Nghĩa An Hội Quán (miếu Quan Đế) – Kiến trúc văn hóa Triều Châu nổi bậc ở khu phố người Hoa Sài Gòn

Đăng ngày 20/07/2024

Sài Gòn được xem là “hòn ngọc Viễn Đông” một phần do mảnh đất đất có sự giao thoa giữa nhiều nên văn hóa cả trong lẫn ngoài nước. Trong tất cả đó, phải kể đến sự phát triển một cách rộng rãi của cộng đồng người Hoa nói chung và người Triều Châu nói riêng. Khi di cư đến Việt Nam, người Triều Châu đã mang theo rất nhiều hành trang từ văn hóa của quê cha đất tổ, đặc biệt kể đến chính là tín ngưỡng thờ Quan Công vô cùng đặc sắc, nó đại biểu cho văn hóa tinh thần của người Hoa. Tại mảnh đất Sài Thành này, cái tinh thần tín ngưỡng đó, được thể hiện rõ nhất ở công trình kiến trúc: Nghĩa An Hội Quán.

Hội Quán Nghĩa An hay còn được gọi là Chùa Ông, Miếu Quan Đế, tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh – Đây là một trong những kiến trúc tôn giáo văn hóa của người Tiều, là ngôi chùa thờ vị thần Quan Công của người Hoa, một nhân vật trong thời Tam Quốc. Trong tín ngưỡng cũng như trong văn hóa của người Hoa, miếu thờ vị thần Quan Công chính là biểu hiện cho tấm lòng trung nghĩa “Chùa ông Quan Đế, chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở” và nó cũng là biểu trưng đặc biệt cho những người dân xa xứ với tấm lòng luôn hướng về quê hương xa xôi. biểu trưng cho tấm lòng luôn hướng về quê hương của những người con xa xứ.

Hội quán Nghĩa An - Kiến trúc Trung Hoa độc đáo giữa Sài Gòn

Người Hoa sinh sống tại Việt Nam rất nhiều, nhưng điển hình phải nhắc đến mảnh đất Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày xưa) với nhiều công trình kiến trúc và đặc biệt là những đền thờ, chùa miếu để thờ cúng những nhân vật như này. Họ xem đó là một cách đêtr bảo tồn được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên miền đất khách và Nghĩa An Hội Quán là một công trình rất đặc trưng, cũng rất riêng.

Có một bài hát của người Triều Châu được lưu truyền ở Sài Gòn ca tụng về tinh thần đoàn kết như sau:

“Dù đi đến nơi nào vẫn nhớ quê nhà,

Tình bên kia không làm bối rối lòng ta.

Nào ta hãy nắm tay nhau và ung dung đi trong cuộc đời,

Đầy sương gió chẳng chút lo lắng khi mình có nhau…”

Cái tên Nghĩa An Hội Quán là do người hoa gốc Triều Châu đặt nên như để tưởng nhớ về cội nguồn, gốc gác của bản thân. Từ cái thời xưa, khi còn ở Trung Quốc, họ sống tập trung và chủ yếu là ở Nghĩa An – một vùng đất thuộc Quảng Đông. Nhưng sau đó, theo chân của những người di cư thì một bộ phận đông đảo người Hoa đã phát triển trở thành một cộng đồng trên đất Sài Gòn và dựng nên một ngôi miếu thờ lấy tên là Hội Quán Nghĩa An vào khoảng trước thế kỷ XIX – xem đây là nơi hội họp, thờ cúng, tưởng nhớ và thể hiện văn hóa tâm linh.

Trong ngôi miếu này có thờ cúng một vị thần gọi là thần Quan Vũ – là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Đối với người Hoa, Quan Vũ là một người có tài năng, có võ nghệ dũng mãnh, can đảm, tôn sùng lễ giáo và hào hiệp trượng nghĩa. Vì vậy, miếu thờ này mới được lấy tên là Miếu Quân Đế. Thêm vào đó, đây cũng trở thành nơi hội họp của người Tiều nên lấy thêm cái tên là Nghĩa An Hội Quán (Nghĩa An là tên cũ của người Tiều để chỉ Triều Châu). Tuy nhiên, người dân quanh đây vẫn quen gọi nó là chùa Ông theo thói quen.

Hội quán Nghĩa An Sài Gòn: Kinh nghiệm tham quan từ A-Z

Theo học giả Vương Hồng Sển thì miếu Quan Đế đã được xây dựng từ những năm trước thế kỷ 19 nhưng phải đến giai đoạn 1819 – 1820 thì mới được xây cất hoàn thành và kiên cố như ngày nay. Trịnh Hoài Đức cùng từng nhắc đến ngoi miếu thờ này trong “Gia Định thành thông chí (Thành trì chí)” khi viết về chợ Sài Gòn xưa của năm 1820: “Đầu phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và 3 hội quán Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu… Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỳ xảo…”

Hoặc trong “Gia Định phú” của một tác giả khuyết danh (được biên soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh năm 1833) cũng có nhắc: “Chói chói bấy! chùa Ông Quan Đế, chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở…”

Ngoài ra, trong miếu cũng có một bia thạch được khắc chữ lớn nêu rõ bà Đỗ Thị – phu nhân của Tả quân Lê Văn Duyệt đã quyên cúng 200 quan tiền vào năm 1819 kèm theo một chiếc lưu hương bằng đồng được làm vào năm Đạo Quang thứ 5 (tức năm 1825).

Bước tới Nghĩa An Hội Quán chính là bước chân vào một mô hình kiến trúc đặc trung của người Hoa, như phần lớn các đền miếu khác, miếu Quan Đế (Nghĩa An Hội Quán) có kiến trúc hình chữ khẩu (囗) hay chữ quốc (国) với những giàn nhà khép kín được xây dựng vuông góc. Nhìn chung, kiến trúc và trang trí ở miếu thể hiện rõ nét phong cách Triều Châu qua thiết kế, qua màu sắc (màu đỏ là màu chủ đạo – bởi người Hoa quan niệm, màu đỏ đại diện cho sự may mắn). Tổng hợp tất cả, ta có thể dễ dàng nhận thấy được những giá trị nghệ thuật về thư pháp, chạm đá, chạm gỗ, ghép mảnh sành sứ,….ở những năm cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Amazing Vietnam: Hội quán Nghĩa An

Mái của ngôi miếu được chia hẳn làm ba cấp: phần chính giữa cao, còn hai bên thì được thiết kế thấp hơn đôi chút. còn gắn thêm bức tượng sành hình lưỡng long tranh châu vô cùng độc đáo và bắt mắt.

Nghĩa An Hội Quán sở hữu cho mình một khoảng sân rất rộng, gần 2000m2 ở phía trước, chiếm hơn phân nửa diện tích của toàn bộ khuôn viên. Những phần còn lại thì được chia ra là tiền điện, sân thiên tỉnh, chính điện và những văn phòng hội quán được xây dựng dọc hai bên điện thờ. Khi bước chân vào hai cổng lớn để đến cửa miếu, ta sẽ bắt gặp ngay năm cặp lân lớn nhỏ được đúc bằng đá đặt đối xứng nhau. Đẹp hơn nửa là cặp “lân hàm châu” (lân ngậm ngọc) chầu hai bên cửa, như một sự chào đón người đến viếng thăm. Phía trên, trước biển chữ “Nghĩa An hội quán” treo bức nghi môn làm năm 1903, chạm nổi cảnh sắc “Lục Quốc phong tướng”. Còn phía trên vách – nơi mặt tiền của hai bên cửa miếu được chạm chìm những dòng chữ Hán với sáu bức chạm cành trúc khác nhau tuyệt đẹp.

Khi bức chân vào tiền điện từ hướng sân ngoài, sẽ thấy ngay phần chính giữa tiền điện được bày ra một hương án, trên hương án là chiếc lư hương bằng đồng làm vào năm Đạo Quang thứ 5. Bên trái tiền điện thì đặt một chiếc bênh cao thờ Phúc Đức chính thần (trong quan niệm của phần lớn người Hoa thì đây là vị thần Bổn hay còn gọi là thần Thổ Địa). Bên trái có thêm một bức tượng Mã Đầu tướng quân (hình tượng người giữ ngựa Xích THố cho đức Quan Công) đứng bên cạnh là ngựa Xích Thố (được làm bằng gỗ với lớp sơn bên ngoài màu đỏ, cao trên 2m. Ngoài ra, ở đây còn có một quả chuông cao 39 cm, đường kính 46 cm, 2 bên đúc 2 đầu lân, đường nét tinh xảo, phía trước có hàng chữ “Quan Thánh đế quân”

Sân Thiên tỉnh (hiểu đại ý là giếng Trời) ở khoảng giữa chùa rộng rãi và khoáng đãng với những chậu cây cảnh. Đi dọc theo dãy hành lang dài của hai bên sân là những bức bia đá ghi niên đại trùng tu chùa cùng với danh sác liệt kê tên tuổi của những người đóng góp vào việc trùng tu chùa miếu.

Theo học giả Vương Hồng Sển, trong số bia ân nhân ấy có một thạch bia chữ lớn nêu rõ bà Đỗ Thị, phu nhân của Tả Quân Lê Văn Duyệt, quyên cúng hai trăm quan tiền thời đó (năm 1819) và một bia đá khắc kể rõ bảy phủ còn liệt kê tên phủ nên có thể thấy đây toàn là những bia cổ, liên quan nhiều đến lịch sử Sài Gòn.

Bên trong chính điện lại được thiết kế có phần nghiêm trang cùng những bức tượng thờ cùng cột gỗ cao treo đầy những câu đối, bao lam, hoành phi và khám thờ chạm trổ tinh tế. Ở phần giữa chính điện đương nhiên là gian thờ vị thần Quan Thánh đế quân (Quan Vũ) được trang trí bao lam lưỡng long tranh châu. Tượng làm bằng thạch cao sơn màu, cao 3 m, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng-hạc, mai điểu, mẫu đơn trĩ, Bát Tiên giao chiến với thủy quái…Hình tượng Quan Công được thể hiện trong miếu là những chi tiết trở thành quy ước: mặt đỏ, râu năm chòm dài đến ngực, tư thế đưa tay vuốt râu, đầu đội mão gắn kim hoa, mặc giáp trụ bên trong và áo bào xanh lá cây bên ngoài (hàm ý chỉ ông là một người văn võ song toàn, tài đức vẹn toàn). Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 2m.

Vì Quan Đế là vị thần được thờ cúng chính trong ngôi miếu này nên phần lớn những bức hoành phi đều là những câu đối chạm chữ Hán rất mỹ thuật ngợi ca tài năng cùng đức hạnh của ông (tổng có 50 bức hoành phi thì nói về ông đã chiếm hơn phân nửa): “Vạn cổ tinh huy” (Sao sáng muôn đời), “Thiên cổ nhất nhân” (Người xưa nay chỉ có một), “Nghĩa khí trung tâm nguy nguy đế đức tham thiên địa” (Khí nghĩa lòng trung, đức ngài cao sánh trời đất),……Ngoài ra, trong đây còn có một bài minh đề với nội dung là “Đạo Quang đệ thất niên ” (1827), chủ yếu là kể về những công đức mà Quan Đế đã để lại, được khắc chạm trên gỗ mạ vàng vô cùng tuyệt mỹ.

Hai bên tả hữu có gian thờ Thiên Hậu nguyên quân (tức Thiên Hậu Thánh mẫu) và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài). Tượng Bà Thiên Hậu bằng gỗ cao 60 cm, ngồi trên ghế chạm, theo hầu Bà có hai thị nữ và hai vị Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ. Thần Tài được thể hiện bằng tượng gỗ, cao 60 cm, cũng ngồi trên ghế chạm đầu rồng, hai bên có Chiêu Tài đồng tử đứng hầu. Bài trí ở hai gian thờ này giống nhau với bao lam chạm hình chim phượng hoàng và khám thờ chạm nhiều cảnh vật, như: vinh qui bái tổ, đánh cờ, chèo thuyền, giăng lưới, mục đồng cưỡi trâu, mai-điểu, trúc-điểu,…

Ở sát hai bên góc tường còn được đặt thêm hai bộ chuông đối xứng nhau, chuông bên trái thì được đúc bằng gang ở Phật trấn (thuộc khu vực Quảng Đông, Trung Quốc) vào năm Canh Tuất (tức là năm 1850). Phía chuông còn lại thì được đúc bằng hợp kim với hàng chữ nổi được chạm khắc tinh xảo “Gia Định tỉnh, Minh Hương xã, Tân Trường Châu, Nghĩa An hội quán…” (được biết, chiếc chuông này đã được Tân Trường Châu dâng cúng, phỏng chừng là được đúc ở những năm giữa thế kỷ XIX).

Hàng năm, người dân sẽ cùng nhau tổ chức những buổi lễ cúng bái vị thần Quan Đế vào ngày 24 tháng 6 (âm lịch) và rằm tháng giêng (lớn nhất). Ngoài ra, cũng kèm thêm những lễ cúng khác như lễ cúng Bà Thiên Hậu, cúng Phúc Đức chính thần,…..

Nghĩa An Hội Quán đã được bảo tồn một cách toàn vẹn nhất những nét văn hóa cổ xưa của người Trung Hoa ở Sài Gòn khi trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984 và mới đây nhất là vào năm 2010. Đây không chỉ là nơi chiêm bái của người Tiều tại Sài Gòn, mà còn là một công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật ở nửa cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Vì vậy, ngày 7 tháng 11 năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ký quyết định số 43-VH/QĐ công nhận ngôi miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.