Ca khúc “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn được sáng tác năm 1960, đây là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất giữa kho tàng hàng trăm bản tình ca, làm say đắm lòng bao thế hệ khán giả mến mộ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được biết ca khúc này được vị nhạc sĩ tài hoa lấy cảm hứng từ tình yêu lặng thầm dành cho “nàng thơ” Ngô Thị Bích Diễm, một nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) đã khiến trái tim ông lỗi nhịp thời son trẻ.
“Diễm xưa” từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng cả trong nước và hải ngoại thể hiện như: Hồng Nhung, Ngọc Lan, Thanh Lam, Cẩm Vân, Lô Thủy, Phương Thanh, Elvis Phương, Lệ Quyên, Yoshimi Tendo … nhưng có lẽ cũng như rất nhiều bản nhạc Trịnh khác chỉ thực sự đi vào lòng người qua giọng hát của danh ca Khánh Ly. Ca khúc được cô thu âm và chính thức phát hành trên thị trường trong nước qua băng nhạc “Sơn Ca 7” vào năm 1974. Ngoài ra, “Diễm xưa” cũng được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ quốc tế Osaka trước hàng trăm nghìn khán giả vào năm 1970 tại Nhật Bản. Đồng thời cũng tại đất nước này, “Diễm xưa” còn được đưa vào chương trình giáo dục về môn văn hóa Việt tại một trường đại học. Tại trường Đại học Kansai Gakuin cũng có một cuốn sách viết về nhạc phẩm này có kèm theo DVD, để tiện cho sinh viên nghiên cứu. Hơn thế nữa, “Diễm xưa” còn được chọn làm bản nhạc chính cho một bộ phim về cuộc hôn nhân giữa người đàn ông Nhật lấy người vợ Việt Nam của đài truyền hình NHK.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ví von mối tình của mình với “Diễm” tựa một thiên truyện liêu trai, nửa thực nửa mơ. Câu chuyện được ông kể lại như sau:
“Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại Học Văn Khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.
Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.(…)
(…) Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.”
Như vậy mối tình đó được xem như một mối đẹp nhưng dang dở trong thực có mơ, trong mơ có thực, bởi lẽ tất cả những cảm nhận này có lẽ chỉ có một mình người nhạc sĩ đa tài nhưng đa cảm ấy cảm nhận được. Người con gái Huế với nét dịu dàng, mong manh đến thuần khiết như cơn mưa đầu mùa đã làm xao xuyến trái tim đa sầu, đa cảm của người nghệ sĩ. “Diễm” mang đến cho người nhạc sĩ tài hoa ấy một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn khơi mạch nguồn cảm xúc cho những ca khúc bất hủ để đời, từng ca từ đi sâu vào lòng người như ca khúc “Diễm xưa”.
Cả một bản nhạc dài, hình ảnh cơn mưa đi xuyên suốt cả một bài. Những cơn mưa ngắn, dài trên xứ Huế mộng mơ càng làm cho những nốt nhạc thêm buồn và lòng người thêm nhiều suy tư. Từng cơn mưa trút xuống như thấm lạnh cả tâm can người nghệ sĩ, mưa làm liêu xiêu hình dáng mỏng manh, mưa rơi xào xạo phía dưới mòn đôi gót nhỏ, giữa cơn mưa bất tận con đường như lại càng xa hơn, mù mịt và hun hút.
Những cơn mưa dai dẳng trắng xóa bầu trời, hòa quyện vào sự thâm trầm rêu phong của những tầng tháp cổ và hình dáng gót chân hồng bước vội vã, đã hòa thành một bức tranh nhuộm màu sắc u buồn của tâm hồn người nghệ sĩ, khiến cho người nghe cảm giác buồn đến nao lòng, buồn đến xót xa…
Những cơn mưa luôn khơi gợi lại kỉ niệm, những kí ức buồn thương lặng lẽ, những cuộc hẹn hò không đầu không cuối, không mang nhiều hứa hẹn nhưng lại không dễ tàn phai.
Khi nghe “Diễm xưa” ta như cảm nhận được đằng sau những ca từ kia là tất cả những tâm tư của người nghệ sĩ đối một tình yêu mang đầy nuối tiếc.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu.
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.