Trên đời này, sau mảng đề tài muôn thuở về tình yêu đôi lứa hay về quê hương đất nước, thì đề tài về “Rượu” cũng được đề cập đến rất nhiều. Người ta nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” nhưng cũng có câu khác mà chúng ta cần phải nhớ: “Ẩm tửu dung hòa đích quân tử”. Người quân tử uống rượu phải giữ được nét lý trí của mình, uống để suy nghĩ những điều có ích cho gia đình và sự nghiệp, có ích cho quê hương đất nước thì mới thực sự là người sành rượu. Một chén rượu thật phi thường – Nó có thể gấp bội niềm vui khi người người vây quanh mà cùng nhau nâng chén – Nó cũng có thể giúp người buồn vơi đi nỗi sầu cô liêu. Lại đặc biệt sau, có người khi say có thể quên hết tất cả u sầu trên đời, nhưng cũng có người càng uống lại càng tỉnh, càng muốn quên thì càng nhớ, càng dằn vặt đến bi thương. Châu Kỳ cũng không ngoại lệ, ca sĩ Chế Linh từng chia sẻ: Châu Kỳ là một người nghiện rượu, không có rượu thì sẽ không viết nhạc và mỗi ca khúc ông sáng tác đều sẽ gắn liền với một kỷ niệm. Và hôm nay, kỷ niệm ấy chính là ca khúc “Túy Ca” – Cũng trong một lần Châu Kỳ say rượu.
Có một cô gái tên là Đoàn Thị Sum – con gái của một quan tri huyện – gia đình danh giá bậc nhất Nha Trang thời bấy giờ. Có lần vô tình nghe được giọng ca của nhạc sĩ Châu Kỳ nên cô đem lòng yêu luôn con người ấy, nhưng gia đình cô lại chê trách cái nghiệp “xướng ca vô loài” và ra sức cấm cản. Quá yêu, cô lựa chọn bỏ nhà trốn theo cùng gánh hát chỉ mong được bên cạnh người mình yêu nhưng lại bị phát hiện và bị cấm túc tại nhà. Uất ức và thất vọng, cô đã tự tử để kết liễu cuộc đời mình khi chỉ vừa 16 tuổi xuân thì.
Đến tận 10 năm sau khi nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ Kha Thị Đàng có chuyến lưu diễn về Nha Trang, được dịp ghé thăm nhà của một người dì mới được kể lại. Đau xót và tuyệt vọng khi nhận được tin người mình đã từng rất yêu vì mình mà ra đi mãi mãi, nhạc sĩ Châu Kỳ quyết định rời Nha Trang để trở lại Sài Gòn mà tìm quên thương đau trong men rượu. Và ca khúc “Túy Ca” cũng được ra đời trong một lần Châu Kỳ cùng nhà thơ Trương Minh Dũng và ca sĩ Chế Linh mượn rượu quên sầu, ngẫm nghĩ về thói đời bạc bẽo. Ca khúc được phổ từ thơ của thi sĩ Trương Minh Dũng vào năm 1973 và do ca sĩ Chế Linh thâu thanh lần đầu gây ấn tượng mạnh với công chúng nghe nhạc.
“Thà rót cho ta trăm nghìn chung rượu độc
Đừng một lời nào mai mỉa cho nhau
Đưa ta đi, đưa ta vào cơn lốc
Cho mang mang, cho mang mang đến tột đỉnh sầu…..”
Người đời vẫn truyền tai nhau câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” – Chẳng ai phải bỏ tiền ra để mua một lời nói cả, nó cũng chẳng bị đánh thuế hay gây hại điều chi, vậy tại sao giữa con người với con người với nhau, lại dùng chính lời nói mà tổn thương nhau. “Thà rót cho ta trăm nghìn chung rượu độc, đừng một lời nào mai mỉa cho nhau” – Tác giả chấp nhận bản thân uống hàng nghìn ly rượu độc để được chết một lần cho đỡ thương đau, cũng không nguyện ý nghe thấy những lời mỉa mai của người – tuy không chết nhưng lại dằn xé con tim thành từng mảnh nhỏ.
Gom tất cả những u sầu những tổn thương đang có chất thành núi cao sau đó rửa trôi bằng men rượu, uống cho thật nhiều, làm cho bản thân thật say. Để khi tỉnh dậy, những buồn rầu ấy sẽ theo hơi men mà hòa tan vào không khí, chỉ còn lại trong tâm hồn người những vui tươi cần thiết.
“….Này này rót đi em từng chén buồn cay đắng
Cho ta cười trong nỗi xót xa đưa
Rót nữa đi em, em rót đầy ly cạn
Say giùm ta, say giùm ta như từ thuở bao giờ….”
Rót đi, rót đầy những ly rượu cay đắng, uống xuống rồi thì những buồn đau cũng theo đó mà trôi xa. Bản thân sẽ còn lần cuối cùng này mà sầu mà khổ, sau khi chén rượu được cạn, lý trí đã say thì ưu thương cũng sẽ “vẫy tay” mà chào tạm biệt – “Say giùm ta, say giùm ta như từ thuở bao giờ….”.
“…..Em cứ lên ngôi đi xin đừng run và đừng sợ
Bởi ta say nên thần tượng cũng lưu mờ
Đêm đứng đó ta ngồi nghe gió hú
Trong âm vang, vang dậy sóng sông hồ….”
Khi say, liệu bạn còn biết được trước mắt mình là ai hay không? Hay hiện ra lúc này chỉ là bóng hình bạn ngày đêm thương nhớ. Nhưng chính điều đó lại càng khiến cho người say chẳng muốn tỉnh, vì chỉ có khi say thì mới được bên nhau hạnh phúc.
Ta sẽ say như chưa từng được say, say để quên luôn cả “thần tượng”, để hơi men này xóa nhòa bóng hình người thương. “Em cứ lên ngôi đi” đừng sợ bất kỳ điều gì cả, đừng sợ anh sẽ ưu sầu, cứ mạnh dạn mà chọn lựa hạnh phúc cho riêng mình. Còn anh, sẽ đứng nơi đây, hòa mình vào làn gió hú nơi bờ sông lạnh để ủi an con tim lạnh giá ngay lúc này.
“……Rót nữa đi em rồi mai về xứ lạ
Để mình ta, mình ta buồn cho héo hắc tim gan
Hết thật rồi sao? Thôi ta xin từ tạ
Cuộc tình này, cuộc tình này rồi cũng đến dở dang…..”
Có đôi khi, ngôn ngữ chẳng thể nào diễn tả hết được, thậm chí có những lời an ủi cũng mang một cảm giác thật mỉa mai. Như là khi bạn nói với người bệnh hấp hối hay cố gắng lên, đừng sợ hãi điều gì cả. Như là khi bạn mang người tự kỷ đặt vào một đám đông thì họ vẫn chìm trong thế giới của riêng mình mà thôi. Vậy thì có ích gì khi ngay giây phút em theo ai về xứ lạ, lời níu kéo có giữ được bước chân em?
Hết thật rồi sao? – Một câu hỏi chẳng cần người đáp, một câu trần thuật cho chính bản thân tác giả. Ngày hôm nay là ngày cưới của nàng, ngày hôm nay cũng là ngày cưới ta được đứng cạnh nhau. Trong giây phút ấy, còn gì hơn ngoài một câu “tạ từ”, cuộc tình này xin phép được kết thúc từ đây.
“……Này này uống đi em một giọt sầu ly biệt
Cho ta về trong nỗi nhớ buồn tênh
Xin đừng cho ta thêm một lời nào tha thiết
Bởi sông dài, bởi sông dài ta còn mãi lênh đênh.”
Cuộc đời này còn dài lắm, bản thân ta như một chiếc thuyền trôi nổi, lênh đênh giữa dòng đời chẳng biết dừng nơi đâu. Cứ tưởng đây sẽ là nơi thuyền cập bến, nào ngờ chỉ là trạm dừng chân, sau đó lại chóng rời để tiếp tục cuộc hành trình du lãng đơn côi. Xin đừng cho ta thêm một lời nào tha thiết” – Đừng trao cho nhau thêm bất kỳ hy vọng nào nữa, để khi thất vọng lòng chỉ mang thêm nhiều tổn thương mà thôi. Cạn! Ly rượu cuối cùng xem như lời tiễn biệt, nàng về với người còn ta mãi cô liêu!
Bài hát “Túy Ca” được rất nhiều ca sĩ thâu thanh và trình bài, nhưng có lẽ người tạo nên dấu ấn cho ca khúc chính là ca sĩ Chế Linh. Với chất giọng cảm xúc và cách nhả chữ tài tình, Chế Linh khiến người nghe nhạc “không rượu mà vẫn say”, say theo từng giai điệu, say theo cả ca từ và ý nghĩa ca khúc. Thật ra, rượu không phải là thứ gì quá xấu xa, nó chỉ là một đồ uống nói riêng và thực phẩm nói chung, nó cũng giống như thuốc bổ vậy, dùng nhiều cũng sẽ có mặt hại. Vậy nên hãy quên đi hình ảnh Chí Phèo nghiện ngập trong rượu mà nhớ đến hình ảnh của một ông cụ râu tóc bạc phơ, má đỏ như đào, một tay chống gậy, một tay cầm bầu rượu nhỏ. Bạn sẽ thấy rượu không còn là điều gì quá nguy hại, còn với Châu Kỳ, ông chỉ đơn thuần muốn nhờ rượu để tìm thấy những cảm xúc chân thật của bản thân, mượn hơi men để tìm quên những thương đau giấu kín mà thôi.
Thà rót cho ta trăm nghìn chung rượu độc
Đừng một lời nào mai mỉa cho nhau
Đưa ta đi, đưa ta vào cơn lốc
Cho mang mang, cho mang mang đến tột đỉnh sầu.
Này này rót đi em từng chén buồn cay đắng
Cho ta cười trong nỗi xót xa đưa
Rót nữa đi em, em rót đầy ly cạn
Say giùm ta, say giùm ta như từ thuở bao giờ.
Em cứ lên ngôi đi xin đừng run và đừng sợ
Bởi ta say nên thần tượng cũng lưu mờ
Đêm đứng đó ta ngồi nghe gió hú
Trong âm vang, vang dậy sóng sông hồ.
Rót nữa đi em rồi mai về xứ lạ
Để mình ta, mình ta buồn cho héo hắc tim gan
Hết thật rồi sao? Thôi ta xin từ tạ
Cuộc tình này, cuộc tình này rồi cũng đến dở dang
Này này uống đi em một giọt sầu ly biệt
Cho ta về trong nỗi nhớ buồn tênh
Xin đừng cho ta thêm một lời nào tha thiết
Bởi sông dài, bởi sông dài ta còn mãi lênh đênh.