Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ, nhạc công Huỳnh Anh (1932 – 2013)

Đăng ngày 20/07/2024

Huỳnh Anh là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng miền Nam trước năm 1975. Ông được công chúng biết đến qua nhiều ca khúc nổi tiếng do ông sáng tác như: Mưa Rừng, Rừng Lá Thay Chưa, Thuở Ấy Có Em, Kiếp Cầm Ca, Lạnh Trọn Đêm Nay,… Ông không những là một nhạc sĩ có tiếng trong giới âm nhạc mà còn là một nhạc công danh tiếng lẫy lừng, tài năng đánh trống của ông được người mến mộ đặt cho biệt danh là “tay trống giang hồ”.

Huỳnh Anh sinh ngày 2 tháng 1 năm 1932 tại Cần Thơ, ông là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nền cải lương miền Nam thời bấy giờ.Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Huỳnh Anh - Tác giả của Mưa Rừng, Loan Mắt Nhung, Kiếp Cầm Ca...

Cơ duyên đến với nghề đánh trống của Huỳnh Anh bắt đầu bằng một buổi đứng xem các bạn học tập dượt văn nghệ để chuẩn bị trình diễn trong ngày bế giảng năm học. Hôm ấy, tay trống của ban nhạc bất ngờ bị bệnh mà không có người thay thế. Trong lúc thiếu người, ông thầy hướng dẫn văn nghệ đảo mắt quan sát thì chợt thấy trong đám học sinh đứng coi có Huỳnh Anh, một cậu bé đang hết sức chăm chú, để tâm theo dõi tiếng đàn, giọng hát, hai tay gõ và chân nhịp rất đúng. Ông thầy này liền gọi Huỳnh Anh vào chơi trống thử, và trước sự ngạc nhiên của thầy và đội văn nghệ, cậu bé chơi trống rất đúng nhịp, thế là từ đó Huỳnh Anh trở thành tay trống chính thức cho buổi trình diễn. Và sau buổi trình diễn đó, Huỳnh Anh đã có một niềm đam mê lớn với bộ trống.

Năm 1947, khi Huỳnh Anh được 15 tuổi thì ông chính thức bước vào con đường nghệ thuật với vai trò là một tay trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt.

Đến những năm đầu thập niên 1950 thì tên tuổi của tay trống Huỳnh Anh đã nổi tiếng khắp miền Nam, ông ôm cặp dùi trống khuấy đảo Sài Gòn, khi thì chơi trong các đoàn cải lương, khi thì chơi ở những phòng trà có các ban nhạc Philippines. Với khả năng tự học hỏi các loại nhạc cụ thiên phú, qua quá trình làm việc chung với các ban nhạc, Huỳnh Anh đã học được ở các nhạc công khác ngón nghề độc đáo, chẳng mấy chốc mà ông sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí khác như guitar, piano, kèn, percussion…

Vào thời bấy giờ, có hai tay trống nổi tiếng nhất Sài Gòn là Huỳnh Anh và Huỳnh Hiếu. Tay trống Huỳnh Hiếu là con của ông bầu cải lương Tư Chơi, được cha mướn thầy Philippines về hướng dẫn cho, trong khi Huỳnh Anh chủ yếu là tự học (sau này có thêm tay trống nổi danh thứ ba là Phùng Trọng).

Năm 1957, tức là sau mười năm chính thức bước chân vào con đường nghệ thuật, Huỳnh Anh trở thành trưởng ban nhạc, ông ký hợp đồng trình diễn với hầu hết các phòng trà ca nhạc và vũ trường của Sài Gòn (đến năm 1975). Lúc ấy, có một giai thoại về ông mà đến tận bây giờ còn được nhiều người nhắc đến đó là cuộc “đọ trống” “vô tiền khoáng hậu” giữa Huỳnh Anh và tay trống người Mỹ lừng danh thế giới Buddy Rich tại rạp Hưng Đạo vào năm 1961 (khi ấy ông mới 29 tuổi). Từ đó ông được mệnh danh là “tay trống giang hồ”

Ngoài vai trò là một tay trống cừ khôi, Huỳnh Anh cũng là một nhạc sĩ tân nhạc dù cha ông lại là nghệ sĩ cổ nhạc, ca khúc đầu tay của ông là “Em Gắng Chờ”.Cuộc hôn nhân đầu bất hạnh của nhạc sĩ Kiếp cầm ca: Quá ghen tuông vợ dẫn đến tan vỡ

Vào năm 1961, đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga dựng vở cải lương “Mưa Rừng” của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, Huỳnh Anh được mời viết ca khúc chủ đề cho vở tuồng này. Sau đó, vở tuồng “Mưa Rừng” đã thành công ngoài dự kiến khi nó được chuyển thể thành phim vào năm 1962. Soạn xong ca khúc Mưa Rừng, ông còn giúp cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga tập nhạc để thể hiện nó trong vở tuồng và cũng kể từ đó ông “thương thầm trộm nhớ” cô. Ông còn “đo ni đóng giày” viết cho Thanh Nga ca khúc Kiếp Cầm Ca. Sau một thời gian, tình cảm của hai người vẫn không tiến triển tới đâu, ít lâu sau nghệ sĩ Thanh Nga lên xe hoa với chồng là Phạm Ngọc Lân.

Ngoài ra Huỳnh Anh còn sáng tác thêm một số ca khúc khác cho nhạc phim, trong đó có ca khúc “Sa Mạc Tuổi Trẻ”, vốn là kết quả của việc không kịp sáng tác xong một ca khúc để dùng cho một bộ phim có tên “Điệu Ru Nước Mắt”. Nhạc phẩm “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” là ca khúc ông đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của một thi sĩ có hai bút danh Kiên Giang/Hà Huy Hà, người được cho là bậc thầy của hai soạn giả cổ nhạc nổi tiếng là Hà Triều – Hoa Phượng.

Năm 1970, Huỳnh Anh gặp lại Thanh Nga thông qua một lời đề nghị viết nhạc của chị gái cô, và đề nghị đó là viết nhạc cho phim “Loan Mắt Nhung” của đạo diễn Lê Dân, vốn là một bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long.

Không những là một nghệ sĩ tâm huyết với nghề, Huỳnh Anh còn là một người thầy, người anh có đạo đức trong nghề. Năm 1963, ông gặp một cậu bé 12 tuổi tên là Trương Chiêu Thông (ca sĩ Thái Châu sau này) và ông đã dạy trống miễn phí cho cậu. Sau này khi tham gia trong một chương trình truyền hình, Thái Châu đã kể lại ân tình đó như sau: “Tôi là người rất mê trống, tôi từng năn nỉ mẹ để đi học trống. Năm 1963 tôi được gặp nhạc sĩ Huỳnh Anh khi đó ông là một tay trống nổi tiếng. Thầy rất gần gũi thân thiện. Thầy nhận dạy tôi không lấy thù lao. Sau này khi là ca sĩ chuyên nghiệp, tôi từng mơ ước được đứng cùng thầy một lần trên sân khấu nhưng do hợp đồng ràng buộc với các trung tâm ca nhạc mà không thể thực hiện.”Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Huỳnh Anh - Tác giả của Mưa Rừng, Loan Mắt Nhung, Kiếp Cầm Ca...

Chính nghệ sĩ Huỳnh Anh cũng là người đã dìu dắt nữ danh ca Phương Dung trên con đường âm nhạc vào những ngày cô mới bắt đầu vào nghề, chập chững đi hát. Đối với Phương Dung, Huỳnh Anh là người hết sức hiền lành, tận tâm, đặc biệt là rất thương em gái. Cô chia sẻ nhạc sĩ Huỳnh Anh rất thương mến mình và coi cô như em gái ruột, cô chia sẻ: “Nhiều lần đi tập nhạc xong, anh dẫn tôi đi ăn, đi xem phim. Anh đối với tôi như một người anh trai, hết lòng che chở và dìu dắt”.

Là một người hiền lành, hết mình với mọi người là vậy, nhưng đường tình duyên của Huỳnh Anh lại vô cùng lận đận. Trước năm 1975, ông từng kết hôn với Lệ Hằng – một người phụ nữ đẹp nức tiếng thời đó. Bà là con của chủ hộp đêm nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này hạnh phúc chưa được bao lâu thì tan vỡ sau khi hai người đã có với nhau một cô con gái. Theo chia sẻ của danh ca Phương Dung, lý do là bởi nhạc sĩ Huỳnh Anh rất hay ghen và do quan điểm sống của hai người có quá nhiều điều bất đồng. Danh ca Phương Dung kể: “Là con gái chủ một hộp đêm nổi tiếng, giàu có, lại vô cùng xinh đẹp, cô Lệ Hằng có không ít đàn ông vây quanh. Trong khi đó, nhạc sĩ Huỳnh Anh thì lại không giàu. Quá yêu vợ, ông nhiều lần ghen tuông, cuộc sống vợ chồng vì thế nảy sinh nhiều rạn nứt dẫn đến chia tay”.

Sau khi chia tay với vợ, Huỳnh Anh trở nên mất phương hướng. Lúc này, ông buông xuôi mọi thứ, chỉ tìm đến rượu để giải sầu. Dường như tất cả những ca khúc của ông ra đời trong giai đoạn đó, đều thể hiện niềm đau chất chứa của một người đàn ông hết lòng hết dạ trong tình yêu nhưng bị đời, bị người trả lại toàn những cay đắng, trái ngang. Ông viết hai ca khúc Thuở ấy có em và Lạnh trọn đêm mưa là để tặng riêng cho Lệ Hằng. Sau khi chia tay, ông và vợ cũ vẫn thi thoảng gặp nhau, nhưng không thể tái hợp.

Mãi cho đến sau này, khi nỗi đau cũ đã nguôi ngoai đi, nhạc sĩ Huỳnh Anh mới tái hôn với một người phụ nữ khác và có với nhau hai người con. Tuy nhiên, lại một lần nữa cuộc hôn nhân này nhanh chóng kết thúc sau khi sang Mỹ định cư, hai người đã chia tay, vợ ông nhận nuôi hai con.

Sau năm 1975, Huỳnh Anh định cư tại Mỹ, ông làm nghề lái taxi ở vùng San Francisco một thời gian dài, rồi chuyển về sống ở San Jose.

Năm 1981, Huỳnh Anh đã phổ nhạc cho bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của thi sĩ nổi tiếng Hoàng Ngọc Ẩn thành ca khúc nổi tiếng mà không cần chỉnh sửa bất kỳ chữ nào của bài thơ. Ngoài ra, Huỳnh Anh sáng tác bài Thành Phố Sương Mù (sau này ca khúc được tiết lộ là viết riêng cho nữ ca sĩ Như Quỳnh và được dàn dựng thành MTV bonus trong Paris By Night 54 – In Concert). Đồng thời, ông còn cùng với nhạc sĩ Nam Lộc viết nên ca khúc Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt.

Tại Mỹ, Huỳnh Anh sống một cách lặng lẽ, ẩn dật và ít tham gia các hoạt động văn nghệ kể cả khi đã dời về tiểu bang California, nơi có đông các nghệ sĩ, nhạc sĩ người Việt sinh sống.

Năm 2004, Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa và mời Huỳnh Anh chơi trống trong ca khúc Loan Mắt Nhung thể hiện bởi nam ca sĩ Thái Châu vốn là học trò cũ của ông.

Ở San Jose, nhạc sĩ Huỳnh Anh kết nghĩa anh em với một người tên là Nghĩa, người này lo cho ông mọi việc, từ xe cộ, ăn uống và khi ông trở bệnh (ung thư phổi và sau đó ung thư gan) thì cũng một tay người em kết nghĩa này lo liệu. Nhưng bất ngờ ngày 12 tháng 12 năm 2013, Nghĩa đột ngột qua đời và chỉ một ngày sau đó, nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng lặng lẽ ra đi trên giường bệnh lúc 15 giờ ngày 13 tháng 12 năm 2013 (ông hưởng thọ 81 tuổi).

Tuy trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Huỳnh Anh chỉ để lại khoảng 30 ca khúc, nhưng đa số đều được mọi người yêu thích và biết đến. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến là Mưa Rừng, Kiếp Cầm Ca, Biết Nói Gì Đây, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím và Rừng Lá Thay Chưa,… Xin cảm ơn ông, cố nhạc sĩ, nhạc công Huỳnh Anh, người đã để lại cho đời sau những giai điệu đẹp.