“Loan Mắt Nhung” – Nhạc khúc phản ánh và phê phán lối sống thanh niên miền Nam trước 1975

Đăng ngày 20/07/2024

Phim truyện thường được viết dựa trên cuộc sống, mang đời vào phim để người xem có thể hiểu – cái tốt thì tiếp nối, cái xấu thì tránh xa. Trong số những bộ phim thuộc dòng hiện thực phản ánh và phê phán được đánh giá là tiến bộ của Điện Ảnh Sài Gòn trước năm 1975 không thể nào không kể đến tuyệt phẩm điện ảnh đình đám “Loan Mắt Nhung” của cố đạo diễn Lê Dân, được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Lúc đầu, bộ phim từng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm duyệt, nhưng sau cùng lại giành được phần thưởng “Phim truyện hay nhất” vào năm 1970. Bộ phim điển hình thể hiện thái độ phê phán lối sống ăn chơi của một bộ phận thanh niên miền Nam, cuối cùng lại đẩy chính bản thân vào kết cục bi thảm của cuộc đờiLoạn mắt nhung

Loan vốn là một anh chàng lương thiện nhưng cuộc sống khốn khổ, buộc Loan phải mạnh mẽ đương đầu để sinh tồn rồi bị xã hội đưa đẩy trở thành đàn anh trong giới đao búa. Khi còn lương thiện, Loan cũng có một mối tình đẹp với cô nàng bình thường. Vào với giang hồ, Loan liên tục thực hiện những phi vụ lớn, đánh cướp, buôn lậu,…không gì anh không làm, nhưng anh vẫn thầm mong có một ngày được trở về với cuộc sống thiện lương ngày xưa, được kề cạnh người con gái mình yêu. Nhưng sau đó, trong tình cảnh éo le, anh đã gặp lại người con gái ấy, nàng bị người hãm hại và giết chết. Trong sự đau khổ cùng tuyệt vọng, Loan nổi điên mà giết hết bọn du đãng rồi tự mình ra đầu thú cùng chính quyền, ân hận khi bản thân lãng phí tuổi trẻ cho những điều vô bổ. Bộ phim còn rất nhiều cảnh ăn chơi, sinh hoạt vũ trường của Sài Gòn trước năm 1975

Bài hát “Loan Mắt Nhung” gắn với điệu Blues nhè nhẹ sở trường của người nhạc sĩ tài hoa Huỳnh Anh cũng là nhạc chủ đề cho bộ phim cùng tên ấy, ca khúc dìu dắt hồn người nghe tản mạn theo từng bước chân của kẻ lạc loài cùng niềm đau số phận…Ca khúc nói về cuộc đời vốn dĩ bình thường của một thanh niên tên Loan – anh chàng có đôi mắt đen huyền, đẹp tựa nhung – nhưng đời anh lại chẳng đẹp như ánh mắt, bị hoàn cảnh đẩy đưa trở thành một du đãng có tiếng và phải chịu nhiều bi kịch. Cả bộ phim và bài hát “Loan Mắt Nhung” được khán giả yêu thích và đón nhận một cách nồng nhiệt, vì nó không chỉ hay mà còn nói lên chính xác thực trạng tăm tối trong xã hội phồn hoa của Sài Gòn trước năm 1975, phản ánh được lối sống sa đọa và thác loạn của một bộ phận thanh niên thời đó.Loan Mắt Nhung - Giới Thiệu Phim

“Đường vắng thưa bước chân buồn âm thầm

Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu

Giữa đêm sầu ngõ không màu, sống lạc loài thân đơn côi

Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay

Lòng phố khuya bước chân còn khua dài

Tìm về thơ ấu đếm ngày qua

Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình thêm cô liêu

Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê…..”

Sự khốn khổ của một số thành phần xã hội đã đẩy đưa họ vào con đường lạc lối, sự lạc lối ấy đôi khi lại hủy hoại cả một con người. Đến lúc nhận ra sai lầm của bản thân thì đã quá muộn màng, chẳng thể nào quay đầu để tìm về quá khứ mà mong ước “làm lại” mọi thứ.

Trên con đường vắng, chẳng thấy ngọn đèn đường soi sáng, chẳng thấy người người vui cười dạo phố, chỉ còn một thân một mình lê bước cô đơn. Lòng phố đêm khuya đang khua dài bóng người du đãng, anh đang tiếc hận khi “chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu”, khiến cho bản thân phải chịu nhiều cay đắng, mang trên mình bao tấn bi kịch. “Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê” – Không biết nên thương cho Loan tội nghiệp phải tự mình bươn chải mưu sinh trong xã hội hay trách Loan không biết chọn lối thoát để bản thân chìm sâu vào tội lỗi

“…..Xin yêu thương đến trong hồn côi

Ru cơn đau qua miền thương nhớ

Qua đêm xanh độc hành mang lẻ loi

Ôi xanh xao tiếng than hờn oán

Đêm kinh đô muôn màu ngả bóng

Một người tìm “Sao” mắt em!…”

Một người quá thiếu thốn tình cảm, đôi khi chỉ cần một chút yêu thương cũng làm cho người ấy cảm động đến lệ tuôn rơi. Như Loan – mang trong mình tâm hồn đơn côi và hiu quạnh, xung quanh chỉ toàn đao búa, chém giết lẫn nhau, chẳng chút tình người thì làm gì có được tình đời ngọt ngào như kẻ bình thường. Những vết thương chồng chất, không chỉ đau ở thể xác mà còn đau cả tâm hồn, bởi lúc đêm về, khi “qua đêm xanh độc hành mang lẻ loi” có ai xót thương cho thân anh tê tái. Có chăng chỉ là tiếng thở dài của chính bản thân trong đêm trường hiu quạnh, lời ai oán chỉ có mình anh nghe thấy, chẳng biết chia sẻ cùng ai.

Đôi mắt nhung đen tuyền, vốn đẹp như ánh sao trời, vốn nên trong sáng như vì tinh tú trong đêm tối. Nhưng vì dòng đời, vì hoàn cảnh xã hội tăm tối mà “đêm kinh đô muôn màu ngả bóng” ánh mắt anh cũng tối màu theo đêm, xung quanh chỉ còn mảng chém giết, là phạm tội, là toàn cảnh lao tù không lối thoát….Tiếc cho anh, tiếc cho bộ phận thanh niên sa đọa, tự bán bản thân cho quỷ dữ, đến sau cùng lại nuối tiếc một tuổi trẻ đã qua không hạnh phúc, không niềm vui.Cover Nhạc Việt: Sơn Tuyền CD 10 - Loan Mắt Nhung

“….Tình dở dang ước mơ vàng phai tàn

Nghìn thương trăm nhớ vẫn là mơ !

Tiếng nhạc sầu đã tan dần giữa đêm dài không trăng sao

Buông vòng tay sầu mang nuối tiếc

Chờ đợi duyên kiếp mai sau”

Xuân – Người con gái Loan đã từng yêu thương rất nhiều, đã có đôi lúc anh suy nghĩ sẽ vì cô mà “gác kiếm giang hồ”, trở về với cuộc sống lương thiện trước đó. Nhưng hiển nhiên là thể, đã dấng thân rồi thì làm gì còn đường lui. Nhưng chính cái chết của nàng đã khiến cho sợi dây hi vọng cuối cùng của anh đứt lìa, anh nổi điên, anh không thiết sinh mạng mà lao vào những cuộc chiến trả thù. Đến kết ngục tù quấn thân, lúc này cuộc đời anh cũng xem như chấm hết.

“Tình dở dang ước mơ vàng phai tàn, nghìn thương trăm nhớ vẫn là mơ!” – Đã từng mộng ước về một câu chuyện tình đẹp như bao người, đã từng nguyện cầu một hạnh phúc đến trăm năm. Nhưng choàng tỉnh lại nhận ra đó chỉ là mộng ảo, nghìn yêu thương cũng chỉ là mơ khi người chết, tình cũng như lá úa mà tàn lụi theo tháng năm. Từng đêm dài không trăng sao, tiếng vọng nơi xa của nhạc khúc sầu càng làm cho tâm hồn anh thêm hiu hắt, những nuối tiếc về một cuộc đời đã qua chẳng thể quay trở lại. Cũng như người thương ra đi chẳng thể quay về nên đành chờ, đành hẹn em ở “duyên kiếp mai sau”.

Ca khúc “Loan Mắt Nhung” đã diễn tả và khắc họa rõ nét nội tâm dằn xé của nhân vật Loan, nội tâm chứa đựng những ức chế, sự dồn nén những bất mãn về một xã hội rộng lớn nhưng lại chẳng có chỗ để anh dung thân. Từ thập niên 1990, mọi khán giả dường như phát cuồng vì những bộ phim xã hội đen của Hồng Kông, không chỉ người Việt mà thậm chí là toàn châu Á. Đến tận thời điểm hiện nay, dường như chủ đề này cũng chẳng hề có dấu hiệu lỗi thời, mà ngày càng được ưa chuộng. Khán giả luôn cảm thấy thích thú và tò mò khi những góc khuất về một xã hội nằm ngoài vòng pháp luật được phô bày rõ ràng trên màn ảnh, những cảnh tượng mạnh mẽ và hành động. Đây có thể là một trong những lý do khiến nhân vật Loan hay Đại Cathay cùng với ca khúc chủ đề “Loan Mắt Nhung” vẫn còn được ghi nhớ cho đến ngày nay.

Đường vắng thưa bước chân buồn âm thầm
Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu
Giữa đêm sầu ngõ không màu, sống lạc loài thân đơn côi
Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay
Lòng phố khuya bước chân còn khua dài
Tìm về thơ ấu đếm ngày qua
Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình thêm cô liêu
Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê

Xin yêu thương đến trong hồn côi
Ru cơn đau qua miền thương nhớ
Qua đêm xanh độc hành mang lẻ loi
Ôi xanh xao tiếng than hờn oán
Đêm kinh đô muôn màu ngã bóng
Một người tìm “Sao” mắt em!

Tình dở dang ước mơ vàng phai tàn
Nghìn thương trăm nhớ vẫn là mơ !
Tiếng nhạc sầu đã tan dần giữa đêm dài không trăng sao
Buông vòng tay sầu mang nuối tiếc
Chờ đợi duyên kiếp mai sau