Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nhạc tình đôi lứa có khối lượng nhiều nhất trong kho nhạc đồ sộ của ông, có thể kể những bài được giới trẻ trong nam ngoài bắc hát như Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi,…
Trong đó, nhạc khúc “Hẹn hò” là một sáng tác được Phạm Duy viết vào năm 1954, khi tác giả ngoài ba mươi tuổi – cái tuổi mà người ta hay gọi là Tam thập, nhi lập. Tức, ngoài ba mươi, đàn ông mới bắt đầu hiểu đời, hiểu mình, mới bắt đầu trưởng thành thật sự.
Trong Hồi ký, ông giãi bày rất ngắn gọn về ca khúc này : “Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ”. Hẹn hò được sáng tác với âm giai ngũ cung vô cùng dân tộc được Phạm Duy sử dụng viết về chuyện một tình yêu đôi lứa thay cho những nhạc điệu có màu sắc Tây Phương, như khá nhiều bài tình mộng khác của ông. Điều này dễ dàng làm lắng đọng, gợi dẫn nhiều suy tư miên man cho người thưởng thức.
Một người ngồi bên kia sông
im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi
mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông
mong cho chóng tạnh mùa Ngâu
Tuy Phạm Duy nói trong hồi ký của mình nhạc khúc “Hẹn hò” như câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ. Nhưng qua lời từ của nhạc sĩ họ Phạm, nhạc khúc “Hẹn hò” mô phỏng và diễn xuôi lại câu Chuyện tình Ngưu – Chức năm cũ, nhạc sĩ Phạm Duy đã tái tạo, làm mới, lồng ghép, dung nạp thêm vào đó muôn vàn thanh âm trích xuất từ hàng triệu chuyện tình đôi lứa đời này, đời sau. Ở Hẹn Hò, đâu có Thượng Đế bắc cầu, đâu có đàn quạ trọc đầu về xây cầu Ô Thước. Mà chỉ là cuộc tình thảm thiết của hai người “một người ngồi bên kia sông – một người ngồi đây”. Cùng cách nhau một dòng sông, nhưng người “im nghe nước chảy về đâu”, người thì “trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”. “Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình”, hình ảnh hoa và dòng nước luôn là hai sự vật mang lại nguồn cảm hứng cho thi sĩ và nhạc sĩ, và Phạm Duy cũng mượn hình ảnh ấy.
Chúng ta người đầu sông, người cuối sông, cùng chờ cơn mùa mưa Ngâu đi qua mà sang sông bên người. Chỉ là mưa Ngâu kia cứ tuôn rơi không ngừng, để “suối tuôn niềm đau”, niềm đau của chia cách hai trái tim yêu.
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau
cách một biển sâu
hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau
biết thuở ban đầu
dù tình không nguôi
đôi ta xin cho hứa vui về sau
trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi
cách biệt dài lâu…
Không như Ngưu Lang Chức Nữ cách nhau nhưng có Thượng đế bắt cầu Ô Thước mà chỉ có những giận hờn làm cho đôi bên “yêu nhau cách một biển sâu”. Là cảnh trời mưa “mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu” khiến cho cuộc tình không nguôi, khiến cho những lời hẹn hò “hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu” gặp nhiều trắc trở. Tình yêu của họ cũng không đẹp như Ngưu lang Chức Nữ, cũng không có Thượng Đế, có chăng là những ngăn cách của mùa mưa Ngâu, những lời hứa hẹn hò cùng nhau “hứa vui về sau” chưa thể thực hiện.
Nước vẫn trôi mau
mắt vẫn hoen sầu
đành để hồn theo nước trôi không màu
Số kiếp hay sao?
không cho bắc cầu
thì xin sông nước sẽ cho gần nhau..
Dòng nước cứ trôi mau vô tình theo từng đợt mưa Ngâu khiến “mắt vẫn hoen sầu”, nhưng biết làm sao để không còn ngăn cách chia ly, chỉ biết “đành để hồn theo nước trôi không màu”. Nay xin mượn dòng nước kia, thả hồn mình mang những yêu thương về nơi người, để mắt ai kia thôi đừng sầu thôi đừng để lệ hoen mi. Phải chăng “số kiếp hay sao?” nên Thượng Đế không cho bắc cầu để ta đến bên người, nếu là số kiếp không bắc cầu thì xin “sông nước cho gần nhau” cho ta gần người ta thương.
Một người bèn ra ven sông
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau
êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau
Mưa Ngâu ngăn cách đôi người yêu nhau, một người “bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau” còn “một người chìm sâu”. Hình ảnh đau lòng ấy như một thước phim bị tua chậm với “mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu” trước cuộc tình thương đau của hai người ấy. Cuộc tình kết thúc với hình ảnh đau lòng một người theo dòng nước cuồn cuộn, một người chìm sâu rồi “nước xuôi về đâu?”. Kiếp này họ không thể bên nhau, không thể thực hiện câu thề nhưng xin hẹn lại ở kiếp sau “hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”. Họ hẹn nhau sẽ tiếp tục câu thề hẹn thiên thu, sẽ lại yêu nhau không còn cách trở như hôm nay, và hẹn ở kiếp sau cuộc tình sẽ phong phú hơn mà không còn thương đau.
“Hẹn hò”, nhạc khúc buồn đau nhưng vẫn lóe lên hy vọng về một tương lai ở thiên thu, hẹn kiếp sau tiếp tục câu hẹn hò yêu thương. Dù rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng nhạc khúc “Hẹn hò” vẫn luôn là một bài hát được nhiều người yêu nhạc ưa chuộng, nhất là vào ngày thất tịch 7/7, nhạc khúc như một chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ của đời thật, không có yếu tố thần tiên, không có cầu Ô Thước, chỉ có những ngăn cách của mưa gió chốn hồng trần. Tuy kết thúc buồn, nhưng kết thúc ấy lại mở đầu cho một kiếp mới ở thiên thu, một cuộc hẹn ở kiếp sau sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn.
Một người ngồi bên kia sông
im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi
mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông
mong cho chóng tạnh mùa Ngâu
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau
cách một biển sâu
hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau
biết thuở ban đầu
dù tình không nguôi
đôi ta xin cho hứa vui về sau
trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi
cách biệt dài lâu…
Nước vẫn trôi mau
mắt vẫn hoen sầu
đành để hồn theo nước trôi không màu
Số kiếp hay sao?
không cho bắc cầu
thì xin sông nước sẽ cho gần nhau..
Một người bèn ra ven sông
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau
êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau