Quay ngược thời gian trở về thời điểm năm 1973, cách đây gần 50 năm về trước, trang sử Việt Nam đã ghi nhận một bước ngoặt mới với đầy sự tự hào và hãnh diện – Hiệp định Paris (ở miền Nam còn gọi là Hiệp định Ba Lê) được ký kết thành công. Đây là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Lê Đức Thọ và Henry Kissinger chính là hai nhân vật chủ chốt trong cuộc đàm phán này, cả hai đều được đề nghị trao giải thưởng Nobel Hòa Bình vào cùng năm. Nhưng Lê Đức Thọ lại từ chối vì dường như chính ông cũng không biết thực hư về bản hiệp ước này sẽ đi về đâu. Hay như chính ông cho rằng việc nhận giải sẽ là một sự đánh đồng giữa kẻ xâm lược (Hoa Kỳ) với người bị xâm lược (nhân dân Việt Nam) và ông cũng nói rằng, ông sẽ nhận giải đó nếu nó chỉ được trao cho riêng mình ông chứ không mang ý nghĩa là một đại diện của bên kiến tạo hòa bình (nhân dân Việt Nam). Còn ông Kissinger thì yêu cầu đại sứ Mỹ tại Na Uy thay mặt mình nhận giải thưởng đó.
Và cũng trong niềm hân hoan khi hòa bình trên đất nước Việt Nam được lập lại, toàn bộ dân tộc ta đã vô cùng phấn khởi và muốn hòa chung cùng niềm vui Tổ quốc. Rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác các ca khúc trong thời điểm này để xem như một cách ăn mừng, ví như nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã cho ra đời nhạc khúc “Qua cơn mê” với niềm tâm sự rằng: “Tôi cũng như mọi người ở Việt Nam, tôi nghĩ là khi mà hòa bình đến thì mình coi như qua một cơn mê, mình trở về đi học lại, mình làm mọi thứ của tuổi trẻ mà mình đã không làm được vì phải nhập ngũ…”. Ngoài ra, riêng nhạc sĩ Nhật Ngân cũng gửi gắm đến khán thính giả tác phẩm âm nhạc tuyệt vời mang tên “Ngày đá đơm bông” (hợp tác cùng với nhạc sĩ Loan Thảo) và “Một mai giã từ vũ khí”.
“Ngày đá đơm bông” mang một cái tựa đề rất hay, đá thì làm sao mà có hoa được chứ đúng không, nhưng vẫn có một ngày nó đơm ra những nụ hoa xinh tươi và quyến rũ. Đồng nghĩa với chiến tranh trên đất nước ta, cứ ngỡ sẽ chỉ là giấc mộng hòa bình nhưng kỳ tích đã xảy ra cùng với sự cố gắng phấn đấu của hàng triệu con người không mệt mỏi, đẩy lùi được quân xâm lược, trả lại một đất nước yên bình.
“Buổi tối ngủ trên đồi hỏi hòn đá nhỏ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông?
Một dòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo
và con đò, và câu hò theo nước trôi xuôi…..”
Ngay từ những giai điệu đầu tiên của bài hát, người nghe đã có thể cảm nhận được một năng lượng tươi sáng và đầy nhiệt huyết như chính niềm vui và hân hoan nơi đất nước ta. Tạm biệt nhé những ngày chìm trong khói đạn, không còn nghe thấy tiếng súng nổ rền vang, cũng chẳng có những con người phải hy sinh nơi chiến trường hung hiểm. Tất cả đã được khép lại, hòa bình đã lập lại nơi quê hương, đất nước một lần nữa tái khởi trước sự chứng kiến của thế giới.
Sẽ nhiều hơn những buổi tối bình thản ngồi trên hòn non bộ nho nhỏ, ngắm nhìn bầu trời đêm lung linh ánh sao chứ không phải là sáng rực của những đóm hỏa châu. Hòa mình với thiên nhiên đất trời, trò chuyện đôi điều cùng với cỏ cây, hỏi han tâm tình với hòn đá nhỏ, hỏi xem: “Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông?”, nơi dòng sông đó sẽ có những cô em hay ngồi cất lên câu hò điệu lý mà vô tư giặt áo, cười đùa cùng nhau. Những câu hát thân thương và thân thuộc lại theo con nước trôi êm êm mà đi đến khắp vùng, lan tỏa những cảm xúc hân hoan đến mọi người.
“…..Buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?
Một miền quê trời hanh nắng ruộng khô cằn sỏi đá.
Đợi mưa về, đợi mưa về cho lúa đơm bông……”
Đêm đêm thì thanh bình dưới ánh trăng sáng tâm tình cùng ngàn sao, sáng sáng lại thả hồn trong từng đợt nắng ấm mà hỏi han rừng “ngàn lá đổ”, hỏi rằng: “Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?”, nơi quê hương có những cánh đồng lúa chín, nơi quê nhà có những ruộng khô cằn sỏi đá, có những nông dân đang còng lưng và miệt mài cày cuốc mong cầu sớm ngày ấm êm. Rồi sẽ nhanh thôi, nhanh có những đợt mưa về, nhanh hòa cùng với những tia nắng ấm để cho một vụ mùa bội thu, cho một mùa lúa đơm bông nặng trĩu, đáp đền công sức xứng đáng của người nông dân.
“…….Ơ… hớ… ơ… Quê mình giờ đây
con sông xưa thuyền có xuôi ngược.
Ơ… hớ… ơ… kẽo kẹt võng đưa.
Ơ… hớ… ơ… tiếng ru ngọt môi……”
Những câu “Ơ … hớ …. ơ” này đã quá đỗi thân thuộc rồi, nó luôn xuất hiện trong những câu hò câu hát miền sông nước, những âm thanh ngân vang như cất lên bao tình cảm với mảnh đất hình chữ S này. “Quê mình giờ đây” đã yên bình rồi, có thể bình bình thản thản mà ngắm nhìn những con nước êm mang con thuyền trôi xuôi ngược lối, có những tiếng cười đùa trên sông, có những tiếng rao thân quen,..có cả những tiếng kẽo kẹt của chiếc võng đong đưa và câu họ nghe sao quá êm ngọt nơi đầu môi của những người mẹ hiền.
“……Thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?
Ngày xưa đó mẹ ra đứng cười run làn tóc trắng.
Tre cuối làng, cầu sau vườn theo gió đong đưa…..”
Và rồi sẽ có những trưa hè ngồi ngóng gió mát hiu hiu mà mang luồng ký ức trở về ngày xưa cũ, tự hỏi bản thân: “Con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?”, cái ngày mà mẹ run run đôi vai gầy, bước chân liu xiu không vững đứng nơi mái hiên nhà, giang đôi tay nhỏ mà ôm lấy người con thân chinh chiến trận trở về. Tóc mẹ đã bạc, mắt mẹ đã mờ nhưng tinh thần vẫn còn rất minh mẫn, sức mẹ vẫn rất khỏe để đón lấy người con chinh y đang chạy nhanh từ phía cuối làng. Ngày đất nước yên bình, chiến tranh kết thúc, cả một vùng quê nơi ngoại ô cũng như hòa chung một niềm vui Tổ quốc, những vườn cau hàng tre cũng theo gió đong đưa mà đón chào người chiến sĩ trở lại…..
“…..Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?
Ngày vui đó bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.
Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông.”
Trở lại với thực tại vui mừng, con người ta vẫn còn đắm chìm trong nhạc khúc vui tươi nhưng cũng không quên tự nhủ: “Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?”, sẽ đến khi nào đất nước thật sự an yên, đến khi nào quân thù mới hoàn toàn rút khỏi nước ta, đến khi nào bầy chim sáo mới yên tâm mà rủ nhau về xây lại tổ ấm. Và đến khi nào thì những đợt mưa hạnh phúc mới trở về mà dâng những hạt mưa vui khiến cho đá kia cũng phải đơm bông? Mang theo niềm hy vọng mãnh liệt rằng ngày đó sẽ đến nhanh, dân ta đã cố gắng rồi, chờ đợi ngần ấy năm thì chỉ còn đôi chút há lại chẳng chờ được. Chỉ cần đồng lòng, chỉ cần chung sức thì kỳ tích sẽ xảy ra, cũng sẽ có ngày “đá đơm bông”.
“Ngày đá đơm bông”, niềm hân hoan chung của toàn dân tộc, niềm vui lớn của cả đất nước thân yêu. Bài hát gợi cho ta nhớ đến một câu nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, dân tộc ta cả việc đào núi và lấp biển còn làm được thì còn lạ gì việc có thể khiến đá nở hoa chứ
Buổi tối ngủ trên đồi hỏi hòn đá nhỏ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông?
Một dòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo
và con đò, và câu hò theo nước trôi xuôi.
Buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?
Một miền quê trời hanh nắng ruộng khô cằn sỏi đá.
Đợi mưa về, đợi mưa về cho lúa đơm bông.
Ơ… hớ… ơ… Quê mình giờ đây
con sông xưa thuyền có xuôi ngược.
Ơ… hớ… ơ… kẽo kẹt võng đưa.
Ơ… hớ… ơ… tiếng ru ngọt môi.
Thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?
Ngày xưa đó mẹ ra đứng cười run làn tóc trắng.
Tre cuối làng, cầu sau vườn theo gió đong đưa.
Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?
Ngày vui đó bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.
Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông.