Cuộc tiếp xúc của phái bộ Việt trên đất Pháp có nhiều thuận lợi, sự hiện diện của vị hoàng tử Cảnh từ Đại Việt (7 tuổi), khôi ngô, tuấn tú, tạo ra được nhiều mỹ cảm của triều đình Pháp, đặc biệt là hoàng hậu Marie Antoinette.
Người ta không rõ do đâu mà Bá Đa Lộc làm như vậy, vì hoàng tử Cảnh là người con trưởng mà chúa Nguyễn Ánh ủy thác cho ông ta để làm tin trước triều đình của Pháp hoàng Louis 16.
Bên cạnh thái độ gần như bất hợp tác của Toàn quyền Pondichéry thuộc Pháp tại Ấn Độ là Coutanceau des Algrains, Giám mục Bá Đa Lộc còn đối mặt với sự chỉ trích kịch liệt của các tu sĩ dòng Phan-xi-cô (Franciscains) tại La Mã.
Ông ta kéo dài thời gian ở lại Ấn Độ trong một tâm trạng vô cùng thất vọng, đến nỗi đã làm một việc bất ngờ hầu như không thấy các tài liệu viết về thời kỳ này đề cập đến.
Đó là vào ngày 8.7.1875, Bá Đa Lộc đã viết thư cho Thượng viện Macao (Sénat de Macao) mượn lý do tôn giáo, xin được phó thác hoàng tử Cảnh cho người Bồ Đào Nha trông nom (Georges Taboulet – sđd, trang 178).
Nếu làm việc này không có sự thỏa thuận của chúa Nguyễn, ông ta đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng. Có lẽ đó là lý do mà hơn một năm sau, vào tháng 10.1786, trong thời gian nương náu tại Vọng Các (Bangkok), kinh đô của nước Xiêm (Thái Lan), chúa Nguyễn Ánh nhận được một thư của Thống đốc đảo Goa (thuộc Bồ Đào Nha), mời ông đến thăm Goa, nơi đã có sẵn 56 chiến thuyền sẵn sàng hỗ trợ ông.
Điều dễ hiểu là chúa Nguyễn đã từ khước lời đề nghị của viên Thống đốc Bồ Đào Nha, vì kế hoạch trao đổi với Pháp đã được bàn thảo kỹ. Khoảng giữa năm 1786, Toàn quyền Coutanceau được thay thế bằng một viên chức khác có lập trường mềm dẻo hơn, song sau hơn 15 tháng lưu trú tại Ấn Độ, Giám mục Bá Đa Lộc cùng phái bộ lên đường đến Pháp, đặt chân lên Lorient và Paris vào những tháng đầu năm 1787.
Cuộc tiếp xúc của phái bộ Việt trên đất Pháp xem ra có nhiều thuận lợi, sự hiện diện của vị hoàng tử Đại Việt mới 7 tuổi, khôi ngô, tuấn tú, tạo ra được nhiều mỹ cảm của triều đình Pháp, đặc biệt là bà hoàng hậu Marie Antoinette.
Thỏa ước Versailles được ký kết ngày 28.11.1787 giữa đại diện hoàng đế Louis 16 là Bộ trưởng Ngoại giao, bá tước Montmorin và đại diện chúa Nguyễn Ánh là Giám mục Bá Đa Lộc, với những điều khoản căn bản phù hợp với bản “nghị quyết hoàng gia” năm 1782, và Côn Đảo vẫn là một trong hai món hàng trao đổi quan trọng nhất. Song giai đoạn thi hành thỏa ước lại không dễ dàng như kỳ vọng của Bá Đa Lộc.
Vào thời điểm này, công khố của nước Pháp lâm vào tình trạng kiệt quệ, chính quyền Paris đã ủy thác sự thi hành thỏa ước cho Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Pondichéry là Thiếu tướng, bá tước de Conway.
Để khích lệ viên tướng này, vua Louis 16 đã thăng ông ta lên Trung tướng và đích thân Bá Đa Lộc mang cấp bậc mới đến Ấn Độ, trực tiếp trao cho de Conway để mua lòng ông ta.
Song vì nhiều lý do, trong đó không thể không có lý do thiếu thốn về tài chánh mà mối quan hệ giữa de Conway và Bá Đa Lộc trên đất Ấn Độ ngày càng tồi tệ. Cả hai trao đổi thư qua tin lại nhiều lần, mỉa mai, xúc xiểm nhau, gửi thư cho nhiều quan chức của triều đình Pháp để kêu gọi họ hỗ trợ cho lập trường của mình. Côn Đảo là một trong những vấn nạn mà de Conway đặt ra cho Bá Đa Lộc một cách gay gắt nhất.
Có lần, trong một cuộc gặp mặt với Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh của phái bộ Việt trên đất Pháp, viên Tổng chỉ huy quân đội ở Pondichéry hỏi vị Giám mục về nguồn tài nguyên ở Côn Đảo, muốn biết ở đảo có bò để kéo xe hay kéo pháo không. Song, hỏi thì hỏi, ông ta vẫn không tin ở lời miêu tả của vị Giám mục về món hàng trao đổi này. Cuối cùng ông ta quyết định cử Hiệp sĩ Kersaint, đại tá hải quân hoàng gia Pháp, đích thân đến Côn Đảo, thực hiện cuộc khảo sát tường tận về quần đảo này. (Còn tiếp)