Mai Lệ Huyền là một nữ ca sĩ nổi tiếng và đã có một thời cô được xem như là một huyền thoại của Sài Gòn trước năm 1975 khi cô gắn liền với “dòng nhạc sôi động”. Ca sĩ Mai Lệ Huyền và ca sĩ Hùng Cường là cặp đôi “Sóng Thần” trong một thời gian dài khi cùng song ca nhiều ca khúc như “Gặp nhau trên phố” “Hai trái tim vàng”, “Túp lều lý tưởng”, “Hờn anh giận em”, “Đám cưới nhà binh”, “Hờn trách”,… . Nhiều biệt danh được giới báo chí lúc bấy giờ dành tặng cho cô như “Nữ hoàng κícн độɴԍ nhạc”, “Búp bê lửa”,… cũng bởi nét đẹp lạ và tài năng của cô. Mai Lệ Huyền sở hữu một khuôn mặt tròn trĩnh như búp bê với đôi mắt to tròn, thân hình lại gợi cảm, khi lên sân khấu những điệu nhảy bốc lửa cùng giọng hát hút hồn của cô có khả năng “đốt cháy” bất kỳ một sân khấu nào của Sài Gòn lúc bấy giờ và cô đã trở thành một cái tên có độ phủ sóng rộng rãi trong làng âm nhạc khi ấy mà ít ai sánh bằng. Ngoài ra, Mai Lệ Huyền còn được biết đến như một diễn viên khi cô tham gia đóng phim, diễn kịch. Cô đã tham gia đóng các bộ phim tâm lý xã hội, đầy màu sắc như: “Mãnh lực đồng tiền”, “Gác chuông nhà thờ”, “Nhà tôi”, “Còn gì cho nhau”,…
Mai Lệ Huyền tên thật là Nguyễn Thu Cúc, cô sinh năm 1946 tại tỉnh Bình Long. Cô mang trong mình hai dòng máu Việt – Lào nên có lẽ vì thế mà cô sở hữu một nét đẹp lạ với khuôn mặt tròn trĩnh, đôi mắt đen to tròn và sâu thăm thẳm cùng một thân hình đầy quyến rũ với làn da bánh mật giúp cô luôn nổi bật giữa đám đông.
Cơ duyên để cô trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng và được mọi người biết đến cũng hết sức tình cờ. Đó là khoảng vào đầu thập niên 1960, khi Mai Lệ Huyền còn đang theo học trường Trung học Bình Long, một hôm ban giám hiệu nhà trường mời được gánh hát Tân Dân Nam đến để trình diễn những ca khúc sôi nổi nhằm gây quỹ từ thiện, với những thành viên gồm Yến Vỹ, Anh Lân, Túy Phượng, Trần Trịnh, Đinh Việt Lang,…. Nghe bảo vì có sự góp mặt của tên tuổi đình đám lúc bấy giờ là Yến Vỹ nên khán giả đến xem hôm đó chật kín cả khán đài. Thế nhưng, Yến Vỹ lại bị bệnh đột ngột mà không đến được. Ban tổ chức bắt đầu lo lắng vì không biết phải ăn nói với khán giả như thế nào, khi họ đến xem chương trình là vì Yến Vỹ. Thế là để khỏa lấp sự mong chờ của khán giả, ông bầu Anh Lân ra quyết định ngỏ ý mời nhà trường cử một giọng ca để thay thế, như đem một làn gió mới vào để bù đắp cho sự mong chờ của khán thính giả. Ban văn nghệ nhà trường liền cử cô học trò “Nguyễn Thu Cúc” vừa đoạt giải “Tiếng hát hay nhất trường” ra biểu diễn. Thu Cúc đã ra trình bày ca khúc “Duyên quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, lúc này mọi người đã bị thu hút bởi một giọng ca đầy nội lực, tiếp đến cô trình bày bài “Lệ đá” của nhạc sĩ Trần Trịnh thì khán giả đã hoàn toàn bị chinh phục bởi giọng hát lôi cuốn đầy ma lực của cô học trò nhỏ. Khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng và đề nghị cô ca sĩ nhỏ hát liên tục mấy bài nữa. Kết quả dù không có mặt của Yến Vỹ, nhưng chương trình hôm ấy cũng diễn ra hết sức thành công nhờ vào giọng ca mới của nữ sinh Thu Cúc.
Cũng chính vì lẽ ấy mà nhiều người vẫn thường nói rằng nếu không có sự cố vắng mặt vào năm ấy, thì chắc có lẽ đã không có một ca sĩ Mai Lệ Huyền tuyệt vời như bây giờ. Sau chương trình gây quỹ từ thiện đó, Thu Cúc được mọi người chú ý đến. Nhiều ông bầu đổ xô về Bình Long để mời Thu Cúc về Sài Gòn biểu diễn. Thu Cúc từ một cô học sinh vô danh nhanh chóng trở thành một cô gái được săn đón rất nhiều, cô nhanh chóng thành công trên con đường ca hát. Thu Cúc cũng trở thành học trò của nhạc sĩ Trần Trịnh và Đinh Việt Lang, họ huấn luyện cho cô về thanh nhạc, nghệ danh Mai Lệ Huyền gắn bó với cô từ đó tới tận bây giờ cũng là nghệ danh mà hai người thầy đó đã đặt cho cô.
Về chuyện này, nhạc sĩ Mạc Thế Nhân, tác giả ca khúc “Cho vừa lòng em” cũng đã xác nhận, mỗi khi nhắc về Mai Lệ Huyền ông thường dùng cụm từ “cô bé hát thế vụt thành sao”. Ông kể “Năm đó, khi Mai Lệ Huyền đang học tại Trường Trung học Bình Long, nơi tổ chức chương trình văn nghệ do ban nhạc Tân Dân Nam tổ chức nhằm gây quỹ từ thiện. Do ca sĩ Yến Vỹ nổi tiếng thời đó bị bệnh đột xuất không thể có mặt tham gia chương trình, Lệ Huyền bị bắt ra hát thế bài “Duyên quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Cô được khán giả tán thưởng. Và đến bài “Lệ đá” của Trần Trịnh, Lệ Huyền thực sự chinh phục khán giả.”
Mai Lệ Huyền chia sẻ về cái nghệ danh của mình như sau: “Thời đó là thời học sinh, thời đó tôi chưa có rõ ràng loại nhạc nào mình sẽ diễn sau này. Nhưng mà thật sự cái thích của mình là được hát những loại nhạc tươi trẻ, nhảy nhót. Sau này về Sài Gòn, khi được khi hát và được những người nhạc sĩ coi được cái khiếu của mình là gì thì đã thể hiện ra cái mình có bây giờ. Bắt đầu liên lạc được với những người nhạc sĩ mà mình đã biết 1 lần hát ở Bình Long, có đến nói chuyện thì họ thấy mình có khiếu, hồi đó chưa có tên Mai Lệ Huyền thì họ quyết định nếu muốn đi hát thì đến tập thường xuyên và sẽ được hướng dẫn đi hát và đặt cho cái tên. Họ nói là cái tính rất là lý lắc. Trong trường lúc nào cũng quậy phá, ca hát. Da thì ngăm đen. Mà hễ nói cái gì đụng tới là rơi lệ, dễ khóc. Thành ra họ nói thôi nếu đi hát thì đặt cho tôi cái tên hợp nhất Mai là con khỉ, hay nhảy nhót, Lệ là nước mắt, đụng đến là hay khóc, Huyền là người có nước da nâu đen.”
Ban đầu, Mai Lệ Huyền hợp tác biểu diễn tại vũ trường Melody, cô là một trong số ít ca sĩ lúc bấy giờ vừa ca vừa nhảy khi diễn. Với tài năng cùng với nhan sắc của mình Mai Lệ Huyền dần dần xuất hiện trên các mặt báo, được diễn chung với các ban nhạc nổi tiếng như: Huỳnh Háo, Huỳnh Anh, Taming Piano, thầy Xuân, Đoàn Châu Nhi, Anh Trổ, Anh Hạnh… Cô còn song ca với các ca sĩ lừng danh như: Trần Văn Trạch, Khánh Hà, Elvis Phương khi biểu diễn trong các đêm đại nhạc hội.
Giai đoạn cuối thập niên 60, Mai Lệ Huyền đã định hình phong cách chuyên nghiệp cho mình, lúc này nhạc sĩ Y Vân đã thấy được phong cách hát đặc trưng riêng biệt và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ca sĩ nào của Mai Lệ Huyền nên đã sáng tác riêng cho cô nhiều ca khúc sôi động như “Ảo ảnh”, “Thôi”,… để cô trình diễn và mời cô thâu dĩa.
Lúc bấy giờ, những đĩa nhạc có hình bìa của Mai Lệ Huyền trong trang phục gợi cảm, đầy quyến rũ đã khiến cho những đĩa nhạc của cô luôn “cháy kệ”. Những ca khúc rộn rã như: Hai trái tim vàng, Túp lều lý tưởng, Mắt xanh con gái … do Mai Lệ Huyền thể hiện dường như đã phủ sóng khắp miền Nam trong suốt những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70.
Bấm vào hình trên để nghe những ca khúc do Mai Lệ Huyền và Hùng Cường song ca
Cùng với đó theo phong trào Agogo, Twist cũng đang đốt cháy các vũ trường Sài Gòn và Vũng Tàu, ban nhạc Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh và Nhật Ngân) cũng tung ra bài hát “Gặp nhau trên phố”, qua đó giới thiệu với khán thính giả yêu nhạc cặp đôi song ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền. Sau khi hãng dĩa Việt Nam phát hành ca khúc này đã lâm vào tình trạng cháy hàng và liên tục được tái bản nhờ phong cách “κícн độɴԍ nhạc”.
Giai đoạn từ năm 1969 đến 1974, cặp đôi song ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền được công chúng mệnh danh là đệ nhất song ca “Sóng Thần”, tin tức tràn ngập trên làn sóng điện như một hiện tượng văn nghệ độc nhất và vô cùng có sức hút.
Thời ấy, ở Sài Gòn hầu như cứ mở radio, truyền hình là lại nghe thấy Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát những bản κícн độɴԍ nhạc về Lính. Những ca khúc được sáng tác riêng cho cặp song ca này được công chúng và người lính đón nhận nồng nhiệt như: Gặp Nhau Trên Phố, Lính Dù Lên Điểm, Dù Hoa Lạc Lối, Hờn Anh Giận Em, Đám Cưới Nhà Binh, Hờn Trách.v.v.
Có lúc mọi người đi biểu diễn tại các tiền đồn xa xôi mà có Mai Lệ Huyền đi cùng thì ca sĩ đàn anh như Hùng Cường, Nhật Trường, Duy Khánh phải đứng chắn, bảo vệ cho cô em nhỏ trước sự ái mộ của hàng ngàn người lính xa nhà. Vài binh chủng đã ưu ái, mến mộ gọi cô là “người tình của lính”. Thời ấy, hình ảnh nam ca sĩ Hùng Cường mặc Treilli và Mai Lệ Huyền mặc mini jupe đã trở thành quen thuộc với mọi khán giả lúc bấy giờ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng từng nói “Anh nói anh là Lính, mà hổng biết Mai Lệ Huyền là ai thì không phải là Lính”.
Ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, Mai Lệ Huyền thầu luôn cả Đệ Nhất khách sạn ở Tân Bình làm sân khấu riêng để biểu diễn hằng đêm. Cô còn mời các đồng nghiệp nổi tiếng cùng thời như Thanh Tuyền, Phương Dung, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly, Carol Kim, Thái Châu, … về cùng tham gia biểu diễn.
Mai Lệ Huyền là người đã lăng-xê ca sĩ Jeannie Mai và ca sĩ Thái Châu tại sân khấu ca nhạc Đệ nhất khách sạn. Bên cạnh việc làm bầu sô, Mai Lệ Huyền còn thu dĩa theo hợp đồng cho các hãng: Việt Nam, Shotguns, Sóng Nhạc, Continental, Thanh Thúy, Thương Ca, Hoàng Thi Thơ, Trường Hải, Nhã Ca, Họa Mi…
Ngoài nổi tiếng với vai trò là một ca sĩ, một bầu sô chuyên nghiệp, Mai Lệ Huyền còn được biết đến như một tài năng trong lĩnh vực kịch nói và điện ảnh. Với nhan sắc xinh đẹp, vóc dáng gợi cảm đầy cuốn hút Mai Lệ Huyền nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất phim. Cô được mời tham gia vào nhiều bộ phim điện ảnh tâm lý xã hội như: Gác chuông nhà thờ, Mãnh lực đồng tiền, Nhà tôi, Còn gì cho nhau, … Không những thế, Mai Lệ Huyền còn đảm nhiệm các vai diễn quan trọng trong những vở kịch lớn của các đoàn hát đình đám thời bấy giờ. Cô còn “phủ sóng” trên màn ảnh nhỏ với các chương trình hút khách như: 45 phút vui La Thoại Tân, Mai Lệ Huyền’s show …
Cuối tháng 4 năm 1975, Mai Lệ Huyền rời Việt Nam sang Nam Cali định cư. Sau khi ổn định cuộc sống, cô tiếp tục đi biểu diễn tại các vũ trường, sòng bài và tham gia hội diễn trong cộng đồng Việt.
Năm 1982 khi Hùng Cường tới Mỹ và hợp tác cùng Hoàng Thi Thơ mở một buổi nhạc hội thì Mai Lệ Huyền và Hùng Cường lại “tái hợp” , cặp đôi “Sóng Thần” lại khuấy động giới âm nhạc hải ngoại cho đến lúc Hùng Cường mất.
Sau đó, Mai Lệ Huyền thường xuyên xuất hiện trong các băng nhạc Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, Làng Văn. Cô thường kết hợp với ca sĩ Tuấn Châu tái hiện lại những ca khúc vàng son với nam danh ca Hùng Cường.
Nguồn tổng hợp