Hiện nay danh từ “tài tử” được dùng để nói đến những diễn viên không phải là chuyên nghiệp nhưng lại có tài, diễn xuất vì đam mê. Nói chung là những người chưa có chuyên về một khía cạnh nào đó. Chẳng hạn như “tài tử điện ảnh”. Tuy nhiên “tài tử” cũng được dùng trong cụm từ “đờn ca tài tử”. Vậy thì tài tử trong trường hợp này là gì? Có phải nói về những người chơi đàn không chuyên không? Hãy cùng tôi tìm hiểu một chút về hai danh xưng “tài tử điện ảnh” và “đờn ca tài tử” có điểm gì khác nhau.
Nhiều người nghĩ rằng “tài tử” là để chỉ riêng về những người làm trong nghệ thuật diễn xuất. Mà ít ai biết rằng danh từ “tài tử” thật ra xuất phát từ năm 1920 – 1930 dựa vào những nghệ nhân chơi đờn ca tài tử vào thời đó. Chỉ có điều đến khoảng năm 1958 – 1959, khi tôi có cơ may được hỏi chuyện nhà báo lão làng của làng báo miền Nam Việt Nam Trần Tấn Quốc rằng tại sao những người đi đóng phim gọi là tài tử mà người chơi đờn ca cũng được gọi là tài tử? Ông trả lời là do vào năm 1957 khi đạo diễn Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) cộng tác cùng hãng phim Mỹ Vân để sản xuất bộ phim Người đẹp Bình Dương. Để lăng xê hình ảnh của nữ diễn viên chính Thẩm Thúy Hằng trong phim thì cần tìm một từ ngữ hay để nói về cô chứ dùng từ “đào chiếu bóng” để phân biệt với “đào cải lương” thì không được. Thế là đạo diễn Nguyễn Thành Châu đã dùng từ “tài tử chiếu bóng” để gọi tên cho diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Theo năm tháng người ta bỏ hẳn chữ “chiếu bóng”, chỉ giữ lại từ “tài tử” và từ này được dùng cho đến ngày nay.
Sau khi từ “tài tử” được xuất hiện để quảng cáo cho phim “Người đẹp Bình Dương” thì bộ phim “Lục Vân Tiên” do ông Tống Ngọc Hạp làm đạo diễn cũng “té nước theo mưa”, sử dụng danh từ “tài tử” cho diễn viên Thu Trang, gọi cô là tài tử đóng vai Kiều Nguyệt Nga. Thế là từ đó, báo chí cũng quen gọi từ “tài tử” cho những người đóng phim.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại rằng danh từ “tài tử” thực chất dùng cho cụm từ “đờn ca tài tử” mới là chính xác nhất. Còn “tài tử điện ảnh” chỉ là cụm từ được biến tấu và sử dụng cho sau này thôi. Cũng phải nói thêm, năm 2013, UNESCO đã công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nên chúng ta càng nên trân trọng cụm từ này.
Có một điều bạn phải biết rằng “đờn ca tài tử” với “cải lương” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cải lương là bộ môn nghệ thuật ra đời sau đờn ca tài tử. Và đờn ca tài tử được xem là gốc rễ của cải lương.
Đờn ca tài tử được trình diễn với không gian nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa ấm cúng. Chẳng hạn đờn ca tài tử có thể được biểu diễn trong gia đình, đám giỗ, sinh nhật,… Chỉ cần không gian vừa đủ để người chơi đàn cho người nghe cảm nhận được sự du dương. Cũng có thể hiểu rằng đây là một loại nhạc thính phòng vì để hiểu được chất hay của dòng nhạc này thì người nghe cần nhắm mắt lại, dùng trái tim để cảm nhận được sự tinh tế trong tiếng đàn. Có khi nghe đờn ca tài tử cả ngày bạn cũng không cảm thấy chán.
Cải lương thì mang tính chất hiện đại hơn khi muốn biểu diễn phải có sân khấu, khăn màn, trang phục, bối cảnh hợp với nội dung của kịch bản. Khi xem cải lương, khán giả sẽ được nhìn thấy cách diễn, đối thoại và cách diễn tả nội tâm nhân vật của các diễn viên.
Về dàn nhạc cổ thì đó vẫn là xuất phát điểm của cải lương với mục đích đệm đàn. Dàn nhạc còn đờn cả những bài lý dân ca hay những đoạn nhạc cần thiết cho cải lương, tạo nên sự hấp dẫn cho những tiết mục trên sân khấu. Tuy nhiên dàn nhạc không có cơ hội đàn cả bài như lúc biểu diễn đờn ca tài tử vì nhạc trong cải lương chỉ mang hình thức ngắn, xuất hiện ở những phân cảnh đặc biệt cần sự nhấn nhá.
Vậy nên có thể phân biệt rằng nếu một tiết mục có cả đờn ca tài tử, bối cảnh, diễn viên, trang phục, kịch bản rõ ràng thì đó là cải lương. Còn một chương trình biểu diễn nhạc theo phong cách nhạc thính phòng, ở trong một không gian kín, dàn nhạc chơi dài, điệu nhạc ngân nga thì đó là đờn ca tài tử.
Thời nay họ thường dùng cụm từ “đờn ca tài tử cải lương” và “đờn ca tài tử – cải lương” để gọi chung lại với nhau thành “đờn ca tài tử”. Nhưng thực chất thì đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật độc lập, chỉ có đờn ca chứ không có sự diễn xuất nào ở đây, đồng thời nhạc được chơi dài và trọn vẹn một bản. Còn đờn ca tài tử cải lương thì có cả diễn xuất, sân khấu và dàn nhạc.
Nhìn chung thì cả hai đều có những nét riêng biệt và sự độc đáo khác nhau. Đều có mục đích chung là phục vụ khán giả, đem lại sự thoải mái cho tinh thần.