Ký ức về những ngôi trường nữ sinh trung học nổi tiếng miền Nam trước năm 1975

Đăng ngày 25/08/2024

Chẳng biết tại sao cũng chẳng hiểu vì lý do gì mà từ trước những năm 1975, ở miền Nam Việt Nam thường tách biệt giữa trường nam sinh và trường nữ sinh trung học. Vẫn còn nhớ như in hình ảnh của những tà áo dài trắng phất phơ trong gió, lay động theo từng bước đi duyên dáng của các nàng thiếu nữ, từ trường Gia Long đến Trưng Vương. Nó như những cánh bướm sinh động cứ lượn lờ, bay múa trong miền ký ức tươi đẹp của một thời hoài niệm ngày xưa.

Nhìn lại các trường nữ trung học nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975

Mỗi lần đi ngang, mỗi lần trông thấy hay mỗi lần nhớ đến là mỗi lần hoài niệm. Những hình ảnh lung linh ngày cũ về những ngôi trường nữ sinh trung học như một thước phim dài không tập cuối. Hôm nay đây, chúng ta sẽ được quay ngược thời gian để hồi tưởng lại những thơ ấu hôm nào cũng những tà áo dài thướt tha:

Trường trung học nữ sinh Trưng Vương, tiền thân vốn là một trường nữ sinh ở Hà Nội, đến năm 1954 thì di cư vào Nam, do đó không quá lạ lẫm khi đội ngũ giáo viên giảng dạy và học sinh ban đầu tại trường đều thuộc gốc Bắc.

Ban đầu do chưa được xây dựng hoàn thiện nên những nữ sinh trường Trưng Vương phải học nhờ tại trường Gia Long, nhưng sau đó đã được chuyển lại vì có cơ sở và khuôn viên riêng. Cụ thể là vào năm 1957, trường dời về vị trí số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần sở thú Sài Gòn) và gần với trường nam sinh Võ Trường Toản, bắt đầu từ đây đã phát sinh ra nhiều mối tình thuở thiếu thời giữa cựu học sinh Võ Trường Toản – Trưng Vương. Có những mối tình đẹp đến nao lòng, nhưng cũng có những mối lương duyên đau lòng không muốn nhắc đến, nhưng song, tất cả đều là những hồi ức tốt đẹp của chúng ta một thời. Lại còn những hình ảnh nam sinh Võ Trường Toản tinh nghịch vượt tường để qua Trưng Vương chơi, tạo nên biết bao kỷ niệm. Những hoài niệm ấy sẽ chẳng bao giờ phôi pha trong ký ức của mỗi chúng ta.

Nhìn lại các trường nữ trung học nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975

Nếu ai từng tản mạn trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa chắc chắn sẽ hiểu được lý do vì sao chỉ một chiều thu thoáng qua mà nhạc sĩ Nam Lộc lại nhớ mãi không quên, cứ bâng khuâng với cảm giác nắng nhẹ vương trên đôi gót xinh, với những chiếc lá vàng rơi đầy sân. Cảm giác ấy, có lẽ vẫn được những nữ sinh Trưng Vương hôm nao mang theo mãi trên khắp nẻo đường cuộc đời.

“Tìm em chưa nghe rung qua một lần

Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần

Tình trần mong manh như lá me xanh

Ngơ ngác rơi nhanh…..” (Nhạc hải ngoại – Lời việt: Nam Lộc – Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Những nữ sinh trường Trưng Vương trong tà áo dài lả lướt làm sao thoát khỏi ngòi bút đa tình của nhạc sĩ Phạm Duy. Hình ảnh “người con gái Văn Hoa” không biết tự thuở nào đã trở thành hình tượng đẹp nhất ta mỗi khi đặc tả về hình ảnh người con gái. Chiếc áo dài trắng bay bay trong gió thoảng, chiếc nón lá nghiêng nghiêng mái đầu luôn làm cho người yêu cái đẹp xưa có một chút gì đó bồi hồi lại xao xuyến, một chút luyến tiếc về những hình ảnh đẹp đã bị bỏ quên.

Trường trung học nữ sinh Gia Long (Sài Gòn):

Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu

Trường nữ sinh Gia Long được xem là một trong những trường nổi tiếng nhất một thời với hơn 100 năm lịch sử. Trường được lập ra từ thời Pháp thuộc dưới sự kiến nghị của nghị viên Hội đồng Quản Hạt Nam Kỳ Lê Văn Trung và vợ tổng đốc Phương cùng với một số nhân sĩ khác.

Trường trung học nữ sinh Gia Long từng được mệnh danh là trường “nữ sinh áo tím” với những nàng thiếu nữ khoan thai trong tà áo dài tím mộng mơ. Nhưng đằng sau đó là cả một bầu trời ý nghĩa rộng lớn – mong muốn và khát vọng về một xã hội tự do không ràng buộc, một xã hội bình quyền giữa nam và nữ, không phân biệt giới tính – tất cả họ đều có quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền được hưởng một nền giáo dục và học tập như nhau.

Từng là niềm tự hào và hãnh diện của biết bao thế hệ nữ sinh thời đó, có thể nói, đến tận bây giờ thì hai từ “Gia Long” cũng được xem như một lời chào kết bạn, nó như một sợi dây vô hình đã kết nối những con người tình cờ gặp gỡ ở bất kỳ đâu trên thế giới rộng lớn này. Nó còn là niềm tự hào của những thiếu nữ trường thành trong nền gia phong lễ giáo của những gia đình miền Nam hồi ấy.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã ghi lại nét yêu kiều và thướt tha của những nữ sinh Gia Long trong tà áo dài phất phới trong ca khúc Cô Nữ Sinh Gia Long:

“….Đường xa cô gái Gia Long về đâu

Dừng chân cho nhắn thăm cô vài câu

Bao cô dưới cùng mái trường

Khi xưa đã tặng hoa mừng

Nay có còn theo bước thương không…”

Lời bài hát kể về câu chuyện tình đẹp và ngọt ngào giữa nữ sinh trường Gia Long cùng chàng lính chiến trường. Cuộc tình của họ cũng là một trong những cuộc tình được nảy sinh trong thời chiến loạn. Nguyễn Văn Đông (hay Phượng Linh) đã gọi người con gái mình yêu với cái tên chung là nữ sinh Gia Long, ông đã mang  màu hoa thép súng của người chiến sĩ dành tặng cho cô nàng vào ngày bản thân lập được chiến công, xem nó như một món quà bé nhỏ nhưng đầy ý nghĩa:

“…..Này cô xuân nữ Gia Long thành đô

Màu hoa thép sung xin dành tặng cô

Hoa em vẫn vẹn sắc màu

Trao anh chiếm cả tấm lòng

Một sắc màu em đã ghi sâu…”

Một cựu nữ sinh Gia Long cho biết, đại đa số cựu nữ sinh của trường có người yêu là lính đều như một sự vô tình mà không phải là sự lựa chọn có ý. Bởi tình yêu thời chiến loạn, các thanh niên đều khoác lên mình màu áo xanh đi nhập ngũ, gánh vác trên vai trọng trách người trai với quốc gia đất nước. Có người may mắn trở về, nhưng cũng có người mất tích hoặc cũng có người bị thương. Và những mối tình thời đó giữa nữ sinh Gia Long cùng với anh chiến sĩ rất trong sáng, họ luôn đặt mình trong vòng lễ giáo, tuyệt nhiên không bao giờ vượt quá lễ nghi khuôn khổ của gia đình miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Ngôi trường tiếp tục được tồn tại tới thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975 thì trường đổi tên thành trường Nguyễn Thị Minh Khai và cho phép đào tạo cả nam lẫn nữ.

Trường trung học nữ sinh Lê Văn Duyệt (Sài Gòn):

Khác với hai đàn chị lâu đời là Trưng Vương và Gia Long, trường nữ sinh Lê Văn Duyệt hiện ra như hình ảnh của một người em út năng động và trẻ trung. Đã từng có một bài viết khá ngộ nghĩnh nhưng lại hoàn toàn đúng sự thật: “Tiếc thương cho người em Lê Văn Duyệt không phải vì thua kém đàn chị, nhưng cái tên….khó đưa vào văn thơ quá nên chẳng thể nào khớp được vào thơ ca của Phạm Duy.”

Cũng là một trong những ngôi trường “made in Saigon” chính hiệu, nhưng tiền thân của trường Lê Văn Duyệt có tên là Trương Tấn Bửu, trường đào tạo cả nam lẫn nữ. Sau khi tách ra thành hai trường nam nữ riêng biệt thì trường nữ sinh Lê Văn Duyệt đã chuyển đến số đại lộ Lê Văn Duyệt – vốn là lô đất mới, cũng chính là đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay.

Nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Tại sao một ngôi trường nữ sinh lại mang cái tên của một nam nhân như thế? Có lẽ vì trường Trương Tấn Bửu ngày xưa tọa lạc gần nhà thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (nay là Lăng Ông – Bà Chiểu), sau đó lại được thành lập trên đường Lê Văn Duyệt nên người ta đã lấy cái tên này để đặt luôn cho trường.

Năm 1963, do trường Lê Văn Duyệt chưa có lớp đệ nhất nên các nữ sinh phải chia tay trường để đến trường Trưng Vương học lớp đệ nhất. Nhưng vài năm sau đó thì trường đã mở thêm lớp đệ nhất nên nữ sinh vẫn có thể tiếp tục gắn bó tại trường. Và sau năm 1975, thì trường lại đổi tên thành trường Võ Thị Sáu để đào tạo cả nam và nữ.

Trường trung học Marie Curie (Sài Gòn):

Trường Marie Curie là trường duy nhất tại Sài Gòn vẫn giữ tên cũ từ lúc thành lập đến thời điểm hiện tại.

Trường được khởi công xây dựng từ thời Pháp thuộc từ khoảng năm 1858 đến năm 1862 (đây là khoảng thời gian Pháp giành được quyền bảo hộ xứ Nam Kỳ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862), ngay khi đánh chiếm Nam Kỳ, Pháp thiết lập môi trường để phục vụ mục đích giảng dạy tiếng Pháp và tiếng An Nam. Sau đó đã cho thành lập nhiều trường bổn quốc và trường nữ sinh (chính là trường Marie Curie sau này). Trường lấy tên của một nữ bác học người Pháp gốc Ba Lan từ năm 1918, bạn đầu được gọi là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp (Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles Francaise) Lycée Marie Curie, chỉ tiếp nhận nữ sinh vào học.

Trước năm 1975, trường dành cho con em người Pháp và một ít nữ sinh của dòng dõi nhà giàu có thế lực ở Sài Gòn, giảng dạy bằng tiếng Pháp, nữ sinh tại đây được mặc cả váy và áo dài. Sau năm 1975, trường chuyển hình thức thành trường trung học phổ thông bán công đào tạo cả nam và nữ.

Thời điểm Nhật tiến vào Đông Dương năm 1941, trường bị trưng dụng trở thành bệnh viện nên những học sinh tại đây phải chuyển địa điểm sang một trường mẫu giáo ở đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay. Nhưng chỉ một năm sau đó, trường được hoàn lại và dời về địa điểm cũ, đổi tên thành trường Trung học cơ sở Calmette.

Đến lúc quân Pháp quay trở lại lần nữa chiếm cứ Sài Gòn vào 23/09/1945 thì trường lại tiếp tục bị đổi tên thành Trung học Lucien Mossard. Đầu năm 1948, lại được trả về tên cũ là Marie Curie. Theo lịch sử viết lại, trong thời VNCH thì trường là trường tư thục chỉ cho nữ sinh vào học, nhưng đến năm 1970 trường đã bắt đầu mở cửa tiếp nhận nam sinh.

Có một thời kỳ nổi bật khi Marie Curie trở thành trường trung học phổ thông lớn nhất Việt Nam với hơn 5000 học sinh mỗi năm. Năm 2007, trường lại tiếp tục thay đổi hình thức từ bán công sang công lập, gia giảm dần sỉ số học sinh nhằm tăng chất lượng giáo dục.

Ngôi trường với kiến trúc đậm chất Pháp lưu lại trên không chỉ là cổng chào, mà ngay cả một góc cầu thang gỗ, khu vườn hay cái đài phun nước,…cũng được ghi dấu cho đến tận ngày nay.

Trường trung học Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn):

Trường mang tên của một vị Giám Mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam, trường được thành lập vào năm 1956 dưới sự giúp đỡ đặc biệt của cơ quan Caritas Germanica Đức quốc, cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường nằm tại số 73 – 75 đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Sài Gòn.

Trường được chia thành nhiều cấp lớp từ đệ thất đến đệ nhất với đầy đủ các môn từ A, B, C đặt dưới quyền điều khiển của 8 vị linh mục và sự giáo dục của 160 vị giáo sư cùng 30 nhân viên văn phòng (theo ghi nhận năm 1963).

Tuy chỉ là một trường tư thục nhưng trung học Nguyễn Bá Tòng luôn được đánh giá cao trong việc giáo dục và có uy tín nhất đô thành. Từ khi thành lập thì trường chỉ dành riêng cho nữ sinh, mãi đến năm 1975, khi đã trở thành trường trung học phổ thông công lập và được đổi thành trường THPT Bùi Thị Xuân, trường mới dần đào tạo cho cả nam và nữ.

Trường trung học Saint Paul (Sài Gòn):

Có một ngôi nhà màu trắng nằm tại số 4 đường Cường Đế, Quận 1, Sài Gòn (nay là Tôn Đức Thắng) – khi đi ngang qua mọi người sẽ chỉ nghĩ nó là một nữ tu viện. Trước kia người ta vẫn hay gọi nó là “Nhà Trắng” nhưng không phải vì được sơn toàn màu trắng như “White House” (Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ) mà vì đây là ngôi nhà được xây dựng và làm chủ bởi những nữ tu thuộc dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres – một giáo đoàn truyền giáo tôn giáo Công Giáo La Mã) sự “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”.

Những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 8: Lịch sử của trường Trưng Vương và Võ Trường Toản

Trước năm 1975, trong tòa nhà này có một trường tư thục với các lớp từ mẫu giáo chơ tới tú tài với số lượng học sinh lên đến 1.600, trường có cả ký túc xá cho học sinh nội trú. Nhưng sau năm 1975, có một thời gian trường trở thành trường Sư Phạm Mầm Non

Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo ghi lại, vào 20/05/1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô Chartres từ HongKong đã đặt chân đến Sài Gòn. Thời điểm đó, họ tạm định cư chung trong một căn nhà nhỏ ở vùng chợ cũ cùng các nữ tu dòng kín (những nữ từ này đến Sài Gòn từ năm 1861).

Vào tháng 9/1862, mẹ bề trên của dòng thánh Phaolô Benjamin đã cho khởi công xây dựng nhà giám tỉnh tại khu Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ được khánh thành hoàn thiện vào 10/08/1864, trong lúc đó trên bản thảo viết tay của mẹ Benjamin chỉ ghi tên kiến trúc sư tên là “Thầy Học”, trước đây vẫn chưa ai biết người thực cũng như những tư liệu có liên quan đến người kiến trúc sư này.

Mãi đến năm 1958, cụ Vương Hồng Sển đã cho biết trong quyển Sài Gòn xưa: “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Trong tạp chí Văn Đàn (Sài Gòn, số 4 năm 1961), ông Phạm Đình Khiêm cũng đã cung cấp nhiều tài liệu từ thư khố tư viện chứng minh “Thầy Học” được ghi trên bản thảo chính là ông Nguyễn Trường Tộ.

Nếu ai có dịp đánh vài vòng dạo bước vào đây sẽ bị choáng ngợp bởi không gian rộng lớn, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà độc đáo: cô nhi viện, nhà của các nữ tu và khu nhà nguyện. Đặc biệt nhất là khu nhà nguyện, khi nhìn từ trên xuống, người ta sẽ liên tưởng ngay đến hình tượng của một cây thánh giá, bên trong lại được thiết kế thêm nhiều cột đỡ vô cùng vững chắc. Phía trước là một thảm sân cỏ rộng lớn với tượng thánh bổn mạng của dòng Phaolô. Kiến trúc sư ngô Viết Thụ từng có đôi lời nhận định về lối kiến trúc này: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút trạm trổ hoa hòe làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường Sainte Chapelle. Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục…”.

Trường Thiên Phước (Sài Gòn):

Để sáp lại lời mời của Đức Cha Colombert – Giám Mục Địa Phận Đàng Trong, vào năm 1877, mẹ Benjamin đã cho lập một nhà dục anh tại Tân Định và đặt tên là “Saint Enfance de Tân Định).

Người phụ trách Công Đoàn tiên khởi tại Viễn Đông lúc ấy là Soeurs Ignace, hằng năm bà cùng với các nữ tu đã đón nhận nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, con số có thể lên đến cả trăm, trong số đó có nhiều trẻ do quá yếu và bệnh tật mà không qua khỏi. Họ đã chịu trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng chúng.

Vào năm 1881, Cha Sở Eveillard đã đích thân mời những nữ tu thuộc dòng Thánh Phaolô học để dạy giáo lý cho con em của giáo xứ, có cả trai lẫn gái. Khoảng ba mươi năm sau, dưới sự hướng dẫn của Soeurs Suzanne, các chị em trong Công Đoàn đã đảm nhận cả việc giáo dục luôn cho những thiếu nhi tại cơ sở cạnh Công Đoàn

Nhiều gia đình trong họ đạo cũng gửi con em của mình tới cơ sở để được các nữ tu vừa dạy giáo lý vừa giáo dục văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục. Những đứa trẻ này sẽ được học chung với các bé cô nhi, nhiều em của họ đạo cũng xin vào học nội trú và bán trú của trường.

Khoảng năm 1918 – 1938, bên cạnh việc phát triển học đạo, thời kỳ do Soeurs Andréa Amé cũng lần lượt mở thêm các lớp Sơ Cấp và học sinh đến học cũng ngày một đông hơn. Đến năm 1941, Soeurs Marie Rose vốn đang dạy ở trường Jeanne d’Arc (Ngã Sáu Chợ Lớn) cũng được mời về thay cho vị trí của Soeurs Amé.

Từ năm 1946 – 1948, lúc Đệ Nhị Thế Chiến lắng xuống, nhiều lớp Nhì và Nhất cũng được mở bổ sung cho chương trình tiểu học, Soeurs Marie Rose cũng cho mở thêm nhiều lớp giảng dạy theo chương trình tiếng Pháp. Nhưng chỉ được 1 năm thì Soeurs phải trở về Pháp để chữa mắt và cũng không về Việt Nam nữa. Công việc tại Công Đoàn cũng được trao lại cho Soeurs Alice de Jésus phụ trách.

Năm 1950, Soeurs cũng cho xây cất thêm nhiều lớp bên cánh phải cơ sở, nâng cấp lầu cho cô nhi viện, thêm ký túc xá cho các nữ sinh ở tỉnh lên sài thành học tập. Thời điểm đó, trường Saint Enfance đã có đủ các lớp từ mẫu giáo đến tiểu học Việt – Pháp dọn thi Certificat d’Études Primaries Franco-Indigènes (CEPFI) và mở năm đầu tiên dọn thi bằng trung học Pháp (BEPC).

Đến khoảng giữa thập niên 1950, trường Saint Enfance bổ sung thêm chương trình trung học Việt – Pháp. Đến tháng 8/1957, Công Đoàn Tân Định đón tiếp Soeurs Pétronille de Marie – nữ tu sĩ Việt Nam đầu tiên trực tiếp phụ trách.

Vào 6/1/1958, trường Saint Enfance được chính quyền cấp giấy phép thông qua Sở Giáo Dục đổi tên trường thành “Trường Trung học Thiên Phước” và bộ đồng phục màu hồng nhạt. Trước năm 1975, thì trường còn khoảng 43 nữ tu nhưng đến 2001 thì chỉ còn lại khoảng 12 người. Đứng đầu nhóm thời điểm đó là Soeurs Marie Patrice Trương Thị Nhung

Ngày nay trường Thiên Phước đã được đổi tên thành trường Trung học cơ sở Hai Bà Trưng, tọa lạc tại 295 đường Hai Bà Trưng, Quận 3, Sài Gòn.

Trường Notre Dame Des Missions (Sài Gòn):

Sở dĩ trường có tên như vậy đơn giản vì đây là trường của dòng Notre Dame Des Missions – dòng Đức Bà Truyền Giáo. Trường tọa lạc tại Thủ Đức và được giảng dạy theo giáo trình tiếng Pháp, đến khoảng những năm 1970 thì mới đưa vào giáo trình song ngữ Việt – Pháp cho trung học đệ nhất cấp.

Mới đầu, đây là một khu đất có rất nhiều chủ khác nhau, năm 1959, dòng Notre Dame Des Missions đã thu mua và tiến hành khởi công xây dựng đến năm 1960 thì hoàn thiện. Dãy nhà đầu tiên dành làm trường tiểu học, khu nhà nội trú và dãy phòng dành cho các Soeurs. Mãi đến năm 1969, nhà trường mới cho xây dựng thêm dãy dành cho trung học đệ nhất và đệ nhị cấp.

Đến năm 1975, ngoại trừ dãy nhà dành cho các Soeurs thì những dãy còn lại đều bị chính quyền mới sử dụng làm cơ quan, nhưng vì sử dụng không đúng mục đích nên các Soeurs đã đệ đơn đòi lại cơ sở từ năm 2004.