Chúng ta ít nhất một lần được nghe những ca khúc nổi tiếng như “Hồng Ngự mang tên em” hay “Giã từ” của cố nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Nhưng đó chỉ là hai bài hát trong số rất nhiều bài mà cố nhạc sĩ đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà. Và trong số rất nhiều nhạc khúc ấy, không thể không kể đến nhạc khúc “Chiếc xuồng”. Nhạc khúc “Chiếc xuồng” là một bản tình ca “rất lạ”, nhạc khúc xoay quanh hình ảnh chiếc xuồng nhỏ trên dòng nước ngược xuôi, nhưng ẩn sau đó là một chuyện tình buồn.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (1944 – 2017) sinh ra tại Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc mà ngày nay là tỉnh Đồng Tháp. Tô Thanh Tùng là nhạc sĩ nhạc vàng đầu tiên trong nước sau năm 1975 dám phát hành album nhạc ca ngợi quê hương. Album bị nhiều người cho là “Nhạc vàng đội mồ sống dậy” nhưng vẫn được Sở Văn hóa, Thông tin Đồng Tháp đồng ý cho phát hành. Ông tiếp tục sáng tác nhạc quê hương (Giăng câu 1, 2,…), trong đó có bài Tình ca và đất năm 1988, đã được nhận giải Nhì cuộc bình chọn những bài hát viết về nông nghiệp hay nhất thế kỷ 20 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009).
“Chiếc Xuồng” là một bản tình ca lấy cảm hứng từ sự chông chênh khi chèo xuồng, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng mượn hình ảnh đó để nói về chuyện tình cảm của chàng trai và cô gái.
Chiếc xuồng trên bến chông chênh
Chiếc xuồng lúc lắc; em nghiêng bên ấy
Em nghiêng bên ấy, anh nghiêng bên này
Chiếc cuồng phía trước em bơi
Còn anh sau lái, còn anh sau lái
Chèo quay lòng vòng
Mở đầu bài hát là hình ảnh chèo xuồng của chàng trai và cô gái. Hình ảnh hóm hỉnh của hai con người đang cố gắng chèo lái chiếc xuống “chông chênh”, “lúc lắc”, “em nghiêng bên ấy, anh nghiêng bên này”. Có thể đây là lần đầu họ trải nghiệm cảm giác chèo xuồng trên bến. Tuy không có kinh nghiệm, nhưng cả hai vẫn rất cố gắng phối hợp cùng nhau chèo lái con xuồng, và thành quả là “chèo quay vòng vòng”. Tuy lời hát không có âm thanh của tiếng cười, nhưng vẫn mang nét hóm hỉnh, vui tươi và tràn ngập của đôi trẻ.
Nhìn lên bờ bến lanh quanh
Nhìn xuống dòng nước trong xanh
Gió đưa mây thời mây theo gió
Nắng nghiêng nghiêng bóng ngã xế tà
Họ đàn chim ríu rít hoang ca
Trên chiếc xuồng bềnh bồng đôi ta.
Cùng ngồi trên chiếc xuồng quay vòng vòng ấy, họ cùng nhau ngắm nhìn mọi cảnh sắc xung quanh. Còn gì lãng mạn hơn khi chèo xuồng trên bến, anh và em, chúng ta cùng bên nhau, lắng nghe những cơn gió thổi, ngắm nhìn “bến lanh quanh”, dưới là dòng nước trong xanh, trên là những đám mây trôi theo gió. Trong khoảng trời bao la ấy, chúng ta lắng nghe những tiếng chim “ríu rít hoang ca”. Và khi đó, chỉ có đôi ta trên chiếc xuồng “bềnh bồng”. Thời gian như lắng đọng, bài hát như đang thêu vẽ bức tranh hữu tình hạnh phúc đôi trẻ.
Chiếc xuồng ba lá tí teo
Chiếc xuồng lúc lắc; đi theo con nước
Ði vô nước lớn, đi ra nước ròng
Chiếc xuồng bơi tới bơi lui
Nhìn ai chẳng thấy, nhìn ai chẳng thấy
Lùi vô bụi bờ
Nhưng chiếc xuồng ba lá tí teo ấy thì sao có thể chịu được những cơn nước lớn, cơn nước ròng. Trước những cơn nước ấy, chiếc xuồng nhỏ bé chỉ có thể “bơi tới bơi lui” , “nhìn ai chẳng thấy, lùi vô bụi bờ”. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không chỉ là một người nhạc sĩ tài hoa mà còn một là một người vô cùng tinh tế. Ông đã mượn hình ảnh chiếc xuồng nhỏ ấy để nói về tình cảm của con người. Chiếc xuồng nhỏ ấy như tình yêu của “đôi ta”, chiếc xuống tí teo giữa cơn nước lớn, nước rồng như tình cảm mong manh của chúng ta trước những “cơn nước” của vận mệnh. Chúng ta cố níu kéo, cố gắng hàn gắn mối tình này nhưng rồi cũng đành buông lơi đôi tay nhau, mà nói câu chia ly. Cũng như chiếc xuồng ấy, chiếc xuồng nhỏ bé cố gắng bơi tới bơi lui nhưng vẫn không tránh khỏi vận mệnh “lùi vô bụi bờ”.
Tìm em giờ ở nơi đâu
Chỉ nghe ngọn gió lao xao
Bến sông xưa người đi kẻ nhớ
Bến sông này hết đợi hết chờ
Chiếc xuồng con năm tháng chơi vơi
Ơi chiếc xuồng bồng bềnh trong tôi
Nếu ở những đoạn trước, tác giả mượn hình ảnh chiếc xuồng để nói về tình yêu, thì giờ đây, tác giả đã bộc lộ hết mọi nỗi niềm qua câu tự vấn “Tìm em giờ ở nơi đâu”. Cuộc tình ta kết thúc, anh biết tìm lại em ở nơi đâu, khi giờ đây, vẫn bến sông ngày nào, vẫn ngọn gió lao xao nhưng đã cảnh còn người mất “Bến sông xưa người đi kẻ nhớ. Bến sông này hết đợi hết chờ”. Chiếc xuồng ngày nào chứng kiến cho chuyện tình đẹp của đôi ta giờ chỉ nằm “chơi vơi” theo năm tháng. Chiếc xuồng vẫn nằm đó, anh vẫn ở đây, nhưng lại không có em. Mất đi em lòng anh cũng trống vắng, cô đơn như “chiếc xuồng bồng bềnh”.
Chuyện tình yêu đâu ai biết trước được, ngày nào chúng ta còn hạnh phúc trên chiếc xuồng ấy, nhưng giờ đây, chỉ còn mình anh ôm nỗi nhớ đợi chờ. Còn người ra đi nào còn nhớ những kỷ niệm xưa cũ. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã thật khéo léo khi mượn hình ảnh chênh chênh của chiếc xuồng nhỏ giữa bến sông để nói về tình yêu giữa những trắc trở của cuộc sống. Người nhạc sĩ ấy đã mượn những điều bình dị nhất khi nói về tình yêu. Câu từ da diết mà mượt mà nhưng vẫn khắc sâu nơi người nghe về một chuyện tình dang dở…
Trích lời bài hát Chiếc Xuồng:
Chiếc xuồng trên bến chông chênh
Chiếc xuồng lúc lắc; em nghiêng bên ấy
Em nghiêng bên ấy, anh nghiêng bên này
Chiếc cuồng phía trước em bơi
Còn anh sau lái, còn anh sau lái
Chèo quay lòng vòng
Nhìn lên bờ bến lanh quanh
Nhìn xuống dòng nước trong xanh
Gió đưa mây thời mây theo gió
Nắng nghiêng nghiêng bóng ngã xế tà
Họ đàn chim ríu rít hoang ca
Trên chiếc xuồng bềnh bồng đôi ta ./.
Chiếc xuồng ba lá tí teo
Chiếc xuồng lúc lắc; đi theo con nước
Ði vô nước lớn, đi ra nước ròng
Chiếc xuồng bơi tới bơi lui
Nhìn ai chẳng thấy, nhìn ai chẳng thấy
Lùi vô bụi bờ
Tìm em giờ ở nơi đâu
Chỉ nghe ngọn gió lao xao
Bến sông xưa người đi kẻ nhớ
Bến sông này hết đợi hết chờ
Chiếc xuồng con năm tháng chơi vơi
Ơi chiếc xuồng bồng bềnh trong tôi