Minh Kỳ sinh năm 1930 mất năm 1975 tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, ông gốc người Huế, nhưng ông sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa. Theo gia phả của nhà Nguyễn, Minh Kỳ là cháu 6 đời của vua Minh Mạng, có vai vế ngang vua Bảo Đại. Bài hát “NĂM CỤM NÚI QUÊ HƯƠNG” được Minh Kỳ sáng tác theo ý của bài thơ cùng tên của nhà Thơ Tường Linh, một nhà thơ viết về đề tài quê hương, nơi ông sinh sống đó là tỉnh Quảng Nam.
“NĂM CỤM NÚI QUÊ HƯƠNG” là một bài hát đặc biệt khi lấy đề tài thương binh làm cảm hứng sáng tác, một đề tài mà khi nhắc đến khiến cho người nghe có một cảm giác rùng mình, đau xót khi tưởng tượng đến. Hình tượng thương binh trong ca khúc của Minh Kỳ rất khác, những vết thương của người lính không chỉ về mặt thể xác mà còn nhiều điều khác, nhiều sự đau đớn của người lính ra trận.
“Chiều nay có người thương binh
Trở về thăm quê quán với một bàn tay còn lại
Quê hương anh mấy ải đèo xa
Chiều thơ êm ả câu hò
Ngũ hành năm cụm núi xanh lơ
……
Niềm vui chờ đón quê nhà
Thư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngay
Tình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hương
Ôi năm cụm núi quê hương”
Mở đầu bài hát là hình ảnh một người lính quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” sau một khoảng thời gian xả thân vì quê hương đất nước của mình. Anh quay về trong một buổi chiều tà, một khung cảnh thật buồn. Đó là khung cảnh cuối ngày, là hình ảnh biểu trưng cho sự kết thúc và có lẽ điều kết thúc đó không chỉ đơn giản là trôi hết một ngày mà còn là sự kết thúc dành cho anh thương binh. Để nói lên sự khổ đau, những thương tích của người lính, Minh Kỳ đã miêu tả hình ảnh đầu tiên đó chính là nỗi đau về mặt thể xác “Trở về thăm quê quán với một bàn tay còn lại”. Câu hát “quê hương anh mấy ải đèo xa” không chỉ xa xôi về khoảng cách, nó xa xôi vì những khó khăn mà anh đã đối mặt, những điều anh cố gắng nỗ lực có thể bỏ lại mạng sống bản thân để có thể trở về quê hương. Những nỗi đau về thể xác đã phần nào được chữa lành khi anh về lại quê hương, khi anh nghe thấy tiếng hát quê hương, nhìn thấy “năm cụm núi” hình ảnh thân thuộc quê hương.
Người lính không chỉ phải chịu đựng vết thương từ da thịt, có lẽ vết thương họ cảm thấy đau nhất đó là vết thương khi phải rời xa gia đình. Người lính trong bài hát của Minh Kỳ không chỉ phải lìa xa gia đình của anh, mà anh còn nỗi đau không thể nào gặp lại cha mình, dù anh đã cố gắng giữ gìn sự sống bản thân chỉ để có thể quay về với người thân. Trước khi người chiến sĩ ra đi, mẹ anh vẫn còn trẻ, bà vẫn còn đó một mái tóc đen huyền. Nhưng khi anh quay về, “Mẹ anh bây giờ đã già” hình ảnh người mẹ mà anh nhớ trong ký ức thật khác xa so với hiện tại. Thời gian đã giết chết mọi thứ, quê hương anh cũng vậy “ngũ hành năm cụm núi xanh xanh” nhưng gia đình anh bây giờ chỉ còn lại hoài niệm. “Trái nam trân” hay còn được gọi là trái bòn bon một loại quả ở Quảng Nam dùng để tiến vua Triều Nguyễn, một hình ảnh đặc trưng cho quê hương của anh thương binh. Ẩn ý của Mình Kỳ muốn nói rằng quê hương mà anh mong mỏi quay về đã không còn lại hình ảnh như trước. “Mây giăng nhiều trên đỉnh hải vân” có lẽ đây là một câu hát mà Minh Kỳ muốn miêu tả tâm trạng của người thương binh, một tâm trạng rối bời và chất chứa đau thương.
Khi anh trở về quê nhà với đôi bàn tay không còn trọn vẹn, khi anh quay về với những kỷ niệm đau thương có lẽ chiến tranh cũng đã theo anh. Nó theo anh trong hình dáng thân xác, trong tâm tư suy nghĩ và trong cuộc sống hằng ngày. Đây có lẽ là điều đau khổ nhất mà một người thương binh phải chịu đựng. Nhưng những gì anh hy sinh đó chính là sự đánh đổi cho quê hương của anh, anh mất đi bàn tay để quê hương anh được yên bình. Mất đi một ngón tay để năm cụm ngũ hành quê hương anh luôn giữ mãi màu xanh.
Những câu hát cuối cùng là những điều mà Minh Kỳ cũng như anh thương binh kỳ vọng đó là một tương lai tốt đẹp hơn. Dù tay anh đã không còn anh vẫn cố gắng viết thư cho người yêu bằng bàn tay trái. Có lẽ đây là một điều đau khổ khi nét chữ của anh bây giờ không còn ngay hàng nữa, nhưng cũng thật may mắn khi anh vẫn còn được viết vẫn giữ lại cho bản thân mình một tình yêu mãnh liệt. Những trang thư này sẽ mở ra một chuyện tình tươi đẹp và bền vững như quê hương anh, đó sẽ là khởi đầu của một tương lai tươi sáng. “Ôi năm cụm núi quê hương” là một câu hát xao xuyến, đây là lý do mà người thương binh xung phong ra tiền tuyến, cũng là câu hát cuối cùng của bài hát coi như là một lời ngưỡng mộ mà Minh Kỳ trao tặng cho người lính một tinh thần hy sinh mãnh liệt cho mảnh đất quê hương.
Dù bài thơ và bài hát là hình tượng hai người lính đối lập nhau qua hai bên chiến tuyến nhưng ta vẫn có thể biết được rằng dù thế nào họ vẫn sẽ có một kết cục không tốt đẹp. Chiến tranh chỉ mang đến cho ta những đau buồn, có lẽ với họ đau buồn hay trả giá cho nụ cười của Tổ quốc là lẽ phải. Một bài hát cảm thông cho số phận người lính, hiểu được rằng hòa bình tự do nào cũng phải trả một cái giá rất đắt.
Trích lời bài hát:
Chiều nay có người thương binh
Đi về thăm quê quán với một bàn tay còn lại
Quê hương anh mấy ải đèo xa chiều xưa êm ả câu hò
Ngũ Hành năm cụm núi xa mờ.
Buồn vui Ngoại kể em nghe
Ngày xưa Mẹ cùng Cha trai lành gái đảm thương nhau
Vì nghèo duyên đôi lứa mẹ già cho lấy nhau
Đám cưới nghèo buồng cau ly trầu.
ĐK:
Rồi mai anh trở về Cha anh không còn nữa
Mẹ anh bây giờ đã già
Ngũ Hành năm cụm núi xanh xanh
Xa rồi một trái Nam trần
Mây giăng nhiều trên đỉnh Hải Vân.
Chiều nay có người thương binh
Đi về với bàn tay năm ngón như đi về với cuộc chiến chinh
Anh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lành
Một ngón tay dâng một cụm ngũ hành.
Niềm vui chờ đón tương lai
Thư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngay
Tình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hương
Ôi năm cụm núi quê hương…!!!!