Ngô Thụy Miên là một trong những người nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Ông cùng với Từ Công Phụng là hai trong số nhiều nhạc sĩ dành trọn đời cho sự nghiệp viết tình ca. Ngô Thụy Miên từng chia sẻ, với ông chiến tranh chỉ là một giai đoạn, còn tình yêu mới là vĩnh cửu và ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp, ông đã định sẵn cho mình con đường tình ca trường kỳ. Mỗi một người nhạc sĩ luôn có một phong cách riêng trong lối suy nghĩ để viết về tình yêu và trong Ngô Thụy Miên – tình yêu dù có là chia lìa hay tan vỡ thì nó vẫn nhẹ nhàng và trong sáng. Ông không mong cầu mọi người biết đến ông như một ông hoàng hay “vua” trong một thể loại nào cả, chỉ xin được nhớ đến như một người viết nhạc Tình ca không hơn không kém.
“Dấu Tình Sầu” là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, được lấy cảm hứng từ một câu chuyện và của một cô gái có thật trong cuộc sống của ông. Giáng Ngọc – Một nữ sinh trường trung học nổi tiếng tại Sài Thành với mái tóc dài đặc biệt buông xõa, tung bay theo tà áo dài trắng học trò tinh khôi. Lúc đấy, ông vẫn chỉ là một chàng sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô có một nét đẹp kiêu sa và lãng mạn, dù có ba mươi năm trôi qua, dù tất cả đã trôi vào quên lãng thì bóng hình của người con gái ấy vẫn lưu dấu mãi trong lòng của Ngô Thụy Miên và trở thành nguồn cảm hứng cho ông viết ra nhiều tình khúc bất tử như “Dấu tình sầu”, “Giáng Ngọc”,….
“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm.
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần.
Lời ru đan ngón tay buồn
Ngàn năm cho giá băng hồn
Tuổi gầy nồng lên màu mắt…”
Chiều hoàng hôn, cái nắng gay gắt ban trưa được thay bằng những tia nắng nhạt nhẹ nhàng, những con gió miên man như an ủi, như xoa dịu. Trong khung cảnh hiu quạnh đấy, người trai trong ca khúc đã lần tìm “dấu bước chân” em trên con đường mòn năm cũ, lối đi đó em đã lê bước qua biết bao nhiêu lần nhưng giờ sao chẳng còn trông thấy. Những cái đan tay thật chặt, những chạm ủi an trong trời đông giá lạnh hay những yêu thương…dường như cũng đang mờ dần. Chính năm tháng đã chồng chéo lên vết tích ấy, xóa hết dần những ký ức về em trong tâm trí anh.
Hoàng hôn là sự kết thúc của một ngày, luôn gợi cho người ta những cảm giác buồn bã và chút vương vấn về một điều gì đó. Có những dự định chưa kịp thực hiện hay những điều chưa thể bộc bạch cùng ai. Và trong bài hát này, chính là những hoài niệm được gợi lên bởi khung cảnh lãng mạn lại u buồn.
“….Trời còn mây tím để lá mơ nhiều.
Lá khóc trên mi cho môi ươm sầu.
Chiều lên đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương cho gót dâng sầu
Giận hờn xin ngập lối đi….”
Nhìn đi, những cành lá mơ dường như nhiều hơn, dày hơn và hình như chúng đang “khóc”, khóc cho một mối tình vương ưu sầu, giọt lệ kia vẫn đang đọng nơi khóe môi xinh ấy. Nhạc sĩ đang nhân cách hóa cho những chiếc lá mơ thay cho hình ảnh của người thiếu nữ năm nào, cô vẫn còn nhỏ bé, vẫn chưa chịu được những tổn thương trong tình yêu, vẫn còn hay dỗi hờn vì những câu chuyện vu vơ để rồi vương u sầu lên từng gót chân nhỏ nhắn.
Hoàng hôn như một cổ máy thời gian, nó có thể đưa ta trở lại những giây phút đã qua trong quá khứ, ở bất kỳ thời điểm nào mà ta lựa chọn để hồi tưởng, để đắm chìm và để mơ mộng. Khi chiều hoàng hôn, những ánh nắng chỉ còn le lói và áng mấy cũng đang chuyển dần sang màu tím thơ mộng cũng chính là lúc cảm xúc trong chúng ta dâng trào.
“….Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn.
Từ khi gió mang đấu địa đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn…
Người còn nhớ mãi hay quên lời….”
Cảnh buồn người cũng chẳng vui, cảnh hoàng hôn vốn đã u sầu lại thêm tiếng đàn “phong kín tuổi buồn”, càng khiến lòng người cô liêu. Từng chiều buồn nghe tiếng đàn văng vẳng nơi xa, những chiếc lá thu rơi như tìm về nguồn cội, con người trong cảnh hoang vắng cũng muốn quay trở lại thời không mà khơi gợi lại những nỗi thương hờn.
Nơi “địa đàng” hạnh phúc và sung sướng vĩnh cửu, luôn là điểm dừng chân mơ ước của rất nhiều đôi nhân tình. Theo nghĩa đen, nó chính là nơi khi người sống thiện mất sẽ được đưa đến đó, còn trong tình yêu, nó chính là kết cục viên mãn để đôi nhân tình được bên nhau đến “thiên trường địa cửu”. Nhưng không phải đôi uyên ương nào cũng được như ý nguyện, đôi tình lữ trong bài hát đã bị “đường lên đá che vết nồng nàn…”, con đường đi đến hạnh phúc lại vì thử thách mà chắn ngang nên giờ đây đôi ngã chia đôi đường. Nhưng liệu người có còn nhớ những hoài niệm cũ, hay người đã xem nó như gió thoảng mà cuốn trôi đi…?
“….Và người tìm đến giọng hát mơ hồ.
Vết bước năm xưa nay vương âm thầm.
Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi tình yêu vào lãng quên…….”
Người ta thường nói người mang nỗi sầu không nên ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn, càng ngắm sẽ càng buồn, càng đắm chìm sẽ càng nhung nhớ nhưng lại chẳng thể nào cưỡng lại được. Trong giọng hát mơ hồ của khoảng trời vắng lặng như đưa ta quay trở lại chiều hôm ấy, thời điểm mà ta từng có nhau, từng bên nhau và cũng từng hạnh phúc. Tưởng thời gian đã mang đoạn tình ấy vào sâu trong miền ký ức, nhưng chẳng ngờ “vết bước năm xưa nay vương âm thầm”. Nhìn những hàng cây mơ đang soi bóng mình trên đường trong cái nắng nhẹ nhàng của buổi chiều lại nhớ đến những ký ức thời niên thiếu. Nhớ khi ta gọi người, nhớ khi quyết định đưa tình yêu vào quá khứ để quên lãng – Nhưng dường như chẳng thể.
Ca khúc “Dấu Tình Sầu” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tuy có sự man mác buồn cho một kỷ niệm tình yêu đã qua, nhưng lại không mang đến cho người nghe quá nhiều sự ưu thương hay mất mác. Mà hơn hết chính là sự hoài niệm, hoài niệm về một mối tình dẫu đã cũ nhưng khi lạc bước trên một cung đường quen thuộc hay ngắm nhìn một buổi chiều nhung nhớ thì những dấu yêu xưa chợt hiện về như một thước phim quay chậm.
Với Ngô Thụy Miên, viết nhạc không phải để duy trì cuộc sống, không phải vì miếng cơm manh áo mà lao đầu vào sáng tác. Mà với ông, sống để viết nhạc, viết nên những câu chuyện tình bằng giai điệu du dương, viết bằng cảm xúc bằng sự chân thành trong lòng người nhạc sĩ. Vậy nên những tình khúc của ông không hề có mục đích thương mại, chẳng có sự gò bó hay ép buộc, nó hoàn toàn tự nhiên như dòng chảy theo tiếng lòng của người nhạc sĩ.
Chiều còn vương nắng để gió đi tìm.
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần.
Lời ru đan ngón tay buồn
Ngàn năm cho giá băng hồn
Tuổi gầy nồng lên màu mắt…
Trời còn mây tím để lá mơ nhiều.
Lá khóc trên mi cho môi ươm sầu.
Chiều lên đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương cho gót dâng sầu
Giận hờn xin ngập lối đi.
Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn.
Từ khi gió mang đấu địa đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn…
Người còn nhớ mãi hay quên lời.
Và người tìm đến giọng hát mơ hồ.
Vết bước năm xưa nay vương âm thầm.
Hàng cây mơ bóng bên đường
Gọi người khi nắng phai tàn
Gọi tình yêu vào lãng quên…….