Người xưa vẫn hay nói câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, lý giải những điều căn bản trong cuộc sống mà người ta phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế làm sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh. Và trong câu nói đó, “học ăn” được xếp ở vị trí đầu tiên với hàm ý – học được những phép lịch sự trong ăn uống, sau đó mới học dần qua những điều khác. Người xưa cũng quan niệm rằng, nếp ăn của một người sẽ phần nào đánh giá được xuất thân – môi trường giáo dục – cách ứng xử của người đó trong xã hội. Dù ở thời xưa hay hiện tại, việc người lớn dạy dỗ trẻ nhỏ trong cách ăn uống, ý tứ khi ngồi mâm luôn là được coi trọng nhất.
Chữ “quan trọng” trong cách ăn uống không chỉ là nói khơi, mà nó còn được lập ra bởi 50 nguyên tắc cơ bản trên mâm cơm của người Việt – Cách dùng đũa như thế nào? Những ý tứ nào trong lúc ăn cần được chú ý?….vẫn được người xưa gìn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nếu thoáng nhìn qua sẽ nghĩ là nó rắc rối và rườm rà, bởi có tận “50 nguyên tắc”, nhưng thực chất, đấy đều là những điều cơ bản mà các gia đình Việt đều cố gắng gìn giữa và lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau. Người Việt không xem đó là “phong tục cổ hủ” hay “truyền thống rườm rà” bởi vì ngay từ bé họ đã được dạy những điều đó và nó đã ngấm vào máu xương của mỗi người như một quan trọng không thể bỏ qua.
Người Việt rất coi trọng phép lịch sự tối thiểu trên bàn ăn, dù trong gia đình hay với người khác, dưới đây chính là “50 nguyên tắc trên mâm cơm người Việt” vẫn được trân trọng đến tận ngày nay:
1. Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng.
2. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, phải gắp thức ăn vào bát riêng trước rồi mới ăn.
3. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung.
4. Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
5. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.
6. Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
7. Phải đổi đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác.
8. Không được cắn răng vào đũa, thìa, miệng bát, không liếm đầu đũa
9. Không vừa cầm bát vừa cầm đũa chỉ 1 tay. Không được ngậm đũa để rảnh tay làm các việc khác như múc canh. Đôi đũa chưa dùng đến phải đặt vào mâm hoặc đĩa bàn nếu ăn trên bàn có dùng đĩa lót bát, hoặc đồ gác đũa.
10. Ngồi ăn dù trên chiếu hay trên ghế đều không được rung đùi.
11. Không ngồi quá sát mâm hay bàn ăn nhưng cũng không ngồi xa quá.
12. Ngồi trên ghế thì phải giữ thẳng lưng. Ngồi trên chiếu thì chuyển động lưng và tay nhưng không được nhấc mông.
13. Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống tay lên bàn mà bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì phần cổ tay đặt trên bàn nhẹ nhàng.
14. Không ngồi chống cằm trên bàn ăn.
15. Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói.
16. Không chu mồm thổi thức ăn nóng mà múc phần quanh thành bát đĩa.
17. Muỗng kiểu múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.
18. Khi chấm vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm.
19. Khi nhai tối kỵ chép miệng.
20. Không tạo tiếng ồn khi ăn.
21. Không nói, không uống rượu, không húp canh khi miệng còn cơm.
22. Không gõ đũa bát thìa.
23. Khi ăn món nước như canh, chè, súp, cháo… nếu dọn bát nhỏ hay chén tiểu thì có thể bưng bát trên hai tay để uống nhưng không được kèm đũa thìa. Nếu dọn bát lớn hay đĩa sâu thì dùng thìa múc ăn, tới cạn thì có thể một tay hơi nghiêng bát đĩa sâu ra phía ngoài, một tay múc chứ không bưng tô to đĩa sâu lên húp như kiểu chén tiểu. Món canh có sợi rau nên dọn bát nhỏ, món gọn lòng thìa có thể dùng bát lớn, đĩa sâu.
24. Không ăn trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăn. Nếu đi làm khách không gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm, ngoại trừ trường hợp chủ nhà mời gắp trước.
25. Không chê món ăn chưa hợp khẩu vị mình.
26. Không gắp liên tục một món dù đó là món khoái khẩu.
27. Phải ăn nếm trước rồi mới thêm muối, tiêu, ớt, chanh. Tránh vừa ngồi vào ăn đã rắc đủ thứ gia vị phụ trội vào phần của mình.
28. Phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót hạt cơm nào.
29. Khi dọn mâm cơm phải nhớ dọn thêm bát nhỏ đựng xương, đầu tôm, hạt thóc hay sạn sót trong cơm.
30. Trẻ em quá nhỏ, dọn mâm riêng và có người trông chừng để tránh gây lộn xộn bữa ăn của người già, tới 6 tuổi là ngồi cùng mâm với cả nhà được sau khi đã thành thục các quy tắc cơ bản.
31. Khi trẻ em muốn ăn món mà ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. Trong gia đình, khi trẻ em ngồi cùng mâm người lớn thì sắp cho bé một đĩa thức ăn nhỏ ngay bên cạnh với đồ ăn đã lóc xương và thái nhỏ. Với người cao tuổi cũng vậy, dọn riêng đĩa cá thịt đã lóc xương, thái nhỏ, hay ninh mềm hơn.
32. Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăn, trừ chiếc quạt giấy xếp có thể đặt dọc cạnh mép bàn. Ngày nay thì di động là vật bất lịch sự và mất vệ sinh.
33. Nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa riêng, không khi nào để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
34. Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai.
35. Khi ăn không được để thức ăn dính ra mép, ra tay hay vương vãi.
36. Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.
37. Chỉ có người cao tuổi, 70 trở lên và trẻ nhỏ mà ợ khi ngồi ăn mới không bị coi là bất lịch sự.
38. Nếu bị cay thì xin phép ra ngoài hắt hơi.
39. Nhà có khách cần cẩn trọng khi nấu, chất cay để phụ trội bày thêm, tránh bất tiện cho khách khi họ không ăn được cay hay một vài gia vị đặc biệt.
40. Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
41. Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn.
42. Nếu thấy thức ăn lớn nên xin cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện.
43. Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm.
44. Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăn dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.
45. Phong tục mời tùy theo gia đình, có gia đình thì người cao tuổi nhất nói đơn giản “các con ăn đi”, trẻ thì thưa “con xin phép”, nhưng có gia đình trẻ con phải mời hết lượt ông bà cha mẹ cô chú anh chị… Khi tới đâu thì quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
46. Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.
47. Ngồi đâu là theo sự xếp chỗ của chủ nhà, không tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi.
48. Ngày xưa, có lúc người giúp việc ăn cùng mâm với chủ nhà, khi gắp, chủ nhà để thế tay ngang nhưng người giúp việc thế tay úp.
49. Không được phép quá chén.
50. Nên thành thực nói trước về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.
Những cái mà chúng ta cho là thói quen, những tưởng sẽ đơn giản nhưng thực chất, nó đã được hình thành và gìn giữ suốt hàng nghìn năm nay. Nó không chỉ là sự tinh tế trong cách ứng xử con mỗi người mà còn đề cao nét đẹp văn hóa cộng đồng. Từ xưa đến nay, người Việt luôn rất coi trọng những văn hóa ứng xử, họ xem nó là một phần trong những tiêu chuẩn để đánh giá về trình độ, về phẩm chất của một người nào đó. Và đặc biệt là trong bữa cơm, người Việt càng trở nên tinh tế và ý nhị hơn hết.
Đối với người Việt, com là thành phần chính trong bữa ăn, vẫn chưa có nguyên liệu nào có thể thay thế được nên người Việt đã dùng cách gọi này thay cho những khái niệm trong khẩu phần ăn như cơm trưa, cơm tối, mâm cơm, nấu cơm,….Một mâm cơm cơ bản của người Việt sẽ bao gồm: Cơm trắng, món canh, món rau và món mặn.
Mâm cơm hình tròn củ người Việt tượng trưng cho sự đoàn viên, sum vầy của gia đình. Ngoài ra, nhiều người cũng cho đó là khái niệm của sự gắn bó giữa những thành viên trong gia đình, bởi hình tròn không có điểm đầu cũng chẳng có điểm cuối, vẫn cứ xoay đều như tình cảm gia đình. Trên mâm cơn, các món ăn sẽ được bày biện một cách cẩn thận, gọn gàng và đặc biệt, chén nước chấm sẽ luôn được đặt ở giữa để tiện cho tất cả mọi người.
Nếu hôm ấy, có khách đến chơi nhà, chủ nhà sẽ tinh ý mà đặt món mặn hoặc món họ thích gần về phía họ để họ có thể dễ dàng gắp chọn. Hành động này tuy nhỏ, những lại thể hiện được sự tinh ý cùng với thái độ niềm nở, mến khách của chủ nhà, ý muốn khách cứ tự nhiên và thoải mái như ở nhà.
Văn hóa dùng đũa
Từ lâu, người Việt đã quen với việc dùng đũa trong bữa ăn hằng này. Mặc dù, phong cách ăn uống của phương Tây đã du nhập như cách dùng dao, nĩa,…những người Việt vẫn cảm thấy thoải mái hơn nếu được dùng đũa. Chẳng ai có thể xác định được văn hóa dùng đũa bắt nguồn từ đâu, từ người nào, hay từ khi nào nhưng chắc rằng đó là nét văn hóa có tự rất lâu đời rồi.
Đối với người nước ngoài thì việc cầm đũa, đối với họ chính là một thử thách lớn. Trước tiên, phải xếp cho hai đầu đũa đều nhau, lúc dùng chỉ dộng cạnh trên của đũa và dùng 3 đầu ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) để cầm đũa một cách nhẹ nhàng.
Từ bé, chắc hẳn ai cũng được dạy cách “so đũa”, cách bày và chuẩn bị đũa cho người lớn, đặc biệt, đầu đũa cũng phải được đặt đúng hướng. Sau bữa ăn cũng thế, mọi người phải đặt đữa ngay ngắn, không nên lệch hay so le – Đó là nét tinh tế trong lúc dùng cơm, nhưng sâu hơn là sự trân trọng đối với tất cả những vật dụng dùng cơm, điển hình là đôi đũa, món đồ gắn liền với bao thế hệ người Việt cả xưa và nay.
Còn có một nguyên tắc ngầm trong việc dùng đũa mà ai cũng cần biết – Đó là, không được gắp thức ăn đứa thẳng vào miệng, mà nên đặt vào bát riêng trước; không dùng đũa khuấy bát canh chung; không đảo đĩa thức ăn bằng đũa riêng; không cắm đũa đứng thẳng vào bát; không mút đũa; không nhúng đầu đũa vào bát nước chấm. Điều đặc biệt, nếu muốn gắp thức ăn để mời người khác thì nên dùng đầu đũa khác.
Tục lệ mời cơm
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thêm cho mình một tục lệ gọi là “mời cơm”, thậm chí, trong những bữa tiệc quan trọng, trước khi bắt đầu, người chủ nhà còn “tuyên bố lý do” một cách trang trọng. Trước khi ăn, người nhỏ phải chủ động trong việc mời cơm người lớn, mời theo thứ tự người lớn nhất trong nhà.
Tiếng mời cơm của người Việt trong những bữa ăn hằng ngày không đơn thuần là lời mời trong vô thức, mà nó còn mang một hàm ý răn dạy người nhỏ về lòng biết ơn và sự kính trọng đối với người lớn. Thêm vào đó, đứa bé sẽ biết thế nào là sự trân quý hạt gạo – “hạt ngọc trời” mà người nông dân vất vả làm ra.
Ứng xử trong ăn uống
Người Việt luôn nổi tiếng là sự thoải mái cùng hào phóng, cả những những bữa ăn cũng như thế, nhưng họ lại đặc biệt đề cao sự lịch sự. Vậy nên, những nguyên tắc ứng xử trong bữa ăn luôn được áp dụng một cách triệt để.
Một vài ví dụ điển hình trong nguyên tắc ứng xử bữa cơm:
Khi ăn, không được ngồi quá sát hoặc quá xa mâm cơm.
Tuyệt đối không được nói chuyện khi miệng đang đầy cơm, từ từ và điềm đạm trả lời khi được hỏi chuyện.
Không được thổi đồ ăn khi nóng, phải múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa.
Tối kỵ nhất là chép miệng khi ăn hoặc tạo ra âm thanh ồn ào ảnh hưởng đến người khác.
Khi chấm đồ ăn vào nước chấm, tuyệt đối không được chấm cả đầu đữa vào bát chấm mà chỉ nhúng phần thức ăn, miếng cắn dở cũng không được chấm.
Dù là ăn cơm ở nhà hay được mời làm khách ở nhà khác, tuyệt đối không được mở miệng chê món ăn chưa hợp khẩu vị. Bởi điều đó sẽ khiến cho người chuẩn bị bữa ăn thất vọng với công sức họ bỏ ra nấu nướng, đặc biệt là trẻ con, bọn nhỏ sẽ được dạy rất kỹ nguyên tắc này trong bữa ăn.
Trong bữa, bạn có thể sẽ thấy sao mà quá nhiều nguyên tắc phức tạp và quá nhiều điều cần phải ghi nhớ, nhưng đối với người Việt đó đã là thói quen khó bỏ. Một điều đáng mừng là, dù có trải qua bao nhiêu ngày tháng, dù xã hội có trải qua nhiều biến cố cùng những thay đổi theo lịch sử thì các nguyên tắc trên bàn ăn vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.