Cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa VĂN GIẢNG

Đăng ngày 30/08/2024

Văn Giảng là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông là người có số lượng sáng tác đồ sộ với đa dạng thể loại nhạc. Ngoài bút danh Văn Giảng ra ông còn sử dụng các bút danh khác để sáng tác như Thông Đạt, Nguyên Thông, Nguyên Đàm, Tiến Tài, Anh Phương & Nguyên Diệu.

Những bản tình ca do ông sáng tác phải kể đến là Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài… Đặc biệt ca khúc “Ai Về Sông Tương” được ông sáng tác năm 1949, ký dưới tên Thông Đạt, đã được thính giả Đài Phát Thanh Pháp Á bình chọn là ca khúc hay nhất của năm.

Ngoài ra, ca khúc “Thư Người Chiến Binh” do ông sáng tác dưới bút danh Anh Phương & Nguyên Diệu cũng rất được thính giả yêu thích qua giọng hát ca sĩ Duy Khánh.

Về thể loại hùng ca, nhạc sĩ Văn Giảng đã sáng tác nhiều ca khúc được yêu thích như: Thúc quân (1949), Lục quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân hành ca (1951), Qua đèo (1952), Nhảy lửa (1953)…

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt) - Tác giả của những ca khúc bất tử: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc...

Về nhạc Phật Giáo, nhạc sĩ Văn Giảng thường ký bút danh là Nguyên Thông dưới các ca khúc về thể loại nhạc này, ông sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo đó là sự đóng góp không hề nhỏ cho nền Phật nhạc Việt Nam. Những bản nhạc do ông viết thường được hát trong các buổi tụng niệm tại các chùa từ Huế đến Sài Gòn. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến là: Mừng Ngày Đản Sanh, Từ Đàm Quê Hương Tôi, Hoa Cài Áo Lam, Ca Tỳ La Vệ, Đời Sống Đức Phật, Vô Thường, ….

Ngoài ra nhạc sĩ Văn Giảng còn sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi như: Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung thu, Chúc xuân và Tạm biệt.

Không những thế, nhạc sĩ Văn Giảng còn là người hoàn thành bản đại hòa tấu độc đáo Ai Đưa Con Sáo Sang Sông với thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Đồng thời, ông còn soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển “Kỹ thuật hoà âm” dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.

Nhạc sĩ Văn Giảng tên thật là Ngô Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại làng Bác Vọng Đông, Thừa Thiên trong một gia đình trung lưu và theo Phật Giáo. Ông nội của Văn Giảng là một nhạc sĩ cổ nhạc có tiếng, có lẽ vì thế mà ông cũng được thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của ông nội mình. Ngay từ bé, Văn Giảng đã thể hiện thiên phú về âm nhạc, chỉ cần nghe người ta chơi một loại nhạc khí nào đó ông đã có thể về tự mò mẫm học lấy và thành công trong việc sử dụng loại nhạc khí đó. Thế nên mặc dù không qua bất kì một trường lớp âm nhạc nào nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn hạ uy cầm, tây ban cầm và đại hồ cầm nổi tiếng ở Huế.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt) - Tác giả của những ca khúc bất tử: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc...

Năm 1942, Văn Giảng bắt đầu sinh hoạt trong làng văn nghệ khi tham gia hoà nhạc với các bạn Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc. Đến khoảng năm 1944, nối gót nhạc sĩ Thẩm Oánh (tác giả bài A Di Đà Phật) ở miền Bắc, Văn Giảng cùng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng sáng tác và phát triển nền Phật nhạc ở Huế.

Năm 1949, đài Phát Thanh Huế được thành lập, Văn Giảng đảm nhiệm vai trò là trưởng ban nhạc của đài. Lúc này ban nhạc của Văn Giảng tuy nhỏ nhưng lại quy tụ nhiều ca nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Lê Quang Nhạc, Trần Văn Tín, Minh Trang, Tôn Thất Niệm, … Giai đoạn này phần lớn các sáng tác của Văn Giảng đều thuộc thể loại hùng ca như Thúc quân (1949), Lục quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân hành ca (1951), Qua đèo (1952), Nhảy lửa (1953)…

Bên cạnh đó, Văn Giảng cũng viết những bản tình ca, bài tình ca đầu tiên ông sáng tác là “Ai Về Sông Tương” ký tên Thông Đạt. Bút danh này chính là tên ghép pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của vợ ông. “Ai Về Sông Tương” do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của ca sĩ Mạnh Phát và Minh Diệu. Sau khi được phát hành, ca khúc này nhanh chóng được thính giả đón nhận và vô cùng yêu thích, “Ai Về Sông Tương” trở trành ca khúc được thính giả yêu cầu nhiều nhất của Đài phát thanh Pháp Á trong hai năm 1949 – 1950.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt) - Tác giả của những ca khúc bất tử: Ai Về Sông Tương, Hoa Cài Mái Tóc...

Dù vô cùng bận rộn với công việc nhưng Văn Giảng không ngừng tìm tòi và học hỏi cả âm nhạc lẫn văn hoá. Ông lặn lội vào Sài Gòn thi tú tài và tốt nghiệp cử nhân. Tiếp đó ông thi đỗ Anh Văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất ngoại du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, ông đã hoàn thành tốt nghiệp xuất sắc với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế vào năm 1963.

Năm 1969, nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp, ông được mời dạy tại trường Quốc Gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hoà âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc. Ngoài ra ông còn được Bộ Văn hoá Giáo dục đề cử làm Trưởng phòng học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Cũng trong thời gian này nhạc sĩ Văn Giảng gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, người đã chỉ dẫn ông việc làm giàu nhờ sáng tác nhạc, ông bắt đầu viết những bài tình khúc “hái ra tiền”. Văn Giảng sáng tác nhạc và ký bản quyền cho hãng dĩa xuất bản Asia, Sóng Nhạc, số tiền ông kiếm được trong khoảng thời gian này đủ để mua một căn nhà khang trang ngay mặt tiền đường Thoại Ngọc Hầu. Bởi vì thị hiếu của quần chúng lúc bấy giờ là mua những bản nhạc vàng thịnh hành của các nhạc sĩ. Những tình khúc được nhạc sĩ Văn Giảng viết nhanh chóng được đông đảo công chúng yêu thích như “Hoa Cài Mái Tóc”, “Tình Em Biển Rộng Sông Dài”, “Ðôi Mắt Huyền” đã được ấn hành hàng chục nghìn bản, phổ biến rộng rãi trên khắp thị trường.

Năm 1970, nhạc sĩ Văn Giảng được huy chương vàng Giải Văn học Nghệ thuật Quốc Gia của Tổng Thống đương thời với tác phẩm Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings). Cũng trong năm này, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền Đại Nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế EXPO 70 tại Osaka (Nhật Bản).

Sau sự kiện 1975, nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam cho đến năm 1981 mới vượt biên đến đảo Natuna (Nam Dương) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Tại đây, trong vòng 6 tháng, nhạc sĩ Văn Giảng đã sáng tác nhiều ca khúc nói lên thân phận của người dân lưu vong mà bài đầu tiên là “Natuna người tình đầu” cùng 70 ca khúc khác.

Tháng 5 năm 1982, nhạc sĩ Văn Giảng sang định cư tại Úc cùng với gia đình và sinh sống bằng nghề dạy nhạc tại tư gia về các môn sáng tác hòa âm cũng như sử dụng các nhạc khí như tây ban cầm, hạ uy cầm và đại hồ cầm cho người Việt mới đến định cư cũng như cho các sinh viên Úc. Đồng thời ông đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh.

Nơi xứ người, ông cũng đã sáng tác thêm nhiều tình khúc mới và tập hợp thành nhiều tập như: 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình Khúc (Tập II), …

Ngày 9 tháng 5 năm 2013, nhạc sĩ Văn Giảng qua đời tại Footscray, tiểu bang Victoria, nước Úc. Tro cốt của ông được rải trên biển vào ngày 17 tháng 5 năm 2013 theo di nguyện của cố nhạc sĩ, và ngày hôm đó cũng là ngày mà vợ ông mất sau khi lên cơn đau tim vì không chịu được nỗi đau quá lớn.