Bước chân lẻ loi cùng tiếng nỉ non của người con gái nhỏ trong “Khóc Thầm” (Lam Phương)

Đăng ngày 26/08/2024

Nhiều người cho rằng những nhạc sĩ xuất thân từ dòng nhạc tiền chiến hay nhạc lãng mạn trước đó sẽ không được đánh giá cao trong trào lưu bolero khi ấy. Bởi họ có sự tự cao nhất định bởi thứ âm nhạc tiền chiến đẹp, sang trọng và rất Tây. Từng lời ca được trau chuốt tỉ mỉ, tinh tế và ngay cả khi lựa chọn giọng hát trình bày cũng kỳ công và khó tánh. Nhưng điều đó lại hoàn toàn bị xóa bỏ ngay khi nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện, ông chứng minh cho mọi người biết rằng nhạc của ông dù cầu kỳ như nhạc tiền chiến hay nhạc lãng mạn thì nó cũng sẽ gần gũi và được công chúng đón nhận. Dù viết theo lối Bolero thịnh hành hiện đại thì nhạc của ông vẫn mang màu sắc đẹp, giai điệu hay ca từ vẫn sang trọng và quý phái. Thật khó để xếp nhạc sĩ Lam Phương vào dòng nhạc nào bởi lẽ âm nhạc của ông rất phong phú từ thể loại đến chủ đề. Ông có thể viết nhạc tiền chiến, cũng có thể viết nhạc tình, lấn sang cả nhạc bolero và mới nhất là nhạc trẻ. Ở mỗi dòng nhạc, Lam Phương đều để lại cho đời những tác phẩm bất hủ, những đỉnh cao ít người sánh được.

Từ trước những năm 1975, nhạc sĩ Lam Phương đã vô cùng nổi tiếng với những ca khúc hút khách bậc nhất, nhiều ca khúc mang tên tuổi của nhạc sĩ lên cao và được khán giả yêu mến như: “Thành Phố Buồn”, “Phút Cuối”, “Tình Bơ Vơ”,….Một trong số đó phải nhắc đến một tác phẩm tình yêu nhưng sầu bi – “Khóc Thầm”. Ca khúc được Lam Phương sáng tác vào năm 1972, là lời tâm tình của người thiếu nữ gửi đến cho người thương yêu sau khi chia tay một cuộc tình đầy day dứt và bao hàm nhiều kỷ niệm. Những tiếng nức nở, nỉ non đau đớn của một cô gái yếu mềm lại mỏng manh giữa những cơn sóng tình mãnh liệt chợt những yêu thương ấy lại trở nên xa rời tầm với.

Danh ca Hương Lan đã từng chia sẻ với công chúng về sự ra đời của bản tình ca buồn “Khóc Thầm” do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác. Đoạn đầu của ca khúc chính là được lấy cảm hứng từ câu chuyện tình tan vỡ của nữ ca sĩ cùng người yêu. Cô kể, vào mùa hè năm 1969, cô đã trình diễn ca khúc “Mưa Đêm Ngoại Ô” của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, cũng chính ca khúc này đã giúp cô và người yêu đầu tiên được gặp gỡ. Vì mê đắm giọng hát của Hương Lan qua ca khúc “Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ”, anh chàng đã tìm gặp và làm quen cùng nữ ca sĩ. Từ hai người bạn, đến tìm hiểu, thân quen rồi yêu nhau. Nhưng sau đó, người con trai ấy lại từ biệt mà quay trở lại Mỹ sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc….câu chuyện tình cũng chấm dứt từ đây. Và nhạc sĩ Lam Phương đã dựa theo phần tình cảm của đôi trẻ yêu nhau lại phải chia xa để viết lên những câu hát “Khóc Thầm”:

“Tiễn anh đi rồi, em về gác lạnh đìu hiu

Ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi mi gầy

Bóng đêm ngỡ ngàng vì quạnh hiu

Khép đôi mi lại càng thương nhiều

Trời ơi thương nhớ, bao năm mặn nồng bây giờ lìa xa…”

Một đêm trăng tỏ, soi sáng cả một cung đường hoang vắng, nhưng vì sao trên cao cũng đang lấp lánh như vui như đùa. Nhưng với nàng, xung quanh chỉ là một khoảng lặng im ắng, một cảm giác đìu hiu và cô quạnh đang bủa vây tâm hồn người thiếu nữ ấy. Ngày tiễn anh trở về nơi xa, chính em cũng chẳng biết mình đã rời khỏi như thế nào khi lê đôi chân lẻ loi trở về nơi gác nhỏ lạnh lẽo. Đôi tay này mềm yếu như thế, làm sao níu kéo được trái tim người đàn ông đã muốn rời xa, níu kéo một cuộc tình đã muốn trôi qua?

Bóng người đổ dọc trên con đường vắng, luôn kề cạnh bên ta chẳng bao giờ tách biệt, nhưng tại sao bóng kia lại chẳng phải là anh – Người em yêu mến? Nàng đau đớn khôn cùng, khép chặt đôi mi vẫn đang ngỡ ngàng để nhớ lại khoảng thời gian tươi đẹp. Nhưng nay chỉ còn là một vùng trời thương nhớ, những yêu thương xa đã rời xa vĩnh viễn….

“…..Em thương anh, từ nay cách biệt nụ cười

Đường xa gió lạnh mưa nhiều

Và đời em đắng cay trăm chiều

Bao năm rồi, một ngày chưa sống xa nhau

Ngọt bùi chia sớt cho nhau

Mà giờ này sao lắm thương đau…”

Con gái vốn đa sầu đa cảm hơn đàn ông, nên khi kết thúc một cuộc tình, hai con tim không còn chung một nhịp đập thì người con gái luôn mang nhiều tổn thương và đau khổ.

Dù hai phương trời cách biệt, không còn được nhìn thấy nụ cười của chàng mỗi khi nhìn nhau, nàng vẫn lo lắng chàng “đường xa gió lạnh mưa nhiều” và chịu nhiều đắng cay trên dòng đời xuôi ngược. Bởi vì cách biệt, vì chia xa mỗi người mỗi ngả nên không thể cùng chàng chia sớt những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, nên chỉ còn lại những khổ đau trong lòng mà thôi.Vài cảm nhận về ca khúc "Khóc Thầm" - Bài hát buồn nhất của nhạc sĩ Lam  Phương

“….Mấy đêm qua rồi, nghe từng lá rụng ngoài hiên

Từng hồi chuông đổ mà thêm tái tê trong lòng

Vắng anh cô phòng càng quạnh hiu

Nhớ anh nhớ từng làn hơi thở

Giờ đây mới biết, xa anh sẽ làm chết cuộc đời em.”

Cách xa ngàn dặm, chia xa đã bao ngày nhưng với nàng dường như chỉ vừa trôi qua “mấy đêm”, nhưng mấy đêm ấy lại tựa thiên thu, chẳng đêm nào nàng được ngon giấc, chẳng đêm nào mà nàng không mang bóng hình chàng chìm vào cơn mơ. Lắng nghe tiếng lá rụng ngoài hiên mà cứ ngỡ bước chân người xưa trở lại. Xa xa là từng tiếng chuông ngân vang lan tràn trong không khí càng làm cho lòng người thiếu nữ thêm phần thê lương và ảo não. Trong căn phòng vắng vốn tràn ngập bóng hình anh mà nay lại quạnh hiu khiến cho nàng càng thêm nhung nhớ. Từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cái ôm ấm áp, từng hơi thở cứ bủa quanh trong tâm trí, thắt chặt tim nàng đến nghẹt thở. Khi nỗi nhớ nhung, tình yêu thương dâng lên đến tột cùng và chợt nhận ra người yêu là tất cả trong cuộc sống của nàng nhưng lại xa rời mãi mãi, giây phút ấy cuộc đời này với nàng như chẳng còn ý nghĩa – “xa anh sẽ làm chết cuộc đời em”.

Tự cổ chí kim, phận nữ nhi luôn chịu nhiều thua thiệt trong chuyện tình cảm, đặc biệt là trong những cuộc tình dang dở. Có lẽ, chỉ những ai yêu thật lòng, dồn hết tâm tư tình cảm, đem hết niềm tin và hy vọng đặt vào chuyện tình ấy thì mới đồng cảm được giây phút hụt hẫng của người con gái trong “Khóc Thầm”. “Khóc Thầm” được xem là tình khúc buồn nhất của nhạc sĩ Lam Phương hay chính xác hơn là ca khúc nhạc vàng buồn nhất. Ca khúc đi vào lòng người bằng những ca từ chân thật, nó là nỗi lòng chung của hầu hết cô gái khi trải qua tâm trạng thất tình trên cõi đời này. Ca khúc được nhiều danh ca thu thanh vào trước năm 1975 như Thanh Thúy, Chế Linh,…Nhưng người trình diễn ca khúc này trọn vẹn nhất và bật nên nỗi sầu miên man lại day dứt thì chỉ có ca sĩ Hương Lan, bởi đây chính là câu chuyện của cô, cảm xúc mà chính bản thân cô đã trải qua.

Nhạc sĩ Lam Phương là một con người đức độ, ông luôn sống ôn hòa và nhẹ nhàng với tất cả mọi người, ông có một nụ cười hiền – một nụ cười khiến mọi người nhìn vào cảm giác yên tâm và vui vẻ. Có lẽ, chính sự bình dị và hiền hòa ấy nên những ca khúc được ông viết nên đều mang một giai điệu trôi chảy, ca từ nhẹ nhàng như nước chảy mây bay, dễ dàng rót vào tâm tư của người nghe nhạc. Những câu hát dễ cảm, dễ thuộc nhưng lại thấm thía vào từng ý nghĩa, không dễ trôi dù chỉ một lần nghe.

Tiễn anh đi rồi, em về gác lạnh đìu hiu
Ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi mi gầy
Bóng đêm ngỡ ngàng vì quạnh hiu
Khép đôi mi lại càng thương nhiều
Trời ơi thương nhớ, bao năm mặn nồng bây giờ lìa xa

Em thương anh, từ nay cách biệt nụ cười
Đường xa gió lạnh mưa nhiều
Và đời em đắng cay trăm chiều
Bao năm rồi, một ngày chưa sống xa nhau
Ngọt bùi chia sớt cho nhau
Mà giờ này sao lắm thương đau

Mấy đêm qua rồi, nghe từng lá rụng ngoài hiên
Từng hồi chuông đổ mà thêm tái tê trong lòng
Vắng anh cô phòng càng quạnh hiu
Nhớ anh nhớ từng làn hơi thở
Giờ đây mới biết, xa anh sẽ làm chết cuộc đời em.