“Duyên Quê” (Hoàng Thi Thơ) – Mộng ước tình yêu nở rộ trên miền quê thanh bình, ngọt hơn mơ, đẹp hơn thơ

Đăng ngày 20/07/2024

Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một hành trình dài kể về những câu chuyện tình trên con đường quê, đặc biệt là hình ảnh người con gái dịu dàng nhưng chuyện đời lại đủ làm người người rơi lệ. Âm nhạc của Hoàng Thi Thơ rất riêng biệt, có một nét độc đáo mà không bị lẫn cùng ai. Nhạc thuật của ông đôi khi dàn trải, đôi khi lại gần gũi thân quen, những ca từ được dùng cũng rất giàu hình ảnh quê hương, khát vọng về một tương lai tươi đẹp. Bằng bản tính nghệ sĩ sẵn có, những rung cảm dễ dàng trong cảm xúc đã khiến ông cho ra đời nhiều tuyệt phẩm tình yêu.

Nhạc tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không bó buộc trong khuôn khổ của tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm. Tình yêu của Hoàng Thi Thơ còn được đặt trong bối cảnh thiên nhiên với những cảnh vật mênh mông sông nước, cánh đồng lúa bát ngát cò bay, mấy nhịp cầu tre thắm đượm tình quê, những ánh trăng với câu hò đượm tình qua nhiều tác phẩm âm nhạc: “Rước Tình Về Với Quê Hương”, “Duyên Quê”, “Gạo Trắng Trăng Thanh”, “Đường Xưa Lối Cũ”,…

Thanh Thúy | Duyên Quê (Hoàng Thi Thơ) | Nhạc Vàng Bất Hủ

Tính từ cột mốc (1955 – 1956), bài hát “Duyên Quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ra đời, ca khúc được xem là một khởi đầu tốt đẹp cho dòng bolero tân nhạc của Việt Nam. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng trên thị trường băng đĩa, được mở hát trên các đài phát thanh đã tạo nên một trào lưu âm nhạc rầm rộ. “Duyên Quê” được các khán thính giả yêu thích và đón nhận nhiệt tình sau giai đoạn tiền chiến, mở ra một cánh cửa huy hoàng cho nền âm nhạc trữ tình Việt Nam.

“Em gái vườn quê cuộc đời trong trắng.

Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

Anh biết mặt em một chiều bên thềm

giọng hò êm đềm và đôi mắt em lóng lánh sau rèm.

Ai hát ngoài ao chừng ngồi giặt áo

giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng.

Anh cuốc vườn sau mặt trời trên đầu.

Ruộng vườn lên màu vì em ước mong đây đó chung lòng…..”

Hình ảnh người em gái nhỏ nơi vườn quê thanh bình, trải qua một cuộc đời yên ả và ấm êm. Quanh năm lao động tảo tần, “dầm mưa dãi nắng” nơi cánh đồng bát ngát cánh cò bay, nhưng cũng từ đó mà em biết thế nào là yêu, thế nào là rung động thiếu nữ. Trong ánh mắt em chưa vướng bụi đời, vẫn thanh khiết và ngọt ngào như vì sao đêm lấp lánh. Giọng hò câu hát ngọt ngào đã làm ngây ngất biết bao chàng nhà quê, và chàng lính chiến khu sau một chuyến thăm quê cũng lỡ đánh mất trái tim vì điệu hát của nàng.

Người ngoài ao giặt áo, câu hò cứ vang mãi xa xăm, từng câu từng chữ như đang rót mật vào lòng người trai ấy. Vừa làm vườn, vừa du dương thưởng thức, vừa ngắm nhìn cô nàng xinh xinh, chàng cứ ngỡ mình đang lạc vào tiên cảnh. Nếu một ngày đôi lứa nên duyên, anh làm vườn còn em thì giặt áo, mình cùng nhau có một mái nhà nho nhỏ bên sông, chúng ta cùng chung một lòng dựng xây tương lai với đầy mộng ước.

Duyên Quê (Hoàng Thi Thơ) — Trà Mi | MV Nhạc Vàng Xưa Bất Hủ Hollywood Night

“….Gió xao ao bèo em thương anh

không kể là giàu nghèo miễn rằng tình đặng sơn keo.

Núi cao em cũng trèo sông sâu em cũng lội

vạn đèo em cũng qua.

Gió lay cành đa anh thương

anh thương em thật thà.

Mưa lay hoa cà.

Da em quá mặn mà và thương bao giọt mồ hôi

đẹp má mặn môi…..”

Tình yêu nơi làng quê nhỏ vừa đẹp lại vừa trong sáng, trong toan tính thiệt hơn, không màng giàu nghèo danh lợi, chỉ cần anh có em và em cũng thương anh là đủ. Tình sẽ gắn bó như keo sơn nếu hai người có cùng chung chí hướng, cùng đồng hành và san sẻ trên con đường tương lai sắp tới. “Núi cao em cũng trèo, sông sâu em cũng lội, vạn đèo em cũng qua” – Phải yêu thương đến nhường nào thì người con gái ấy mới có thể thốt nên câu thề trăm năm khắc nghiệt như vậy. Và để đáp lại lời ngỏ chân thành và dễ thương ấy, chàng chiến sĩ cũng mở rộng tấm lòng mình để đón chào dáng hình nhỏ nơi miền quê xinh đẹp.

Chân thật và chất phát là những đức tính đặc trưng của người dân quê, họ hiếu khách và cởi mở, chẳng bao giờ biết suy tính hơn thua nên làm ai ai cũng thấy dễ chịu khi được chung sống, được nói chuyện và vui chơi. Và chàng chiến sĩ cũng thương người em bé nhỏ nơi vùng quê ấy bởi bản tính thật thà và nét đẹp xinh thiếu nữ. Không phải vẻ đẹp son phấn mà là vẻ đẹp lao động, “da em quá mặn mà và thương bao giọt mồ hôi đẹp má mặn môi”, một nét đẹp mà chẳng người dân thành thị nào có được.

Âm hưởng dân gian trong ca khúc nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ | Hội Nhạc Sĩ

“…Dăm miếng trầu cay một buồng cau trắng

một buồng cau trắng

mà duyên đôi ta nên vợ thành chồng.

Một túp lều tranh một vừng trăng tròn

một vừng trăng tròn

mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng.

Cho đến ngày mai dù mưa hay nắng,

lòng ta vẫn thắng

mà đôi chúng ta xây dựng đời này.

Ta có bàn tay một tình yêu này

một đời sum vầy

thì đâu khó chi lấp biển vá trời.”

Vài ba miếng trầu đặt cùng với buồng cau trắng cũng đủ sính lễ để rước nàng về dinh. Một túp lều tranh hai trái tim vàng đã vẹn được hạnh phúc lứa đôi. Một ánh trăng tròn và những vì tinh tú trên bầu trời đêm đã minh chứng cho tình yêu như mơ như thơ của đôi trẻ. Đơn giản nhưng hạnh phúc, nhẹ nhàng nhưng cũng rất ngọt ngào, đây lại chính là mong ước của biết bao cặp đôi thời chiến loạn. Chàng biên thùy – nàng hậu phương – chiến sự hung hiểm chẳng biết khi nào mới họp mặt, không biết bao giờ mới hết cảnh gặp rồi chia trong những chuyến về phép vội.

Một lời ước định lứa đôi làm ấm lòng người thiếu nữ và làm vững lòng chàng chiến sĩ phương xa. “Cho đến ngày mai dù mưa hay nắng, lòng ta vẫn thắng, mà đôi chúng ta xây dựng đời này” – Không gì có thể ngăn cản được đôi trẻ tiến tới hạnh phúc, dù trời mưa hay nắng, dù hòa bình hay chinh chiến thì cả hai cũng quyết giữ vững tim, tin tưởng vào tình yêu dành cho đối phương. Tay nắm chặt tay, hai con tim đập cùng một nhịp, cả đời sẽ yên vui và trọn vẹn, dù có lên núi đao hay xuống biển đầu thì vợ chồng đồng lòng “vá trời” có khó chi.

“Duyên Quê” là một trong những ca khúc thuộc tuyển tập tình yêu quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong bài hát, ta nhìn thấy phong cảnh hữu tình, nhìn thấy tình yêu ngọt ngào và nhìn thấy được tương lai tươi sáng của những đôi uyên ương. Cả một thời niên thiếu của Hoàng Thi Thơ đã trôi qua tại làng quê xinh đẹp Bích Khê nên ông đã mang tất cả những nét đẹp đó cùng với tình cảm nồng cháy trong trái tim mình để vẽ nên bức tranh thanh bình với những con người và cái kết đẹp. Từng là người chiến sĩ chống giặc, nên ngoài tình yêu dành cho quê hương Tổ quốc, ông còn gửi gắm vào âm nhạc những mộng ước về sự toàn thắng của đất nước. Vì chỉ có khi chiến sự kết thúc, quê hương non sông mới có thể lấy lại vẻ đẹp vốn có, mới lại xuất hiện trong thi ca bằng một nét huyền diệu mộng mơ.

Em gái vườn quê cuộc đời trong trắng.
Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.
Anh biết mặt em một chiều bên thềm
giọng hò êm đềm và đôi mắt em lóng lánh sau rèm.

Ai hát ngoài ao chừng ngồi giặt áo
giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng.
Anh cuốc vườn sau mặt trời trên đầu.
Ruộng vườn lên màu vì em ước mong đây đó chung lòng.

Gió xao ao bèo em thương anh
không kể là giàu nghèo miễn rằng tình đặng sơn keo.
Núi cao em cũng trèo sông sâu em cũng lội
vạn đèo em cũng qua.

Gió lay cành đa anh thương
anh thương em thật thà.
Mưa lay hoa cà.
Da em quá mặn mà và thương bao giọt mồ hôi
đẹp má mặn môi.

Dăm miếng trầu cay một buồng cau trắng
một buồng cau trắng
mà duyên đôi ta nên vợ thành chồng.
Một túp lều tranh một vừng trăng tròn
một vừng trăng tròn
mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng.

Cho đến ngày mai dù mưa hay nắng,
lòng ta vẫn thắng
mà đôi chúng ta xây dựng đời này.
Ta có bàn tay một tình yêu này
một đời sum vầy
thì đâu khó chi lấp biển vá trời.