Nhắc đến ca sĩ Kim Chi của những năm thập niên 50, chắc hẳn vẫn còn nhiều người mến mộ nhớ đến một ca sĩ có nét đẹp duyên dáng, khuôn mặt thanh tú được ví như Pier Angeli nổi tiếng thời bấy giờ, cùng với giọng hát buồn đến tê dại cõi lòng người nghe khi cô cất lên tiếng hát. Nhớ đến tiếng hát ca sĩ Kim Chi là nhớ đến những ca khúc gắn liền với tên tuổi của cô như : Bến Cũ, Biệt Ly, Dừng Bước Giang Hồ, Yellow Bird, Besame Mucho, Un Histoire D’un amour, La Vie En Rose,…
Không những là một ca sĩ phòng trà nổi danh Sài Gòn ở những năm thập niên 50, ca sĩ Kim Chi còn là một tài tử điện ảnh tham gia nhiều cuốn phim. Đặc biệt năm 1963, Kim Chi đóng vai nữ chính trong phim “Nhạc Lòng Năm Cũ” của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Trong phim cô vào vai một người vợ hiền, lúc nào cũng âm thầm chịu đựng cảnh sống lạnh nhạt, thờ ơ của một người chồng, lấy nhau vì môn đăng hộ đối. Bộ phim này giúp tên tuổi của cô ngày càng được nhiều người biết đến hơn, khi cô thể hiện xuất sắc vai diễn của mình. Và có lẽ, chuyện tình cảm của chính Kim Chi sau này cũng giống như người phụ nữ mà cô hoá thân cũng đầy trắc trở và nhiều niềm đau.
Và một điều đặc biệt không kém mà ít ai biết được rằng Kim Chi chính là người đã khuyến khích, giúp đỡ, và dìu dắt Thanh Thúy đi vào con đường ca hát khi Thanh Thúy mới 15 tuổi, có thể nói rằng nếu không có Kim Chi, thì rất có thể sẽ không có danh ca Thanh Thuý vang danh một thời sau này. Trong một show truyền hình, danh ca Thanh Thúy chia sẻ: “Chị Kim Chi rất là dễ thương, tới giờ này cô vẫn mang ơn chị. Chị không chỉ giới thiệu và dẫn dắt cô đi hát, mà còn là một người chị đáng kính xem cô như là em gái trong gia đình…”.
Kim Chi tên thật là Ngô Kim Chi, sinh ngày 27 tháng 4 năm 1938, nguyên quán ở Bắc Ninh. Cha cô mất sớm, cô ở cùng với Mẹ và năm người anh em khác trong gia đình gồm người anh lớn là Ngô Thanh Tùng và các em Ngô Ngọc Phương (sau này lấy chồng là bác sĩ Nguyễn Thế Thứ), Ngô Ngọc Trác, Ngô Bích Thược và người em út là René. Vì Cha mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi con nên Kim Chi rất thương mẹ và các em, sau này khi đã đi làm và có tiền, được bao nhiêu là cô đều mang về để lo cho Mẹ và cả nhà
Thuở nhỏ, Kim Chi chơi rất thân với Mỹ Hòa (sau này cũng trở thành ca sĩ cùng thời với Kim Chi và là bà chủ phòng trà Tứ Hải ở đường Đinh Tiên Hoàng) vì học cùng trường nữ sinh Tôn Thọ Tường đường Trần Hưng Đạo và nhất là sống cùng chung dãy phố Lê Công Kiều (trước năm 1955 đường này là Reims). Kim Chi ở đầu phố, còn Mỹ Hòa ở giữa phố.
Năm 1956, Kim Chi bắt đầu đi hát cho đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, được một thời gian cô giới thiệu Mỹ Hòa vào. Càng ngày tài năng và sắc đẹp của hai cô ca sĩ trẻ càng được nhiều người biết, sau đó nhạc sĩ Lê Thương đã mời hai người tham gia vào ban Gió Nam với Xuân Phát là trưởng đoàn. Thời đó, Kim Chi – Mỹ Hoà cũng thường hát song ca với nhau những ca khúc như: Xuân Miền Nam, Dừng Bước Giang Hồ,…
Trong đoàn Gió Nam lúc bấy giờ có cô đào Tố Loan của đoàn Kim Chung vừa hát hay vừa dạy đóng kịch, có Thanh Hương là chị ruột ca sĩ Thanh Thúy hát “Trăng Rụng Xuống Cầu” khó ai sánh bằng, riêng Kim Chi, theo lời Mỹ Hòa kể lại: “Ngày đó, Kim Chi đẹp và dễ thương lắm… Mỗi khi đóng kịch, là trưởng đoàn cho làm ngay đào chánh…”.
Đoàn Gió Nam hay đi lưu diễn nhiều nơi, trong một lần ban Gió Nam ra Huế trình diễn, Kim Chi gặp được đạo diễn Lê Hoàng Hoa, theo thời gian cả hai nảy sinh tình cảm và họ cũng đã tổ chức đám hỏi nhưng vì lý do gia đình, chuyện tình đẹp này đành phải đứt đoạn. Theo nhiều nguồn tin khác cho biết, Kim Chi còn là bóng hồng trong mộng của tay vợt bóng bàn lừng danh thuở ấy là Mai Văn Hòa.
Được một thời gian thì 3 đoàn của nhạc sĩ Lê Thương phải giải tán. Ngoài phụ trách đoàn Gió Nam, nhạc sĩ Lê Thương còn phụ trách đoàn Xuân Thu (có Kim Bảng trưởng đoàn, nghệ sĩ Bích Sơn) và đoàn Hồn Quê (có Kim Bảng trưởng đoàn, ca sĩ tân nhạc Bạch Tuyết).
Sau khi Gió Nam giải thể, Kim Chi cộng tác ngay với phòng trà Việt Long ở đường Cao Thắng, rồi sau đó cô cộng tác với nhiều phòng trà khác nhau như: Đại Nam, Đức Quỳnh, Anh Vũ, Văn Cảnh, Đông Phương (Chợ Lớn)… Với nhan sắc xinh đẹp cùng tánh tình hiền dịu, chủ nhân phòng trà nào cũng quý mến cô. Lúc bấy giờ, Kim Chi được các khán giả mến mộ đặt cho mệnh danh là Pier Angeli – một tài tử nổi tiếng thời đó. Và cũng nhờ vào lời giới thiệu của Kim Chi, chủ nhân phòng trà Việt Long đã nhận lời để một nữ sinh mới chỉ 15 tuổi cộng tác tại đó mỗi đêm, cô học trò nhút nhát ấy về sau đã trở thành nữ danh ca Thanh Thúy, vang danh khắp nơi.
Năm 1963 – 1964, Kim Chi thầu Câu Lạc Bộ Hải Quân, nơi đây thường có Tướng Loan thường ghé chơi và thưởng thức âm nhạc.
Năm 1965, Kim Chi đính hôn cùng với ông Đặng Đức Khôi là cố vấn Tướng Kỳ, sau đó hai người bay sang Hoa Kỳ. Nhưng sau khi hoàn thành chuyến công tác, ông Khôi quay trở lại Việt Nam còn Kim Chi thì quyết định ở lại nơi đây và có lẽ đó cũng là lý do hai người chia tay.
Thời gian lưu trú nơi đất khách quê người, Kim Chi khá vất vả, cô vừa phải đi làm vừa làm công việc dạy Tiếng Việt cho lính GI để có tiền trang trãi cho cuộc sống.
Vào dịp tết Nguyên Đán 1967, trong buổi tiệc mừng năm mới tại Toà Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà ở Hoa Thịnh Đốn do Đại sứ Bùi Diễm tổ chức, Kim Chi đã gặp và quen biết ông Phương – một du học sinh – con trai chủ nhà máy sản xuất đường lớn nhất miền Nam thời ấy. Sau lần gặp gỡ hai người tìm hiểu và yêu nhau thắm thiết thế nhưng vì sự can thiệp của gia đình, hôn sự lại bất thành. Đến năm 1971 thì hai người chính thức chia tay và ông Phương đi lấy vợ theo sự sắp xếp của gia đình.
Sau mối tình dang dở với ông Phương, Kim Chi lập gia đình với ông Jo Green (một thương gia gốc Ý chuyên ngành buôn bán hàng hoá nội thất) vào ngày 17 tháng 11 năm 1971. Kết hôn xong hai người dọn về miền Nam California để sinh sống. Hai vợ chồng Kim Chi có với nhau một cậu con trai tên Patrick (1974).
Lúc này hầu như Kim Chi không còn đi hát nữa, cô cùng chồng mở gần cả trăm tiệm buôn Furniture (bán đồ nội thất) khắp nước Mỹ. Và nhờ thế Kim Chi đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều người Việt Nam mới sang tị nạn sau năm 1975 trong những ngày đầu họ xa xứ. Tuy sống trong cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng chuyện tình cảm của cô với người chồng ngoại quốc lại không được hạnh phúc, yên ấm. Trong một bài viết, nhà báo Trần Quốc Bảo đã ghi rằng: “Trong cuộc đời của nàng, Kim Chi góp mặt trong một số cuốn phim. Riêng cuốn Nhạc Lòng Năm Cũ do Lê Mộng Hoàng đạo diễn (số này có đăng tờ quảng cáo phim trang 32), Kim Chi lại đóng một vai trò một người vợ hiền, lúc nào cũng âm thầm chịu đựng cảnh sống thờ ơ của một người chồng lạnh nhạt, lấy nhau vì môn đăng hộ đối. Thấy vậy, nhưng cuộc tình buồn trong phim còn chưa đến nỗi nào. Cuộc tình của nàng ngoài đời với người chồng ngoại quốc, nghe đâu cũng đầm đìa nước mắt vì nàng còn phải gánh chịu nhiều cảnh nạt nộ và bạo lực.”
Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, Kim Chi thường xuyên đến trại tị nạn Camp Pendleton để giúp đỡ những đồng hương vừa đến và cũng là để tìm gặp những người quen. Cũng trong thời gian này cô gặp lại ông Phương, người mà cô đã từng rất yêu. Từ sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, hai người giữ liên lạc với nhau và mỗi năm gặp nhau một lần.
Tết Dương Lịch 2008, Kim Chi bị đột quỵ và hôn mê, sau hơn một tháng nằm viện thì cô đã ra đi mãi mãi vào ngày 3 tháng 2 năm 2008.
Nhớ về sự ra đi của ca sĩ Kim Chi, ca sĩ Thái Xuân (Trung tâm Diễm Xưa đau buồn kể lại:
“Nhớ đến cái chết của Kim Chi, đối với Thái Xuân là một kỷ niệm buồn không quên được trong đời. Sau khi Kim Chi ăn Noel 2007 với anh ruột Tùng và chị dâu Lan, hai người đi về; con trai Patrick trở lại trường, Kim Chi ở nhà một mình những ngày cuối năm. Không còn ai ở lại, Kim Chi than đau bụng. Ngày 31 tháng 12, Thái Xuân gọi điện thoại thăm, bảo sẽ kho cá kho đem qua cho Kim Chi. Tối 31, hai vợ chồng Thái Xuân đem cá kho qua nhà, bấm chuông gọi cửa. Nhìn quanh nhà thì thấy trong nhà đèn sáng, lò sưởi vẫn bập bùng ánh lửa, nhưng Thái Xuân chờ mãi không thấy Kim Chi ra mở cửa. Hai vợ chồng đi về, để lại hộp cá kho trước cửa. Ngày hôm sau, hai vợ chồng Thái Xuân trở lại thăm, thấy hộp cá vẫn còn trước cửa. Lấy làm lạ, Thái Xuân đi vòng quanh nhà, không thấy ai, bèn mở cổng bên hông vào sân sau. Khi tới cửa sổ nhà bếp, nhìn vào, Thái Xuân hoảng hốt khi thấy Kim Chi nằm dưới sàn. Chị bèn gọi xe cứu thương tới. Nhân viên cứu cấp phải phá cửa vào nhà, đưa Kim Chi lên băng ca. Khi Thái Xuân vào được nhà, gọi “Chi, Chi ơi”… Kim Chi mở mắt ra, giơ tay lên vẫy, rồi lịm đi… Vào nhà thương tới đầu tháng 2 thì Kim Chi qua đời.”