Vào những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của cặp song ca Lê Uyên và Phương trên sân khấu Sài Gòn lập tức được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Cặp đôi trình bày những ca khúc do chính mình sáng tác dưới bút danh Lê Uyên Phương và kể từ đó trong làng nhạc miền Nam, dòng nhạc Lê Uyên Phương có một chỗ đứng độc tôn, khác biệt với tất cả. Đó là một loại nhạc của sự cuồng mê, cuả những đôi tình nhân quấn quít bên nhau và cả sự chia lìa được báo trước. Những bài hát rất nồng nàn nhưng cũng đầy khắc khoải đó được chính nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết về cuộc tình của ông và người vợ tâm giao, người bạn tri kỉ, người đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường – danh ca Lê Uyên. Sáng tác của Lê Uyên Phương không nhiều (chỉ khoảng 40 ca khúc) nhưng hơn nửa thế kỷ qua những nhạc phẩm ấy luôn in đậm trong lòng người nghe như: Vũng lầy của chúng ta, Dạ khúc cho tình nhân, Bài ca hạnh ngộ, Cho lần cuối, Tình khúc cho em, …
Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1941 tại Đà Lạt, cũng là nơi ông lớn lên và gắn bó phần lớn thời gian của cuộc đời mình khi còn ở trong nước. Cha của Lê Minh Lập mang họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên ông phải đổi thành họ Lê. Mẹ ông là Công Tôn Nữ Phương Nhi, bà là con gái thứ 9 của vua Thành Thái. Trong thời kỳ loạn lạc, ông làm thất lạc giấy tờ nên phải làm lại giấy khai sinh hai lần, do sự bất cẩn của nhân viên làm giấy tờ nhầm tên thành Lê Minh Lộc rồi sau đó là Lê Văn Lộc.
Năm 1960, Lê Minh Lập sáng tác ca khúc đầu tiên mang tên “Buồn đến bao giờ” được viết tại Pleiku, khi ông dạy học tại đó và ký tên là Lê Uyên Phương. Bút danh này được biết là do ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ là Công Tôn Nữ Phương Nhi ghép với tên của mối tình đầu tiên của ông là Uyên mà thành.
Trời phú cho Lê Uyên Phương có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, ông đánh đàn hay và viết ca khúc giỏi nhưng lại bắt ông gánh chịu căn bệnh hiểm nghèo ngay từ khi rất trẻ: nhiều khối u mọc trên cơ thể ông, ông không nói ra nhiều người nhầm tưởng ông bị ung thư xương và có thể sẽ giã từ cõi đời bất cứ lúc nào. Cũng có lẽ vì chính nỗi đau trong thân xác ấy đã tạo cho âm nhạc của Lê Uyên Phương những nét riêng biệt, như tiếng gào thét từ trong tận đáy lòng và một nỗi buồn da diết.
Năm 1968, định mệnh sắp đặt, đã mang đến cho Lê Uyên Phương một người con gái Sài Gòn xinh đẹp, gốc Hoa (cha Hải Nam, mẹ Triều Châu). Cô tên là Lâm Phúc Anh, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1952. Lâm Phúc Anh là con gái của một gia đình thương gia thuộc dạng giàu có ở vùng Chợ Lớn, họ là chủ một hãng xe chạy đường Sài Gòn ra các tỉnh miền Trung. Năm ấy Lâm Phúc Anh vừa tròn 16 tuổi, cô xinh đẹp, đài các, rất lãng mạn, cũng đầy cá tính và có năng khiếu âm nhạc.
Vì nhà có điều kiện, nên Lâm Phúc Anh được gia đình gửi lên Đà Lạt học trường Virgo Maria – một trường Tây sang trọng lúc bấy giờ. Tại đây, cô gặp thầy giáo dạy Triết học – Lê Uyên Phương – lớn hơn mình 11 tuổi – ở nơi thành phố sương mù. Nhìn dáng vẻ và khuôn mặt đầy chất nghệ sĩ của người thầy giáo này, Lâm Phúc Anh đã trúng tiếng sét ái tình với ông khi nghe ông đàn. Khi biết Lê Uyên Phương mắc bệnh nan y, cô càng thương ông da diết. Lúc bấy giờ, nhà của Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh ở sát nhau – số 18 và 22 Võ Tánh, thành phố Đà Lạt. Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu họ yêu nhau và tính đến chuyện dài lâu. Nhưng gia đình Lâm Phúc Anh ra sức ngăn cản, cha mẹ Phúc Anh đưa cô về lại Sài Gòn để chia cách đôi tình nhân trẻ. Không cam tâm trước số phận và vì quá nhớ người yêu nên Lê Uyên Phương thường tới Sài Gòn và nơi họ thường xuyên gặp gỡ nhau là ở nhà ga xe lửa. Cũng trong thời gian này Lê Uyên Phương cho ra đời một trong những ca khúc bất hủ của ông đó là “Khi loài thú xa nhau”. Sau bao cách trở thì họ cũng đến được với nhau và kết hôn vào khoảng cuối năm 1968, đầu năm 1969.
Lâm Phúc Anh từng tâm sự: “Tôi yêu Lê Uyên Phương vì tài năng, sự hiền lành, đạo đức và tấm lòng nhân ái, rộng lượng của anh. Nhưng tha thiết hơn cả là con người nghệ sĩ và căn bệnh hiểm nghèo mà anh mắc phải. Cuộc tình của chúng tôi rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn bởi không biết ngày nào đó sẽ vĩnh viễn mất nhau vì cái chết luôn rình rập”.
Đầu năm 1970, nhà thơ Đỗ Quý Toàn từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp với anh em hướng đạo sinh, lúc này một người thân của Lê Uyên Phương cho ông Toàn nghe một băng cassette do Lê Uyên Phương thu tại nhà. Sau khi nghe xong cuốn băng nhận ra tài năng của Lê Uyên Phương, ông Toàn đã gặp mặt và nói với Lê Uyên Phương rằng: “Bất cứ lúc nào anh xuống Sài Gòn thì gặp tôi”. Trong kỳ nghỉ Tết, Lê Uyên Phương đã cùng vợ xuống Sài Gòn và gặp lại Đỗ Quý Toàn. Ông Toàn đã giới thiệu Lê Uyên Phương với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, một người hoạt động phong trào văn nghệ sinh viên. Ông Yến tổ chức cho Lê Uyên Phương một buổi biểu diễn đầu tiên tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Lúc này, có nhiều phóng viên hỏi Lê Uyên Phương là ai? Lê Uyên Phương buột miệng chỉ vợ rồi nói: “Đây là Lê Uyên. Còn tôi là Phương”. Và kể từ đó Lâm Phúc Anh gắn liền với nghệ danh Lê Uyên. Lúc hai người song ca được gọi là Lê Uyên và Phương. Chính Lâm Phúc Anh cũng không muốn lấy tên thật của mình hay bất cứ tên nào khác làm nghệ danh, cô muốn mình là Lê Uyên để cùng với Phương gắn kết suốt đời, Lê Uyên chính là một phần của Lê Uyên Phương.Nếu ai đã từng biết về cặp đôi nghệ sĩ này chắc hẳn cũng hiểu rõ một quy ước, đó là nếu viết là Lê Uyên Phương, thì hiểu đó là tên của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, dòng nhạc Lê Uyên Phương. Còn ví như viết là Lê Uyên & Phương (hoặc Lê Uyên và Phương), thì công chúng sẽ hiểu đó là đôi vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh, họ đi hát với nghệ danh là Lê Uyên & Phương.
Chương trình du ca diễn ra trong vòng 19 ngày, đôi vợ chồng Lê Uyên & Phương biểu diễn liên tục các show cho sinh viên Văn khoa, Luật khoa, Sư Phạm, Y Khoa, rồi tới Đài Truyền hình Việt Nam lẫn quán cà phê Con Nai Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. Chính nhờ vậy mà Lê Uyên & Phương được đông đảo công chúng biết đến và họ có được hợp đồng biểu diễn tại 5 phòng trà Sài Gòn, mỗi đêm hát thù lao là 5000 đồng cho mỗi điểm biểu diễn 3 bài trong vòng bốn năm. Đó là số tiền khá lớn vào thời điểm bấy giờ đối với Lê Uyên Phương, bởi lẽ khi còn là giáo viên ở Đà Lạt, ông chỉ có đồng lương là 5, 6 ngàn mỗi tháng.
Từ Đà Lạt đến Sài Gòn, Lê Uyên Phương đã mang tới một luồng gió mới cho tân nhạc Việt Nam với những ca khúc hết sức nồng nàn mà khắc khoải của tình yêu đôi lứa và đậm nét chủ nghĩa hiện sinh, tiêu biểu như: Bài Ca Hạnh Ngộ, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Lời Gọi Chân Mây, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em… được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét về nhạc của Lê Uyên Phương giống như là tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để được yêu thương trong thanh bình nhưng lại bất lực trước thực tại.
Mỗi một ca khúc của Lê Uyên Phương đều mang cảm thức hạnh phúc lẫn chia lìa. Bởi theo chính Lê Uyên Phương thì tình yêu của một chàng thanh niên ở độ tuổi 27, 28 mang trong mình căn bệnh quái ác không biết ra đi lúc nào, với một cô gái phơi phới tuổi mới lớn như Lâm Phúc Anh, đối với ông là quá lớn.
Khi còn ở trong nước vào những năm 1970, Lê Uyên Phương đã phát hành được 2 tập nhạc là “Khi Loài Thú Xa Nhau” và “Yêu Nhau Khi Còn Thơ”, ở bìa sau của tập nhạc phát hành năm 1970, nhạc sĩ Cung Tiến đã ghi lời giới thiệu về nhạc Lê Uyên Phương như sau: “Chỉ một lần nghe, ta cũng có thể cảm thấy ngay đó là những khúc ca được sáng tác với cảm hứng âm nhạc đích thực, nhưng đó là một cảm giác không làm dáng và cũng không làm ra quá đáng, mà độ lượng, như là cố ý cầm lại vừa với tầm ngậm ngùi, ngao ngán của kiếp sống… Tiếng nói mới đó, những “chansons de sanglot” đó, không biểu tỏ gì khác hơn là hạnh phúc ái tình giống như một hòn đảo mịt mù sương trong cơn giông thời đại. Bởi vậy mà ta nghe thấy nhiều đau đớn, nhiều nức nở đến thế. Chẳng phải là niềm đau mê man, mà là niềm đau sáng suốt: mắt mở thật lớn, ta nhìn nó đi thẳng vào tim ta đau nhói. Đó là tại sao những melodies đau đớn của PHƯƠNG – nơi ta có lẽ đã bắt lại được một machochisme huy hoàng – luôn luôn ở mode majeur. Cái “buồn majeur” là cái buồn sâu thẳm nhất trong âm nhạc có chủ âm. Và đó chính là “thú đau thương” đơn và thuần vậy…”
Năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời Việt Nam và đến định cư tại miền Nam California, Hoa Kỳ, đây cũng chính là nơi ra đời của hai cô con gái Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My của hai vợ chồng.
Năm 1984,1985 Lê Uyên gặp biến cố khi bị trúng đạn lạc từ hai băng đảng thanh toán nhau nên phải ngừng biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc hải ngoại. Khoảng thời gian điều trị và sau khi Lê Uyên đã lành bệnh, cả hai vợ chồng yên lặng sắp xếp lại cuộc sống chứ không phải chia tay như nhiều lời đồn thổi. Lê Uyên đã nhiều lần khẳng định với báo giới như sau: “Tin đồn này xảy đến khi tôi vô tình bị trúng đạn từ một cuộc đấu súng của dân du đãng trước quán cà phê mình. Vết thương lúc ấy rất nặng. Tôi phải mất bốn năm để bình phục. Truyền thông ở hải ngoại khi ấy thêu dệt rằng hôn nhân của tôi và chồng rạn vỡ. Có đầy đủ bằng chứng trong tay nhưng không được minh oan, tôi rất bức xúc, chỉ có thể nói được với anh Phương. Chồng tôi khi ấy đã can ngăn: “ Cứ im lặng là tốt nhất bởi mình không thể phân trần hết với mọi người””.
Trong những ngày Lê Uyên cận kề với cái chết, 19 ngày liền cô mê man trên giường bệnh. Lúc này người túc trực duy nhất lo lắng và chăm sóc cho cô chính là người chồng – người nhạc sĩ lãng mạn Lê Uyên Phương. Chứng kiến những cơn đau đớn, chứng kiến lằn sống mong manh của vợ trong gang tấc cận kề, Lê Uyên Phương đã viết nên ca khúc “Cho lần cuối”.
Ngày 29 tháng 6 năm 1999, Lê uyên Phương mất vì bệnh ung thư phổi tại bệnh viện UCI (University of California, Irvine). Trước khi ra đi mãi mãi, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã căn dặn vợ: “Nếu anh có mệnh hệ nào em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn”. Và cho đến bây giờ, Lê Uyên vẫn đang làm điều mà chồng cô đã giao phó.
Nhạc của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương mang tính đặc thù riêng như ca từ đẹp và những đoạn melody thử thách người hát nên không phải ca sĩ nào cũng có thể trình bày tốt được sáng tác của ông. Hầu hết các sáng tác của ông là viết về cuộc tình của chính ông với vợ mình, về những trăn trở và lo lắng cho cuộc sống hai người. Thế nên nếu người ca sĩ nào không hiểu rõ được nhạc của vị nhạc sĩ này sẽ không thể hiện được cái hồn của ca khúc. Chính danh ca Thái Châu cũng chia sẻ: “Bất cứ bài hát nào anh Lê Uyên Phương cũng cho vào những nốt đặc thù như thăng, nốt giáng, ca sĩ thể hiện đến đoạn đó phải cố gắng hát đúng nốt, giữ cảm xúc của nhạc sĩ, lẫn tinh thần bài hát xuyên suốt. Đây là thử thách đặt ra cho bất cứ ai thể hiện dòng nhạc của Lê Uyên Phương. Ngoài ra, các bài hát hầu như đều về chuyện tình Lê Uyên và Phương”.