“Màu kỷ niệm” là một nhạc phẩm nổi tiếng của Phạm Đình Chương. Bài hát được viết vào năm 1964, đây cũng là bài hát được tranh cãi của những người yêu nhạc. Bởi lời bài hát có bốn đoạn, nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ba đoạn và dùng bốn câu thơ trích từ Tuổi Mười Ba của Nguyên Sa và có sửa lại vài từ cho đoạn hai của bài hát Màu kỷ niệm.
Nhưng có thể nói bài hát “Màu kỷ niệm” là thơ của Nguyên Sa, phổ nhạc Phạm Đình Chương không? Chắc là không, vì tuy Phạm Đình Chương có mượn tứ bốn câu thơ của Nguyên Sa nhưng ông đã sửa lại một số từ, ý nghĩa bài hát “Màu Kỷ niệm” cũng khác với ý thơ Tuổi mười ba. Mặc khác, trong bản in lần đầu năm 1965, nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi vắn tắt cho nhạc khúc “Màu kỷ niệm” với dòng “Tặng Nguyên Sa”. Màu kỷ niệm là một nhạc khúc đầy màu sắc về mối tình đầu của người chiến sĩ hành quân, là minh chứng cho câu nói “đất nước trên vai, tình yêu trong tim” khi nói về tình yêu của quân nhân.
“Cha đẻ” của nhạc khúc ấy là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ông còn là ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc. Phạm đình Chương(1929-1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Hội trùng dương, Đôi mắt người Tây Sơn, Nửa hồn đau thương,… Nhạc của PhạM Đình Chương phong phú đủ các chủ đề về tuổi trẻ, tình yêu, hiện thực,… Xuyên suốt các tác phẩm của ông là một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt và cũng không kém phần đau thương, xót xa trong chuyện tình yêu tan vỡ.
“Màu kỷ niệm” cũng là một khúc mang trong mình tâm hồn tươi trẻ của những ký ức về tuổi học trò, về tình yêu đầu chớm nở nơi ghế nhà trường. Nhưng len lỏi đâu đoa, cất giấu sâu trong niềm vui ấy là nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu của người lính chinh chiến. Đó còn là khát vọng về tình yêu lứa đôi khi đất nước tan giặc.
Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi,
Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi
Mở đầu bài hát là bức tranh kỷ niệm về thời áo trắng. Nhớ ngày nào khi tan trường, chúng ta cùng chung lối về. Anh thấy nhớ đôi mắt thuyền sương, trong sáng của em. Anh thấy nhớ cái dáng đứng nghiêng nghiêng che nón mỗi khi đợi anh. Anh nhớ những tháng ngày êm đềm ấy, những tháng ngày chúng ta yêu nhau, một tình yêu tuổi học trò tươi đẹp. Chúng ta “lòng trao lòng cho tình vút lên khơi. Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi.” Hình dáng em thơ với dáng đứng làm anh “ngất ngây đời”, với ánh mắt long lanh, màu môi đều như mới hôm qua. Mọi ký ức về em vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của anh, tình yêu dành cho em vẫn đong đầy tim anh.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh pha mực cho vừa màu luyến thương.
Anh yêu nàng, nên “yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Anh yêu hoa cúc vì hoa cúc màu vàng như áo nàng, cũng như anh yêu mến lá sân trường, vì lá có màu xanh như màu áo nàng. Vì yêu nàng, anh yêu mọi vật quanh nàng. Anh muốn viết thư tình cho em, nhưng lại sợ màu mực ấy không thể nói “đủ nghĩa yêu đương” nên “anh pha mực cho vừa màu luyến thương”.
Nếu ở nguyên tác thơ của Nguyên Sa là :
“…Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thay đổi nhân xưng từ “tôi” thành “anh”.Khác với cách kể “tôi” có vẻ xa cách, cách chuyển ngôi sang “anh” khiến cho câu hát thêm tình tứ và chứa chan tình cảm hơn. “Tôi thay mực cho vừa màu áo tím” cũng được viết lại một cách nhẹ nhàng tình cảm hơn “anh thay mực cho vừa màu luyến thương”. Cách thay đổi này làm cho câu hát như thênh thang, như tình yêu được ngân nga và kéo dài trìu mến hơn. Tuy có mượn thơ của Nguyên Sa, nhưng có thể thấy, qua ngòi bút của Phạm Đình Chương, những ý thơ ban đầu đã mềm mại hóa mình thành những vần nahcj chứa chan một tình nồng cháy, say mê của người lính dành cho cô bạn gái.
Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa,
Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư,
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ
Những ký ức đẹp ngày nào, giờ trở thành hành trang thương nhớ trong tim anh trên suốt chặng đường hành quân xa. Nên khi anh đi về cánh rừng thưa, khi anh “thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa”. Thấy màu hoa nơi rừng thưa biên giới, anh lại nhớ về màu áo em, nhớ về hình bóng em. Màu hoa tươi thắp sáng nơi rừng thưa biên giới, như hình bóng em thấp lên tình yêu trong tim anh. Giuwax những ngày hành quân dài mệt mỏi, nhưng chỉ cần anh nghĩ về em, “kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư” người lính tưởng chừng đã khô cằn là anh đây. Em là nơi mềm mại nhất trong lòng người chiến sĩ sắc đá. Những ngày hành quân là những ngày mơ về “mắt ai xanh thắm”, mơ về người con gái anh yêu. Phải chăng cũng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết “Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”, hay như Quang Dũng viết “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Nỗi nhớ về em không làm anh chùn chân mỏi gối, không làm cho lòng anh yêu mềm đi, mà nỗi nhớ ấy như tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm động lực và niềm tin vào chiến thắng, đuổi giặc tan, anh lại về bên em và chúng ta sẽ “Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu”.
Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời
Ôi màu hoa, màu thương nhớ
Đó là niềm lạc quan, niềm tin và chiến thắng của người lính trẻ. Chàng trai trẻ ấy lên đường hành quân, vác trên vai là súng đạn, là nghĩa vụ của phận làm trai. Nhưng chứa trong tim là tình yêu, là ước mơ về hạnh phúc giản đơn được nên duyên, được về chung nhà cùng người mình yêu. “Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi, nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời”, đó là hai câu hát đầy chất thơ về một tương lai tươi đẹp. Nguyện cùng người yêu nắm tay nhau, như đôi bướm liền cánh cùng nhau đi suốt hết chặng đường đời. Tình yêu của người lính là vậy đó, là tình yêu đất nước, là tình yêu lứa đôi. Là những cung bậc cảm xúc giản đơn khi nhìn thấy màu hoa như màu áo người yêu.
“Màu kỷ niệm”, một nhạc khúc tràn đầy màu sắc của quá khứ tuổi học trò, màu sắc của tuoi lai khi đất nước sạch bóng quân thù. Và người nhạc sĩ tài ba Phạm Đình Chương ấy đã mang tài hoa, mang cả tình yêu cho đất nước, tình yêu của người lính để góp nhặt và vẽ nên một bức tranh “Màu kỷ niệm”, một chuyện tình yêu đẹp được ngân vang mãi theo thời gian…
Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi,
Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh pha mực cho vừa màu luyến thương.
Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa,
Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư,
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ
Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời
Ôi màu hoa, màu thương nhớ.