Những ngày cận Tết, không khí Xuân tràn ngập khắp phố phường, nhà nhà đang tưng bừng chuẩn bị mà trang trí Tết. Từng giai điệu nhạc Xuân vang reo từ đầu trên đến cuối ngõ, đâu đâu cũng có thể nghe thấy những ca từ quen thuộc “Xuân ơi xuân, xuân đến rồi….” hay “Tết tết tết là tết, là tết,…”. Nhưng bất chợt, nghe được giọng hát trầm ấm của ca sĩ Chế Linh qua bài “Mùa Xuân Của Mẹ” có lẽ lòng ai cũng thấy bùi ngùi và rung động theo từng ca từ của bài hát. Đối với những người vẫn đang kề cạnh cha mẹ, cùng gói bánh chưng ngày 30, cùng canh nồi bánh đêm giao thừa,…thì chắc chỉ là sự đồng cảm hay nhiều hơn là sự xúc động vì ca khúc hay và ý nghĩa ngày Tết. Nhưng đối với những người con tha hương, Tết đến Xuân sang là chẳng được về thăm nhà, hay chẳng còn cơ hội để bên mẹ cha,….thì Tết có vui cũng chẳng còn ý nghĩa. Bởi chỉ có bên mẹ cha, nhìn nụ cười ấm áp, nhớ đến những câu mắng răn dạy,…dù bất kỳ ngày nào thì cũng là mùa Xuân. Trịnh Lâm Ngân mang đến cho chúng ta từng giai điệu đong đầy như trút đi bầu tâm sự, bộc lộ hết mọi tâm tư luôn được đè nén trong lòng, khiến cho những người xa quê, chỉ muốn “thật nhanh thật nhanh” trở về quê nhà, cùng gia đình đoàn viên, đón một cái Tết trọn vẹn.
Trịnh Lâm Ngân thực chất là một nhóm nhạc sĩ, họ gặp gỡ nhau, cùng chung chí hướng, cùng chung tư tưởng mà hợp lại với nhau, hình thành nên những sáng tác có hồn và lưu lại dấu ấn cho người nghe. Trịnh Lâm Ngân là sự kết hợp của Trần Trịnh (nhạc sĩ) – Lâm Đệ – Nhật Ngân (nhạc sĩ). Trần Trịnh là một nhạc sĩ miền Nam nổi tiếng và có sức ảnh hưởng không nhỏ dù số lượng sáng tác có phần khiêm tốn, những sáng tác của ông đều thành công nhờ sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chăm chút trong từng ca từ. Về nhạc sĩ Nhật Ngân, phần lớn những sáng tác của ông thiên về nhạc trữ tình và chinh chiến, sau đó lấn sân sang lĩnh vực viết nhạc ngoại lời Việt. Còn về Lâm Đệ lại ít được đề cập đến, danh tính của cái tên này gây nhiều tranh cãi bởi những thông tin chưa được đính chính. Những sáng tác tiêu biểu của nhóm có thể kể đến như “Cám ơn”, “Lính xa nhà”, “Người tình và quê hương”,…..hay bài hát lấy đi nước mắt người nghe khi viết về mẹ “Mùa Xuân Của Mẹ” – Đây đều là những bài hát bất hủ theo thời gian và được khán giả yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt dù giai đoạn trước hay ở hiện tại.
“Mùa Xuân Của Mẹ” là một ca khúc không chỉ thuộc tuyển tập những bài hát về chủ đề mùa Xuân mà còn lấn sang cả chủ đề về Mẹ – Tình mẫu tử thiêng liêng vô bờ bến. Bên cạnh những giai điệu thi vị về mùa Xuân, ca khúc còn mang đến cho người nghe những phút giây trầm buồn của những người con xa nhà, rời xa quê hương, không được kề cạnh mẹ cha. Giữa cái khung cảnh nhộn nhịp, rình rang, nhà nhà chào đón xuân sang, “MÙA XU N CỦA MẸ” như một nốt thăng trầm trong bản nhạc mừng, tạo nên cảm giác buồn mênh mang và nỗi lòng cảm động khi nghĩ về tình cảnh người mẹ cô đơn nơi căn nhà trống không có hình bóng của những đứa con thân yêu. Được sáng tác trước năm 1975, thời kỳ cuộc kháng chiến còn chưa có hồi kết, không có lời ngợi ca sự vĩ đại của những người mẹ Việt Nam anh hùng hay nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi, chỉ có tình cảm đời thường chân thật của một người lính chiến khu đang nghĩ về mẹ và những ngày không có mẹ.
“Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn xuân về lòng buồn mênh mang…..”
“Mẹ ơi” nghe sao mà tha thiết, quen thuộc với tất cả mọi người, gắn liền với tuổi đời của mỗi chúng ta, nhưng có ai được cất mãi hai từ “Mẹ ơi” trong cả cuộc đời. “Mẹ ơi” hoa cúc hoa mai nở rộ rồi, một cái Tết sắp đến rồi, mùa Xuân đã bước đến cạnh ta rồi, nhưng con lại chẳng thể bên mẹ, lính trận miền xa không biết ngày về phép để cùng mẹ ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa.
Ở cái nơi “rừng thiêng nước độc”, biên thùy nhiều nguy hiểm, đời lính phong sương lúc nào cũng lênh đênh vô định, suốt ngày đội mưa cặp gió, đêm đến lại lấy đất làm giường trời làm chăn. Vậy mà ngày cuối năm, hoa nở trên cành cây, chim muông hợp bầy vui đùa trên bầu trời, bản thân chỉ biết ngắm nhìn hoa khoe sắc nơi sa trường đón chào năm mới. Một năm rồi lại một năm, chẳng hẹn được ngày về đón Xuân nơi quê nhà, ăn Tết cùng mẹ cha. “Áo trận sờn vai bạc màu, nhìn xuân về lòng buồn mênh mang” – Ra đi lúc áo xanh rờn màu niên thiếu, đến lúc áo bạc màu cũng chỉ biết ôm nỗi buồn nhìn mùa Xuân sang, lòng lặng thầm hỏi thăm cha mẹ chứ chẳng được về nhà.
“…..Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc Mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?…..”
Này có gọi là “hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều” không? Con đã từng hứa năm sau con sẽ về đón Tết cùng cha mẹ, nhưng chiến sự không có dấu hiệu kết thúc, đời trai sương gió phải tròn nghĩa vụ với quốc gia, nên hẹn mãi mùa xuân năm sau. Từng năm qua đi, từng cái Tết vẫy tay chào tạm biệt, mà thân trai vẫn chưa được về lại mái nhà tranh có mẹ già đang mong ngóng.
Trầm tư nơi sa trường nghĩ về quê hương, hồi tưởng lại hình ảnh mẹ trong ký ức, nhiều năm qua giờ chắc tóc Mẹ bạc đi nhiều lắm. Không có con ở nhà phụ giúp mẹ tay chân, vườn tược có ai đỡ đần không, hay chỉ có mẹ một mình sớm chiều lủi thủi? Mấy việc nặng nhọc trong nhà ai sẽ gánh vác phụ mẹ đây? Hỗn độn mớ suy tư, chàng lính chỉ biết ngậm ngùi mà lo lắng….
“……Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang xuân
Thoáng mùi mai nở đâu đây
Nghe lòng lạc loài chơi vơi
Khi xưa, những ngày binh lửa chưa sang
Bếp hồng quây quần bên nhau
Nghe Mẹ kể chuyện đời xưa….”
Núi rừng cũng đang ngập tràn không khí mùa Xuân, nhưng sao lòng chẳng thể vui vẻ nổi, tâm trí cứ chơi vơi vô định, trái tim sớm bay về cùng mẹ đón Xuân. Người chiến sĩ vốn dã lạc lõng nơi núi rừng hoang vắng, nay thoáng ngửi được hương hoa mai thoang thoảng lại thấy đơn côi và miên man. Như con chim lạc bầy, mất phương hướng để bay về tổ, còn bản thân chỉ biết ngửi hương hoa mà hồi tưởng lại những ký ức xưa cũ.
Nhớ ngày xưa khi chiến tranh chưa tàn phá xóm làng, con vẫn là con thơ của mẹ, ngày ngày cùng mẹ quay quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh tét thơm lừng đến giao thừa, tối đến lại chìm vào giấc ngủ theo từng câu chuyện xưa Mẹ kể. Còn giờ tất cả chỉ mang tên “nỗi nhớ”, quây quần bên bàn chiến sự nghe theo sự sắp xếp của cấp cao mà hành động đánh tan quân thù, tối đến lại nghe tiếng gió mà chìm vào giấc ngủ nông với sự cảnh giác cao độ. Hoài niệm làm sao những ngày bên mẹ….bên mẹ thì ngày thường cũng là Mùa Xuân của đời ta…
“…..Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
Dù cho, dù cho xuân đã đi qua
Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi”
Một lời hứa của người trai anh dũng chẳng biết ngày về, chẳng biết khi nào hy sinh cho chiến trận, nhưng dù thế nào con cũng muốn được về bên Mẹ để tìm lại sự bình yên trong cuộc sống khó nhọc – “Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về”. Bất chấp tất cả, dù Xuân có qua đi hay từng đàn chim én đã bay về nơi trú ẩn hay cánh hoa chẳng còn khoe sắc báo hiệu màu Xuân đi chăng nữa….thì con vẫn mong được ở cùng mẹ, vì chỉ có bên mẹ con…Mùa Xuân với con mãi trường tồn,chỉ bên mẹ mùa xuân với con mới có ý nghĩa.
Tình thương mẹ luôn đậm đà và thắm thiết, không chỉ trong xã hội Việt Nam, mà đối với toàn nhân loại. Có những lúc mệt mỏi giữa dòng đời, có những giây phút gắng gượng yếu lòng tưởng chừng như gục ngã, mẹ lại là người dìu ta từng bước để bước tiếp trên con đường dài phía trước. Mẹ chẳng cần con giàu sang chỉ mong con no đủ, mẹ chẳng mong con trả công ơn chỉ mong con nên người,….bản thân có mệt mỏi hay tổn thương bao nhiêu, dù hy sinh tấm thân này cũng chỉ mong con vui vẻ. Tình mẹ là thế, con bên mẹ chẳng cần lớn vì đối với mẹ con luôn nhỏ bé, chỉ bên Mẹ con mới tận hưởng được thế nào gọi là Xuân. “Mùa Xuân Của Mẹ” làm nao lòng người xa quê, như đàn chim mỏi cánh chỉ muốn bay về xà và tổ, núp dưới đôi cánh của mẹ mà bình yên. Mùa Xuân nghe bài này, lòng lại nao nao nhớ về những kỷ niệm xưa, yêu thương thêm những mùa Xuân mới, trân trọng những thanh xuân còn mẹ.