Trong nhạc vàng có rất nhiều nhạc sĩ viết về nỗi lòng của những người thiếu nữ trong thời loạn lạc. Đó là những người ở hậu phương luôn dõi theo bóng chồng ở nơi chiến trường, là nỗi nhớ mong, chờ đợi ngày khải hoàng chồng về sum tụ gia đình. Thấu hiểu nỗi niềm ấy, nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác nên nhạc khúc “Xa vắng”. “Xa vắng” là một bài hát dựa trên trường thi Chi Phụ Ngâm từ thế kỷ 18. Ở “Xa vắng”, ta gặp được hình ảnh người thiếu phụ buồn trông tin “chàng”, là chuỗi ngày dài sống trong chờ đợi và thấp thỏm lo âu cho người chồng.
Ngày anh xa vắng
Em không trang điểm đợi chờ
Ngày anh lên đường ra nơi tiền tuyến xa xôi, em cũng không còn thiết tha “trang điểm đợi chờ”. Bởi giờ đây, khi còn mình em lẻ bóng với căn phòng, em trang điểm xinh đẹp cũng không còn “chàng” ngắm nhìn. Ngày anh đi xa, là những ngày lạnh lẽo chốn khuê phòng.
Những đêm gió lạnh đầu hè
Khuê phòng ủ kín tâm tư
Nhìn từng hạt mưa sa
Thương đời biển sầu bao la
Để cho cành hoa héo khô
Lỡ cung ái ân xuân thì
Những đêm hè gió lạnh mình em, trong căn phòng lấp kín những kỷ niệm của chúng ta. Nhìn quanh phòng, đâu cũng là hình bóng của anh, những kỷ niệm ngọt ngào của đôi ta, nay chỉ lại mình em với gió lạnh. Em chỉ biết ngồi bên khung cửa sổ, nhìn những hạt mưa xa mà “thương đời biển sầu bao la”. Tiếc thương cho hoa kia héo khô, cũng tiếc cho phận em đây “lỡ cung ái ân xuân thì”. Đó là bức tranh về người thiếu phụ u buồn nhìn cảnh mưa mà thương cho đời, thương cho mình.
Ngày anh xa vắng
Phấn son xếp lại chẳng dùng
Trắng đêm đối ngọn đèn tàn
Trăng mờ lạnh giấc cô miên
Đợi chàng một hai năm
Hay là cả đời xuân xanh
Ngày nao đầu pha tuyết sương
Vẫn mong tái ngộ một lần
Ngày vắng anh, “phấn son xếp lại chẳng dùng”, em thức trắng đêm bên ngọn đèn tàn. Bởi còn đâu vòng tay ấm áp của “chàng”, giờ đây chỉ còn mỗi “thiếp” cô đơn gối chiếc trong căn phòng lạnh tanh. “Thiếp” mãi đợi chàng, dù cho “một hai năm hay là cả đời xuân xanh”, thiếp vẫn đợi, đợi đến khi “đầu pha tuyết sương”, thiếp đợi ngày chàng trở về, hội ngộ cùng thiếp. Đó là tấm lòng chung thủy sắc son của người thiếu phụ trẻ. Chinh nhân lên đường đâu biết khi nào qua trở lại, có thể sẽ về sum họp nhưng cũng có thể sẽ không… Người thiếu phụ trẻ một mình trong căn phòng trống rỗng ấy, “thiếp” nhớ “chàng”, mong mỏi bóng chàng, lại sợ hãi ngày chàng không về. Nỗi nhớ, niềm thương, tấm lòng thủy chung sắc son và nỗi sợ hãi lan tràn lòng người thiếu phụ ấy.
Chàng đi chinh chiến
Gieo neo rừng mưa
Là mong chiến thắng vai mang vòng hoa
Còn em khuya sớm chăm lo miền quê
Cho lúa lên ngôi hai mùa
Sống cho tình yêu thế hệ
Nhạc ý chuyển cảnh về suy tư của người thiếu phụ, cô mong một ngày chàng khải hoàng trở về” chiến thắng mang vòng hoa”, chàng chiến đấu bảo vệ quê hương, cô ở nhà đắp xây mái ấm “chăm lo miền quê”. Ước mong một cuộc sống bình yên và đầy đủ, hạnh phúc bên nhau “cho lúa lên ngôi hai mùa, sống cho tình yêu thế hệ”. Mong rằng sau những ngày chinh chiến gian khổ chốn rừng sâu thăm thẳm, chàng lại chiến thắng quay về bên thiếp, cùng nhau nắm tay đi hết những tháng ngày hạnh phúc.
Ngày anh xa vắng
Tóc buông giữ vẹn lời thề
Ước mong ngấn lệ ngày về
Thay dòng nước mắt khi đi
Vì trời làm phong ba
Nên đời hội ngộ chia ly
Lệ rơi nhiều hơn nước mưa
Dẫu cho bốn biển chẳng vừa.
Người thiếu phụ trẻ ấy dẫu vẫn sợ chàng ra đi hiểm nguy, nhưng vẫn gán lệ cười tiễn đưa “ước mong ngấn lệ ngày về , thay dòng nước mắt khi đi”. Thiếp ở quê nhà sẽ cầu mong bình an cho chàng, thiếp vẫn “tóc buông giữ vẹn lời thề”, vẫn thủy chung chờ chàng. Chỉ là buồn khi “trời làm phong ba, nên đời hội ngộ chia ly”. Nếu chiến tranh không xảy ra, chàng không phải xa thiếp, chúng ta không phải xa nhau. Nhưng…. Chiến tranh đến, phận làm trai sao có thể để giặc cướp giết dân mình. Chàng ra đi bảo vệ đất nước, thiếp ở lại bảo vệ tình cảm đôi mình.
“Xa vắng” dựa trên trường thi Chinh Phụ Ngâm nên dòng cảm xúc khá giống với trường thi ấy. Nhưng điểm nổi bật ở “Xa vắng” đó là làn điệu thiết tha mà u buồn, là sự tài tình của nhạc sĩ Y Vân khi chuyển ý thơ thành lời nhạc. Câu hát như nhẹ nhàng, luyến lưu mà vương vấn khi nói về cuộc chia tay cũng người thiếu phụ. Nỗi buồn, nỗi sầu như chấp cánh cho ý nhạc vương vấn mãi trong lòng người nghe. Nhạc khúc “Xa vắng” tuy là nỗi buồn của thiếu phụ trong thời loạn thế, bên cạnh đó vẫn kín đáo phê phán chiến tranh. Trách “trời làm phong ba” gây ra những chia xa đau lòng người. Cuộc chia tay “lệ rơi nhiều hơn nước mưa. Dẫu cho bốn biển chẳng vừa”. Đó là nỗi đau của rất nhiều, rất nhiều những người vợ, người mẹ tiến chồng, tiến con ra chiến trận. Những giọt nước mắt khóc tiễn đưa nhiều hơn bốn biển.
Chiến tranh lùi xa, nhưng những mất mát và nỗi đau chia cách ấy vẫn luôn đọng lại sâu trong lòng mỗi người. Và bằng những làn điệu du dương, ca từ mượt mà, “Xa vắng” như làm sống dậy những nỗi niềm ấy.
Ngày anh xa vắng
Em không trang điểm đợi chờ
Những đêm gió lạnh đầu hè
Khuê phòng phủ kín tâm tư
Nhìn từng hạt mưa sa
Thương đời biển sầu bao la
Để cho cành hoa héo khô
Lỡ cung ái ân xuân thì
Ngày anh xa vắng
Phấn son xếp lại chẳng dùng
Trắng đêm đối ngọn đèn tàn
Trăng mờ lạnh giấc cô miên
Đợi chàng một hai năm
Hay là cả đời xuân xanh
Ngày nao đầu pha tuyết sương
Vẫn mong tái ngộ một lần
Chàng đi chinh chiến
Gieo neo rừng khuya
Là mong chiến thắng vai mang vòng hoa
Còn em khuya sớm chăm lo miền quê
Cho lúa lên ngôi hai mùa
Sống cho tình yêu thế hệ
Ngày anh xa vắng
Tóc buông giữ vẹn lời thề
Ước mong ngấn lệ ngày về
Thay dòng nước mắt chia ly
Vì trời làm phong ba
Nên đời hội ngộ chia ly
Lệ rơi nhiều hơn nước mưa
Dẫu cho bốn biển chẳng vừa….