Khi nhắc đến những ca sĩ nổi tiếng hát nhạc vàng, nhạc tiền chiến trước năm 1975 thì không thể thiếu cái tên được mọi người phong cho danh hiệu “tiếng hát liêu trai”, ca sĩ Thanh Thúy, cô ca sĩ một thời từng là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có cả những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975. Tiếng hát của cô đã từng làm say mê biết bao con người Việt Nam, trong suốt những năm của thập niên 60. Cô được biết đến trên các làn sóng phát thanh cũng như truyền hình tại Việt Nam và cũng với một giọng ca “ liêu trai” ấy, Thanh Thúy đã trở thành một ngôi sao sáng trên các sân khấu đại nhạc hội cũng như phòng trà lúc bấy giờ.Ca sĩ Thanh Thúy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế trong một gia đình có 5 chị em, nhưng chỉ có mình cô theo nghiệp ca sĩ. Còn hai người em tên Thanh Mỹ và Thanh Châu của cô thỉnh thoảng cũng đi hát nhưng không theo nghiệp.
Từ nhỏ cô đã theo gia đình chuyển vào Sài Gòn, cả nhà thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng để tiện chăm sóc cho mẹ cô trong thời gian bà chữa trị bệnh nan y.
Năm 1958, khi cô mới tròn 15 tuổi, vì kế mưu sinh, đồng thời phụ kiếm tiền để có tiền thuốc thang cho mẹ cô, Thanh Thúy bắt đầu đi hát. Vóc dáng của cô lúc ấy rất mảnh mai kèm mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài cùng với chất giọng trầm ấm hơi khàn, lối phát âm nhả chữ rất riêng và đầy cảm xúc, sâu lắng đã khiến cho bao khán thính giả lúc ấy phải ngây ngất chìm trong tiếng hát của cô.
Tình cờ một hôm, Trịnh Công Sơn nghe được tiếng hát của Thanh Thúy cùng phong cách trình diễn đầy thu hút của cô đã gây cho Trịnh Công Sơn một ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Từ đó, ông ngưỡng mộ giọng hát này và có lần ông kể : “…đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng….”
Sau đó một thời gian, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc “Ướt mi” để tặng cho Thanh Thúy, người mà ông mến mộ. Theo lời thuật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về ca khúc thì: “…”Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lý nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được… Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cảm ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát….”
Năm 1959, Trịnh Công Sơn tiếp tục viết một bài khác cũng để tặng Thanh Thúy. Tặng cho người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau khi hát xong lại hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ đang bệnh. Đó là ca khúc “Thương một người” như một lời an ủi, chia sẻ với cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.
Tháng 6 năm 1960, mẹ của Thanh Thúy qua đời. Có lẽ cô mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát bấy giờ càng thêm u sầu, não nùng hơn. Kèm theo âm điệu mượt mà, ngọt ngào, sâu lắng khiến người nghe xúc động và nhớ mãi không quên khi đã nghe được giọng ca ấy. Cũng chính vì thế tiếng hát của cô được ví như bồng bềnh giữa khói sương tạo nên nét đặc trưng, độc đáo đặc biệt ở cô.
Cuối năm 1961, một cuốn phim mang tên “Thúy đã đi rồi” để nói về cô do tài tử điện ảnh kiêm đạo diễn Nguyễn Long thực hiện, ca khúc nhạc phim do nhạc sĩ Y Vân sáng tác, ca sĩ Hùng Cường trình bày và ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài ra, hình ảnh của cô còn xuất hiện nhiều trên các sân khấu kịch và truyền hình. Những nghệ sĩ đã từng đóng vai Thanh Thúy như: Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung,…
Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời cô cũng được chọn là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.
Năm 1964, với việc thể hiện thành công ca khúc nổi tiếng “Chuyến tàu hoàng hôn” tên tuổi của cô một lần nữa khắc sâu vào lòng khán giả mến mộ.
Cũng trong năm này cô lập gia đình với tài tử Ôn Văn Tài, Trung tá Không quân. Hai người quen nhau ở trung tâm huấn luyện không quân ở Nha Trang khi cô được mời tới hát nhân dịp văn nghệ mãn khóa, lúc này Ôn Văn Tài đang làm huấn luyện viên tại đây. Có thể nói rằng họ là cặp đôi Kim Đồng – Ngọc Nữ trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ bởi sau kết hôn hai người chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc cho đến sau này.
Năm 1970, cô đoạt giải thưởng Kim Khánh với nhạc phẩm “Tình đời” (tức Duyên kiếp cầm ca) của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất. Nhạc phẩm này được nhạc sĩ sáng tác nhân dịp Thanh Thúy trở lại nghiệp cầm ca sau vài năm vắng bóng.
Năm 1972, Thanh Thúy tiếp tục đoạt thêm 2 giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất trong năm do cô làm trưởng ban.
Sau tháng 4 năm 1975, Thanh Thúy sang định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này cô vẫn tiếp tục đi hát thường xuyên và xuất hiện trên các video của Trung tâm Asia, Thúy Nga,… cũng như trung tâm băng đĩa của chính cô.
Năm 1986, Thanh Thúy thể hiện ca khúc Tình bơ vơ ( Lam Phương) trong chương trình Paris By Night 3 của Trung Tâm Thúy Nga.
Năm 1993, cô hát ca khúc Tiếng còi trong sương đêm (Lê Trực) trong chương trình Hollywood Night3 của trung tâm Mây.
Từ năm 1995 đến năm 2017 cô chủ yếu tham gia trình diễn trong các chương trình của trung tâm Asia.
Năm 2019, Thanh Thúy thể hiện ca khúc Tình đời ( Minh Kỳ – Vũ Chương) trong chương trình SBTN VOICE Finale – Đêm Chung Kết SBTN VOICE do Đài truyền hình SBTN – Saigon Broadcasting Television Network thực hiện.
Thanh Thúy là một trong 10 nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975, cô cũng được xem là nữ hoàng của nhạc Bolero và Rumba-Bolero.
Nhà thơ Nguyên Sa đã từng viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ ….”
Ông còn viết về Thanh Thúy như sau: “Thực mà phi thực. Như khói, như sương. Mong manh như con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù, Thanh Thúy mỏng manh, đôi mắt to đen sâu thẳm, mái tóc đen chảy xuống, hai bờ vai chao đảo, giọng hát cất lên mà như nói, ca mà như tâm sự, âm thanh mà như ve vuốt, điệu láy, như đầu đã tựa vào vai, tiếng ngân làm thành sợi tóc lùa vào trên ngực. Chính trong tất cả những ý nghĩa đó, có thêm sự hiện diện của dòng sông đam mê, có cộng với ý thức định mệnh, Nguyễn Văn Trung gọi tiếng hát Thanh Thúy là ‘tiếng hát liêu trai’ Tuấn Huy gọi là ‘tiếng sầu ru khuya’…”
Một số nhạc sĩ đã viết ca khúc riêng tặng Thanh Thúy, nguồn cảm hứng từ cô như bất tận, cô như nàng thơ của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khi ấy. Một số ca khúc phải kể đến như:
Ướt mi, Thương một người của Trịnh Công Sơn.
Hình bóng cũ, Lời ca ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu trong mắt một người, Mắt chân dung để lại của Trúc Phương.
Được tin em lấy chồng của Châu Kỳ.
Lời hát tạ ơn, Tôi yêu Thúy của Hoàng Thi Thơ.
Thúy đã đi rồi của Y Vân ( thơ Nguyễn Long).
Lời tự tình của Nhật Ngân.
Phận tơ tầm (ký Hồ Tịnh Tâm), Tiếng ca u hoài, Chuyện buồn của Thúy của Anh Bằng và Lê Dinh.
Tình đời của Minh Kỳ và Vũ Chương.
Tiếng hát về khuya của Tôn Thất Lập.