Duy Quang (4 tháng 11 năm 1950 – 19 tháng 12 năm 2012) là một ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam. Ông được coi là một trong những ca sĩ nổi bật của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, với chất giọng ngọt ngào, tình cảm. Ông hát nhiều thể loại như nhạc tình 1954–1975, nhạc tiền chiến và một ít bài nhạc vàng, tuy nhiên nổi tiếng nhất với những bài tình ca do cha ông, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác.
Giọng Duy Quang không vang lộng, không ấm hơn những giọng ấm áp khác, cũng không có chút “tạo dáng” hay phô diễn kỹ thuật nào trong cách trình diễn; thế nhưng, chính cái vẻ tự nhiên và “thật thà thua thiệt” ấy, chính cái chất giọng thoải mái, hiền lành như là tiếng hát trong sân trường ấy lại thích hợp với những bài tình ca học trò, dễ tạo được cảm giác gần gũi và làm “mềm” những trái tim.
Ca sĩ Duy Quang là con của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ danh ca Thái Hằng, người gốc Hà Nội, sinh tại Chợ Neo, Thanh Hóa. Tên khai sinh của ông là Phạm Duy Quảng, tuy nhiên khi gia đình di cư vào Nam, làm lại giấy khai sinh thì bị ghi sai thành Phạm Duy Quang
Duy Quang là một thành phần trong đại gia đình nghệ sĩ. Ngoài người cha là nhạc sĩ Phạm Duy, mẹ là ca sĩ Thái Hằng, còn có dì ruột là danh ca Thái Thanh, cậu ruột là các nhạc sĩ Phạm Đình Chương (tức Hoài Bắc), Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung) và nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ. Các em ruột anh gồm Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Cường đều thành công trên con đường nghệ thuật. Ngoài ra ông còn có em rể là ca sĩ Tuấn Ngọc (chồng của Thái Thảo), em dâu là ca sĩ Thiên Phượng (vợ của Duy Cường) cùng các em họ như Mai Hương, Ý Lan.
Khi còn nhỏ, Duy Quang theo gia đình vào Sài Gòn. Cũng như những người em khác trong gia đình, ông được cha hướng theo nghiệp âm nhạc từ nhỏ[5]. Ông khởi nghiệp ca sĩ từ năm 17 tuổi, nhưng rành nhạc lý từ năm 10 tuổi, ngoài hát, ông còn biết chơi Mandolin, Guitar, Piano, Trống.
Vào những năm 1960, do bị bố cấm chơi nhạc (theo lời kể của Duy Cường thì nhạc sĩ Phạm Duy đã ít nhất 2 lần đập đàn khi thấy các con chơi nhạc) nên Duy Quang bắt đầu sự nghiệp ca hát với các ban nhạc ở Nha Trang chuyên hát cho các club Mỹ, nổi bật nhất trong số đó là “The Free Ones” (Julie và Duy Cường cũng là thành viên của ban nhạc này). Sau này, The Free Ones tan rã khi nhạc sĩ Phạm Duy đánh điện bắt các con trở về Sài Gòn. Và khi nhận thấy rằng không thể ngăm cấm các con được nữa, nhạc sĩ Phạm Duy đã để các con mình theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Và tên tuổi của Duy Quang thực sự nổi bật vào đầu những năm 1970 khi thành lập nhóm nhạc gia đình “The Dreamers” với các thành viên trong gia đình mình (gồm Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Julie, Vény và sau này là Thái Hiền) dưới sự đỡ đầu của Phạm Duy. The Dreamers trở thành một ban nhạc tiên phong cho phong trào trình diễn nhạc nước ngoài và nhạc trẻ, với những bài hát nhạc ngoại lời Việt của The Rolling Stones, The Carpenters, The Beatles, The Shadows. Bên cạnh đó, ông còn được cha sáng tác riêng cho một số tình khúc phù hợp với chất giọng, như Còn Chút Gì Để Nhớ, Con Đường Tình Ta Đi, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Chỉ Chừng Đó Thôi, hay những bài phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên như: Em Hiền Như Ma-soeur, Thà Như Giọt Mưa, Hai Năm Tình Lận Đận…, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Anh vái trời, rất được ưa thích trong giới sinh viên thời bấy giờ và dần trở thành cái tên quen thuộc trong các Đại hội nhạc trẻ, và đó cũng là những ca khúc gắn liền với tên tuổi ông về sau. Ngoài ca hát, ông còn sáng tác một số nhạc phẩm, trong đó nổi bật nhất là ca khúc Kiếp đam mê được nhiều người yêu thích và nhiều ca sĩ thể hiện.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, gia đình ông ly tán do cha mẹ ông và các em (Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Đức, Thái Hạnh) đã di tản ra nước ngoài, còn Duy Quang và các em (Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường) không theo kịp. Ông gần như không hoạt động âm nhạc cho đến năm 1978, sang Pháp dưới sự bảo lãnh của Julie và 1 năm sau đó, khi chuyển qua Mỹ định cư, đoàn tụ cùng gia đình và thành lập trung tâm Dream Studio chuyên sản xuất các album ca nhạc. Chính Duy Quang là người đã đưa ra ý tưởng đưa truyện ma của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sang định dạng audio thay vì sách giấy, Và ông cũng đảm nhiệm phần âm nhạc và sản xuất các băng truyện ma đó trong một thời gian dài. Tại đây ông tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình với những ca khúc trữ tình hải ngoại khi cộng tác với nhiều Trung tâm với các buổi Đại nhạc hội ghi hình. Thời gian này anh kết hôn với nữ danh ca Julie, nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1982, ông và Julie chia tay sau khi có chung một người con gái. Hai năm sau ông kết hôn chính thức với bà Mỹ Hà, lúc đó là hoa khôi người Việt ở Washington, cho đến khi hai người chính thức chia tay vào năm 2002.
Năm 2004, Duy Quang có ý định về Việt Nam, một năm sau, ông cùng Duy Cường và cha là nhạc sĩ Phạm Duy về nước và mua một căn nhà để sống ở quận 11,. Tại quê nhà, ông tiếp tục đi hát những bài tình ca cũ, ngoài ra còn kinh doanh phòng trà.
Năm 2007, ông kết hôn lần hai với nữ ca sĩ Yến Xuân, nhưng cuộc hôn nhân mau chóng đổ vỡ sau đó hai năm. Sau lần đổ vỡ này, ông ít tham gia các sự kiện, sống khép kín, lặng lẽ. Tháng 10 năm 2012, ông bị phát hiện mắc bệnh ung thư gan giai đoạn muộn. Ngày 7 tháng 11 cùng năm, ông được gia đình đưa qua Mỹ chữa trị. Thời gian này ông sa sút rất nhanh, cân nặng chỉ còn 20 ký, sức khỏe yếu và thường hôn mê sâu. Đến 11 giờ 39 phút giờ địa phương (19:39 GMT) ngày 19 tháng 12 năm 2012, ông qua đời.
Trước khi ông qua đời ít lâu, ngày 2 tháng 12 năm 2012, một số bạn hữu của Duy Quang đã thực hiện đêm nhạc “Ðêm Hội Ngộ Duy Quang” tại California, thể hiện tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, với sự tham gia của Elvis Phương, Kiều Nga, Hương Lan, Công Thành & Lynn, Phi Khanh, Thái Châu, Tuấn Ngọc, Don Hồ,…