trí khắp các đường phố. Đủ loại cây cảnh như mai, cúc, sanh, si, lan, vạn thọ,… với đủ màu sắc, đủ kiểu dáng lung linh dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân Sài Gòn luôn thu hút ánh nhìn của những vị khách du xuân. Một trong những dấu ấn đặc biệt nhất của ngày Tết Sài Gòn đó chính là đường Hoa Nguyễn Huệ. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ trong những ngày Tết cũng phải chen chúc nhau bởi hàng trăm loài hoa đang đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm ngát như đang gột rửa tâm hồn con người sau một năm bộn bề và mỏi mệt để đón mừng một năm mới hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Múa lân ngày tết
Nếu múa lân ở miền Trung và miền Nam chỉ được biểu diễn vào dịp tết Trung Thu, thì ở Saigon, múa lân ngày Tết cũng chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu nhất là ở khu vực người Hoa sinh sống. Kỹ thuật múa lân thời kỳ đó đã đạt đến một trình độ cao. Chủ nhà thường treo thưởng ở vị trí rất cao và khó khăn để thử thách những nghệ nhân múa lân – sư – rồng phải vận dụng kỹ thuật để lấy được. Kỹ thuật Thanh Long Bạch Hổ lúc ấy được nhiều người khen ngợi và tán thưởng. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khắp nơi cũng góp phần tạo nên một mùa xuân Saigon rộn ràng và độc đáo.
Tết của thời hiện đại Saigon vắng hoe. Những người xa xứ thì về quê ăn tết với gia đình. Người Sài Gòn lại chọn cách đi du lịch thư giãn sau một năm vất vả. Sài Gòn nhộn nhịp hằng ngày bỗng trở nên vắng lặng và êm đềm. Cũng chính vì vậy, câu hát: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” vẫn cứ luôn vang vọng mãi tron tâm trí của những người Sài Gòn xưa để nhớ về những mùa xuân tươi đẹp trong một miền ký ức xa xôi không thể quay về.
Mời quý vị nghe lại ca khúc Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa – Thanh Tuyền trình bày.