“Mùa xuân có chim én
Mùa xuân có mây bay
Mùa xuân có hoa nở
Mùa xuân vui cả ngày!
Bé bây giờ còn nhỏ
Chưa nhìn thấy én đâu
Mùa xuân ơi, bé gọi
Đừng bắt bé đợi lâu!”
Đó là lời ca hồn nhiên của trẻ thơ trong bài hát “Bé gọi mùa xuân”. Mùa Xuân ấy là màu xuân trong nền hòa bình, hạnh phúc, mùa xuân của ấm no tươi đẹp. Mùa Xuân mà ông cha ta đã đổi về bằng cả máu và nước mắt, bằng của tuổi trẻ và sinh mệnh. Mùa xuân thời chinh chiến tuy thiếu thốn, tuy không được đoàn tụ sum họp, nhưng vẫn là một mùa xuân tràn đầy tươi vui và hy vọng. Có rất nhiều nhạc sĩ viết về mùa xuân thời chiến, nhưng ấn tượng nhất vẫn là mùa xuân của Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm “Mùa xuân trên cao”. Mùa xuân trên cao là một nhạc khúc kể về mùa xuân của người lính xa quê, nỗi niềm thương yêu quê nhà, tình yêu giấu kín trong tim được bộc lộ vào những ngày xuân trên đường hành quân xa.
Nhắc về nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là nhắc về người con Quảng Nam, với tên thật là Nguyễn Văn Lợi, ông sinh năm 1937 nhưng trên giấy tờ ghi sinh năm 1940. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng qua đời năm 2000, khi ấy ông 63 tuổi. Ông đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà nhiều nhạc phẩm trữ tình bất hủ như: Bước chân Việt Nam, Đêm nhớ về Sài Gòn, Tình đầu thời áo trắng,…Ngoài ra, ông còn có bút hiệu là Anh Nam, ông sáng tác các bài nhạc thiếu nhi đề tài lịch sử, xã hội văn hóa để giáo dục cho học sinh tiểu học toàn quốc. Năm 2007, Trung tâm Asia thực hiện chương trình Asia 54: Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ / Bước Chân Việt Nam để vinh danh ông cùng nhạc sĩ Trúc Hồ.
Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm mới, mùa của yêu thương và hạnh phúc, mùa của những mâm cơm gia đình. Nhưng thời chiến chinh, mùa xuân của người lính là những đêm xuân ngủ bên rừng.
Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Trở giấc ba mươi mộng ảo
Ngày thơ vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng.
Thời tiết vào xuân nhưng vẫn còn se lạnh, người chiến sĩ ấy lại phải ngủ bên bìa rừng, bên cành mai. Ngắm nhìn cành mai khoe sắc mà nhớ về xuân, nhớ về mùa xuân của tuổi thơ, và càng nhớ về em. “Nếu xuân này môi em còn hồng” là một câu hỏi về sự bình an của người anh thương. Có lẽ, người chiến ấy vẫn luôn lo lắng cho người anh yêu tại quê nhà. Nên nhìn ngắm mai, nằm trong không khí xuân về, anh luôn trắc trở không yên giấc, luôn nhớ nhung và lo nghĩ về người anh yêu.
Tình yêu nào chợt về đêm xuân?
Ta cần nhau, gặp nhau vài lần
Nhìn én bay qua đầu núi
Thì xuân đã ngập trong lòng
Thương em vào những ngày lập Đông.
Anh lính nhớ lại những ngày đầu yêu nhau. Tình yêu của anh cũng bắt đầu chớm nở vào những ngày đêm xuân, anh cùng người yêu được gặp gỡ nhau. Đôi tình nhân trẻ gặp nhau trong cảnh xuân, có đàn én lượn qua đầu núi. Ngày ấy, ngày lập Đông ấy, tình yêu dành cho em, đã tràn ngập lòng anh.
Quê hương trong thời đau thương
Mùa Xuân chia ly là thường!
Bao nhiêu khổ nhục tủi hờn
Hát lên nhân loại!
Trả buồn cho Đông.
Dù phải chia xa người yêu, dù phải trải qua những ngày xuân giữa chốn bìa rừng, nhưng người chiến sĩ ấy vẫn luôn lạc quan, và yêu đời. Anh hiểu, quê hương còn giặc cỏ, còn chiến tranh thương đau thì mùa xuân chia ly là chuyện thường. Dù có phải trải qua “bao khổ nhục tủi hờn” thì vẫn “hát lên nhân loại! Trả buồn cho Đông”. Khổ nhục tủi hờn mà tác giả nhắc đến có lẽ là nỗi khổ xa quê, nỗi khổ của người mẹ xa con, người vợ xa chồng, nỗi khổ của tình phụ tử chia lìa, của những đôi yêu nhau không thể đến gần bên nhau. Nỗi nhục của mất nước, nỗi nhục của nhân dân phải chịu ách đô hộ của bọn giặc xâm lăng kia. Và cả nỗi tủi hờn của mùa xuân chia ly. Nhưng tất cả sẽ chẳng là gì cả khi chúng ta, mọi người, nhân loại cùng hát lên, tiếng hát sẽ xua tan mọi nỗi khổ nhục tủi hờn ấy, tiếng hát sẽ trả buồn cho mùa Đông, để mùa đông mang những không vui ấy lui về phía sau, nhường lại cho mùa xuân đang đến, một mùa xuân vẫn tràn ngập hy vọng và ước mơ.
Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Ta nhìn em tình yêu thành gần
Mộng ước xanh như màu cỏ
Dù bao lửa hạ đông buồn
Mong Xuân này em vẫn còn Xuân.
Dù có xa cách, nhưng nghĩ về em, nghĩ về tình yêu chúng ta, anh thấy như em vẫn đang kề bên anh. “Mộng ước xanh như màu cỏ”, màu xanh của cỏ non ngày xuân, một màu xanh tươi trẻ và tràn đầy sức sống như mộng ước của chúng ta. Mộng ước về một tương lai tươi sáng, tràn đầy sức sống. Và anh mong, dù có trải qua những ngày “lửa hạ đông buồn” thì em vẫn luôn sống vui vẻ “Mong xuân này em vẫn còn xuân”. Lại một lần nữa, tác giả nhắc lại câu chúc bình an đến người anh yêu. Mong sao mùa xuân này em vẫn còn xuân xanh, vẫn sống vui vẻ và mạnh khỏe. Đó như tiếng lòng, nỗi sợ hãi mất đi người yêu của người lính. Anh có thể khuyên mọi người hát lên để quên mọi sự không vui, có thể lạc quan xem thường mọi khó khăn trên đường hành quân, nhưng anh lại không thể che đậy nỗi nhớ thương, tình yêu và cả sự bất an về người yêu. Anh lo sợ ngày anh khải hoàng trở về, người yêu anh không còn! Đây không phải nỗi sợ của anh, mà là nỗi sợ của mọi người thời chiến. Chiến tranh là con quái thú, nó nuốt chửng mọi người, nó cướp đi mọi hạnh phúc gia đình. Có bao nhiêu cảnh người lính về nhưng quê nhà đã tan nát, còn bao nhiêu cảnh người vợ đợi chồng chiến chinh quay về trong vô vọng. Tất cả những điều ấy là sự thật, nên người lính luôn bất an, luôn cầu mong người anh yêu có thể bình an đón mùa xuân.
Mùa xuân trên cao không chỉ là một bài ca về mùa xuân, mà nó còn là thông điệp về tình yêu, về niềm tin cuộc sống của những người lính trẻ. Thông điệp về một tinh thần lạc quan vui ca quên buồn “Hát lên nhân loại! Trả buồn cho Đông.” Và nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là người cha của bản nhạc ấy, người đã thổi tinh thần lạc quan, sự yêu đời vào từng ca từ. Người đã viết lên nỗi lòng, tâm sự của người lính trẻ thời chiến. Người nhạc sĩ đã giúp cho đời thêm một bài ca xuân đầy ý nghĩa.
Trích lời bài hát Mùa Xuân Trên Cao:
Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Trở giấc ba mươi mộng ảo
Ngày thơ vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng.
Tình yêu nào chợt về đêm xuân?
Ta cần nhau, gặp nhau vài lần
Nhìn én bay qua đầu núi
thì xuân đã ngập trong lòng
Thương em vào những ngày lập Đông.
Quê hương trong thời đau thương
Mùa Xuân chia ly là thường!
Bao nhiêu khổ nhục tủi hờn
Hát lên nhân loại!
Trả buồn cho Đông.
Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Ta nhìn em tình yêu thành gần
Mộng ước xanh như màu cỏ
Dù bao lửa hạ đông buồn
Mong Xuân này em vẫn còn Xuân.