Hoàng hậu Nam Phương luôn biết việc gì cần và không cần làm theo lời mẹ chồng nên đã khiến cho hố ngăn cách mẹ chồng nàng dâu ngày càng sâu đậm.
Sau khi cưới được hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại đã giải tán tam cung lục viện, chấp nhận cuộc sống một vợ một chồng hứa hẹn trọn đời chung thủy. Vậy mà không bao lâu những đau buồn lại đến với vị hoàng hậu này…
Như đã nói ở bài trước, hôn nhân của nhà vua và hoàng hậu không được sự đồng tình của thái hậu Từ Cung. Vì vậy chuyện mẹ chồng nàng dâu là điều khó tránh khỏi.
Trong quyển Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của Lý Nhân Phan Thứ Lang có đoạn ghi lại: ‘Bà Từ Cung xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đến mức phải bán con làm hầu gái của một bà chúa, rồi sau đó được sang hầu hạ bên dinh ông hoàng Bửu Đảo (sau là vua Khải Định), rồi vì may mắn có thai với ông chủ mà trở thành mẹ vua.
Trong khi đó hoàng hậu Nam Phương sinh ra trong nhung lụa, được học hành đến nơi đến chốn, ngay ngày cưới đã được tấn phong hoàng hậu. Nếu người ta nói bà Từ Cung có chút mặc cảm với con dâu thì cũng chưa hẳn là đoán bừa’.
Từ những mâu thuẫn đó, trong cung đã xảy ra nhiều chuyện.
Điều làm cho bà Từ Cung khó chịu nhất là việc hoàng tử Bảo Long, cháu đích tôn của bà được rửa tội theo nghi thức Công giáo. Bà không thể ngăn cản được nhưng trong lòng bà luôn mang nỗi ấm ức. Nặng nề nhất là khi Nam Phương đã từ chối không cho con đeo trên tay bùa cầu an, trừ tà mà thái hậu đã đưa cho.
Thêm vào đó, Nam Phương và con là hoàng tử Bảo Long luôn trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp khiến bà không thể hiểu được. Từ đó, những điều suy diễn không mấy tốt đẹp về con dâu luôn ngự trị trong đầu bà.
Bà là người nắm toàn quyền trong hậu cung nhưng đành phải chịu bất lực trước hoàng hậu Nam Phương. Hoàng hậu Nam Phương luôn biết việc gì cần và không cần làm theo lời mẹ chồng. Chính vì điều này đã làm cho hố ngăn cách mẹ chồng nàng dâu ngày càng sâu thêm.
Thói trăng hoa của vua Bảo Đại
Không thích con dâu nhưng thái hậu Từ Cung không tìm được một nhược điểm nào từ hoàng hậu để có thể ra tay trừng trị. Bởi lẽ đó, bà cố tìm cho mình một con dâu ưng ý hơn.
Khổ thay, chính Bảo Đại đã xóa bỏ tam cung lục viện nên không còn cảnh phi tần trong cung cấm. Vậy mà bà vẫn chấp nhận cho Bảo Đại một tình nhân: Mộng Điệp.
Mộng Điệp kém vua hơn 10 tuổi, là người Kinh Bắc, có một đời chồng và một con. Nhan sắc của Mộng Điệp đã làm cho nhà vua chao đảo. Nàng đến với Bảo Đại không cưới xin nhưng luôn luôn kề cận được nhà vua sủng ái. Đã thế nàng lại còn sinh cho Bảo Đại 2 người con là Bảo Hoàng và Bảo Sơn.
Mộng Điệp luôn tìm đủ mọi cách để lấy lòng bà Từ Cung. Được lòng Thái hậu, Mộng Điệp được ngầm xem như một thứ phi, thay mặt Nam Phương trong những buổi tế lễ mà hoàng hậu là người Công giáo không muốn tham dự.
Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, Bảo Đại thoái vị trở thành cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam. Những ngày sống tại Hà Nội trong vai trò mới, cựu hoàng tiếp tục thói trăng hoa, quên đi người vợ ở kinh thành để qua lại với vũ nữ Lý Lệ Hà.
Ăn chơi, quen cách sống xa hoa, Bảo Đại không còn tiền nên viết thư cho người về gặp Nam Phương. Nam Phương biết chuyện rất giận nhưng giữ thể diện cho chồng, bà bày tỏ với người mang thư rằng bà rất muốn ra Hà Nội sum họp nhưng như vậy sẽ làm cho cựu hoàng mất vui. Thôi, đành ôm nỗi đau này chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng.
Hoàng hậu lấy đủ số tiền theo yêu cầu đưa cho người mang thư cầm về mà không một chút do dự đắn đo.
Không dừng lại ở cô vũ nữ Lý Lệ Hà, Bảo Đại còn tiếp tục quan hệ với nhiều mỹ nhân khác nhưng Nam Phương hoàng hậu vẫn một lòng chung thủy với chồng.
Những ngày cuối đời, Nam Phương sống cô quạnh một mình trên đất khách và lặng lẽ ra đi khi tuổi đời chưa bước đến ngưỡng 50.