Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Thanh Mai

Đăng ngày 20/07/2024

Thanh Mai là một ca sĩ tiêu biểu của làng nhạc trước năm 1975, cô được biết đến với biệt danh “Tiếng hát học trò”. Với giọng hát trong trẻo, tươi vui Thanh Mai thể hiện thành công những ca khúc nhạc trẻ của Sài Gòn vào những năm thập niên 70, đó cũng là thời gian phong trào nhạc trẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và lan rộng. Ngoài được công chúng biết đến với vai trò là ca sĩ, Thanh Mai còn là một diễn viên có thực lực, cô được biết đến qua các bộ phim nổi tiếng như: Gác Chuông Nhà Thờ, Bẫy Ngầm, Năm Vua Hề Về Làng,… Thanh Mai không những chiếm được cảm tình của khán giả nhờ giọng hát ngọt ngào, trong trẻo mà cô còn sở hữu một nét đẹp khả ái, dễ mến với khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to tròn như búp bê.

Bộ sưu tập hình ảnh đẹp của ca sĩ Thanh Mai – Búp bê khả ái của làng nhạc Sài Gòn trước 1975

 

Thanh Mai tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh ngày 12 tháng 3 năm 1955 tại Sài Gòn. Từ nhỏ cô đã thích ca hát, năm 10 tuổi Thanh Mai đã bắt đầu đi hát, cô hát trong ban nhạc thiếu nhi của Xuân Phát.

Năm 14 tuổi, Thanh Mai lần đầu tiên được biểu diễn đơn ca trên Đài truyền hình ca khúc “Bức Họa Đồng Quê” của nhạc sĩ Văn Phụng. Sau đó, cô tiếp tục góp mặt trong các chương trình của ban văn nghệ Phòng 5 Cảnh sát Dã chiến. Tuy thời gian ấy Thanh Mai không nhận thù lao nhưng bù lại cô được trau dồi thêm kỹ thuật, được tập dợt, và biểu diễn trên sân khấu để có thêm nhiều kinh nghiệm trong những ngày đầu chập chững bước vào sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp.

Năm 17 tuổi, Thanh Mai bắt đầu đi hát cho các phòng trà, đầu tiên là tại các phòng trà nhỏ như Chiều Tím trên đường Võ Tánh, tiếp đó là phòng trà Chi Lăng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, và nhà hàng Hồng Hoa (ở dốc cầu xa lộ Biên Hoà). May mắn đến với Thanh Mai khi cô đi hát ở nhà hàng Hồng Hoa thì gặp được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – lúc này ông đang là trưởng ban nhạc ở nhà hàng Hồng Hoa, hôm ấy Thanh Mai đang trình bày ca khúc “Giã Từ Đêm Mưa” nhận thấy tài năng của cô ca sĩ nhỏ tuổi này, ông quyết định nhận cô làm học trò. Sau này Thanh Mai kể lại rằng trước thời điểm cô gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì cô đã gặp vũ công Ngọc Hân (vợ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) khi cô đi hát ở phòng trà Nam Đô và gây được ấn tượng với bà. Và chính bà Ngọc Hân đã kể trước với chồng mình về cảm tình đối với cô ca sĩ nhỏ xinh xắn Thanh Mai. Vì vậy khi gặp gỡ và nghe được tiếng hát của Thanh Mai, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dễ dàng có cảm tình với cô ca sĩ trẻ này.

Sau khi trở thành học trò của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Thanh Mai được thầy mình hướng dẫn tận tình về nhạc lý và muốn kết hợp cô với một giọng ca nam đang ăn khách là Quốc Dũng. Lúc bấy giờ Quốc Dũng là một ca – nhạc sĩ đã nổi tiếng, đặc biệt là ca khúc “Mai” giành được giải thưởng Kim Khánh năm 1973. Khi cả hai giọng ca cùng thử giọng thành công thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 liền đưa cặp song ca này lên trình bày ca khúc “Ai Đưa Em Về” trên Đài truyền hình. Sau đó Thanh Mai – Quốc Dũng ghi đậm dấu ấn sâu sắc trong lòng khán thính giả với ca khúc “Tóc Mai Sợ Vắn Sợi Dài” của nhạc sĩ Phạm Duy. Cặp song ca nhanh chóng được thính giả yêu mến và cái tên Thanh Mai cũng được công chúng biết đến nhiều hơn.

khúc trẻ trung, sôi động do Quốc Dũng sáng tác và viết riêng cho Thanh Mai, khiến cho giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là giới học sinh và sinh viên thời bấy giờ rất ưa thích, như:  Quê hương và mộng ước, Bên nhau ngày vui, Cơn gió thoảng, Anh về giữa mùa xuân, … Thanh Mai – Quốc Dũng nhanh chóng trở thành cặp song ca thần tượng của giới trẻ Sài Gòn xưa và thường xuyên được mời cộng tác với phòng trà Ritz, Queen Bee (Khánh Ly), và Đường Sơn Quán. Cặp song ca cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, trong các chương trình nhạc trẻ và đại hội nhạc trẻ rất được giới trẻ hoan nghênh.

Không chỉ nổi danh trong lĩnh vực âm nhạc, Thanh Mai còn gặt hái được một số thành công trong lĩnh vực điện ảnh. Với gương mặt xinh xắn, đôi mắt to tròn đầy thiện cảm Thanh Mai đã được các đạo diễn làm phim cũng chú ý đến.

Trong một lần đi xem đá bóng tại sân Cộng hòa, Thanh Mai gặp được nhạc sĩ Lam Phương và được ông mời tham gia vào bộ phim “Gác Chuông Nhà Thờ” do Túy Hồng (vợ của nhạc sĩ Lam Phương) sản xuất. Sau khi thử vai thành công trong bộ phim đầu tiên, Thanh Mai tiếp tục được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời tham gia phim “Bẫy Ngầm” được trình chiếu vào năm  1972. Trong “Bẫy Ngầm”, Thanh Mai vào vai  con gái của nhân vật do tài tử Lê Quỳnh đóng, nhờ khả năng diễn xuất tự nhiên vốn có,  Thanh Mai được vinh dự nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 1972, đây là giải thưởng về văn học nghệ thuật do đích thân tổng thống đương thời trao tặng

Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Thanh Mai - Búp bê khả ái của làng nhạc Sài Gòn trước 1975

Sau đó một thời gian, Thanh Mai lại được mời đóng một cuốn phim hài kinh điển và vô cùng nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ là “Năm Vua Hề Về Làng” vào năm 1974 và được công chiếu vào tháng 2 năm 1975 cho Liên Ảnh của hai ông Lưu Trạch Hưng và nhà báo Quốc Phong (chủ nhiệm – chủ bút nhật báo Tiếng Vang và tuần báo Kịch Ảnh ở Sài Gòn, hiện định cư tại Nice, Pháp quốc). Đây là bộ phim nói về những ông vua làng hài của trước năm 1975 kể về nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” của họ. Phim này có sự góp mặt của những diễn viên tên tuổi lừng danh thời bấy giờ như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Việt, Ba Vân, Khả Năng, Thanh Hoài, Tùng Lâm, La Thoại Tân, Văn Chung,… Trong “Năm Vua Hề Về Làng”, Thanh Mai được xuất hiện cùng với Thanh Nga, Thanh Việt và Khả Năng với phân cảnh được ông vua hề Thanh Việt kể lại câu chuyện của mình. Thanh Mai cho biết đây cũng là bộ phim để lại cho cô nhiều kỷ niệm đẹp nhất.

Thanh Mai nổi tiếng dần trong giới nghệ thuật, cô nhậnược nhiều sự ưu ái và ngưỡng mộ từ giới truyền thông với lối diễn xuất duyên dáng, khả ái khiến giới trẻ Sài Gòn ngày càng yêu thích và biết đến cô nhiều hơn.

Không lâu sau đó, đạo diễn kiêm chủ hãng phim Alpha, Thái Thúc Nha, mời Thanh Mai hợp tác trong phim “Tuổi Dại”, bộ phim vừa mới thực hiện xong, chưa được công chiếu thì biến cố tháng 4 năm 1975 xảy ra.  Đang lúc sự nghiệp trên đà phát triển thì gặp biến cố cho nên sự nghiệp của Thanh Mai cũng bị ảnh hưởng và phải chịu gián đoạn trong một thời gian khá dài.

Cuối năm 1978, cô cùng chồng là ông Yersin ( người mang 2 dòng máu Việt-Ấn đã có quốc tịch Pháp trước đó) chuyển sang định cư tại Pháp dưới danh nghĩa hồi hương. Khi sang Pháp định cư, Thanh Mai lại tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình, cô cộng tác với các chương trình nhạc hội, quay băng video,…

Bộ sưu tập ảnh đẹp của ca sĩ Thanh Mai

Vào năm 1983, Thanh Mai được mời đến hát ở phòng trà Tự do ở Houston khoảng 1 tháng, sau đó cô đi du lịch tại California, vì khá thích không khí của nơi này nên cô quyết định cùng gia đình chuyển đến Cali định cư. Sau khi được phép sang định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1984, cô vẫn hoạt động ca hát và được cộng đồng người Việt đón chào nồng nhiệt. Cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ có tiếng hát Thanh Mai cùng với Jo Marcel, Tùng Giang, Duy Quang, Elvis Phương đã bán rất chạy, nên cô tiếp tục tự phát hành thêm cuốn số 2,3,4 và các cuốn nhạc New Wave.

Tuy nhiên, một phần vì muốn chăm sóc gia đình nhỏ và muốn phụ giúp cho công việc kinh doanh của chồng nên Thanh Mai tạm gác sự nghiệp ca hát của mình lại để chuyên tâm cho việc gia đình. Vợ chồng cô mở một nhà hàng mang tên Thanh Mai ở khu Litte Saigon, sau đó đã phát triển qua một địa điểm khác, nằm trên đường Moran – Bolsa, bên cạnh khu Phước Lộc Thọ, trung tâm Little Saigon, rất đông khách. Nhà hàng được đông đảo giới báo chí, anh em nghệ sĩ và cả những người từng mến mộ cô trước kia biết đến và ủng hộ.

Đến khoảng năm 2002, khi gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và nhạc sĩ Quốc Dũng đến Hoa Kỳ lần đầu tiên, cô ngỏ ý muốn thu âm một đĩa nhạc để lại cho đời thì được mọi người khuyến khích và tích cực hỗ trợ. Khi được biết con gái lớn của Thanh Mai là Fatima, cũng có một chất giọng truyền cảm và mong muốn được nối nghiệp ca hát của mẹ nên Quốc Dũng đã sẵn lòng cho Fatima viết lời Anh của một bài hát được đặt nhạc bởi nhạc sĩ Quốc Dũng có tên là “You And Me” và được thu trong album đầu tay của Thanh Mai mang tên “Cơn Gió Thoảng”. Trong album, Thanh Mai cùng Quốc Dũng thể hiện lại các nhạc phẩm nổi tiếng mà họ đã từng hát trước năm 1975, không chỉ vậy Quốc Dũng còn ngẫu hứng sáng tác nhiều ca khúc mới phù hợp với giọng ca của Thanh Mai để cô thu vào album của mình.

Năm 2005, Thanh Mai và Quốc Dũng cùng song ca liên khúc Quê Hương Và Mộng Ước, Biển Mộng, Bên Nhau Ngày Vui trong chương trình Paris By Night 78 với chủ đề Đường Xưa, vinh danh 3 nhạc sĩ Quốc Dũng, Châu Kỳ và Tùng Giang.

Ngoài ra, Thanh Mai còn xuất hiện trên các chương trình talkshow như Tiếng hát hậu phương, The Jimmy Show, Vui sống mỗi ngày, Tâm Đoan Show, …

Đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng Thanh Mai vẫn còn rất trẻ trung và xinh đẹp, cô vẫn còn giữ được nét đẹp hồn nhiên của một thời tuổi trẻ khi cô còn ở Sài Gòn trước năm 1975