Giống với nhiều nhạc sĩ khác, Cung Tiến cũng bị thu hút bởi nét thơ mộng của mùa thu và đặc biệt là nét thu Hà Nội. Hai khái niệm không bao giờ tách biệt: Hà Nội – Mùa Thu, bởi đã không biết bao nhiêu con người phải choáng ngợp trước cảnh tượng ấy, người ta xuýt xoa và xao xuyến, chỉ muốn hòa mình vào hương sắc của mùa thu xưa. Cung Tiến đã gửi gắm những nhung nhớ của bản thân vào nhạc khúc “Thu vàng” khi chỉ vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1953. Hoài niệm những ngày thơ ấu thơ nơi vùng đất lãng mạn ấy – “Tặng Hà Nội những ngày ấu thơ”.
Nhạc sĩ sáng tác rất ít, ngoài trừ “Thu vàng” và “Hoài cảm” được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác vào năm 1953 thì hầu hết những sản phẩm âm nhạc khác đều được viết sau năm 1954. Khi sáng tác nhạc khúc “Thu vàng”, Cung Tiến chỉ mới 15 tuổi, chắc vì thế mà mùa thu qua cảm nhận của nhạc sĩ lại “tinh khôi” như vậy. “Thu vàng” là “mùa thu đầu tiên”, là “mùa thu tinh khôi nhất trong nền âm nhạc”, trong sáng và trinh nguyên đến độ, người ta cần một thứ đồ món thật yêu thích và rũ bỏ hết mọi muộn phiền vẫn đang quấy phá tâm hồn để không vấy bẩn cải mùa thu của người thiếu niên tuổi măng non.
“Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương..”
Chỉ hai câu hát đầu tiên thôi mà người nghe đã có thể tưởng tượng được một cách rõ ràng khung cảnh cậu học trò nhỏ đang tung tăng và dạo bước trên con đường chiều một mình, cậu bé không hề buồn hay cô đơn khi rảo bước lặng lẽ mà dường như cậu đang tận hưởng cái tiết trời thu êm ả có hoàng hôn, có nắng chiếu tỏa mùi hương thu thoang thoảng. Mùa thu đi rồi lại đến, cứ mỗi năm mùa thu lại trở về theo guồng quay của quy luật, trong vòng tuần hoàn của thời gian, chưa bao giờ có sự thay đổi bởi chả bao giờ bạn thấy “mùa thu mất đi”. Cậu học trò nhỏ đã trải qua tận 14 cái mùa thu trong đời, nhưng đây chính là lần đầu tiên cậu có cái nhìn khác lạ đối với mùa thu, một cảnh sắc tươi đẹp và lãng mạn, sự quyến rũ của ánh thu khi hoàng hôn dần buông đã chiếm cứ lấy tâm hồn cậu ngay từ thuở ấy. Phải đến tận “chiều hôm qua” cậu mới có cảm nhận chân thật như thế, cậu cảm thấy “mùa thu về, tơ vàng vương vương” mang theo từng tia nắng óng ánh và vàng rượm đã tô điểm thêm một nét gợi cảm và lấp lánh cho mùa thu xinh đẹp. Chỉ bằng 4 chữ “tơ vàng vương vương” đã cho ta một bức họa âm nhạc vô cùng đặc sắc, nét yêu kiều khó có thể chối từ của mùa thu đối với một cậu bé chỉ vừa lớn.
Những cảnh sắc tưởng chừng quen thuộc nhưng bây giờ lại chính là thứ hấp dẫn ánh nhìn của cậu nhất, cậu bị hớp hồn bởi cảnh sắc vàng tươi và quyến rũ của mùa thu, nó dường như trở nên vô cùng mới lạ với cậu. Có lẽ, đây chính là lần đầu tiên trong suốt 15 năm tuổi trẻ cậu biết thế nào là “rung cảm trước cảnh sắc thiên nhiên”, cậu cảm nhận sự chuyển động của mùa thu thì lãng mạn đến ngậm ngùi chuyển mình sang đông, cậu biết tận hưởng cái không khí tràn ngập hương sắc đất trời như tinh hoa mà mùa thu ban tặng mỗi độ ghé thăm.
“….Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông.
Có nghe lá vàng não nề rơi không….”
“Buồn hiu hắt”, “nhớ bâng khuâng”, “lòng xa xôi”, “sầu mênh mông”, “não nề”,…đều là những cụm từ láy bộ bạch cảm xúc, diễn tả những rung cảm trong lòng của cậu bé tuổi mới lớn. Đây là lần đầu tiên trong suốt 15 năm cuộc đời, cậu cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi những cung bậc cảm xúc của bản thân, cảm nhận một cách rõ ràng và cậu hào hứng với điều đó. Không còn đơn thuần là những hình ảnh được cảm nhận bằng mắt nhìn thông thường, cậu học trò năm nào còn tận hưởng mùa thu tươi đẹp bằng tâm hồn – một tâm hồn khôi nguyên và trinh trắng.
Lang thang một mình trên cung đường quen thuộc, cảm nhận những cái mới lạ của đất trời, cậu bé không chỉ mang theo sự hứng khởi khi khám phá ra được một thiên đường mà còn xen lẫn chút tự hào “trẻ nhỏ”. Cậu ngang đặt một câu hỏi: “Có nghe lá vàng não nề rơi không?”, có ai nghe thấy không, chứ bản thân cậu đã nghe được thứ âm thanh đặc sắc ấy rồi đấy! Một sự “khoe khoang” nho nhỏ nhưng cũng đồng thời thách thức những đồng bạn, học có “giỏi” như mình không, có cảm nhận được những điều thú vị mà mình đã khám phá ra hay chưa?
“…..Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái….”
Đằng sự lớp áo khoác già dặn cùng những tâm sự “người lớn” thì tác giả vẫn chỉ là một cậu bé học trò nhỏ với những suy tư non nớt và hồn nhiên. Nét tinh nghịch vẫn được biểu lộ rõ ràng qua từng câu hát, ẩn chứa một chút thanh thoát và trong sáng đúng với lứa tuổi thiếu niên. Những câu gieo vần liên tiếp “tới, rơi, khơi” trong câu hát như một sự rượt đuổi của thời gian, những câu từ như tiếp thêm chút sinh khí mà đùa dai rượt đuổi nhau trong ca từ,…nhưng sau cùng lại mất dạng ở vần “tươi” cuối câu ba. Ở độ tuổi 15, Cung Tiến xứng đáng được khen ngợi là “thần đồng âm nhạc” khi có thể hát như chơi, chơi với ca từ, chơi với vần điệu, chơi với âm nhạc….
Đã không biết bao lần cậu học trò nhỏ dẫm đạp lên những chiếc lá vàng ven đường, nghe những âm thanh xào xạc, giòn tan,…rồi bỏ qua trong những cơn gió thoảng. Và có không ít lần cậu chứng kiến khung cảnh lãng mạn với ngàn lá vàng rơi rụng, nói lời tạm biệt với thân cây lớn. Nhưng đây chính là lần đầu tiên, cậu dừng lại khi thấy “lá vàng rơi”, từ từ khom người ngồi xuống để “nhặt lá vàng rơi” và chiêm nghiệm xem “màu lá còn tươi”. Đây là lần đầu tiên cậu thực sự cảm nhận mùa thu bằng tâm hồn, lần đầu tiên ngắm nghía thật kỹ những gam màu của lá vàng để rồi phát hiện ra một chân trời mới: Lá vàng rơi mang theo một màu “tê tái”. Một màu sắc không thể nào thấy bằng mắt người mà cần được cảm bằng con tim và tình yêu.
“…..Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương.”
Mùa thu trong thi ca luôn phủ lên mình một chiếc áo buồn, buồn vì tình, buồn vì chia xa, buồn vì rất nhiều thứ. Nhưng cái buồn, cái chán chường trong “Thu vàng” lại được một cậu bé 15 tuổi kể lại bằng một giọng điệu hồn nhiên và trẻ trung, tinh nghịch. Nó không phải là cái buồn được giấu kín trong tim, cũng không phải nỗi u uất trong lòng, mà nó mênh mông vô định, một sự xa xôi mà chính tác giả cũng không rõ. Nỗi buồn được bày tỏ một cách rõ ràng mà không hề che giấu trong ca khúc, nhưng cái mà ta có thể cảm nhận rõ hơn nữa chính là buồn nhưng không lụy, sầu nhưng không đau. Nó chỉ là cái nỗi “dở dở, ương ương” của cái lứa tuổi chưa trưởng thành, buồn giây trước, giây sau lại quên bẵng đi “tại sao mình buồn”, rồi lại hồn nhiên mà cười nói vô tư lự.
Chắc hẳn nhiều người sẽ thích phần kết của bài hát, bởi nó khép lại bằng một bức tranh với đầy đủ hương sắc, một sự dịu dàng và tinh khôi, xen lẫn là hương thơm dịu nhẹ của đất trời mùa thu. Bài hát như khiến người nghe lạc vào một mê cung huyền ảo, cứ quấn quýt mãi trong vòng luẩn quẩn tươi đẹp đó mà không tìm thấy lối ra.
Dù là trong lời bài hát, trong giai điệu hay nhịp điệu ca từ thì “Thu vàng” vẫn cho ta cảm nhận được sự hào hứng và xúc động của một cậu trai trẻ lần đầu biết thế nào là “rung cảm”. Cậu mang theo sự nhiệt huyết và tự nhiên để kể cho mọi người, không cần lý do chỉ cần biết bản thân muốn, bài hát trở nên tự nhiên và có hồn hơn bao giờ hết. Nếu nói những mùa thu khác của những tác giả khác mang theo hơi hướng buồn buồn, hoặc của Văn Cao trong “Mùa thu đầu tiên” là náo nức thì Cung Tiến lại mang người nghe trải nghiệm sự trinh nguyên và trong trẻo của một “Thu vàng” với tràn ngập hương trời lấp lánh.
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương
Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông.
Có nghe lá vàng não nề rơi không
Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương.