Nam Bộ là một trong 3 vùng lãnh thổ của Việt Nam. Trong quá trình Nam tiến của nhân dân từ miền Bắc và miền Trung vào đây đã giúp mở rộng khu vực này. Ở đây từng được gọi là Gia Định rồi chuyển thành Nam Kỳ. Năm Bộ được ra đời từ năm 1945 và có tên gọi từ thời Đế quốc Việt Nam. Trong đó Sài Gòn là một tỉnh thuộc Nam Bộ. Các địa danh của Sài Gòn được người dân gọi một cách vắn tắt, tinh gọn. Do nhiều người gọi tên địa danh một cách ngắn gọn nên dần dà khi nhắc đến địa danh sau khi đã nói tắt thì ai cũng sẽ hiểu. Tuy nhiên đối với người lớn tuổi, có nhiều người gọi tên viết tắt mà quên luôn cả tên gốc của địa danh đó là gì. Điều đó khiến họ không thể giải thích tên gọi rõ ràng của các địa danh cho những người trẻ hiểu rõ.
Để thế hệ trẻ ngày nay có thể biết thêm về tên gốc của các địa danh ở Sài Gòn, hôm nay tôi sẽ giải thích một số địa danh mà mọi người hay gặp.
Những địa danh ngày nay đa phần đều được dân gian đặt tên dựa theo những điển tích điển cố của khu vực đó. Từ xưa đến nay, dân ta luôn theo tôn chỉ “Cần – Kiệm – Liêm – Chính”, nhờ chuyên cần mà giải quyết nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, còn kiệm là tiết kiệm tiền bạc, của cải và cả tên của địa danh cũng được người dân mình gọi vắn tắt, kiệm lời. Địa danh là tên gọi của một không gian nào đó nhằm mục đích tạo tính thống nhất để giữa người nghe và người nói có thể hẹn nhau hoặc biết đối phương đang ở đâu.
Các địa danh phổ biến ở Nam Bộ đa số là một cụm danh từ dài khoảng 3 – 4 từ, những từ chính thường nằm ở phía sau, suy ra để làm gọn một cụm danh từ thì người ta sẽ bỏ những từ ở giữa rồi lấy từ đầu và từ cuối ghép lại với nhau. Ví dụ:
– Ba cụm cây sát mé sông là một địa danh ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An sẽ được gọi tắt lại thành “Ba Cụm”.
– Bến Bà Dược ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh được người dân gọi tắt lại là “Bến Dược”.
– Ngã ba cây Dầu tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thì sẽ gọi tắt là “Ba Dầu”.
– Ba Miếu Bà Thượng Động là địa danh ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thì gọi tắt là “Ba Động”.
– Ngã ba cây Dừa là một chợ ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thì mọi người sẽ gọi tắt thành “Ba Dừa”.
– Đoạn đường chạy từ quốc lộ 1A xuyên qua thành phố Tân An, tỉnh Long An; huyện Châu Thành, Thành phố Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy; huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có một địa danh là “Xứ có nhiều giồng cát”. Mọi người thấy cái tên này dài quá nên rút gọn lại là “Ba Giồng”.
– Cầu Thợ Võ ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cũng được mọi người gọi tắt là “cầu Võ”.
– Ở xã Mỹ Lệ, tỉnh Long An có một chợ tên là chợ Rạch Đào. Nhưng vì khu này có khá nhiều rạch nên người ta loại bỏ từ rạch, chỉ gọi tên “chợ Đào”.
– Ở Bà Rịa, Vũng Tàu có một núi Bà Cố, mọi người gọi tắt là “núi Cố”.
– Tại Kiên Giang có huyện Rạch Giá, tên gốc là rạch Cây Giá.
– Tắc đi ngang miễu Cậu thì gọi là Tắc Cậu, còn Tắc có nhiều cây rau ráng thì gọi là Tắc Ráng. Tắc Cậu thì nằm ở Tiền Giang, còn Tắc Ráng thì nằm ở Kiên Giang.
Có một điều thú vị là ở vùng đất ven biển của 2 huyện An Biên và An Minh tỉnh Kiên Giang có một vùng đất đào 10 con kinh đã có từ thế kỉ XVIII. 10 con kinh đó được mọi người gọi lần lượt là Thứ Nhất, Thứ Hai,… đến Thứ Mười. Đến thế kỉ XX, người Pháp đào thêm 2 con kinh thì mọi người lại gọi 2 con kinh đó là Thứ Chín Rưỡi và Thứ Mười Một. Vậy nên vùng đất đó có tên gọi chính xác là Miệt có nhiều con kinh Thứ, gọi tắt là “miệt Thứ”.
Ở Sài Gòn thì có “cầu Kiệu” bắc qua rạch Thị Nghè, nối đoạn quận 1 với quận Phú Nhuận. Thực ra cầu Kiệu có tên đầy đủ là cầu Xóm Kiệu.
Đại lộ Võ Di Nguyên, phía xa kia là Cầu Kiệu năm 1969
Thêm vào đó là địa danh ở Sài Gòn còn được đặt dựa theo thiên nhiên. Chuyện là ở khúc gần quận 8 hiện nay có một địa danh tên là cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé. Trong đó, cầu Ông Lớn có tên nguyên tác là cầu Rạch Ong Lớn, cầu Ông Bé có tên gọi chính xác là cầu Rạch Ong Bé. Thực chất hai tên rạch này mà nối lại với nhau, người ta gọi chung là rạch Ong, kéo dài ra kinh Tàu Hủ và cầu Rạch Ong dùng để bắc ngang qua đó. Ở gần cầu Rạch Ong còn có cầu Mật, như vậy càng giải thích rõ hơn là cầu Rạch Ong chứ không phải là cầu Rạch Ông như mọi người thường nói. Vì đi với Mật thì chỉ có thể là Ong thôi.
Sở dĩ tôi nói cần giải thích chữ Ong và Ông vì theo thời gian, mọi người gọi cầu Rạch Ông nhiều hơn là cầu Rạch Ong và cũng chẳng ai để ý gốc gác của từ này cả. Dần dà mối liên hệ giữa rạch Ong và rạch Ong Lớn, rạch Ong Bé không còn như trước. Theo thời gian, mọi người cũng bỏ luôn chữ rạch, cuối cùng chỉ còn lại tên “cầu Ông Lớn, cầu Ông Bé” theo như cách gọi bây giờ của mọi người.
Ở Nam Bộ cũng có nhiều ngã ba với ngã tư được gọi vắn tắt nên cũng khiến nhiều người khó hiểu khi đọc tên của nó. Chẳng hạn ngã tư Bình Phước là địa điểm giao giữa QL13 và QL1A, thuộc quận Thủ Đức không phải vì tỉnh Bình Phước mà vì từ ngã này nếu bạn muốn đi Bình Phước thì sẽ bắt đầu đi từ đây. Tương tự như ngã ba Vũng Tàu không phải nằm ở Vũng Tàu mà là từ ngã ba này sẽ đi đến Vũng Tàu, ngã ba Vũng Tàu được tạo bởi QL1A và QL51, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Còn ngã ba Cát Lái là đường để đi đến Cát Lái, đoạn đường này được tạo ra bởi Xa Lộ Hà Nội và đường Nguyễn Thị Định, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Ngã tư giao giữa đường Nguyễn Văn Linh với Nguyễn Thị Thập quận 7 được gọi là ngã tư Đa Khoa vì ở đoạn đường gần đó có bệnh viện Đa khoa quận 7.
Chưa hết, ở Nam Bộ còn có tên địa danh dựa vào những sản vật đã có từ xưa ở đó. Ví dụ như Thủ Dầu Một (Bình Dương) được gọi tên như vậy vì ngày xưa ở đó có cây dầu to cao nằm cạnh đồn canh (thủ) nên mọi người gọi là Thủ Dầu Một.
Địa danh Tràm Một ở tỉnh Tiền Giang hiện nay cũng vậy, sở dĩ mọi người gọi như vậy vì trước đây có một cây tràm to đứng một mình. Địa danh Xoài Đôi ở tỉnh Long An do có 2 cây xoài to đứng cạnh nhau nên mọi người lấy tên Xoài Đôi đặt cho địa danh này. Tương tự ở tỉnh Tiền Giang có 4 cây xoài đứng cạnh nhau, mọi người liền lấy tên “Xoài Tư” đặt cho nơi này.
Không những mọi người lấy tên sản vật để đặt tên địa danh mà mọi người còn rút gọn chức vụ của những nhân vật xưa để gọi cho gọn hơn. Cầu Ông Lãnh là một ví dụ. Tên gọi chính xác của cầu là cầu ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, mọi người gọi là cầu Ông Lãnh. Kinh ông Nhiêu học tên là Lộc, mọi người gọi tắt là kinh Nhiêu Lộc.
Những địa danh hành chính cũng được rút gọn. Chẳng hạn từ thời nhà Nguyễn sẽ chia lục tỉnh Nam Kỳ thành 3 cặp lần lượt với tên gọi là Gia Biên (Gia Định, Biên Hòa); Long Tường (Vĩnh Long, Định Tương); An Hà (An Giang, Hà Tiên).
3 phường Linh Chiểu Đông, Linh Chiểu Tây, Linh Chiểu Trung ở quận Thủ Đức bây giờ cũng được gọi tắt lại. Vì vốn dĩ từ Linh Chiểu có nghĩa là ao nước linh thiêng.
Còn có một số địa phương do sắp nhập địa bàn mà đã xuất hiện tên mới và được mọi người gọi cho đến ngày nay như 5 thôn An Thủy Đông, An Thủy Tây, Hòa An, Long Phú, Tân Sơn được lập vào cuối thế kỷ XVIII, 5 thôn này nằm chung trên 1 cù lao nên gọi là cù lao Năm Thôn. Sau cùng vào năm 1875, Pháp sáp nhập 5 thôn lại rồi lấy tên là thôn Ngũ Hiệp, hiện tại thôn này tên là xã Ngũ Hiệp ở tỉnh Tiền Giang. Ngay cả Bình Chánh, Bình Phú, Bình Thới ở tỉnh Vĩnh Long cũng được Pháp sáp nhập lại rồi đổi thành quận Tam Bình vào năm 1916.
Có một số địa danh do nói gộp mà thành. Ví dụ ở quận Bình Tân có Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo. Ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 hiện nay do tên của 3 làng là Tân Đông Trung, Trung Hưng, Thuận Kiều. Tương tự như vậy, phương Tăng Nhơn Phú ở Thủ Đức xuất phát từ cách gọi gộp của 3 làng là Tăng Phú, Tân Nhơn, Phong Phú.
Việc gọi địa danh một cách vắn tắt có thể sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tuy nhiên điều đó lại vô tình làm mất đi ý nghĩa thực sự của nó. Tôi hy vọng qua bài viết này sẽ giúp lớp trẻ hiện nay hiểu rõ hơn về tên gọi thực sự của các địa danh trên đất nước Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Thật ra ở đây còn rất nhiều địa danh khác nữa, hy vọng bạn sẽ cố gắng tìm hiểu thêm để bản thân có sự yêu thương và trách nhiệm với nơi mình đang sinh sống, tất cả đều là nơi mà cha ông ta đã để lại.