Trong hồi ký của bản thân, Phạm Duy đã từng nhắc đến ca khúc “XUÂN CA” như một tuyệt mùa xuân mà ông mong muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người. Ông đã cho biết, bài hát “XUÂN CA” cũng nằm trong những tác phẩm thuộc dòng nhạc tâm linh, nhưng khác là lần này không phải là hành khúc hay âm hưởng phương tây mà là dân ca phát triển. Với Phạm Duy, mùa xuân không chỉ là khái niệm về thời điểm của năm, hay là khoảng thời gian đất trời, mà mùa xuân hiện hữu ngay trong đêm tân hôn của ba mẹ. Mùa xuân như ánh mặt trời soi rọi xuống đất trời, nó nổ tung trong lòng của mẹ, Phạm Duy biết ông chính là mùa xuân của mẹ, còn ông ra đời cũng chính là lúc mùa xuân trong lòng chớm nở. Dường như chúng ta có thể cảm nhận được mùa xuân sẽ chẳng bao giờ rời đi trong lòng của Phạm Duy và trong ông luôn vang lên từng hồi âm thanh mùa xuân vĩnh cửu. Ông từng có một ao ước: “Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa xuân.” (Trong Hồi ký Phạm Duy).
“XUÂN CA” của nhạc sĩ Phạm Duy khác hẳn với những bài hát hay thơ văn ngợi ca vẻ đẹp tươi tắn và vui vẻ của ngày xuân nhộn nhịp, mà ở đây, Phạm Duy đem đến cho ta sự màu nhiệm của một mùa xuân trong lòng người, sự nhiệm màu trong đời sống con người, kiếp người. Bài hát “XUÂN CA” là một trong những ca khúc xuân nổi tiếng trong tuyển tập nhạc xuân của nhạc sĩ Phạm Duy để lại trong lòng người nghe ấn tượng mạnh mẽ nhất, bởi nó bộc lộ “cái tôi” nhạc sĩ rõ ràng nhất.
Bên trong vỏ bọc của cái gọi là sự hớn hở hay hân hoan chào đón năm mới “Xuân ơi” thì có thể nghiền ngâm ra đôi điều về mùa xuân của đời người, cái sâu lắng trong tình yêu tha thiết, với cha mẹ, với tuổi thơ, hay với những khốn khó trong cuộc sống.
“…..Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi
Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi….”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Quang và Ban Dreamers trình bày
Phải chăng rất tha thiết và mãnh liệt! Tiếng gọi Xuân như xé lòng, cũng như lời chào gọi thân thương. Đoạn điệp khúc này được lặp lại sau mỗi câu hát với giai điệu vui tươi và yêu đời, khi tách biệt với ca khúc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây chỉ là câu hát nền không ý nghĩa, nhưng nó lại chính là cảm xúc dâng trào sau mỗi câu hát, tình cảm ngày một đông đầy. Từ lúc bản thân được sinh ra trên cõi đời này, đến lúc bản thân lìa xa trần thế thì có mấy cái gọi là mùa xuân, có lẽ chẳng bao giờ đếm xuể, nên tác giả luôn réo gọi như nhắc nhở bản thân rằng: Mùa xuân là ở cuộc đời và kiếp người.
“Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về.
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ…”
Ngày ba mẹ tân hôn cũng là khởi nguồn cho mùa xuân của tác giả, bởi từ thời khắc đó, tình yêu thương của cha mẹ đã hình thành hình hài cho một sinh linh bé bỏng. Thật kỳ diệu biết bao khi một hài nhi bé nhỏ được kết tinh bởi tình yêu thương nồng thắm từ bậc phụ huynh – “Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui, một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về”. Bạn có biết chính tình yêu của cha mẹ còn là ánh nắng, là chân lý xua tan đi mọi u phiền và âm u xung quanh con nhỏ, chúng cảm nhận được mùa xuân của mỗi ngày như “xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ” thanh mát vô cùng. Tình cảm thiêng liêng ấy bừng reo sự ân ái ngọt ngào rồi theo nắng lên từ cha và chói chan lòng người mẹ.
“…..Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha
Là xinh, là tươi có Xuân thưở xưa ước mơ hiền hoà
Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa
Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài….”
Phải yêu đời thế nào! Hay cảm tạ đời như nào! Tác giả mới có thể viết ra những câu “gào thiết tha” để đưa vào ca từ tưởng chừng nhẹ nhàng tình cảm, ít người nhạc sĩ nào đưa ca từ thô thế này vào những đứa con tinh thần của mình thế. Phạm Duy mong muốn được góp chung những câu yêu đời tha thiết cùng mùa xuân yêu thương, mong muốn ấy hình thành ngay từ khi được sinh ra và cảm nhận được sự vĩnh hằng của mùa xuân.
“….Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy
Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon
Tìm em gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng….”
Nơi bến bờ tình yêu của cuộc đời là nơi tác giả mong muốn tìm được “gió trăng” – đây phải chăng tác giả muốn nói đến ý nghĩa thật sự trong cuộc sống, ông muốn đi tìm chân lý cho cuộc đời của mình. Mùa xuân của thế gian dài lắm, lúc vui lúc buồn, đó luôn là lẽ thường của cuộc sống, chẳng ai được rải hoa mãi trên con đường mình chọn, cũng chẳng ai rớt nước mắt hoài vì cảnh khốn khó của bản thân. Xuân trong tư tưởng của Phạm Duy không phải khi không mà có, chúng không tự rủ nhau kéo đến mà nó tồn tại mãi trong tim chúng ta, chỉ cần ta cần nó sẽ tự động ủi an tâm hồn bé nhỏ chứa đầy ưu tư.
Mùa xuân còn là tình yêu của lứa đôi, khi có mùa xuân cảnh vật khi thêm sắc, con người thêm vui tươi, cũng như khi có tình yêu con người “căng lên nhựa sống ngon”. Tình yêu như trái chín trong vườn lúc nào cũng thơm bát ngát, mùa xuân đến trăm hoa đua nở cảnh vật tươi xanh như được tiếp thêm nguồn sống. Cả hai có ý nghĩa tương tự nhau, đều mang đến niềm tin trong cuộc đời này. Và một điều nghịch lý đã xuất hiện trong nét ca của Phạm Duy, “bão Xuân” – Xuân mà lại có bão, đây là thiên nhiên nổi giận khi đất trời vào xuân hay sự nhiệt huyết tình yêu đang dâng trào trong tim như những cơn bão lớn.
“…..Xuân lên cao chóp Xuân buông nhịp xuống sâu
Hồn Xuân hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài
Xuân trong ta đã muôn ngàn lần đã qua
Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương những cơn giận hờn…..”
Xuân như âm nhạc trong bài ca, có nốt cao vút, có nốt trầm thấp sâu lắng. “Xuân lên cao chóp Xuân buông nhịp xuống sâu” – Đây phải chăng là sự thăng trầm trong cuộc sống, Xuân dù xua tan đi những phiền não của đời người, nhưng cũng không tránh khỏi những ưu tư trong lòng. “Hồn Xuân hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài” – Xuân có bao giờ có điểm dừng, xuân là vĩnh cửu, xuân đi qua đời ta và ở mãi trong con tim này. Mặc cho tất cả đau buồn có quấn quanh ta, thì mùa xuân vẫn ủi an và động viên ta cố gắng; nó vuốt ve chúng ta như người mẹ ấp ôm phủi sạch hết mọi vướng bận hồng trần, xoa dịu tất cả những vết thương do đời dằn xé.
“…..Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy ch
Trong tim luôn là hình ảnh xuân sắc thì tâm bạn sẽ luôn mang một khát vọng yêu thương mãnh liệt. Dù ngày mai, trên cuộc đời này có xảy ra ngàn vạn biến cố hay chẳng còn sự sống của loài người trên hành tinh này thì mùa xuân vẫn mãi là mùa xuân, đó là sự tồn tại vĩnh cửu. Vậy khi ta mặc định rằng xuân luôn tồn tại, thì cuộc đời ta sẽ luôn vui tươi, lạc quan, sẽ chẳng có điều gì ngăn cản được chúng ta tiếp bước trên con đường lắm chông gai và hiểm trở nữa. “Xuân muôn năm có ta xuân còn hỡi xuân” – Đây là có xuân là có con người hay chúng ta nơi nào thì xuân hiện hữu ở đấy? Xuân là sự vĩnh hằng, trong đất trời hay trong tâm đều như vậy, vậy nên có ta xuân còn hay có xuân là có người thì đều như nhau cả mà thôi.
“Thì xin, thì xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần” – Ước nguyện này phải chăng quá lớn, chẳng bao giờ có thể thực hiện hóa nó được? Phạm Duy chỉ xin tạo hóa, cho ông được tái sinh, được sống thêm nhiều lần nữa để đi qua thêm nhiều mùa xuân và được làm tình nhân yêu xuân thêm nhiều nữa. Đây chính là nỗi khát vọng sống mãnh liệt của tác giả để được thêm nhiều cái gào thét “Xuân ơi, xuân ới, xuân ơi”.
Người nhạc sĩ già ngày xưa, trên tay cầm đàn ngân lên những ca từ sâu sắc giờ đã chẳng còn nữa, nhưng mỗi độ Tết đến Xuân về, nhà nhà đều vang lên giai điệu của “XUÂN CA” làm những người yêu thích Phạm Duy như thấy ông đang đánh từng nốt nhạc ngân lên ca khúc này. Phạm Duy mang đến cho chúng ta cái gọi là tình yêu mùa Xuân chân chính, không chỉ là đôi lời ngợi khen hay sự phơi phới ngút ngàn trong niềm hạnh phúc đón chào năm mới. Mà còn là những giai điệu của cuộc đời, nếu ta dành chút không gian vắng lặng để tận hưởng ca khúc này, bạn sẽ thấy những ý nghĩa thâm trầm từ nhạc phẩm đã gợi lên sức sống mãnh liệt và tình yêu đời dâng trào trong mỗi con tim.