Ai làm Nam Bắc phân kỳ
Cho hai dòng lệ đầm đìa nhớ thương.
Câu ca dao trên như lời than thở về sự chia cắt của cнιếɴ тʀᴀɴн. cнιếɴ тʀᴀɴн xảy ra, bao người chồng xa nhà, bao người vợ ngóng trông. Do đó, mỗi lần người lính được về thăm nhà là mỗi lần hạnh phúc. Cùng với nỗi niềm đó, nhạc sĩ Trúc Phương đã viết nên bản tình ca “tới bến” nhất trong làng nhạc vàng với ngôn từ táo bạo diễn tả bản năng con người nhưng rất thi vị trong lời ca qua nhạc phẩm “ 24 giờ phép”.
Nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, ông sinh ra ở Mỹ Hòa, Trà Vinh. Nhạc sĩ Trúc Phương đã để lại nhiều nhạc khúc vàng như: Tình Thương mái lá, Tình thắm duyên quê, Chiều làng em, Đò chiều,Chiều phố huyện,…Lúc ông mất, nhạc sĩ Nhật Ngân viết tặng ông bài hát “Gửi người về cát bụi” với ca từ có nhắc đến tên một số bài hát của Trúc Phương. Năm 2014, để vinh danh ông, trung tâm Asia thực hiện chương trình “Asia 74: Trúc Phương – Ông hoàng của dòng nhạc Bolero”
“24 giờ phép” là bản tình ca vàng trong làng Bolero, là ca khúc sống mãi trong tâm hồn hàng ngàn, hàng triệu con người Việt Nam. Như tên bài hát, ca khúc 24 giờ phép kể lại một lần về phép thăm vợ của người lính, nhưng điều đặc biệt là người lính chỉ được về phép 24 giờ. Bởi lẽ theo lệ thường, do quy định thì mỗi người lính sẽ có 15 ngày phép thường niên. Mỗi lần nghỉ phép sẽ được 3 đến 5 hoặc có thể là 7 ngày tùy theo tình hình cнιếɴ sự. Nhưng ở đây, người lính chỉ được về 24 giờ, điều đó cũng đủ nói lên tình hình gay go và cấp bách của cнιếɴ sự lúc bấy giờ.
“Từ xa tôi về phép
Hai mươi bốn giờ tìm người thương trong người thương,
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà,
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ.”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Duy Khánh trình bày.
Mở đầu bài hát là bức tranh người lính về quê nhà, đi trên con đường thân quen từng viên sỏi, hòn đá. Và người yêu đã chờ sẵn từ ngoài ngõ từ bao giờ. Có lẽ người lính đã sớm sắp xếp để có được lần nghỉ phép này, nên người yêu anh cũng ngóng trông và mong đợi anh về. Câu ca như vẽ nên một khung cảnh chiều lãng mạn, dưới nắng chiều là hình ảnh hai con người xa cách muôn trùng, nay được trùng phùng trong giây phút ngắn ngủi.
“Cửa tâm tư là mắt
Nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất
Đưa ta đi về nguyên thủy loài người
Mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay”
Thay vì nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” thì Trúc Phương lại sáng tạo ra một cách nói của riêng ông “cửa tâm tư là mắt”. Khi được gặp lại trong hoàn cảnh xa cách, mọi tâm tư, tình cảm của hai người chôn giấu bấy lâu nay không cần nói ra mà chỉ cần nhìn vào mắt nhau, họ như đọc được hết tất cả những tâm tư của đối phương. Nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt người mình yêu, người lính như quên hết mọi chuyện buồn dương gian, như bỏ lại những u phiền, tâm tối của tiền tuyến mà chỉ một lòng muốn nhấn chìm trong sự yêu thương này. “…Đưa ta đi về nguyên thủy loài người. Mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay…” Có thể nói đây là câu hát gợi tình nhất trong các câu gợi tình. Thật khó để có thể tin rằng Trúc Phương có thể diễn tả được bản năng của con người một cách chân thật, gợi tình nhưng không thô thiển, không phô tục mà trái lại rất thi vị, rất nhẹ nhàng.
“Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về
thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.”
Người lính chỉ có 24 giờ phép nhưng lại mất bốn giờ đi, bốn giờ về. Thời gian còn lại chỉ là 16 giờ bên người thương. Qua đây cũng có thể thấy được, chặng đường người lính đi từ chiến khu đến quê nhà rất xa, đường về rất vất vả. Nhưng người lính ấy không hề ngại gian khổ, không ngại thời gian ngắn ngủi mà vẫn về bên người yêu. Người lính trân trọng mỗi giây, mỗi phút bên người con gái anh yêu “thời gian còn lại anh cho em tất cả”. Câu ca “Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời. Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.” là minh chứng cho nhận xét “24 giờ phép” là bài hát “tới bến” nhất bởi ca từ táo bạo nhưng thi vị. Cái hay, cái tài của Trúc Phương là ở việc sử dụng câu từ rất ẩn dụ nhưng đầy ẩn ý. Nhạc sĩ không nói trực tiếp họ không ngủ mà sử dụng câu từ “đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi”. Đêm thì lạc loài vì khi đó, đôi tình nhân này không hề quan tâm đến thời gian nữa, họ không bận lòng đêm hay ngày. Giấc ngủ thì mồ côi, mồ côi mang hàm nghĩa là không có, nên tác giả như ám chỉ đêm nay họ vốn không ngủ, và không ngủ để “ta đưa ta” “đến vùng đất tuyệt vời”. Đây quả thật là một điểm nhấn cho bài hát, một điểm cộng cho phong cách nhạc của Trúc Phương và là một đột phá trong âm nhạc. Tả mà như không tả, trần tục trong cảm nhận của người nghệ sĩ cũng mang vẻ thi vị, trữ tình.
“Người đi chưa đợi sáng
đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương và bé nhỏ tình này.
Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Đan Nguyên trình bày.
Và cuộc tái ngộ chưa lâu đã vội tan, khi người lính phải trở về lại đơn vị khi trời chưa sáng. “…Người đi chưa đợi sáng/đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống…”. Như lời hát ở đầu, người lính về nhà trong cảnh chiều nắng đổ, vậy mà giờ đây, khi đêm chưa hết thì lại phải ra đi. Thời gian gặp lại ngắn ngủi, thì nay hai người yêu nhau lại phải chia xa. Nhưng người lính vẫn phải đi, đi lên tiền tuyến vì thương quê hương, thương người tình bé nhỏ này. Bởi lẽ, muốn giữ vững yên bình cho quê hương, giữ vững cuộc sống an lành cho người thương thì anh phải đuổi tan bọn giặc cướp nước. Nên dù trong lòng có ngàn vạn lần không muốn chia xa, thì cả hai người đều hiểu được, và đều chấp nhận chia xa trong cảnh bịn rịn, không nỡ “Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.” Còn cảnh nào đau lòng hơn khi nhìn cảnh vợ đỏ mắt tiễn chồng ra chiến tuyến. Mười sáu giờ bên nhau, mười sáu giờ đó anh chỉ có em, trong mười sáu giờ đó trong từng hơi thở, nhịp sống, trong từng ánh mắt, cử chỉ của anh cũng chỉ có em. Nhưng khi hết mười sáu giờ đó, anh lại phải về đơn vị, anh phải cầm ѕúиɢ và chiến đấu, anh không chỉ vì em mà còn vì quê hương xứ sở.
Mở đầu là cảnh về, kết thúc là cuộc chia xa. Bài hát như một câu chuyện kể về 24 giờ phép của người lính. Đây là một bản nhạc gợi tình táo bạo với ca từ thi vị, thanh thoát nhất trong làng nhạc Bolero. Nhạc khúc “24 giờ phép” không chỉ kể về tình yêu đôi lứa, mà còn như một lời cáo buộc về tội ác chia cắt đôi lứa yêu nhau của cнιếɴ тʀᴀɴн. Với tất cả tài hoa, nhạc sĩ Trúc Phương đã đem lại cho đời một nhạc khúc vàng sống mãi trong lòng bao người mến nhạc.
Trích lời bài hát 24h giờ phép
Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ tìm người thương trong người thương,
chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà,
chiều nghiêng nghiêng nắng đổ và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ
Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất
đưa ta đi về nguyên thủy loài người
mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay
Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.
Người đi chưa đợi sáng đưa nhau cuối đường sợ là đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương và bé nhỏ tình này.
Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.