Trường Thiếu Sinh Quân là một cơ sở đào tạo nam thiếu niên trên hai phương diện là Cơ bản Quân sự của VNCH và Văn hóa phổ thông. Trường trực thuộc Bộ Quốc Phòng với mục tiêu là đào tạo và huấn luyện thanh thiếu niên sau nkhi ra trường sẽ trở thành các binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cho quân lực VNCH hoặc trở thành những Kỹ sư, bác sĩ, giáo viên .v.v. làm hậu phương phục vụ trong quân đội. Tóm lại, đây là một cơ sở giáo dục cũng giống như những cơ sở giáo dục khác của Việt Nam Cộng hòa nhưng có phần huấn luyện quân sự nên được gọi là Học đường Quân sự.
Vào những năm 1899 thời Pháp thuộc triều đại vua Thành Thái, Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định ngày 21/11/1899 cho hai đơn vị quân đội bảo hộ Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn thành lập 2 Toán Thiếu Sinh Quân. Thời điểm ấy, sỹ số Thiếu Sinh Quân mỗi Toán chỉ gồm 10 người sau đó lần lượt các nơi thành lập và thu nhận học viên nhiều hơn đến khi số lượng trở nên rất nhiều mỗi Toán đều được đổi tên thành Trường.
Thiếu Sinh Quân phát triển mạnh và ở các khu vực mọi miền đều có những trường lớn. Ở khu vực Miền Bắc có các trường Thiếu Sinh Quân tại các tỉnh Móng Cái, Núi Đèo, Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương, Việt Trì, Hà Nội. Miền Trung có các trường Thiếu Sinh Quân Huế (Ban đầu tọa lạc ở thành Mang Cá, sau dời vào Thành Nội Huế). Miền Nam có các trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương(tại Vũng Tàu), Thủ Dầu Một, Dakao (Gia Định), Thành Ô Ma (Sài Gòn), Đà Lạt, Ban Mê Thuột và Mỹ Tho.
Trường Thiếu Sinh Quân thời VNCH
Sau những năm 1954, Các trường Thiếu Sinh Quân Miền Bắc được di chuyển vào Nam sáp nhập với trường Thiếu Sinh Quân Mỹ Tho. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nguồn lực tài chính để hỗ trợ duy trì trường Thiếu Sinh Quân bị thiếu hút, Phái bộ Viện Trợ Hoa Kỳ đề nghị với Bộ Quốc Phòng Việt Nam cho giải tán tất cả 6 trường Thiếu Sinh Quân tại miền Nam chỉ giữ lại duy nhất trường Đông Dương tại Vũng Tàu. Tuy nhiên, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Trung tướng Lê Văn Tỵ ngày đó quyết định tiếp tục duy trì các trường này vào phút chót.
Cho đến tháng 5 năm 1956, khi nguồn lực tài chính có hạn Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho tướng Lê Văn Tỵ tập trung sáu trường hiện hữu có khoảng 1350 học viên di chuyển về Vũng Tàu nhập vào trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương. Tại đây trường được đổi tên thành “Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam” và trở thành quân trường có tầm vóc Quốc Gia. Đây cũng là trường gắn liền với nhiều người nhất và cũng là trường Thiếu Sinh Quân cuối cùng.
Trường thiếu sinh quân thu nhận các con em của quân nhân thuộc Chủ lực quân, Địa phương quân, Nghĩa quân và Cảnh sát Quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên cho các con của tử sĩ, thương phế binh và cựu quân nhân. Tuổi của các em khi thu nhận là từ 12 đến 15 (trước năm 1956 nhận các em từ 10 tuổi).
Trường Thiếu sinh quân là một trong những Quân trường đẹp nhất của Việt Nam Cộng hòa. Trong khuôn viên của trường được xây dựng với ba ngôi nhà lầu ba tầng tọa lạc trên một khu đất có diện tích rộng rãi. Bao gồm các phòng ăn, phòng ngủ dành cho học viên thật khang trang và đầy đủ tiên nghi. Hội trường rộng lớn cùng nhiều giảng đường, phòng học, thư viện, câu lạc bộ, nhà tiếp tân. Trong trường có nhiều bãi và sân tập. Về phương diện Tôn giáo, trong trường có nhà thờ Công giáo và Niệm Phật đường.