Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Căn Nhà Dĩ Vãng” của nhạc sĩ Đài Phương Trang.

Đăng ngày 20/07/2024

Nhạc sĩ Đài Phương Trang bắt đầu sáng tác khi 15 tuổi đến nay số lượng ca khúc của ông đã lên đến hàng trăm. Âm nhạc của ông đa dạng về nội dung và màu sắc, trong đó các bản tình ca được biết đến rộng rãi trong công chúng, mỗi ca khúc là một câu chuyện thật mà nhạc sĩ được lắng nghe và cảm nhận bằng trái tim, tâm hồn của một người nghệ sĩ, ông lấy đó làm cảm hứng sáng tác. Nhạc phẩm “Căn Nhà Dĩ Vãng” cũng là một câu chuyện tình mà nhạc sĩ đã chứng kiến, bài hát trở thành một bản bolero quen thuộc từ trước năm 1975.

Những dòng cảm xúc chân thật về thời trai trẻ được nhạc sĩ tô vẽ một cách tinh tế, ông chia sẻ về câu chuyện trong nhạc phẩm “Căn Nhà Dĩ Vãng” rằng đó là chuyện tình buồn của một người bạn: “Bạn tôi yêu đơn phương một người con gái dưới quê nhà, từ ngày cô ấy lấy chồng bạn tôi không về nhà dưới đó nữa vì sợ thấy lại kỉ niệm buồn. Tiếc cho mối tình đơn phương đó tôi sáng tác ca khúc Căn Nhà Dĩ Vãng. Ca khúc Căn Nhà Dĩ Vãng đã được rất nhiều thế hệ ca sĩ trình bày, từ danh ca Chế Linh, Giao Linh cho đến các ca sĩ trẻ đương đại như Quang Lê, Như Quỳnh, Tường Nguyên, Tha Hương, Đức Duy, Mỹ Hương, Mạnh Quỳnh… Quả là một bài hát có sức lôi cuốn và trường tồn với thời gian.Nhạc sĩ 'Căn nhà dĩ vãng' lần đầu giải thích về nghệ danh nữ tính

Chuyện xưa, chôn vùi theo bóng thời gian.

Mà nay lòng người nhiều thay đổi bạc đen nhắc thêm buồn.

Nhiều lần chợt nghe sao thấy lòng nhiều nhớ thương.

Kỷ niệm ngày xưa chưa phai mờ trong tiềm thức.

Gục đầu từng đêm nghe cô đơn đốt tâm tư,

Kỷ niệm ngày xưa đó muốn cố quên lại nhớ thêm.

Ngày xưa, mỗi lần qua trước nhà em.

Lòng nghe bao ngập ngừng xao xuyến sợ mẹ biết chuyện mình.

Đường vào nhà em qua lối nhỏ ngập lá bay,

Mỗi độ giàn hoa leo quanh nhà khoe nở tím.

Nàng thường cài hoa lên trên mái tóc nhung tơ

Nguyện cầu cho hai đứa sẽ chẳng bao giờ cách chia…

Rồi thời gian trôi chia cách người đôi đường tôi chưa ghé về thăm.

Sự nghiệp công danh bao năm rồi tay trắng lận đận vẫn còn mang …

Nhiều đêm cô đơn trong quán khuya tiếng nhạc,

nghe như xoáy vào tim.

Chập chờn đâu đây bên ly cà phê đắng người tình hay dáng ai…

Chiều nay, tôi về thăm mái nhà xưa.

Tìm em nhưng em còn đâu nữa người xưa đã sang ngang rồi.

Một mình chiều nay trên lối nhỏ ngập lá bay.

Ngoài vườn giàn hoa leo quanh nhà thêm nở tím.

Kỷ niệm ngày xưa trong tim nghe quá chua cay,

Với con tim lãng mạn và đầy nhạy cảm của một người nhạc sĩ, Đài Phương Trang thấu hiểu được sự đau khổ mà người bạn mình đang mang vì vậy sau bao đêm suy tư ông đã viết nên ca khúc “Căn Nhà Dĩ Vãng” để nói lên tâm trạng xót xa ngậm ngùi khi chứng kiến tình yêu tan vỡ của người bạn mình. Thời điểm đó nhạc sĩ 25 tuổi, người bạn thân của ông tên là Nguyên. Cả hai cùng học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Người bạn tên Nguyên này quê ở Cẩm Mỹ (Long Khánh) nên thường về thăm nhà vào những dịp cuối tháng. Chàng trai ấy có một cô người yêu ở dưới quê tên là Hải Lý, tuy nhiên trong thời gian hai người yêu nhau gia đình không hề biết, có lẽ vì sợ gia đình ngăn cấm. Thế nên mới có những buổi hẹn hò lẳng lặng: “mỗi lần qua trước nhà em, lòng nghe bao ngập ngừng xao xuyến sợ mẹ biết chuyện mình”.Nhạc sĩ 'Căn nhà dĩ vãng' lần đầu giải thích về nghệ danh nữ tính

Mối tình trong sáng và đẹp đẽ của tuổi mộng mơ khiến người ngoài cũng thấy ấm lòng. Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng mỗi khi Nguyên từ quê lên lại Sài Gòn lúc nào cũng vui tươi hớn hở, chẳng cần hỏi nhạc sĩ cũng biết là anh chàng vừa được gặp người yêu. Nhưng đâu ai ngờ rằng một mối tình đẹp như thế lại tan vỡ một cách trớ trêu. Một thời gian dài nhạc sĩ không thấy Nguyên về quê nữa, khi nhạc sĩ gặng hỏi mãi thì Nguyên mới tâm sự là người yêu anh đã lấy chồng. Gia đình cô gái không chấp thuận khi cô và Nguyên đến với nhau và đã gả cô cho một người giàu có, vì cho rằng gia cảnh của Nguyên không “môn đăng hộ đối”, bản thân Nguyên cũng chưa có sự nghiệp công danh gì trong xã hội…

Trong khoảng thời gian đó, Nguyên cũng thường rủ nhạc sĩ Đài Phương Trang đến quán cà phê Chiều Vàng, sau chuyện tình cảm tan vỡ, Nguyên càng ghé quán nhiều hơn. Ở đó có một cô gái tên Diễm Thúy ngồi nơi quầy thu ngân với dung nhan “sắc nước hương trời”… Nguyên cũng tiết lộ với nhạc sĩ rằng Diễm Thúy có khuôn mặt rất giống Hải Lý, nên anh hay đến quán ngắm Diễm Thúy cho đỡ nhớ người yêu chứ không có tình ý gì. Còn bây giờ, khi Hải Lý đã có chồng, anh lại đến đây thường xuyên hơn để nhìn Diễm Thúy và mường tượng đến người thương xưa. “Nhiều đêm cô đơn trong quán khuya tiếng nhạc, nghe như xoáy vào tim. Chập chờn đâu đây bên ly cà phê đắng người tình hay dáng ai…” Chỉ trải qua rồi mới thấu được nỗi đau khi mất đi người yêu, có lẽ việc bắt đầu tình yêu này là sai lầm, cứ ngỡ chỉ cần cả hai bên đều cố gắng vun đắp sẽ được viên mãn. Cuối cùng thì cái suy nghĩ đó chẳng thể nào thành sự thật. Tình cảm và niềm tin không đủ lớn để giữ chặt lấy nhau, sự đời nghiệt ngã cho hai người gặp nhau, nhưng họ như hai đường thẳng song song vậy, không có điểm chung, như cách mà gia đình cô gái nhìn nhận về gia đình anh rằng không “môn đăng hộ đối”.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Mạnh Quỳnh trình bày.

Nỗi sầu muộn vẫn không thôi đeo bám chàng trai si tình ấy, một lần nữa Nguyên lại đối mặt với sự hụt hẫng vô vọng. Cô gái thu ngân ở quán Chiều Vàng ấy cũng đã theo chồng, cô là lý do để Nguyên đến với quán, ngắm cô để đỡ nhớ người thương xưa, dù chẳng phải có tình cảm sâu nặng nhưng với chàng trai Diễm Thúy và quán Chiều Vàng như một nơi yên bình anh có thể tựa vào xoa dịu đi nỗi nhớ thương. Giờ đây chốn yên bình ấy cũng rời bỏ anh mà đi.

Nhạc phẩm Căn Nhà Dĩ Vãng của Đài Phương Trang thật sự là một bản nhạc buồn, dù đó không phải câu chuyện của chính mình nhưng nhạc sĩ đã cảm nhận một cách sâu sắc như là nhân vật chính để viết những lời ca đi vào lòng người, mang đầy tâm trạng, day dứt. Đó cũng là lý do mà những bản tình ca sầu não của Đài Phương Trang trở nên phổ biến và trường tồn với thời gian.