Kho tàng dân ca Việt Nam có vô vàn những bài hát mang chất trữ tình đằm thắm. Trong đó bài hát “Nụ Tầm Xuân” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc là một ví dụ điển hình về nghệ thuật trữ tình, tự sự giãi bày, đối đáp nhẹ nhàng, những thi liệu quen thuộc…
Đã có rất nhiều bài thơ hay ca dao được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở thành những ca khúc nổi tiếng mãi về sau và “Nụ Tầm Xuân” là một trong những ca khúc như thế. Ca khúc “Nụ Tầm Xuân” mang nét thơ mộng, đưa người nghe về với khung cảnh thuần Việt ngày xưa. Nhờ có chất lãng tử của một người trẻ tuổi, sôi động, phiêu bạt khắp nơi, trải nghiệm và lĩnh hội bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền Việt Nam mà những điệu hò ru đó đã hòa vào âm nhạc của ông một cách tự nhiên.
Trèo lên lên trèo lên lên cây bưởi… Hái… hoa.
Bước ra ra vườn cà hái nụ… Tầm… Xuân…
Hai câu đầu bài hát chỉ với một từ “trèo lên” được hát cao dần, cao dần từng bậc tới gần hai quãng tám, âm sắc ngày một sáng hơn rồi lại nhẹ nhàng êm ái ở những câu tiếp theo. Điệu nhạc văng vẳng, rung động lòng người, khiến cho ta có cảm giác như đang ngắm một bức tranh lụa về mùa xuân quê hương mà lòng thấy thổn thức nhớ nhung.
Ca khúc “Nụ Tầm Xuân” như là một câu chuyện dài về một tình yêu dang dở, với những nỗi khổ đau, nuối tiếc trong tình cảnh éo le của người trong cuộc. Họ đang ngỏ lòng, đang dằn vặt mình và trách cứ người kia bởi khoảng cách giữa họ cứ xa dần, nhạt dần khi yêu nhau mà không dám nói để rồi phải day dứt mãi khôn nguôi khi một người bước theo chồng bỏ lại người kia ngẩn ngơ hối tiếc. Rất nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng cũng thật trĩu nặng với bao tâm sự tiếc nuối, xót xa. Bài ca dao được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
Trèo lên, lên trèo lên, trèo lên
lên trèo lên, lên cây bưởi hái hoa
Bước ra, ra vườn cà, bước ra
ra vườn cà, cà hái nụ tầm .. xuân
Nụ tầm xuân ơi, ơi nụ tầm xuân
Nở ra xanh biếc em lấy chồng,
em đi lấy chồng
Anh tiếc, tiếc lắm thay!
Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi chàng ơi, nào khó?
Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi, chàng ơi khó gì?
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Những ngày em còn thơ
Giờ đây, đây giờ đây, giờ đây, đây giờ đây
Em đã, đã có chồng như chim, chim vào lồng
Như cá ngậm mồi câu
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, biết thuở nào ra?
Tình cảnh, tâm trạng thực tại của chàng trai và cô gái trước mối tình dở dang được thể hiện bằng những giai điệu dặt dìu, khắc khoải, có thể là vì một lý do nào đó, chàng trai thầm yêu cô gái ấy nhưng chưa kịp thổ lộ thì cô gái ấy đã đi lấy chồng.
Nhành hoa bưởi trắng tinh, một nụ tầm xuân xanh biếc, một hàng bưởi, một vườn cà… không gian thật dân dã, chất phác, gần gũi biết bao. Nhưng có vẻ như tác giả chỉ đang mượn những hình ảnh ấy để bày tỏ một điều gì đó, vì có chút vu vơ trong những động tác: trèo lên, bước xuống, hái hoa, hái nụ của chàng. Thật ra, tác giả có dụng ý ở đây, những hành động của chàng trai giống như đang tìm kiếm, khát vọng một điều đẹp đẽ, cố gắng vươn tới tình yêu mà chàng luôn chờ đợi. Bởi vậy nên dường như tâm trạng của chàng trai trong bài ca dao là tâm trạng của một người đã yêu và được yêu nhưng phải xót xa nhìn cảnh “người yêu đi lấy chồng”.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thái Thanh trình bày.
Nếu nghe kĩ chúng ta sẽ nhận ra có chút khó hiểu trong những câu hát trên. Tại sao chàng lại phải trèo lên cây bưởi mà hái hoa? Rồi lại bước xuống vườn cà một cách dễ dàng, giữa vườn cà lại có nụ tầm xuân? Càng khó hiểu hơn nữa là nụ tầm xuân sao lại có màu xanh biếc?
Trên thực tế, hoa tầm xuân không hề có màu xanh. Sách thuốc Nam của ông Lê Trần Đức có ghi rõ đặc điểm nổi bật của hoa tầm xuân: Hoa nhỏ, màu đỏ, trắng hay hồng…
Sự độc đáo, tinh tế của tác giả nằm ở đây. Những điều vô lý đó tưởng như là bất thường với lẽ tự nhiên nhưng lại hợp lý với lòng người trong hoàn cảnh đó. Hành động “trèo lên”, “bước xuống” của chàng trai thật sự diễn ra trong vô thức, là tâm trạng rối bời xui khiến chàng như vậy. Màu xanh biếc đó chẳng phải là màu của tầm xuân nữa, mà đó là màu của tâm trạng, màu của ảo giác. Không còn là màu hồng rực rỡ khi yêu hay màu nắng chan hòa từ năng lượng của tình yêu nữa. Từ “biếc” trong đây có âm điệu nhức nhối vút lên trong cái âm hưởng mênh mang trầm tư theo khúc ngâm của cả đoạn nhạc.
Những lời tâm tình của chàng trai ở bốn câu đầu là sự tiếc nuối, tâm trạng rối bời, vô định. Trong khi đó, những câu tiếp theo sau là lời trách móc của cô gái vì chàng trai đã quá thờ ơ, chậm trễ. Vì chàng đã bỏ lỡ, đã không chủ động để đến hôm nay ta phải ngậm ngùi chia xa, cô gái nói với giọng điệu thẳng thừng, kéo chàng về thực tại, đối mặt với hiện thực là ta đã không còn cơ hội, và chính chàng là người đánh mất. Mớ trầu cay là ranh giới giữa xưa và nay, tự do và ràng buộc trong cuộc đời tình duyên của cô gái. “Những ngày còn không” là những ngày cô chưa lấy chồng, ranh giới đó mỏng manh chỉ cần “ba đồng” là mọi chuyện đã khác. Nhưng nay ranh giới đó thành bất khả xâm phạm.
Không biết cô gái hiện tại có hạnh phúc không, và không biết thuở xưa cô có thực sự có tình ý với chàng hay không. Nhưng các hình ảnh “chim vào lồng”, “cá cắn câu” cho thấy rằng cô không toại nguyện với thực tại, cô thèm khát tự do, cô sẵn sàng làm lại nếu có thể. Nhưng sự ràng buộc của đạo lí lại nghiệt ngã đến nỗi chuyện làm lại từ đầu rất mơ hồ ngay từ trong ý định, “biết đâu mà gỡ”, “biết thuở nào ra”, nỗi tuyệt vọng, buông xuôi không nói nên lời.
Hình ảnh nụ tầm xuân trong bài hát tượng trưng cho cô gái trẻ đẹp chưa có chồng, cũng là vẻ đẹp giá trị và những giai đoạn thanh xuân của đời người. Nhạc phẩm “Nụ Tầm Xuân” đã thực sự trở thành một trong những viên ngọc sáng giá của âm nhạc Việt Nam.
Trèo lên, lên trèo lên,
Trèo lên, lên trèo lên,
lên cây bưởi hái hoa
Bước ra, ra vườn cà,
bước ra, ra vườn cà,
cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân, ơi nụ tầm xuân
Nở ra, xanh (ơ) biết
Em lấy chồng, em đi lấy chồng
Anh tiếc, tiếc lắm thay!
Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi chàng hỡi, nào khó?
Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi, khó gì?
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Những ngày em còn không?
Giờ đây, đây giờ đây
Giờ đây, đây giờ đây
Đây em đã có chồng
Em đã, đã có chồng
Như chim, chim vào lồng
Như cá ngậm mồi câu
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, biết thuở nào ra