Được mệnh danh là nhạc sĩ năng nổ nhất của miền Nam với những bài nhạc ca ngợi quê hương, nhạc sĩ Thanh Sơn đã để lại cho nền âm nhạc âm nhạc nước nhà một gia sản đồ sộ và các ca khúc dân ca Nam bộ, với điệu hò, điệu ru quen thuộc như: “Hình Bóng quê nhà”, “Hành trình trên đất phù sa”, “Bạc Liêu hoài cổ”,… và không thể không kể đến nhạc khúc “Gợi nhớ quê hương”. “Gợi nhớ quê hương” là một bản dân ca đậm chất Nam bộ, với những điệu ru, câu hò. Nhạc khúc còn là một bức tranh về cảnh quê hương tươi đẹp qua hồi ức của tác giả.
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, ông sinh năm 1940 tại miền đất Sóc Trăng. Đi vào con đường nghệ thuật với vai trò là ca sĩ, nhưng với niềm đam mê sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn đã tự mình mày mò học sáng tác nhạc. Chính niềm đam mê, lòng yêu âm nhạc đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn đến với người mộ nhạc qua hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như: Nỗi buồn hoa phượng, Hoa Tím người xưa, Mùa hoa anh đào,… Nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác ở nhiều chủ đề khác nhau: Trước năm 1975, sáng tác của ông chủ yếu viết về mùa hè. Bắt đầu từ những thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đông đảo công chúng đón nhận. Nhưng đến năm 2011, ông bị tai biến mạch máu não. Sau một thời gian dài điều trị, đến tháng 4, năm 2012, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã ra đi trong muôn vàn tiếc thương của mọi người.
“Gợi nhớ quê hương” là một bản dân ca Nam bộ, nhạc khúc là bức tranh quê hương với hai mùa mưa nắng, với hình ảnh thôn nghèo bên lũy tre xanh.
Quê em hai mùa mưa nắng,
Hai thôn nghèo nối liền bờ đê,
Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè,
Như bức tranh gợi tình quê đậm đà.
Lời ru con tiếng võng đong đưa.
Ai chờ ai thương giòng nước u buồn.
Có thể nói, khác với những sáng tác về mùa hè, ở những sáng tác về quê hương, nhạc sĩ Thanh Sơn đã rất trao chuốt từ ngữ. Nên mọi câu từ trong nhạc khúc như một nét vẽ cho bức tranh quê. Quê hương hiện ra là một vùng đất có hai mùa mưa và nắng, là hình ảnh hai thôn nghèo có chung bờ đê. Quê hương với màu xanh của lũy tre, nghiêng bóng trong chiều hè. Quê hương với lời mẹ ru con, trên chiếc võng đong đưa với lời ru “ai chờ, ai thương giòng nước u buồn”. Qua nhạc khúc, quê hương hiện lên bằng mọi cảm nhận của giác quan. Có cái không khí của hai mùa mưa nắng, có màu xanh của lũy tre, màu của chiều hè, có lời mẹ ru con,… Tất cả những đặc trưng của quê hương như thu gọn trong vài câu hát.
Trăm năm nuôi tình khôn lớn
Quê hương là sữa mẹ đợi con.
Ruộng lúa nương dâu chân quen đường mòn,
Ôi khói lam chiều tình quê dạt dào,
À à ơi câu hò ca dao, như lời mẹ ru từ lúc ban đầu.
“Quê hương là sữa mẹ đợi con”, câu hát nghe sao dạt dào, thấm đẫm tình quê. Quê hương như người mẹ bao dung, luôn đợi con. Quê hương mà dù có trăm năm đi qua ta vẫn nhớ về. nơi mà ruộng lúa nương dâu quen đường mòn, nơi có khói lam chiều, mẹ già bên bếp lửa hồng. “à ơi câu hò ca dao, như lời mẹ ru từ lúc ban đầu”. Quê hương là vậy đó, một quê hương như lời mẹ ru, một quê hương bao dung chờ con về, một quê hương sao mà đẹp đà quá đỗi!
Ơi hò ơi ví dầu thương những con đò bên hàng dừa xanh,
Thương nhiều chiếc áo bà ba,
Vai nặng gánh lúa lúc tan chợ chiều,
Bên mái tranh nghèo nghe bìm bịp kêu nước lớn nước ròng…
Quê hương ấy còn có hình con đò nhỏ bên hàng dừa xanh, có cô lái đò với chiếc áo bà ba. Có đôi vai mẹ nặng gánh lúa lúc chợ tan. Một quê hương tuy nghèo nhưng thanh bình, yên ả. Tuổi thoe của con được lớn lên ở đây, “bên mái tranh nghèo nghe tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng…”
Sương đêm trăng rằm soi lúa
Âm thanh dầm giã gạo chày trôi,
Đẹp lắm quê hương thôn trăng tuyệt vời
Câu hát thay lời tình yêu ngọt bùi.
Dù xa xôi nhớ ngày trong nôi,
nghe tình quê hương gọi mãi trong đời.
Quê hương chưa đựng những kỷ niệm về những đêm rằm, trăng sáng rọi đòng lúa, đêm trăng vang lên những “âm thanh dầm giã gạo”. “Đẹp lắm quê hương thôn trăng tuyệt vời”, trăng chỉ có một, nhưng trăng quê hương luôn là vầng trăng đẹp nhất. Đẹp nhất vì ở đó có mẹ, có tuổi thơ, có những kỷ niệm khó phai mà dù có “xa xôi” con vẫn nhớ, vẫn nghe “tình quê hương gọi mãi trong đời”.
Quê hương đẹp trong từng câu hát, chan chứa tình yêu trong từng làn điệu hò ơi ví dầu. Và chất rằng, dù bạn chưa được đặc chân lên mảnh đất miền nam, chưa từng đến miền tây sông nước, nhưng vẫn có thể cảm nhận được không khí miền quê trong nahcj khúc “Gợi nhớ quê hương”. “Gợi nhớ quê hương”, đúng như tên gọi của bài hát, một bản dân ca gợi nhớ về một vùng quê nghèo nhưng thanh bình, hạnh phúc. Một bức tranh quê với tất cả đặc trưng của Nam bộ, từ câu hò điệu lý, đến khung cảnh tranh quê. Người nhạc sĩ đa tài Thanh Sơn đã thổi cả hồn, cả tình yêu quê hương xứ sở vào lời ca câu hát.
Trích lời bài hát Gợi Nhớ Quê Hương:
Quê em hai mùa mưa nắng,
Hai thôn nghèo nối liền bờ đê,
Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè,
Như bức tranh gợi tình quê đậm đà.
Lời ru con tiếng võng đong đưa.
Ai chờ ai thương giòng nước u buồn.
Trăm năm nuôi tình khôn lớn
Quê hương là sữa mẹ đợi con.
Ruộng lúa nương dâu chân quen đường mòn,
Ôi khói lam chiều tình quê dạt dào,
À à ơi câu hò ca dao, như lời mẹ ru từ lúc ban đầu.
Ơi hò ơi ví dầu thương những con đò bên hàng dừa xanh,
Thương nhiều chiếc áo bà ba,
Vai nặng gánh lúa lúc tan chợ chiều,
Bên mái tranh nghèo nghe bìm bịp kêo nước lớn nước ròng…
Sương đêm trăng rằm soi lúa
Âm thanh dầm giã gạo chày trôi,
Đẹp lắm quê hương thôn trăng tuyệt vời
Câu hát thay lời tình yêu ngọt bùi.
Dù xa xôi nhớ ngày trong nôi,
nghe tình quê hương gọi mãi trong đời.