Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Kim Anh (1953) – Một trong những nữ ca sĩ có cuộc đời nổi tiếng gian truân với nhiều nổi buồn và nước mắt

Đăng ngày 20/07/2024

Kim Anh là một nữ ca sĩ tên tuổi của những năm thập niên 80 tại hải ngoại. Nhắc đến Kim Anh người mến mộ sẽ nhớ ngay đến nhạc phẩm “Mùa Thu Lá Bay” của nhạc sĩ Nam Lộc (nhạc Hoa), chính nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của cô đến với người yêu nhạc và gắn bó với cô trong xuyên suốt sự nghiệp ca hát. Kim Anh ghi đậm dấu ấn với khán giả bởi chất giọng khàn nhưng đặc biệt truyền cảm của mình cùng vẻ ngoài dễ mến với đôi mắt có hồn và nụ cười đôn hậu. Thế nhưng ít ai biết được rằng cuộc đời cô đã trải qua nhiều truân chuyên với bao nỗi buồn và nước mắt đầy xót xa.

Kim Anh tên thật là Mạch Kim Anh, sinh ngày 4 tháng 9 năm 1953 trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Chính Kinh Anh cũng không biết mình cất tiếng khóc chào đời ở đâu nhưng trên giấy khai sinh của cô được ghi là sinh ở Minh Hương. Kim Anh lớn lên ở làng Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Cha mẹ cô là người gốc Trung Hoa nhưng đã sang Việt Nam sinh sống từ lâu.

Cha Kim Anh ban đầu sống và làm việc ở Chợ Lớn, sau đó ông xuôi xuống miền Tây để làm ăn và xây dựng cơ nghiệp tại đây.

Lúc nhỏ Kim Anh có cuộc sống sung sướng, giàu sang bởi lúc đó gia đình cô rất khá giả nhờ có đại lý bia và nước ngọt cùng với một xưởng đồ làm gốm và một lò gạch, bên cạnh đó cha cô còn là chủ của một tiệm thuốc bắc lớn. Vì thế mà vào những năm đầu đời của mình, Kim Anh luôn được gia đình cưng chiều và không phải chịu bất kỳ khổ cực nào.

Nhưng đến năm Kim Anh được 6 tuổi thì gia đình cô lâm vào cảnh khó khăn, gia đình cô phá sản, cuộc sống sung túc ngày nào đột nhiên trở nên bần hàn đến cùng cực. Cả gia đình của Kim Anh phải chuyển sang sống trong một cái chòi nhỏ hẹp. Tuy nhiên với bản tính cần cù của mình, cha Kim Anh nhất quyết gầy dựng lại cơ nghiệp, ông bắt đầu lại bằng nghề buôn bán ve chai, lông vịt. Đồng thời ông cũng làm kẹo đậu phộng và chở trên chiếc xe đạp cô con gái nhỏ Kim Anh rong ruổi khắp các vùng quê để bán dạo, sau đó thì ông chuyển sang nghề cắt kính và làm lồng đèn. Mẹ cô cũng góp sức bằng nghề làm nem chua – một đặc sản của làng Lai Vung

Nhờ vào sự cần cù, chăm chỉ và gom góp tiền bạc bằng những công việc đó mà gia đình Kim Anh cũng dần trở nên ổn định hơn. Sau đó cha cô mở lại một hiệu thuốc Bắc và rất có tiếng tăm trong vùng.

Cũng trong những ngày tháng cơ cực, Kim Anh dần bộc lộ được năng khiếu ca hát. Cô được những người bạn của cha là những người bán thuốc Sơn Đông xin phép cha cô cho cô được hát trong những buổi rao hàng ngoài chợ. Lúc ấy cô được thưởng nhiều bánh kẹo nên cũng ra sức hát góp phần cho gánh Sơn Đông bán thuốc rất chạy nhất là với bài “Má Ơi Con Tập Đánh Vần”.

Khán giả thường xuyên nhất của Kim Anh lúc bấy giờ chính là người cha hết mực yêu thương cô. Cô kể mỗi lần ông gặp chuyện buồn và uống rượu cô đều hát cho ông nghe bất kể loại nhạc gì từ nhạc Hồ Quảng cho đến cải lương.

Năm 1969, khi Kim Anh còn đang theo học trường trung học Đức Thành tại tỉnh nhà Sa Đéc lúc này Hạm đội của Hải Quân Mỹ đề xướng một chương trình bảo trợ cho các học sinh trung học thuộc một số làng thuộc tỉnh Sa Đéc sang Mỹ theo học những ngành thích hợp với khả năng… Với tư chất thông minh, Kim Anh đã nhận được suất học bổng và đủ điều kiện để sang Hoa Kỳ học. Ban đầu cô được đưa về thành phố Pittsburg thuộc tiểu bang Pensylvania, sau đó thì cô được chuyển sang thành phố Greenbelt của tiểu bang Maryland.

Cũng tại nơi đây vào năm 1971 cô kết hôn cùng với một sĩ quan Mỹ tên Hackman – là một đại uý phục vụ trong cơ quan tình báo, để có thể được bảo lãnh ở lại Hoa Kỳ và tiếp tục học tập. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì hai người chia tay khi đã có với nhau một người con.Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Kim Anh (Mùa Thu Lá Bay)

Năm 1972, trong một dịp tình cờ Kim Anh gặp được một người phụ nữ Việt Nam lai Ai Cập tên là Lee. Nhờ có quen biết với toà đại sứ VNCH ở Hoa Thịnh Đốn nên bà Lee đã giới thiệu cho Kim Anh được hát trong những chương trình văn nghệ do toà đại sứ tổ chức. Cũng từ đó, Kim Anh dời về sống tại thủ đô Mỹ và tiếp tục theo học trường đại học American University tại đây

Sau khi học hết năm thứ hai đại học, Kim Anh đã bỏ học và đi làm, cô làm pha chế rượu cho tiệm Golden Tabnles, làm tiếp viên cho Watergate và cho một nhà hàng ở Georgetown thuộc Washington. Ngoài ra thời gian rảnh Kim Anh còn nhận làm người mẫu thời trang cũng như bán hàng cho một tiệm mỹ phẩm. Đến năm 1974, cô theo một người bạn sang Pháp du lịch và cư ngụ tại đây gần nửa năm. Đầu năm 1975, Kim Anh trở về Mỹ rồi trở lại vùng Cote D’Azur thêm vài tháng.

Sau đó cô dời về sống ở thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia, trong một lần tình cờ, Kim Anh quen biết với một người bạn Mỹ gốc Trung Hoa tên là David Lee, chủ nhân một nhà hàng ca nhạc The Empress trên đường Connexticut ở Washington và nơi đây có một ban nhạc Việt Nam thường trình diễn vào mỗi tối thứ Bảy. Anh này đã đề nghị Kim Anh đến giúp làm thông dịch trong việc trao đổi với ban nhạc bởi bất đồng ngôn ngữ giữa hai bên. Cô nhận lời làm thông dịch và một thời gian sau thì cô tham gia hát mỗi đêm 2 bài. Lần đầu tiên cô bước lên sân khấu tại The Empress là trình bày ca khúc “Vũng Lầy Của Chúng Ta” của nhạc sĩ Lê Uyên Phương mà cô học được từ một băng cassette do một người bạn tặng.

Kể từ đó, Kim Anh bị ánh đèn sân khấu thu hút và niềm đam mê ca hát trong cô được sống dậy. Cô đã nhờ ban nhạc tập cho bài The End Of The Word, sau đó là Fernado, Heil Me Make It Through The Night,…để trình diễn.Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Kim Anh (Mùa Thu Lá Bay)

Năm 1977, hai nghệ sĩ Tuý Hồng và Bảo Ân tổ chức chương trình đại nhạc hội ở Arlington và Kim Anh cũng được mời xuất hiện lần đầu tiên trong một chương trình có tầm vóc quy mô hơn trước. Trong ban nhạc của chương trình ngày hôm ấy có tay trống Phùng Thuận – một tay trống nổi tiếng của ban nhạc The Fourty Six, đã đề nghị Kim Anh hát bài “Mùa Thu Lá Bay” nhạc Hoa lời Việt. Đó là lần đầu tiên Kim Anh trình bày ca khúc này và cô được khán giả đón nhận bằng những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt đánh dấu bước ngoặc trong sự nghiệp ca hát của cô.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Mùa Thu Lá Bay do Kim Anh trình bày

Sau thành công đó, Kim Anh đã hăng hái tập dượt thêm nhiều nhạc phẩm Trung Hoa khác như Cánh Hồng Trung Quốc, Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải,…

Cũng trong năm 1977, Kim Anh rời Empress và về cộng tác với một nhà hàng ca nhạc khác tên Mayflower. Tại đây, cô được nhạc trưởng Alan Yu – một nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng người Hồng Kông, chỉ dẫn thêm một số ca khúc khác để trình diễn và hầu hết cô đều nhận được những tràng pháo tay khen ngợi nồng nhiệt.

Cuối năm 1977, Kim Anh theo lời mời của người bạn tên là Tuyết Lan bay sang NewYork và cộng tác với nhà hàng ca nhạc Kung Fu. Ở đây, cô cũng được công chúng yêu mến khi trình bày nhạc phẩm “Mùa Thu Lá Bay”, chính ca khúc ấy đã mang tên tuổi của Kim Anh đến gần hơn với khán thính giả nơi này. Ngoài ra thời gian này cô đa số hát những ca khúc tiếng Hoa và tiếng Pháp. Những ngày đầu đi hát, Kim Anh được trả với mức lương khá thấp chỉ có 900$ một tháng nhưng càng về sau khi tiếng hát của cô càng thực sự thu hút rất nhiều người thì mức lương càng lúc càng cao. Cuộc sống của cô thay đổi, cô được rất nhiều người yêu nhạc mến mộ và yêu thương. Tuy nhiên, khi cánh cửa cuộc đời vừa trở nên tươi đẹp thì cũng là lúc tai họa giáng xuống đầu Kim Anh bằng một tai nạn kinh hoàng. Cô kể lại như sau:

“Vào năm 1978, khi tôi đi hát ở NewYork thì gặp đúng thời điểm thành phố này có một cơn bão tuyết kỷ lục, lớn nhất trong lịch sử 100 năm. Tuyết phủ trắng đường khiến cho xe cộ bị ùn ứ, tắc tị lại, không lưu thông được. Tôi còn nhớ hôm đó sau khi hát xong ra gara đỗ xe thì không tìm thấy xe mình đâu hết. Tôi đang loay hoay chưa biết về nhà bằng cách nào thì có người bạn đi xe máy đến bảo “để tao chở mày về”. Đi đến giữa cầu Brooklyn tôi có cảm giác không an tâm nên bảo bạn dừng lại cho tôi xuống. Nhưng bạn vừa dừng xe lại để quay đầu xe để dừng lại thì xe bị đóng băng trên đường. Chưa kịp xử lý thế nào thì bỗng thấy có hai cái đèn pha dọi thẳng vào mình rồi sau đó tôi không biết gì nữa

Theo lời kể lại của nhân chứng thì sau cú tai nạn khủng khiếp ấy các cảnh sát đã phải mất một lúc lâu mới nậy tung chiếc xe để lôi được Kim Anh ra ngoài. Khi đó, cô đã hoàn toàn bất tỉnh, toàn thân nhiều chỗ bị thương trầm trọng.

Kim Anh vẫn rất bàng hoàng khi nói về những vết thương lúc đó: “Đến khi tỉnh dậy, tôi nghe mọi người xung quanh nói là tôi đã bị hôn mê 36 tiếng. Và lúc đó tôi bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu, bị vỡ giác mạc, nát lưỡi, một phần mặt bên trái cũng bị lệch xương… Tôi phải thay đến 98.7% máu trong cơ thể và bác sĩ còn định thay mắt cho tôi vì bị vỡ giác mạc. Đầu tôi lúc đó có hàng trăm mũi kim dí vào để truyền đủ các loại thuốc. Vì quá nhiều vết thương nên nếu dùng thuốc giảm đau thôi không sẽ không có tác dụng. Các bác sĩ đành cứ phải 4 tiếng lại tiêm cho tôi một mũi Morphine. Lúc đầu 4 tiếng sau giảm xuống 3 tiếng rồi 2 tiếng vì cơn đau càng ngày càng dữ dội…”.

Và trong nỗi đau đớn tột cùng , Kim Anh đã chấp nhận hít Cocain để giảm đau, theo gợi ý của một người quen có hiểu biết trong ngành y.

Kim Anh kể rằng, trong khoảng thời gian đó, có một người bạn tên là Victor Chao đã tìm đến chăm sóc cô. Thấy bệnh tình của cô quá nặng mà thuốc giảm đau càng lúc càng mất tác dụng nên nghe theo lời bác sĩ, Victor Chao đã mua Cocain cho cô hít. Trước đó, mỗi tuần Kim Anh phải chích 32 mũi ở phần sống lưng mới ngồi dậy được nhưng từ khi có Cocain cô không phải tiêm nữa. Kim Anh cũng không phải uống số thuốc an thần gấp đôi người bình thường để mỗi đêm có thể ngủ được một chút nữa. Nhưng nghiệt ngã thay chính từ những lần hít Cocain để vượt qua cơn đau, Kim Anh đã dần lệ thuộc vào ma túy và cô đã lạm dụng quá khả năng giảm đau của nó.

Một hôm, chủ nhà hàng Kung Fu đã qua thăm cô trong bệnh viện và bảo lãnh cho cô được đi hát vì chỉ có hát Kinh Anh mới nhanh lấy lại tinh thần và mới nhanh chóng hồi phục. Những ngày đó Kim Anh ngồi hát trên chiếc xe lăn và không lần nào hát mà cô không khóc. Kim Anh cảm thấy cuộc đời của mình có quá nhiều trái ngang và sóng gió. Thậm chí, có một thời gian, trước khi lên sân khấu cô phải nhờ đến rượu, có rượu cô mới xua đi được cái cảm giác buồn đau của chính mình để thăng hoa với từng lời hát. Dần dần, rượu cũng trở thành một “người bạn” không thể thiếu trong cuộc sống của Kim Anh. Trước hình ảnh thương tâm của giọng hát nổi tiếng một thời, Kim Anh càng nhận được sự yêu thương và mến mộ vì nghị lực từ khán giả hơn nữa.

Sau một thời gian khá dài, Kim Anh cũng được xuất viện nhưng vì không có bảo hiểm y tế nên trước khi ra khỏi bệnh viện cô đã nhận được một hoá đơn gần 300 ngàn mỹ kim phải trả. Nhưng cũng may nhờ sự can thiệp của luật sư nên cô không phải trả một khoản phí nào. Trong túi cô lúc ấy cũng không còn tiền để tiếp tục trang trãi cuộc sống sau đó.

Trong lúc đang tuyệt vọng vì chưa định hướng được cho số phận mình và không một người thân bên cạnh thì cô được một gia đình ân nhân người Việt vì hâm mộ tiếng hát của Kim Anh qua bài “Mùa Thu Lá Bay” đón về Houston, Texas để chăm sóc. Chính nhờ sự giúp đỡ đó đã giúp Kim Anh phục hồi nhanh hơn và sớm trở lại với sân khấu ca nhạc.

“Về nhà họ, ba cô con gái của ông bà thay nhau đút cơm cho tôi ăn. Hai năm ròng rã được quý nhân cưu mang, chữa trị, đến khi cắt băng, tôi xin đi chứ không làm phiền quý nhân của mình thêm nữa. Ba năm trời đau đớn, ngồi cho người ta khoan từng mũi vào xương và ngủ ngồi, đến lúc ráp xương, được ngủ nằm, là một hạnh phúc lớn nhất đời khi đó. Tôi ngủ vùi 4 đêm, 5 ngày, nhiều người cứ nghĩ là tôi chết…”, Kim Anh bồi hồi nhớ lại.

Sau khi được chăm sóc kĩ càng, Kim Anh dần hồi phục và cô lại tiếp tục ngồi xe lăn lên sân khấu và hát trong những thổn thức của cuộc đời. Thời điểm này, tiếng hát của Kim Anh ngày càng vang xa và lượng người yêu mến cô cũng đông lên. Kim Anh được sống trên đỉnh cao của vinh quang và danh vọng, cô được mọi người tung hô, chiều chuộng và yêu thương.Mùa Thu Lá Bay' - Bài hát định mệnh của ca sĩ Kim Anh

Cô chia sẻ: “Thời điểm đó, đi đến đâu, người ta cũng tung hô tôi như một bà hoàng. Tôi không thiếu bất cứ thứ gì. Ma tuý người ta biếu cả gói kèm dụng cụ để chơi, rượu cả thùng, thuốc lá cả cây. Nhưng vì thế mà nó khiến tôi nhiều khi thấy sợ. Cứ mỗi khi rời sân khấu tôi lại nép mình vào một góc riêng không ai biết. Chỉ có một điều, từ đó tôi “bập” vào ma tuý, rượu, thuốc lá… ngày càng nặng “đô” hơn. Càng ngày những thứ “thuốc” giúp mình vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần thành một nhu cầu hàng ngày của mình. Tôi thật sự bị lệ thuộc vào chúng”.

Năm 1983, Kim Anh được người nhà từ Việt Nam báo cho biết cha cô bị bệnh rất nặng và muốn nghe tiếng nói của cô trước khi nhắm mắt. Vì ở quá xa mà điều kiện sức khoẻ lại không cho phép nên cô không thể về thăm cha được, vì thế Kim Anh đã quyết định thu âm bài “Mùa Thu Lá Bay” để gửi về Việt Nam cho cha mình nghe được giọng mình. Nhưng đau đớn thay, cuốn băng “Mùa Thu Lá Bay” gửi về đến Việt Nam thì cha cô đã qua đời. Ông mất nhưng không nhắm được mắt vì vẫn ngóng đợi con gái về. Đến khi người nhà mở cuốn băng cho ông nghe thì nước mắt ông chảy ra rồi từ từ nhắm lại, việc an táng lúc đó mới được tiến hành.

Băng nhạc “Mùa Thu Lá Bay” được nhạc sĩ Lê Văn Thiện soạn hoà âm, Khánh Ly viết lời mở đầu, Trần Đình Thục thực hiện bìa và thu thanh tại Studio của nhạc sĩ Tùng Giang. Cuốn băng này sau đó đã được bán rất chạy với nhiều lần in thêm, đợt đầu in 925 cuốn.

Sau thành công của cuốn băng đầu tiên, Kim Anh tiếp tục thực hiện cuốn “Chiếc Lá Cuối Cùng” cũng thành công không kém. Ngoài ra, cô còn đứng ra tổ chức nhiều đêm nhạc và được rất nhiều người hưởng ứng. Tiếng tăm ca sĩ Kim Anh trở nên lẫy lừng hơn bao giờ hết, đây cũng chính là thời kỳ tên tuổi cô lên cao chót vót với tình trạng tài chính rất khả quan.

Tuy nhiên, sau khi cha mất Kim Anh rất buồn nên càng sa chân thêm vào con đường ma túy. Một điều đặc biệt là dù dính vào ma tuý nhưng Kim Anh vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, mình cứ như thế mãi thì không nên bước lên sân khấu, không đáng để được nhận những tràng vỗ tay tán dương của khán giả hàng đêm nên cô đã quyết định ngừng đi hát. Ai mời cô cũng từ chối dù thời điểm đó Kim Anh đang là ngôi sao sáng của nhiều vũ trường, bar, pub…

Năm 1988, Kim Anh quyết định từ Mỹ về Pháp, cô muốn cai nghiện cho bằng được. Sang Pháp cô ở cùng một bà cụ nhà ở trong Nghĩa trang Quân đội của Thế giới Đệ nhị vì khu đó ở tách biệt thế giới bên ngoài, sẽ rất tốt cho việc cai nghiện. Nhưng quá trình từ bỏ thứ gây nghiện cực mạnh đó cũng đầy đau đớn và khó khăn với Kim Anh, cô kể:

“Ở đó chưa lâu tôi lại lên cơn “vật”. Tôi vật vã, đau đớn, sùi cả bọt mép… bà già không biết tôi bị nghiện nên cứ nghĩ tôi bị trúng gió. Tôi ngất lịm đi 3 tiếng sau mới tỉnh lại thì thấy bà đang cạo gió. Sau đó, tôi lấy gói “bột trắng” ra rồi đi vào toilet ngồi trong đó rất lâu. Một tiếng đồng hồ sau, tôi quyết định trút toàn bộ gói “bột trắng” trị giá nghìn USD đó vào bồn cầu. Khi nhấn nút xả nước tôi bật khóc như mưa.

Lúc đó tôi thấy tủi thân lắm. Không ngờ cuộc đời mình lại có lúc như vậy. Tôi cứ thế ngồi lặng im khóc một mình trong toilet. Nhưng vừa bước ra khỏi toilet thì cơn nghiện lại ập đến khiến tôi giật đùng đùng, sùi bọt mép, chân tay co quắp… rất khổ sở. 3 tuần liên tiếp, cứ 3 tiếng, tôi lại lên cơn một lần. Mãi cho đến tuần thứ 3, khi ho ra máu thì tôi mới thở được. Trong 3 tuần đó tôi khổ sở kinh hoàng. Tối đến, tôi toàn phải ngủ đứng, không nằm xuống được…”.

Dù đau đớn, vật vã là thế nhưng với sự cương quyết và nghị lực phi thường, sau 8 tháng lưu trú tại đây Kim Anh đã tự cai được cơn nghiện mà không phải nhờ đến ai cả.

Và cũng trong thời gian 8 tháng sống tại Pháp, Kim Anh đã gặp người đàn ông thứ 2 của cuộc đời mình. Đó là một nam diễn viên kịch người Việt lai Pháp hơn cô đúng 10 tuổi, ông đã từng có gia đình, có 2 con gái sinh đôi và đã ly dị vợ. Kim Anh và người đàn ông ấy từng sống những ngày hạnh phúc nhưng sau một câu nói chạm lòng tự ái mà Kim Anh đã lẳng lặng mua vé máy bay về Mỹ, chấm dứt một tình yêu chóng quáng. Khi đó Kim Anh đang mang thai đứa con trai của hai người. Sau khi về lại Mỹ, Kim Anh như sống lại một cuộc đời mới, cô vẫn đi hát thường xuyên và sinh con.

Năm 1991, Kim Anh trở về Việt Nam lần đầu tiên sau hơn 20 năm rời quê hương. Rồi cô trở lại Mỹ và tiếp tục sự nghiệp đi hát và dần dần người ta ít thấy cô xuất hiện hơn xưa, ngoài những lần góp mặt trong một số chương trình video của trung tâm Asia vào những năm giữa thập niên 90.

Đến năm 2005, Kim Anh mới xuất hiện trở lại sau hơn 10 năm vắng bóng. Cô lại góp mặt trong các chương trình của trung tâm Asia bắt đầu từ Asia 48 với ca khúc Nắng Chiều và ca khúc xuất hiện cùng cô nhiều nhất vẫn là Mùa Thu Lá Bay.

Năm 2007, Kim Anh về Việt Nam sống và đi hát, cô cộng tác với các phòng trà ca nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh và cô cũng dự định sẽ sống hẳn tại quê nhà. Bây giờ Kim Anh có cuộc sống an yên và thong dong tự do với niềm đam mê ca hát của mình. Cô tâm sự: “Với tôi hạnh phúc hiện tại là sống không đa nghi, hoàn toàn tin tưởng mọi người xung quanh. Tôi không còn ấp ủ gì trong nghề. Tôi chỉ mong hát đến một ngày nào đó khi nằm xuống, mặt tôi vẫn tươi. Tôi cũng muốn đi tới những nơi chưa từng tới, hát cho khán giả nghe dù chỉ một câu. Tôi luôn xúc động khi người mộ điệu yêu cầu bài Mùa Thu Lá Bay.  Mỗi lần cất lên, tôi lại nhớ về người bố của mình – người đàn ông có ảnh hưởng nhất với tôi”.