Hoàng Quý là một trong những nhạc sĩ thời tiền chiến nổi tiếng, là nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông được người yêu nhạc biết đến là một nhạc sĩ tài hoa, có thiên phú âm nhạc nhưng lại bạc mệnh, qua đời khi tuổi vừa mới ngoài đôi mươi để lại niềm tiếc nuối cho người mến mộ.
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Quý không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của ông cho nền tân nhạc Việt Nam thời kỳ sơ khai từ cuối thập niên 30 đến đầu thập niên 40. Như nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét : “Đánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi vì sự hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi nhớ và ghi ơn. Ông là linh hồn của đám nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, thúc đẩy mọi người sáng tác và ông làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra, hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh của ông”.
Nhạc sĩ Hoàng Quý là tác giả của ca khúc bất hủ “Cô Láng Giềng”.Ngoài ra, nhạc sĩ Văn Cao cũng thường nhắc đến nhạc sĩ Lê Thương và Hoàng Quý là hai người có sức ảnh hưởng lớn tới con đường âm nhạc của ông sau này.
Hoàng Quý tên thật là Hoàng Kim Quý, ông sinh ngày 31 tháng 10 năm 1920 tại Hải Phòng. Cha ông là một thầy lang từ Quốc Oai – Hà Tây ra Hải Phòng lập nghiệp nên tuổi thơ Hoàng Quý gắn liền với những địa danh Hàng Kênh, Cầu Đất, Tam Bạc, …
Hoàng Quý có một em trai cũng gắn liền với sự nghiệp âm nhạc là Hoàng Phú tức nhạc sĩ Tô Vũ – tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ,… Hai anh em Hoàng Quý – Hoàng Phú cách nhau 3 tuổi nhưng vì Hoàng Quý đi học muộn nên hai anh em học chung với nhau tại trường trung học Lê Lợi ở Hải Phòng.
Tại trường Lê Lợi, Hoàng Quý – Hoàng Phú theo học nhạc lý với nhạc sĩ Lê Thương, cùng theo học trong lớp còn có nhạc sĩ Canh Thân sau này.
Bên cạnh đó, Hoàng Quý – Hoàng Phú còn theo học violin với nữ giáo sư âm nhạc Lepere’te – bà là người Pháp, cũng là chủ cửa hàng “Orphéce” – cơ sở bán các nhạc khí, các bản nhạc và sách nhạc phương Tây duy nhất ở đất Cảng thời bấy giờ. Nhưng hai anh em chỉ học được hết tập Mazas e’lesmeentaire cơ bản thì nghỉ vì học phí quá đắt.
Sau đó, Hoàng Quý thường đến các quán bar ở Hải Phòng vào lúc chiều tối, trèo lên tường ngồi để lén xem các nhạc công người Philippines biểu diễn guitare Espagnone, guitare Hawai, Banjio alto, kèn saxophone, đàn contre-basse, từ đó ông học lỏm được cách chơi các loại nhạc cụ. Với niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc cùng với năng khiếu trời phú và sự ham học hỏi của mình mà Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau đó ông có thể tự chơi được các loại nhạc cụ và trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal với những kiến thức mà ông học được.
Thời gian làm giáo viên dạy nhạc tại trường Bonnal, Hoàng Quý đã sáng tác ra một ca khúc dành cho phong trào hướng đạo mang tên “Anh Hùng Xưa”, nhắc nhớ đến các vị anh hùng cờ lau khởi nghĩa ở Hoa Lư. Đó cũng được xem là một trong những bản hùng ca đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam. Sau đó, ông còn sáng tác thêm bài “Bóng Cờ Lau” được lấy cảm hứng từ câu chuyện của vua Đinh Tiên Hoàng. Hay bài “Nước Non Lam Sơn” với hình ảnh của vị anh hùng lịch sử Lê Lợi.
Năm 1939, khi phong trào tân nhạc vừa ra đời, cùng với các nghệ sĩ khác ở Hải Phòng như Phạm Ngữ, Canh Thân, Hoàng Phú (em trai), Hoàng Quý là người đầu tiên trình diễn các nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Thương tại Nhà hát Lớn Hải Phòng.
Khoảng thời gian từ năm 1943 -1945, Hoàng Quý đã cùng với một số anh em, bạn bè như Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước,… lập thành nhóm Đồng Vọng cùng nhau sáng tác những ca khúc mang âm hưởng tươi sáng. Nhóm Đồng Vọng đã được nhà xuất bản Lửa Hồng và tạp chí Tri Tân ở Hà Nội giúp đỡ. Nhà xuất bản Lửa Hồng đã ấn hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 -12 ca khúc như : Bên Sông Bạch Đằng, Nước Non Lam Sơn, Tiếng Chim Gọi Đàn, Bóng Cờ Lau, Nắng Tươi, Chiều Quê của Hoàng Quý, Về Đồng Quê của Văn Cao, Ngày Xưa của Hoàng Phú…
Nhóm Đồng Vọng đã sáng tác và ấn hành khoảng trên 60 ca khúc, các ca khúc này đa số đều mang xu hướng nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc. Các ca khúc này không những được biết đến ở Hải Phòng mà còn được loang rộng ra khắp nước. Riêng về nhạc sĩ Hoàng Quý, ông đã soạn ra những bài ca giá trị như: Trên Sông Bạch Đằng, Gọi Bạn Lên Đường, Tiếng Chim Gọi Đàn, Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn, Lời Vọng Ngàn Xưa, Dưới Bóng Thông Xanh, Nắng Tươi…
Ngoài những bản hùng ca được mọi người biết đến rộng rãi, thì nhạc sĩ Hoàng Quý cũng sáng tác những bản nhạc trữ tình như Tú Uyên, Chiều Quê, Đêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long, Chùa Hương,… và đặc biệt nổi tiếng hơn cả là ca khúc bất hủ Cô Láng Giềng.
Ca khúc “Cô Láng Giềng” được nhạc sĩ Hoàng Quý viết khoảng năm 1942 -1943, khi ông rời Hải Phòng lên Sơn Tây để đến làm thư ký cho một trang trại nuôi bò của người họ hàng. Vì thế ông phải chia tay với bóng hồng trong lòng. Khoảng 6 tháng sau, Hoàng Quý nghỉ việc tại đó và trở về Hải Phòng. Trước khi về lại quê nhà, ông đã ghé lại Hà Nội thăm em trai mình là Hoàng Phú. Thế là sau khi gặp nhau, nhạc sĩ Hoàng Quý đã cho em mình xem bản thảo của bài hát “Cô Láng Giềng” của ông.
Nhân vật chính trong ca khúc “Cô Láng Giềng” là bóng hồng trong lòng ông ở Hải Phòng trước ngày ông đi Sơn Tây, cũng chính là vợ ông (Hoàng Oanh) sau này. Ca khúc đó cũng là món quà cưới đầy ý nghĩa ông dành cho vợ khi hai người kết hôn. Nhưng không may, cuộc hôn nhân của Hoàng Quý – Hoàng Oanh hạnh phúc chưa được bao lâu thì nhạc sĩ Hoàng Quý vì một căn bạo bệnh mà qua đời vào năm 1946. Sự ra đi của ông đã để lại niềm đau xót cho vợ, những người thân, bạn bè cùng niềm tiếc thương của nhiều người mến mộ dành cho tài năng người nhạc sĩ trẻ.