Song Ngọc là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng từ cuối thập niên 60. Ông có số lượng sáng tác lớn và nhiều ca khúc đã trở thành bất hủ, sống mãi cùng với thời gian và trong lòng người yêu nhạc. Nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác đa dạng, phong phú về giai điệu lẫn thể loại. Ông đã để lại cho đời nhiều ca khúc nổi tiếng như: Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, Gặp Lại Cố Nhân, Kỷ Niệm Một Mùa Hè, Người Nữ Đồng Đội, Thư Cho Vợ Hiền, Mưa Chiều, Tiễn Đưa, Định Mệnh, Tình Yêu Như Bóng Mây, Hà Nội Ngày Tháng Cũ… đặc biệt là loạt ca khúc viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh như: Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình 3 Đứa, Chiều Thương Đô Thị, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Nó Và Tôi…
Ngoài vai trò là một nhạc sĩ, Song Ngọc còn được biết đến là một tay trống có hạng, từng chơi trống trong ban nhạc Khánh Băng và sau năm 1975, ông trở thành doanh nhân thành đạt hiếm hoi trong giới nhạc sĩ.
Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, sinh ngày 27 tháng 12 năm 1943 ở Long Xuyên, An Giang. Ông là anh trai của ca sĩ Kiều Oanh.
Song Ngọc đến với âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, 6 tuổi ông đã được học đàn Mandoline, ông tập tành sáng tác từ khi còn theo học trường tư thục Tân Thịnh ở Tân Định. Năm 1958, ông viết ca khúc đầu tiên mang tên “Mưa Chiều” với điệu Valse dìu dặt. Nhạc phẩm này sau đó đã được đài phát thanh Sài Gòn chọn hát nhiều lần qua những giọng ca nổi tiếng thời bấy giờ là Thái Hằng, Thái Thanh, Minh Trang, Ánh Tuyết, Kim Tước, Châu Hà… và được nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mua bản quyền xuất bản. Ca khúc tiếp theo Song Ngọc viết là “Bừng Sáng” đã vinh dự được ban hợp ca Thăng Long trình diễn nhiều lần trên đài phát thanh.
Khi đến đài phát thanh Sài Gòn, ông quen biết nhạc sĩ Nguyễn Hiền và được vị nhạc sĩ này hướng dẫn trong những bước đầu của sự nghiệp sáng tác, sau đó Song Ngọc còn được nhạc sư Nghiêm Phú Phi chỉ dẫn thêm về nhạc lý.
Bút danh Song Ngọc theo nhiều tài liệu ghi chép là từ ghép chữ lót tên ông và chữ lót của một người bạn gái mà ông thích (nhưng cũng có nguồn tin khác từ nhà báo Minh Đức tiết lộ bút danh Song Ngọc chính là tên của nhạc sĩ ghép với người anh trai cũng có chữ Ngọc mà thành). Ngoài cái tên Song Ngọc ông còn dùng một số bút danh khác khi sáng tác như: Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến.
Năm 1961, khi vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, Song Ngọc là người đầu tiên đã phổ nhạc cho bài thơ “Tiễn Đưa” của Nguyên Sa và ca khúc đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Việc phổ nhạc cho thơ là một cái duyên đến với Song Ngọc hết sức tình cờ. Ông kể lại rằng một hôm có một người bạn gái chép tặng ông một bài thơ mang tựa đề là “Tiễn Biệt”. Ông cứ nghĩ rằng bài thơ là do cô bạn gái nọ sáng tác, vì cũng rất thích bài thơ này nên ông đã thức trắng nguyên một đêm để phổ thành nhạc, lấy tựa đề là “Tiễn Đưa”. Sau khi hoàn thành xong nhạc phẩm, ông cầm bài hát đi khoe với bạn bè, thì mới vỡ lẽ đây là 1 bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa đã sáng tác lúc còn du học ở bên Pháp trước năm 1954.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân
Khoảng giữa năm 1962, Song Ngọc nhập ngũ khóa 14 trường Bộ Binh Thủ Đức, trong thời gian này ông cùng nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác bài “Chiều Thương Đô Thị” với nội dung là 1 người tiễn bạn của mình vào lính.
Đó cũng là ca khúc khởi đầu cho hàng loạt ca khúc sau này viết về người lính nổi tiếng được hai nhạc sĩ có tuổi đời chênh lệch nhau này cùng hợp soạn (nhạc sĩ Hoài Linh lớn hơn Song Ngọc 23 tuổi). Sau khi tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, Song Ngọc ra trường và làm việc tại tiểu đoàn TLC Dân Sự Vụ, sau đó phụ trách văn nghệ cho Tổng Y Viện Cộng Hoà.
Năm 1966, Song Ngọc lập gia đình với một người con gái mới chỉ 16 tuổi, khi đó ông 23 tuổi. Tuy kết hôn với nhau khi còn rất trẻ nhưng hai người lại có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, người vợ này đã gắn bó với ông cho tới tận phút cuối cùng của cuộc đời. Năm 2016, kỷ niệm 50 năm thành hôn, Song Ngọc đã gửi lời tri ân đến người vợ hiền của mình như sau: “Trải qua 50 năm lấy nhau, xin cám ơn vợ đã chịu đựng, đã tha thứ cho tánh trăng hoa, bay bướm không thể tránh khỏi của một người chồng nghệ sĩ. Nhờ sự chịu đựng thương yêu này, mà hạnh phúc gia đình ngày nay mới tồn tại. Trải qua 50 năm, càng lớn tuổi lại càng yêu quý vợ mình hơn bao giờ hết”.
Từ giữa thập niên 60 cho đến năm 1975, Song Ngọc phụ trách một số chương trình âm nhạc trên đài phát thanh và đài truyền hình. Ngoài ra ông còn chủ trương thực hiện 5 băng nhạc mang tên mình, cho đến nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe, đó là băng nhạc Song Ngọc có 5 cuốn lần lượt mang tên: Song Ngọc 1 – Chuyện tình & kỷ niệm; Song Ngọc 2 – Những ngày xưa yêu dấu; Song Ngọc 3 – Hoa bướm ngày xưa, Song Ngọc 4 – Tình yêu & xa cách; Song Ngọc Xuân 1974 – Mùa xuân hạnh phúc.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Song Ngọc cùng gia đình rời Việt Nam sang Hoa Kỳ. Thời gian đầu trên xứ người, với sự nhạy bén và là người có đầu óc kinh doanh, Song Ngọc trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực địa ốc.
Từ thập niên 1980, khi cuộc sống của người Việt hải ngoại bắt đầu ổn định và nhu cầu thưởng thức âm nhạc tăng cao, nắm bắt được thị hiếu âm nhạc Song Ngọc đã sáng tác trở lại và có nhiều ca khúc thuộc nhiều thể loại được yêu thích như: Hà Nội Ngày Tháng Cũ, Yêu Cái Đèn Cù, Đàn Bà (năm 1984), Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước (năm 1998),…
Năm 2004, Song Ngọc cùng hai nhạc sĩ khác là Huỳnh Anh và Nguyễn Hiền được Trung tâm Thuý Nga thực hiện chương trình tôn vinh trong Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa. Ngoài ra cũng có một số ca sĩ thực hiện album chủ đề tình khúc Song Ngọc như:
10 Tình khúc Song Ngọc – Tuấn Vũ (Thúy Anh, 1994)
Tình khúc Song Ngọc: Đàn Bà Đàn Ông – Nhật Trường & Hương Lan (Làng Văn, 1994)
Tình khúc Song Ngọc: Hà Nội Ngày Tháng Cũ – Vũ Khanh (Diễm xưa, 2004)
Song Ngọc: Tình Ca 20 Năm – V.A (Diễm xưa, 1995)
Tape Song Ngọc Hải Ngoại 1: Những Chuyện Tình Hôm Nay (1986)
Tuyệt Phẩm Song Ngọc: Hiến Chương Tình Yêu – Tuấn Anh (1998)
Ngày 14 tháng 10 năm 2018, Song Ngọc qua đời tại thành phố Houston, Texas vì tai biến mạch máu não sau khi nhập viện để điều trị những biến chứng của 2 bệnh ung thư cùng lúc liên quan đến phổi và thận.