Văn Phụng là một trong những nhạc sĩ sáng tác lẫn hòa âm tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Phụng sinh năm 1930 tại Hà Nội. Hồi đi học ông thường là một học sinh xuất sắc. Ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, trung học ông học ở trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài, vì theo ý muốn của cha Văn Phụng theo học ngành Y. Nhưng chỉ được 1 năm ông bỏ học để theo âm nhạc. Do được học dương cầm từ nhỏ cộng thêm sự dạy bảo của hai giáo sư dương cầm nổi tiếng thời đó, năm 15 tuổi Văn Phụng đã đạt giải nhất độc tấu dương cầm trong cuộc thi tại Nhà hát lớn Hà Nội với tác phẩm “La Prière d’Une Vierge”.
Năm 1946, trong một lần chạy loạn về Nam Định, Văn Phụng trú chân tại nhà thờ Tứ Trùng và gặp linh mục Mai Xuân Đình. Vị này đã chỉ giáo ông thêm về âm nhạc và giáo lý. Năm 1948, Văn Phụng quay về Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban quân nhạc Đệ tam tiểu toàn danh dự. Ở đây ông quen biết với nhiều người mà về sau này cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như: Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi,…Năm 1948 cũng là năm ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Ô mê ly” trong một lần vui chơi với nhóm bạn bè trong quân nhạc. Bài hát được khán giả hoan nghênh đón nhận và từ đó tên tuổi của Văn Phụng được biết đến nhiều hơn.
Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Văn Phụng đã sáng tác trên 60 ca khúc , trong đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: Bức họa đồng quê, Trăng sơn cước, Yêu, tôi đi giữa hoàng hôn,Suối tóc, Mưa,… ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời bài hát cũng khác lạ so với những bản nhạc thường nghe. Và tác phẩm “Bóng người đi” cũng là một trong những tác phẩm nổi bật của ông vào giai đoạn đó.
Chiều xưa gió êm lay nhẹ liếp dừa
Câu hát nhớ nhung cung đàn tiễn đưa
Nhìn bóng anh đi thỏa chí mười phương
Em về chiều mênh mang xuống nắng vương bên sông
Chàng trai phải đi ra chiến trường trong khung cảnh một buổi chiều gió nhẹ, lay lay hàng dừa nghiêng. Cô gái lặng nhìn bóng dáng người yêu đi ra chiến trận lòng buồn man mác, cảnh vật như buồn theo cô “ chiều mênh mang xuống nắng vương bên sông”. Cô đành phải để người yêu đi xa vì vận mệnh đất nước, vì hòa bình của cả dân tộc.
Người đi tóc xanh vương màu chiến trường
Chiều ấy mắt em vương buồn luyến thương
Chiếu ấy nói qua làn gió đợi chờ
Anh về câu ngàn hàn nối nhịp xưa
Chàng trai đi khi còn “tóc xanh” ý nói là khi còn trẻ đã phải ra chiến trường chiến đấu. Để lại cô gái nơi hậu phương một mình cô đơn “vương buồn luyến thương”. Họ có lời hẹn ước chờ nhau khi chàng trai ra trận trở về. Mong rằng “anh về câu ngàn hàn nối nhịp xưa”. Đây chính là tiếng lòng thổn thức của cô gái, những mong muốn, những hi vọng của cô. Những ai không có người yêu đi ra chiến trận thì làm sao hiểu được nỗi lòng này.
Trao ai duyên ban đầu
Dù muôn năm trọn kiếp không phai màu
Thương cho ai dãi dầu
Ngày đêm nơi chiến tuyến ngăn quân thù
Thắm thiết biết bao lời
Gửi người trai vì sông núi
Thu xưa vui ra đi
Đường làng xưa nhớ về
Đoạn hát tràn ngập tình thương của cô gái dành cho chàng trai. Cô thương người yêu của mình cực khổ nơi chiến tuyến, ngày đêm chiến đấu với quân thù. Cô cũng rất tự hào về người yêu dũng cảm của mình. Cô muốn nói với chàng trai nhiều điều. Cô dặn dò người yêu mình nhớ quay trở về với cô “đường làng xưa nhớ về”. Ngày anh ra đi cô đã luôn nhớ về anh và đợi chờ anh như thế đấy.
Anh nhé lá hoa tươi màu thái hòa
Câu hát dưới trăng thanh bình lắng xa
Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu
Anh về tình ta tươi thắm bền lâu
Đoạn cuối cũng tràn ngập niềm hy vọng chàng trai trở về của cô gái. Cô hi vọng một ngày đất nước hòa bình. Lời ca của tác giả nghe thật dịu êm “tươi màu thái hóa”, “trăng thanh bình”, “non nước ấm êm”. Khi đó, đất nước ấm êm rồi, anh và cô nối lại mối tình xưa, họ lại yêu nhau và hạnh phúc bền lâu trong một đất nước hòa bình, không còn khói lửa cнιếɴ тʀᴀɴн.
Trải dài xuyên suốt bài hát là tiếng lòng của cô gái dành cho người yêu đang ra chinh chiến nơi chiến trường. Văn Phụng đã rất thành công trong việc khắc họa chân thực được tình yêu nam nữ thời đất nước chiến tranh. Một tình yêu phải có sự tin tưởng và lòng kiên nhẫn. Tới đây tôi muốn kết thúc đoạn viết ngắn của mình bằng một phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Túc. Ông đã khẳng định “ Văn Phụng là một trong những bậc thiên tài của nền âm nhạc Việt Nam”. Và không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được điều đó.