Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ là cái tên rất quen thuộc của người yêu âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác của ông có một nét đặc trưng rất riêng và được xếp riêng một dòng nhạc mà người ta hay gọi là dòng nhạc Trịnh. Người nghe nhạc Trịnh rất nhiều và người thuộc những bài nhạc Trịnh cũng không phải hiếm, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được từng ca từ và ý nghĩa chứa đựng trong đó.
Không biết từ bao giờ mà cái mạch thu trong thi ca lại chứa đựng sự rơi rụng, tàn phai. Có lẽ nào vì thế mà sắc thu lại buồn lại úa tàn, sầu muộn đến thế. Cảnh thu trong ca khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn rất nhẹ nhàng, đằm thắm, nhưng mang màu sắc buồn bã và tĩnh lặng.
Nhìn Những Mùa Thu Đi được viết vào năm 1963, đây là một trong những ca khúc đời đầu trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn. Phảng phất trong giai điệu là chút hơi thở, chút không khí lãng mạn của nhạc tiền chiến. Nhưng nổi bật trong đó vẫn là nỗi u buồn, trầm lắng, sự cô đơn, tàn phai bao trùm cả bài hát.
Mở đầu bài hát dường như là những dòng tâm sự của một cô gái, về chút dư tình mùa thu. Quả thật vậy, bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi được viết cho một người con gái tên Thu (theo Nguyễn Thanh Ty) tại Huế, khi đó Trịnh Công Sơn còn là một cậu sinh viên trẻ.
Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày, chết trong thu vàng
Hình ảnh thiên nhiên nên thơ, nhẹ nhàng và chậm rãi, giai điệu mùa thu vẫn như thế, vẫn quen thuộc, nhưng vẫn có chút mới lạ. Bao mùa thu đi qua, vẫn cảnh vật đó, những thanh âm quen thuộc, em vẫn ở đấy, với một tình yêu đầy nắng. Em cứ sống trong những lung linh ấy, mặc cho thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa, em vẫn luôn tô vẽ cho cuộc sống mãi màu hồng mà chẳng biết rằng tâm hồn em nhốt trong song cửa. Để rồi vò võ một mình chìm vào những nỗi niềm chẳng thể nào sẻ chia. Nhìn chiếc lá rụng ngoài song, “nghe tên mình vào quên lãng”, ảo vọng trong sắc thu vàng, không thôi nghĩ về cuộc tình đã tàn phai. Chữ tình trong sắc thu ấy chỉ gói gọn trong một từ “buồn”.
Với những người khác, sắc thu với ánh nắng vàng, với tiếng ve râm ran, hòa vào lá làm nên một mùa thu vàng mộng mơ, tươi đẹp. Nhưng với người con gái si tình thì càng thấy nó đẹp lại càng thấy tàn phai. Nắng lên đồng nghĩa với sầu dâng, thấm thía một nỗi buồn, tiếc nuối khôn nguôi. Cảm thương cho chính bản thân mình, chờ đợi trong vô vọng trước sự mong manh, phù phiếm của thứ tình cảm tuy đẹp nhưng rất “đau”.
Sắc thu trong nhạc Trịnh không chỉ là hình ảnh, cảnh sắc, mà còn là cảm giác, cảm giác vô vọng khi đứng trước không gian vô định “qua những lần thu đi”.
Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người, rồi lạnh lùng riêng “Nhìn những lần thu đi”, không chỉ một lần mà rất nhiều lần như thế, rất nhiều lần nhìn thu đi qua, nỗi buồn nỗi sầu ấy cũng cứ dai dẳng, lặp đi lặp lại, khắc sâu vào tâm tư. Ở đây có một nỗi nhớ đan xen sự ưu tư, lưu luyến người xưa. Khi một thứ tình cảm gắn bó tính bằng năm bằng tháng, thì những cảm xúc tự nhiên sẽ kiểm soát tất cả, không thể nào ép buộc mọi thứ phải trở nên khác đi, tình cảm nhạt phai ắt sẽ tan biến, nếu còn sẽ tự khắc tìm lại nhau.
Thế nhưng cảm giác cô đơn không chỉ buồn mà còn lạnh, rất hoang lạnh. Gió lạnh về ắt sẽ không là gì so với cái lạnh trong tâm hồn. Ôi đêm thu sao mà khiến lòng người lạnh lẽo đến vậy. Em chỉ là cô gái “hai mươi”, sao có thể chịu được gió thu lạnh ấy, “bàn tay trơn” không đủ sức níu giữ chút tình lụi tàn kia, một mình đơn côi “sầu dâng mắt biếc”. Bao nhiêu mùa thu qua là bấy nhiêu sầu, bấy nhiêu lạnh. Em đang nhìn mùa thu đi, đang nghe sầu lên, đang nghe tiếng lòng hiu quạnh, mang một tình khúc cô đơn, mất mát từ trong tiền kiếp. Hình ảnh “tay trơn buồn ôm nuối tiếc” thật sự khiến chúng ta ám ảnh, xuất hiện trong tâm trí hình ảnh thu mình lại, ôm vào lòng nỗi cô đơn trong không gian tĩnh lặng, cái lạnh len lỏi vào từng hơi thở.
Cái lạnh mùa thu, thấm đẫm tâm hồn, giai điệu bài hát đến đây cất lên như một chuyển biến bất ngờ.
Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi
Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đây là đoạn điệp khúc của bài hát, thanh âm ngân vang, giai điệu dặt dìu và mê đắm. Tiết tấu nhanh ở đoạn này cũng như sắc thu vậy, chợt đến rồi vụt đi. Ca từ bài hát trong đoạn này cũng có vẻ thanh thoát và mạch lạc hơn. Bên cạnh đó, bức tranh mùa thu cũng hiện ra chân thực hơn. Gió heo may đã về làm nắng chiếu loang tím vỉa hè và gió hôn lên làn tóc thề, gió cuốn cả mùa thu đi. Gió thu tạo nên vẻ đẹp ban đầu và cũng là làn gió ấy lấy đi tất cả, để lại nhiều mất mác phôi phai. Bất kể điều gì cũng vậy, thời gian mang đến cho ta những trải nghiệm tuyệt vời, như cơn gió heo may tô điểm cho cuộc đời, cho mùa thu, nhưng cũng chính thời gian làm phai mờ mọi thứ, chút tình xưa cũng theo đó mà nhạt phai, cùng tàn lụi như cơn gió heo may.
Tiếng lòng của tác giả cũng khắc khoải trước thời gian, trước sự mong manh chóng tàn của cái đẹp, của tình yêu. Trong nắng vàng chiều nay, gợi nhớ về thu xưa, nhớ về mối tình xưa đượm buồn, trời thu đầy mây thấm thía nỗi buồn len lỏi trong tâm hồn. Khi tim tan vỡ, em mắt lệ sầu dâng trong không gian lạnh lẽo của trời thu, còn anh vẫn luôn mang nỗi cô đơn suốt cuộc đời, suốt hành trình đưa em về, gặm nhấm nỗi buồn khi nhìn lại những kỷ niệm xưa. Giai điệu nhẹ nhàng như những giọt buồn thấm đẫm vào tâm hồn mỗi người nghe nhạc, những tàn phai, chia lìa ngày một lớn dần.
Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai.
Tất cả trôi đi cùng thu, mỗi khi thu sang là nhớ, nhớ kỷ niệm, nhớ người xưa. Anh lang thang chiều công viên, nơi có cố nhân, hoài niệm về những giấc mộng xưa, giờ tất cả chỉ còn là kỷ niệm không hơn không kém. Những kỷ niệm không bao giờ quên, luôn khắc ghi trong lòng qua “nhiều thu vắng”, không hề vơi đi mà chỉ ngày một lớn dần. Thu vắng lặng, vắng em, dằn xé tâm hồn anh, đơn côi, tiếc nuối, nhưng đã muộn màng. Nhìn từng mùa thu đi, những điều đẹp đẽ qua đi, có mất mát, có luyến lưu, nhưng vẫn không sao níu giữ lại. “Đến thu này thì mộng nhạt phai”, một nỗi luyến lưu, mất mát nặng nề trong từng ca từ. Tình cảm ngày xưa anh luôn ghi nhớ, luôn khắc sâu trong tâm trí, nhưng anh giờ như đã quá quen với nỗi cô đơn, không còn mộng mơ, không còn dằn vặt, không còn luyến tiếc. Có lẽ đây là một cái kết êm đềm cho một mối tình đã phai.
Có người ví bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi giống như cuộc đời của Trịnh Công Sơn vậy. Mỗi một bóng hồng ngang qua đời ông, như một mùa thu đi qua, để lại những u buồn sâu thẳm. Suy cho cùng, tình cảm là thứ mà chúng ta không thể nào giấu mãi được, không thể nào nói quên là quên, nói biệt ly là biệt ly. Với Trịnh Công Sơn, mỗi một cuộc tình ông đều giữ trong tim mình và tôn trọng thứ tình cảm ấy, xem như báu vật. Mỗi khi nhìn lại luôn thấy xót xa, lưu luyến, và rồi ông lại hòa mình vào những cảm xúc ấy, viết nên những tác phẩm tình ca bất tận.
Nhìn những mùa thu đi
em nghe sầu lên trong nắng
và lá rụng ngoài song
nghe tên mình vào quên lãng
nghe tháng ngày chết trong thu vàng
Nhìn những lần thu đi
tay trơn buồn ôm nuối tiếc
nghe gió lạnh về đêm
hai mươi sầu dâng mắt biếc
thương cho người rồi lạnh lùng riêng
Gió heo may đã về
chiều tím loang vỉa hè
và gió hôn tóc thề
rồi mùa thu bay đi
trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
chiều cuối trời nhiều mây
đơn côi bàn tay quên lối
đưa em về nắng vương nhè nhẹ
Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
chuyện chúng mình ngày xưa
anh ghi bằng nhiều thu vắng
đến thu này thì mộng nhạt phai.