Đài Phương Trang là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình từ giữa những năm thập niên 60 cho đến nay. Ông là nhạc sĩ có số lượng sáng tác đồ sộ với hơn 600 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng được đông đảo người yêu nhạc ưa thích như: Hoa Mười Giờ, Căn Nhà Dĩ Vãng, Hai Mùa Noel, Tình Nghèo Có Nhau, Ước Mộng Đôi Ta, Chuyến Xe Miền Tây, Người Yêu Cô Đơn, …
Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Ông bén duyên với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Đó là năm ông học lớp 5, có một người hàng xóm tên là Mành thường hay ngồi trước cửa nhà chơi đàn mandolin, người đó tấu lên những khúc nhạc réo rắc lúc vui tươi, lúc buồn man mác làm xao động cậu bé Đài Phương Trang khi ấy mỗi khi đi ngang qua. Chú Mành, cũng chú ý đến cậu bé hàng xóm hay đứng ở cửa nhìn vào, im lặng nghe hàng giờ không biết chán. Rồi một hôm, chú Mành ngoắc cậu bé vào và hỏi có thích học madolin không, nếu thích thì “về xin tiền má để mua một cây đờn, qua đây chú dạy”. Chính điều giản đơn thuở bé ấy đã dẫn dắt nhạc sĩ Đài Phương Trang vào con đường âm nhạc về sau. Cho đến bây giờ, mỗi khi thấy ai ôm cây đàn nhỏ dây đôi đó, những ký ức đẹp đẽ ngày nào lại hiện về trong trí nhớ của nhạc sĩ Đài Phương Trang.
Đến năm học đệ thất (tức là lớp 6 hiện nay), Đài Phương Trang chuyển trường, và may mắn được học với thầy dạy nhạc Trần Anh Tuấn, vốn cũng đang là thầy giáo của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Ít lâu sau, ông lại học thêm đàn guitar. Đến năm lớp 11, Đài Phương Trang đã là một người chơi đàn giỏi khiến nhiều bạn bè nể phục. Tuy nhiên, dù là một tay chơi đàn được các cô gái trong lớp mến mộ và nhiều lần xin được nghe nhưng ông lại ngại ngùng không thể đàn được và chỉ đàn khi có các bạn trai yêu cầu. Vì thế bút danh “Đài Phương Trang” của ông cũng được ra đời từ kỉ niệm của thời học sinh của ông, Đài Phương Trang là một cách nói lái của “Đàn Phương Trai” có nghĩa là chỉ đàn khi có các bạn trai với nhau.
Sau khi học xong tú tài, Đài Phương Trang dạy môn Việt Sử ở trường trung học cộng đồng Phú Định.
Năm 1965, Đài Phương Trang sáng tác ca đầu tay mang tên Bốn Màu Áo (lúc này ông lấy bút danh là Thanh Viên), viết chung với nhạc sĩ Anh Thy ( tác giả của ca khúc Hoa Biển), tuy nhiên ca khúc này đến năm 1966 mới được ra mắt, với ca sĩ Carol Kim là người trình bày đầu tiên và ngay lập tức nhạc phẩm này được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt.
Sau này nhạc sĩ Đài Phương Trang kể lại rằng đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Khi ông cầm 10 ngàn đồng phát hành băng nhạc và nhạc bản đầu tiên, ông chưa tin rằng mình làm ra được nhiều tiền như vậy. Vào thời ấy, 12 ngàn đồng đã có thể mua được chiếc Honda đỏ đời đầu, một gia sản lớn đối với nghề thầy giáo trung học. Khi cầm trọn số tiền làm ra về đưa cho vợ, vợ ông đã trích ra từ số tiền đó để mua cho ông một chiếc đồng hồ đeo tay Seiko-5, tức kiểu đồng hồ thời trang thịnh hành nhất của những năm thập niên 60.
Giới nhạc sĩ thời bấy giờ cũng bắt đầu tò mò về tác giả mới nổi có những bài hát ăn khách, không thấy mặt mũi đâu nhưng lại có nhiều bút danh như Thanh Viên, Phạm Vũ Anh Tứ, Phạm Tứ, Quang Tứ,… Cũng nhờ việc tò mò tìm hiểu người nhạc sĩ mới mà nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1934, tác giả Nét Son Buồn, Nếu Mình Còn Yêu Nhau…) mới phát hiện ra Đài Phương Trang, chính là người cháu họ của mình, cũng đang bước vào con đường âm nhạc.
Do bản tính dè dặt và ngại giao tiếp với giới truyền thông bên ngoài nên nhạc sĩ Đài Phương Trang thường giao phó các bài hát của mình cho người chú lo việc ra ngoài thương thảo với các nhà sản xuất và in ấn rồi để tên chung, còn mình thì chỉ đi dạy rồi về nhà cắm cúi sáng tác. Đó cũng là lý do có nhiều nhạc phẩm được ký tên của hai người nhạc sĩ Đài Phương Trang và Ngọc Sơn như các bài hát: Có Những Đêm Buồn, Màu Tím Pensée, Hoa Mười Giờ, …
Năm 1968, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khi ấy đang là giám đốc của nhiều hãng đĩa nhạc và nhà in như Continental, Ngày Xanh, Sơn Ca… đã gặp mặt chàng nhạc sĩ trẻ Đài Phương Trang, ngay lập tức ông mời Đài Phương Trang cùng cộng tác gửi bài, nhạc phẩm đầu tiên nổi lên từ sự cộng tác này đó là “Biết Ai Tâm Sự” với tiếng hát ca sĩ Kim Loan, ngay sau đó ca khúc này đã trở nên thịnh hành trên thị trường và đài phát thanh lúc bấy giờ.
Trong nhiều năm liền của thập niên 60, 70 ở Sài Gòn, các nhạc phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang liên tục được phát trên các phương tiện đại chúng và ngày càng trở nên quen thuộc với người yêu nhạc như Người Yêu Cô Đơn, Biết Ai Tâm Sự, Người Quên Kẻ Nhớ, Tình Yêu Tuyệt Đối, Chuyến Xe Miền Tây, Hoa Mười Giờ, … tên tuổi của ông trở thành một dấu ấn khó phai trong lịch sử âm nhạc bolero.
Tuy nhiên, khi đã trở thành một nhạc sĩ vang danh, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng ông không bao giờ rời bỏ nghề dạy học và môn Việt Sử mà mình đã chọn. Thầy giáo – nhạc sĩ Đài Phương Trang chỉ về hưu vào cuối thập niên 90, sau đó ông đã dành trọn thời gian cho việc thể nghiệm sáng tác nhạc trẻ và các bài ca hài, như kiểu ban tam ca AVT thời thập niên 60, 70.
Những năm thập niên 90, Đài Phương Trang cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương) thành lập nhóm “Hai Con Dế”, ra sân khấu với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng và chơi đàn guitar. Sau khi Phương Khanh qua đời, ông tiếp tục duy trì nhóm với một số bạn diễn mới như Kông Thanh Bích, Hải Thanh và sau này là nhạc sĩ Đức Tân. Ông chia sẻ: “Ước vọng của chúng tôi là được đem lời ca tiếng đàn để phục vụ công chúng qua thể loại ca hài hầu mang đến những nụ cười dí dỏm, ý nhị có tính nghệ thuật trong những ca khúc hoàn toàn mới – từ giai điện đến lời ca chứ không phải đặt lời mới trên những giai điệu cũ mà người ta thường gọi là ‘nhạc chế’ ”
Cho đến nay, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn miệt mài với sự nghiệp sáng tác, lấy âm nhạc làm niềm vui, ông cho biết tuổi tác không ảnh hưởng đến khả năng sáng tác của ông, ngược lại điều đó còn cho ông nhiều trải nghiệm, cảm nhận và trau chuốt âm nhạc của mình nhiều hơn. Ông chia sẻ: “Một số người cho rằng những nhạc sĩ xưa giờ đã mất nguồn cảm hứng sáng tác, nhưng riêng tôi, tôi vẫn sáng tác đều đặn. Hiện tại chỉ tính riêng bolero, tôi cũng có đến vài chục bài hát mới chưa được ra mắt. Tôi mong một ngày gần nhất, có thể phổ biến những bài hát mới này để bổ sung vào kho tàng bolero hiện tại mà các chương trình hay các nơi đang sử dụng”.
Về cuộc sống cá nhân, nhạc sĩ Đài Phương Trang tiết lộ ông chọn sống một mình với âm nhạc sau khi vợ qua đời cách đây ba năm vì bệnh tim và ba đứa con (2 gái, 1 trai) đều đã có gia đình riêng. Niềm vui hiện tại của ông là các bạn trẻ, các ca sĩ trẻ yêu thích dòng nhạc bolero. Họ vẫn thường xuyên tìm đến ông để tập hát những bài hát mới và nghe ông chia sẻ về dòng nhạc mà ông đã dành cả cuộc đời để theo đuổi và cống hiến.