Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Kim Tước

Đăng ngày 20/07/2024

Khi nhắc đến dòng nhạc tiền chiến chắc hẳn người yêu thích dòng nhạc này trước những năm 1975 sẽ không thể nào quên được một giọng hát cao, trong và thanh nhã của ca sĩ Kim Tước – một ca sĩ của dòng nhạc tiền chiến, thính phòng, là một trong những giọng hát làm vừa lòng nhiều người trong giới thưởng ngoạn và cả những nhạc sĩ khó tính nhất. Với dáng dấp quý phái, tiếng hát chuẩn mực, đúng kỹ thuật của cô đã chinh phục được trái tim của nhiều người yêu nhạc, họ có thể nhắm mắt để thưởng thức mà không cần xem sự phô diễn của ca sĩ. Ca sĩ Kim Tước cũng nhận được sự yêu mến và trân quý của nhiều thế hệ nhạc sĩ như: Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Quỳ, Vũ Thành, Phạm Duy, cho đến Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Lê Văn Khoa, Hoàng Quốc Bảo…Danh ca Kim Tước - Giọng hát mẫu mực của dòng nhạc tiền chiến, bán cổ điển

Kim Tước tên đầy đủ là Nguyễn Kim Tước, cô sinh năm 1938 tại Nam Định, là người con cả trong gia đình có 5 người con. Kim Tước xuất thân trong một gia đình có nhiều người sinh hoạt nghệ thuật. Mẹ của cô là một người Tây học, từng hát ở đài phát thanh Hà Nội một thời gian vào những năm thập niên 1940 cùng với cô em ruột nổi tiếng là danh ca Minh Đỗ. Cha Kim Tước thuộc gia đình Nho học, dòng dõi Nguyễn Trãi, nhưng ông cũng được theo học trường Tây và gặp mẹ cô.

Từ nhỏ, Kim Tước đã theo học chương trình Pháp tại Hà Nội, có cơ hội học thanh nhạc trong trường và đã được theo học piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Ngoài ra Kim Tước còn theo học lớp luyện thanh tại hội Khuyến Nhạc tại Hà Nội và sau này khi di cư vào nam cô được học nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Phụng.

Thời gian ở Hà Nội, Kim Tước hay theo dì ruột là ca sĩ Minh Đỗ đến chơi ở đài phát thanh. Đầu thập niên 1950, đài phát thanh Hà Nội bắt đầu tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ và Kim Tước đã ghi danh dự thi ngay trong lần thi hát đầu tiên. Và cô đã đạt giải nhất về giọng ca nữ với bài hát “Ngọc Lan” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ban giám khảo lúc bấy giờ là những tay đại cổ thụ của âm nhạc và đài phát thanh như: Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Trần Văn Nhơn,….

Sau khi đoạt giải, Kim Tước bắt đầu đi hát ở các đài phát thanh để kiếm tiền phụ giúp gia đình và từ đó cô cũng bước vào ca hát chuyên nghiệp trở thành ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội vào năm 1952. Tại đài phát thanh, Kim Tước có cơ hội được hát cùng với ban nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành (chú họ của cô), Vũ Thành là một nhạc trưởng rất khó tính, nên đã rèn luyện được cho Kim Tước cách hát chuẩn mực của dòng nhạc thính phòng, bán cổ điển.Nghe lại những bản thâu thanh hiếm của danh ca Kim Tước hơn 50 năm trước

Năm 1954, Kim Tước cùng gia đình di cư vào Huế, cô theo học trung học tại trường Lycée Français De Hue và bắt đầu cộng tác với đài phát thanh Huế với các nhạc sĩ có phong cách nhạc bán cổ điển như Ngô Canh, Lê Quang Nhạc,… Nhờ vào những kỹ thuật mà cô đã được rèn luyện với nhạc sĩ Vũ Thành ở Hà Nội mà Kim Tước dễ dàng được nhận vào cộng tác với đài phát thanh Huế.

Sau gần 2 năm ở Huế, Kim Tước chuyển vào Sài Gòn, cô theo học những năm cuối trung học ở trường Marie Curie và đậu tú tài Pháp vào năm 1957. Tại Sài Gòn, Kim Tước cộng tác thường xuyên với đài Pháp Á. Đồng thời cô cũng tham gia ban nhạc giao hưởng đầu tiên tại Sài Gòn do nhạc sĩ Nguyễn Phụng thành lập.

Có thể nói, sau khi định cư tại Sài Gòn, sự nghiệp ca hát của Kim Tước đã có những bước ngoặt mới quan trọng. Nhờ có những kiến thức vững vàng về thanh nhạc cũng như về Pháp ngữ nên Kim Tước đã trình bày thành công một số nhạc phẩm cổ điển của Mozart trong một chương trình đại hòa tấu nhân dịp “Đại hội nhạc Mozart” tại dinh tổng thống vào năm 1956. Lần trình diễn này Kim Tước đã vinh dự được tổng thống Ngô Đình Diệm trao tặng hoa.

Kim Tước cũng là một nữ ca sĩ hiếm hoi không bao giờ đi hát ở phòng trà hay vũ trường, cô chỉ thỉnh thoảng hát ở các đại nhạc hội.

Năm 1958, ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Phụng giải tán. Kim Tước tham gia cộng tác với những ban nhạc khác có tiếng trên đài phát thanh như: Ban Đại Hòa Tấu của nhạc sĩ Vũ Thành, Ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, Ban Tây Hồ – Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, hay Ban Đàn Dây của Hoàng Lang…

Vào những năm thập niên 1960, Kim Tước cùng với Mộc Lan và Châu Hà hợp thành một ban tam ca nổi tiếng mang tên Mộc – Kim – Châu. Với khả năng vững vàng về nhạc cùng với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ban tam ca này đã tạo được cho mình chỗ đứng riêng biệt trong vườn hoa tân nhạc Việt Nam. Mộc Lan – Kim Tước – Châu Hà là 3 giọng ca với 3 cá tính khác nhau nhưng khi hát chung thì lại hòa quyện vào nhau rất hòa hợp. Ban tam ca này đã hợp tác với nhau một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình, nhiều nhất là trong chương trình của các nhạc sĩ Hoàng Trọng và Văn Phụng. Ngoài ra ban tam ca còn hát bè cho nhiều ca sĩ để thu âm như: Hà Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền,… Tuy nhiên, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà chưa từng thu thanh chung với nhau trên một đĩa nhạc nào cả và riêng cá nhân Kim Tước khi còn ở Việt Nam cũng chỉ thu thanh một vài nhạc phẩm.

Kim Tước được nhận xét là có giọng hát cao vút, cô có chất giọng khỏe và vang. Giọng hát của cô khi xuống trầm lại dìu dặt tình tứ chứ không tắt lịm. Kim Tước biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc để diễn tả cảm xúc của bài hát chứ không có thói quen luyến láy, nũng nịu hay làm dáng bằng giọng hát của mình. Những bài hát được cô chọn để trình bày thường mang phong cách nhạc thính phòng và đòi hỏi trình độ thanh nhạc nhất định để diễn tả thành công.

Những năm thập niên 1950, ca khúc “Vọng Ngày Xanh” của nhạc sĩ Khánh Băng là nhạc phẩm làm nổi bật tên tuổi của Kim Tước tại các sân khấu đại nhạc hội. Kim Tước là một trong những ca sĩ trình bày thành công những sáng tác của các nhạc sĩ Vũ Thành, Cung Tiến và sau này là nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại hải ngoại.

Kim Tước cũng tự nhận xét về giọng hát của mình như sau: “Giọng hát của tôi giúp tôi có thể lên cao và xuống thấp rất dễ dàng, nốt cao nhất tôi có thể lên là nốt Đô. Chuyện mấy ông ngợi khen, thật ra tại ngày xưa mấy ông nhạc trưởng hay nhạc sĩ chỉ muốn ca sĩ hát cho đúng kỹ thuật và bài bản mà thôi, không được nhét tình cảm vào. Trong khi họ sáng tác thì lại dựa trên tình cảm mà viết, nhưng nếu ca sĩ hát theo lối cảm xúc dạt dào thì họ không bằng lòng. Riêng tôi, họ viết sao tôi hát theo làm vậy, không tự mình uốn éo, luyến láy thêm bớt. Ngoại trừ họ viết uốn éo thì tôi uốn éo theo. Một thời gian sau, theo thời thế, dĩ nhiên họ phải chịu sự thay đổi. Chính họ cũng cảm thấy hát cứng quá thiếu sự truyền cảm và khi viết nhạc họ cố viết sao cho có sự truyền cảm hơn. Giới ca sĩ những thế hệ sau này, tự họ tạo ra lối hát riêng của họ. Tôi thì tôi không thể bắt chước, cũng như người khác không thể bắt chước lối hát của tôi được.”Danh ca Kim Tước - Giọng hát mẫu mực của dòng nhạc tiền chiến, bán cổ điển

Do chuyên hát những nhạc phẩm mang âm hưởng cổ điển với phần nặng nề về kỹ thuật, nên Kim Tước tự nhận thấy tên tuổi của mình không được biết đến nhiều trong tầng lớp khán giả ưa thích loại nhạc phổ thông. Cô chia sẻ: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”

Ngoài cộng tác về nghệ thuật với các đài phát thanh Quân đội, Sài Gòn, Tiếng nói Tự Do và Mẹ Việt Nam cho đến lúc rời Việt Nam vào năm 1975 thì Kim Tước đã từng làm biên tập viên cho đài Tiếng nói Tự Do cùng thời kỳ với các nghệ sĩ: Từ Công Phụng, Hồ Đăng Tín, Hoàng Quốc Bảo, Lê Gia Thẩm,… trong thời gian từ năm 1961 đến năm 1964.

Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, Kim Tước cùng chồng và hai con rời khỏi Việt Nam định cư ở Hawai.  Một thời gian sau, gia đình cô chuyển về sống tại California. Tại đây, Kim Tước tiếp tục đi trình diễn tại một số tiểu bang khác ở Hoa Kỳ và một vài quốc gia châu Âu khác.

Năm 1987, Kim Tước thực hiện CD đầu tiên của mình mang tên “Gió thoảng hương duyên”, mười năm sau cô thu âm CD thứ hai “Sau lũy tre xanh”. Năm 2003, Kim Tước cho ra mắt CD “Ngàn năm mây bay”.