Cố nhạc sĩ Hoàng Trang được biết đến là một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với nhiều nhạc khúc do ông sáng tác được công chúng đặc biệt yêu thích. Và trong hơn 100 ca khúc do ông viết có những ca khúc đã trở thành nhạc phẩm tiêu biểu của dòng nhạc Bolero đi cùng năm tháng như: Không bao giờ quên anh (1964), Kể chuyện trong đêm (1966), Ước nguyện đầu xuân (1967), Nếu đời không có anh, Ngỏ hồn qua đêm, Ăn năn, Tâm sự với anh, Giấc ngủ tình yêu, Đi trong mưa bụi, Tận cùng nỗi nhớ, Huế như dấu lặng, …
Hoàng Trang tên thật là Trần Văn Phát, ông sinh năm 1938 tại xã Thanh Tân, tỉnh Bến Tre. Ông là nhạc sĩ cùng thế hệ với các nhạc sĩ nổi tiếng khác như: Mặc Thế Nhân, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Trúc Phương,…
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình ông sử dụng nhiều nghệ danh khác nhau, nhưng nghệ danh chính là Hoàng Trang có nghĩa là hoa trang vàng. Được biết, lúc ông còn nhỏ khi đang sống ở quê nội nơi chợ Mới (Gò Công Đông, Tiền Giang) nơi có nhiều loài hoa trang vàng mọc khắp nơi, cho nên hình ảnh ấy dường như đã đi sâu vào tâm thức của ông và khi viết nên những ca khúc cho đời ông đã lấy tên loài hoa ấy làm nghệ danh cho mình là “Hoàng Trang”.
Ngoài nghệ danh Hoàng Trang, ông còn sử dụng nhiều nghệ danh khác như: Triết Giang, Trần Nguyên Thuỵ, Hồng Đạt, Thiên Tường. Mỗi nghệ danh đều gắn với một ý nghĩa hoặc câu chuyện khác nhau. Theo bà Nguyễn Thị Hồng (vợ nhạc sĩ Hoàng Trang) cho biết thì các bút danh Trần Nguyên Thuỵ, Hồng Đạt và Thiên Trường đều xuất phát từ tên của vợ – con tác giả. Trong đó Hồng Đạt là ghép từ tên vợ và con trai lớn, Thiên Tường là tên của người con thứ, Trần Nguyên Thuỵ được ghép từ họ của chính nhạc sĩ và tên người con gái duy nhất của ông là Thuỵ. Còn đằng sau nghệ danh Triết Giang là cả một câu chuyện sau đó.
Bút danh Triết Giang được nhạc sĩ Hoàng Trang ký lần đầu tiên khi sáng tác ca khúc “Ngõ Hồn Qua Đêm” vào năm 1966. Nhạc phẩm này được ký dưới 2 tên Triết Giang – Hàn Châu cho nên đại đa số mọi người vẫn tưởng là do 2 nhạc sĩ đồng sáng tác. Tuy nhiên, sau đó cô Hồng (vợ nhạc sĩ Hoàng Trang) đã chia sẻ bài này chỉ do một mình chồng cô viết nên nhưng lúc đó ông muốn giúp đỡ bạn mình là Lê Đình Nam (một nhạc sĩ lúc bấy giờ chưa có tên tuổi trong giới âm nhạc) nên đã ghi dưới tờ nhạc là Triết Giang – Hàn Châu (Triết Giang tức Hoàng Trang, Hàn Châu tức là Lê Đình Nam người sau này sáng tác nên những ca khúc để đời: Những Đóm Mắt Hoả Châu, Thành Phố Sau Lưng…).
Xuất phát của hai nghệ danh mới này cũng hết sức tình cờ. Lúc sáng tác xong ca khúc “Ngõ Hồn Qua Đêm” Hoàng Trang trầm ngâm một lúc, bất chợt nhạc sĩ nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên vách nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc và ấn tượng với 2 cái tên xuất hiện trên đó là Hàn Châu và Triết Giang. Thấy 2 cái tên khá hay và lạ nên ông đã lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn và đề ký tên cho bản nhạc mới sáng tác.
Khả năng sáng tác của Hoàng Trang là do tài năng thiên bẩm vốn có của ông cộng thêm sự mày mò, kiên nhẫn tự học hỏi chứ ông không thông qua một trường lớp hay người thầy nào.
Vào thời đó, thanh niên khi đến 21 tuổi thường phải đi đăng lính nhưng vì sức khoẻ kém nên Hoàng Trang được cấp giấy miễn dịch vĩnh viễn, không phải vào quân ngũ. Tuy nhiên, vì tính nghệ sĩ và yêu thích biển khơi nên vào khoảng năm 1964 ông xin vào đoàn hải thuyền để biểu diễn văn nghệ góp vui cho các hải quân thường lênh đênh trên sóng biển. Cùng đi với ông lúc đó còn có nhạc sĩ Anh Thuy, Mặc Thế Nhân, ca sĩ Elvis Phương,… Thế nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên ông chỉ tham gia một vài chuyến sau đó thì không đi nữa và ở nhà sáng tác nhạc.
Năm 1964, nhạc sĩ Hoàng Trang viết nên ca khúc “Không Bao Giờ Quên Anh”, khi ấy ông 26 tuổi, ông viết nhạc trong tâm trạng của người đang yêu và đồng thời cảm hứng cũng được lấy từ những cuộc tình tan vỡ, lỡ làng nhưng không kém phần lãng mạn từ những câu chuyện ông được biết tới. “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao anh, Ngày nào đã quen nhau vì chung hướng đời mình trót trao nhau nụ cười. Và tình yêu đó tôi đem ép trong tim, Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm…”. Ca khúc này được viết theo thể điệu slow, khi “Không Bao Giờ Quên Anh” ra mắt đã được thính giả yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Đây cũng là tình khúc được xem là thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trang, “Không Bao Giờ Quên Anh” vừa ra đời đã được Hãng đĩa Việt Nam mua bản quyền, ca sĩ đầu tiên thể hiện là Phương Dung, sau đó đến ca sĩ Hương Lan rồi Giao Linh trình bày.
Năm 27 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Trang gặp gỡ và đem lòng yêu mến cô gái Nguyễn Thị Hồng – con gái của ông Nguyễn Tất Oanh giám đốc hãng dĩa Sóng Nhạc (Asia). Có thể nói đó là chuyện tình đẹp giữa một anh nhạc sĩ nghèo xuất thân từ tỉnh lẻ và một cô tiểu thư khuê các ở Sài Gòn. Họ đã đem lòng yêu nhau mặc dù bị gia đình cô gái ngăn cấm vì sự khác biệt về gia thế và khoảng cách về tuổi tác. Cô Hồng chia sẻ lại câu chuyện ấy như sau: “Ngày ấy tôi 16 tuổi, còn ông nhà 27 tuổi. Tôi hay đứng bán đĩa nhạc giúp ba mẹ. Một lần ông đến cửa hàng, chúng tôi gặp và quen nhau rồi nảy sinh tình cảm. Vì khoảng cách tuổi tác chênh nhau khá nhiều nên ban đầu gia đình tôi phản đối. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì theo đuổi. Tôi còn nhỏ phải đi học nên không có nhiều thời gian gặp gỡ, mỗi tuần chúng tôi chỉ có một buổi thứ 7 đi ăn, đi xem phim, dạo phố…”.
Hai người đã đến với nhau bằng một tình yêu thật đẹp và đầy chân thành, cũng chính từ những lần hẹn hò ấy mà nhạc sĩ Hoàng Trang đã viết nên một ca khúc để đời, được công chúng vô cùng yêu thích cho đến tận bây giờ đó là “Nếu Đời Không Có Anh”.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Nếu Đời Không Có Anh do Mai Thiên Vân trình bày.
Nhạc sĩ Hoàng Trang đã kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này tại chương trình Paris By Night 103 như sau:
“Tôi viết ca khúc Nếu Đời Không Có Anh vào năm 1965, lúc đó tôi cũng mới sáng tác được vài bài. Lúc đó người yêu của tôi là nữ sinh, nên mỗi tuần chúng tôi chỉ gặp nhau vào chiều thứ 7 để đi xi nê, ăn kem hoặc là dạo phố. Có một lần vào chiều thứ 7, chiếc velo solex cà tàng của tôi bị hư, tôi nhờ anh sửa xe sửa giùm. Trong lúc chờ đợi, tôi hết sức nóng ruột và lo lắng nhưng rồi cũng không biết làm sao.
Sửa xe xong, tôi đành phải làm người lỗi hẹn, và chiều thứ 7 tuần sau đó tôi đến nơi hẹn mà chúng tôi thường gặp nhau. Gặp người yêu, mặt buồn, giận hờn, trách móc và hỏi vì sao lần trước không đến để lỗi hẹn, rồi kể luôn tâm trạng từ nhà đi ra phố đến gặp nhau lần đó. Trên đường đi, người yêu tôi rất buồn và thấy tất cả không có gì hy vọng, nghĩ rằng có thể đến nơi hẹn chờ để rồi lại thất vọng và đi về như tuần trước. Tôi lấy tâm trạng của người yêu tôi, viết thành ca khúc Nếu Đời Không Có Anh. Người yêu của tôi nay cũng là vợ của tôi.”
Tuy lúc yêu đương, hẹn hò cặp đôi có nhiều lần mâu thuẫn, giận dỗi nhưng họ vẫn quyết định đến với nhau vì tình yêu quá lớn. Thế là sau một thời gian, hai người cũng kết hôn và sống rất hạnh phúc, yên ấm. Sau khi thành hôn nhạc sĩ Hoàng Trang và vợ ở trọ trên một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Nơi đó chỉ là một căn gác nhỏ mà vợ chồng nhạc sĩ đã thuê chứ chưa có nhà riêng, với tầng trệt là người khác ở. Thời gian này, cuộc sống của hai vợ chồng khá chật vật, sáng tác xong bài nào thường là nhạc sĩ Hoàng Trang sẽ mang đi bán ngay để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng những người con lần lượt ra đời. Hai vợ chồng ông có với nhau 4 người con, 3 trai và 1 gái (1 người con trai hiện đã mất).
Sau những sáng tác nổi tiếng trước đó như Không Bao Giờ Quên Anh, Nếu Đời Không Có Anh, trong khoảng thời gian này ông còn sáng tác thêm nhiều ca khúc được yêu thích khác tiêu biểu là Ngõ Hồn Qua Đêm (1966), Kể Chuyện Trong Đêm (1966), Màu Hoa Bí (1967), Ước Nguyện Đầu Xuân (1967),…
Năm 1968, khi lệnh tổng động viên được ban hành thì giấy miễn dịch của nhạc sĩ Hoàng Trang không còn hiệu lực, lúc này ông phải vào quân ngũ nhưng nhờ có bằng đánh máy nên ông đã được nhận vào làm việc ở văn phòng của bộ tư lệnh binh chủng thiết giáp.
Đến đầu năm 1969, Hoàng Trang đã là một nhạc sĩ có tên tuổi với rất nhiều ca khúc được công chúng ưa thích, cuộc sống gia đình ông lúc bấy giờ đã ổn định hơn và chuyển sang một căn nhà riêng trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), kết thúc chuỗi thời gian 4 năm ở thuê trên căn gác trọ nghèo. Và nhân dịp vui này ông đã sáng tác ra bài “Mùa Sầu Riêng”.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Mùa Sầu Riêng do Trường Vũ trình bày
Khoảng năm 1972 – 1973 thì nhạc sĩ Hoàng Trang xuất ngũ, sau đó ông vẫn tiếp tục sáng tác nhạc để kiếm sống.
Đến cuối năm 1973, gia đình nhạc sĩ rời căn nhà ở đường Hồng Thập Tự và chuyển sang ở số 37 đường Phạm Ngũ Lão (Quận 1) – đây cũng là trụ sở cũ của hãng dĩa Sóng Nhạc (đã giải thể từ đầu thập niên 1970).
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Trang ở lại trong nước và mưu sinh bằng nhiều nghề, bên cạnh đó ông vẫn sáng tác nhiều ca khúc nhưng ít được phổ biến hơn trước năm 75.
Ngày 18 tháng 8 năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Trang qua đời trong vòng tay yêu thương của vợ con, ông hưởng thọ 73 tuổi và được an táng tại nghĩa trang công viên Bình Dương.
Chia sẻ về những giây phút cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Trang, vợ ông cho biết ông phát hiện bị bệnh ung thư đại tràng vào năm 2011 khi ấy do phát hiện quá muộn nên chỉ sau một tuần, cơ thể gầy sọp và ông đã vĩnh viễn ra đi. Tuy nhiên vốn là người cẩn thận, tỉ mỉ nên trước đó, nhạc sĩ Hoàng Trang luôn căn dặn vợ những công việc hằng ngày, cho nên ông ra đi bất ngờ song công việc gia đình đều được cô lo liệu chu toàn.