Những câu chuyện tình yêu dang dở luôn là đoạn tình cảm để lại cho người ta nhiều xúc cảm và hồi tưởng nhất, theo đó chính là những kỷ niệm khôn nguôi, đọng lại trong trái tim tan vỡ. Dù muốn dù không, nhưng khi chính tai nghe được tin người yêu lấy chồng, cầm trên tay tấm thiệp hồng chói mắt, tận sâu trong tim cũng có chút cảm giác lạ thường. Người mình từng thương, hai đứa từng có khoảng thời gian hạnh phúc, cùng nhau xây dựng nên viễn cảnh tương lai tươi đẹp,…vậy mà giờ phút này, kẻ ở người đi hai phương trời cách biệt. Nếu để biết và hiểu rõ hơn, cảm xúc thế nào khi chứng kiến người thương bước theo xe hoa về với bến mới, thì hãy thử lắng nghe ca khúc “Em lấy chồng xa” của đôi nhạc sĩ Hoài Nam và Thanh Sơn.
Nhạc phẩm “Em lấy chồng xa” của đôi nhạc sĩ được sáng tác vào năm 1990, nó là bức tranh bi thương về một câu chuyện tình, từ lúc chớm nở những nụ hoa nhỏ đến kết tinh thành đóa hoa rực rỡ sắc màu rồi lại nhanh chóng tàn lụi khi “duyên phận” đã cạn. Câu chuyện lứa đôi ấy được họa lại bằng những giai điệu, những nốt nhạc và lời ca tràn đầy xúc cảm, dìu dắt người nghe từng bước từng bước đi vào một khung cảnh yêu thương ngọt ngào sau đó lại trải qua những nỗi đau vô vàn khi chứng kiến người thương rời xa vòng tay mình như hai người lạ từng quen.
“Đã lâu rồi còn thương còn nhớ
Bến Ninh Kiều còn đợi còn chờ
Dòng sông này tình đầu chớm nở
Vẫn lững lờ con sông nước chảy xuôi…..”
“Đã lâu rồi còn thương còn nhớ”, đã lâu về trước rồi, nơi đây từng là nơi hai người hò hẹn, những phút giây êm đềm và ấm áp, những kỷ niệm lưu giữ mãi khó quên. Tác giả đang hồi tưởng lại khoảng thời gian quá khứ, khoảng thời gian như ảo như mộng đẹp đẽ về một câu chuyện tình yêu nên thơ của đôi tình lữ. Nơi bến Ninh Kiều lung linh và huyền ảo, có đôi trẻ tình tứ bên nhau, nắm tay dạo bước dọc bờ hồ dưới ánh đèn đường sáng rực rỡ. Nơi con nước êm êm trôi ấy đã thắp lên ngọn lửa tình của đôi uyên ương, “vẫn lững lờ con sông nước chảy xuôi”….nhưng người thương thì chẳng thấy. Bến cũ Ninh Kiều vẫn ngự nơi đó, nhưng đợi chờ hoài chẳng tìm được bóng dáng người xưa.
“….Qua mấy ngõ có một con đò trưa hè nắng đổ
Hàng dừa che mát anh, hàng dừa che mát em
Những lời tỏ tình
Ngày xưa không nói để ngày nay tiếc hoài
Câu hát ân tình, ngàn năm vẫn còn
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Lỡ mai cha yếu mẹ già, lỡ mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng……”
Chàng trai vẫn còn nhớ những khi hò hẹn, vẫn còn ghi lại những hồi ức tuổi thanh xuân bên người thương cũ. “Qua mấy ngõ có một con đò trưa hè nắng đổ”, nơi đó dường như giờ vẫn còn giữa nguyên hiện trạng, con đò vẫn đang cập bến để chờ đợi mà chở khách sang sông. Men theo con nước có hàng dừa che bóng cho đôi uyên ương, một khoảng không hữu tình thích hợp nói lời yêu đương và cũng chính nơi đó, những câu “tỏ tình” được ngỏ, những lời thề hẹn được thốt nên câu, những mộng ước tương lai được xây nên bằng những câu ca ân tình.
“Những lời tỏ tình ngày xưa không nói để ngày nay tiếc hoài”, “Câu hát ân tình, ngàn năm vẫn còn”, nếu ngày đó hẹn hò anh chàng không thốt nên câu yêu thương, không bày tỏ trọn vẹn nỗi lòng của mình cho nàng thấu hiểu thì có phải giờ phút này đã mang theo hối tiếc cả đời hay không. Thà thốt ra để có được đoạn nhân duyên ngắn ngủi, nhưng vẫn còn hơn là ôm hoài mối tâm tư rồi vùi sâu vào miền ký ức….để câu hát ân tình lưu dấu hoài ngàn năm.
Đây không biết là sự xót xa của chàng trai hay thương tiếc thay cho phận đời người thiếu nữ, khi chàng cất lên câu hát “Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa…”, phải chăng chàng đang trách nàng sao chối bỏ tình cảm của mình hay chàng thương nàng phận gái phải theo chồng về miền xa xứ. Để mai này, lỡ cha già mẹ yếu không người chăm lo, không người phụng dưỡng, đến nỗi “chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà…” cũng không có người dâng. Người thương em ở ngay trước mắt, người gần gũi có thể cho em ngày ngày kề cạnh, chăm nom cha mẹ tại sao em lại từ chối. Còn người mang em đi xa, mang em rời xa mái ấm của gia đình…em lại nặng lòng mà tiếp bước ra đi.
“……Xót xa nhiều vì thương vì nhớ
Dẫu biết rằng tình bạc tình hờn
Người đi một nửa hồn tôi mất
Nửa dại khờ lây lất buồn xưa….”
Tình cảnh của biết bao người ở lại, người rời đi làm sao biết họ khổ đau, “xót xa nhiều vì thương vì nhớ”, yêu thương mặn nồng làm sao nói buông là buông, làm sao nói quên là có thể không nhớ. Nếu cuộc đời đơn giản như thế thì đã chẳng có cái gọi “khổ vì tình, chết vì yêu”, đây cũng là lý do tại sao tác giả có thêm câu hát “dẫu biết rằng tình bạc tình hơn”, biết là không kết quả cũng chẳng thể níu kéo nhưng lòng vẫn không ngăn được nhung nhớ và yêu thương thắm thiết thuở nào.
Có lẽ bất kỳ người nghe nào đang thưởng thức ca khúc, cũng sẽ rung động và xót thương khi nghe đến câu: “Người đi một nửa hồn tôi mất, nửa dại khờ lây lất buồn xưa”, cảm thấy thương tiếc cho người con trai ấy khi dâng trọn hết con tim yêu cho người thương cũ. Đến lúc người quay chân bước đi theo chồng thì cả linh hồn chàng như bị thiêu đốt, không mất hoàn toàn nhưng cũng chẳng còn trọn vẹn. Một nửa đã chết theo cuộc tình, một nửa lại lây lất mãi với “mớ” kỷ niệm của ngày xưa.
“……Qua chốn cũ nghe lòng thương nhiều
Ai nào có hiểu ngày đầu tiên biết yêu
Mà không dám nói yêu, bây giờ lỡ rồi
Đường chia hai lối một mình ôm nỗi buồn
Câu hát ân tình, ngàn năm vẫn còn
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Lỡ mai cha yếu mẹ già, lỡ mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng”
Mỗi lần bước chân ngang qua chốn cũ – nơi mà đôi lứa từng có nhau những kỷ niệm, lòng lại chợt chạnh, cảm giác có một cỗ buồn miên man đang xâm lấn linh hồn. Nếu ngày đầu không dám nói nên câu yêu thì phải là vĩnh viễn lạc mất nhau trong kiếp người này, nếu ngày đầu không ngỏ lời thương thì lúc chia hai chỉ có một mình mình ôm mối sầu thương. Nhưng thế thì sao? Tất cả chẳng phải chỉ là hối tiếc, khi kết quả cuối cùng của cuộc tình ngắn vẫn là kẻ ở người đi, vẫn là em theo chồng về xứ lạ còn anh nơi đây ôm hoài giấc mộng uyên ương.
Đây chắc hẳn là tình cảnh của rất nhiều người, khi yêu nhưng chẳng dám mở lời vì sợ bản thân của ngày đầu biết yêu không diễn tả hết được cảm xúc cũng như những chân thành mà mình dành cho đối phương. Hay nó là cảm giác lo sợ, sợ họ từ chối, sợ họ xem tình cảm ấy chỉ dừng ở mức tình bạn rồi khi nói ra đến tình bạn, đến tư cách đứng cạnh họ cũng chẳng còn. Tình yêu là một điều rất kỳ diệu, là những nỗi lo được mất, khi có rồi thì sợ tan, khi không có lại day dứt khôn nguôi.
Không biết, nhạc sĩ Hoài Nam có tự mình trải nghiệm cảm giác “nhìn người thương lấy chồng” hay không, hay đây chỉ đơn thuần là một câu chuyện của người khác được viết nên bởi cảm xúc của người nhạc sĩ – Dù thế nào thì “Em lấy chồng xa” vẫn mang đến cho người nghe những giây phút sâu lắng về một câu chuyện tình “một hướng”, một nỗi buồn rười rượi khi yêu nhưng không có được hạnh phúc mà chỉ toàn là khổ đau và sầu muộn. Giai điệu da diết kể về một đoạn tình cảm tha thiết, đã mang đến cho khán giả những thời khắc trầm lặng để hoài niệm về quá khứ yêu đương.
Đã lâu rồi còn thương còn nhớ
Bến Ninh Kiều còn đợi còn chờ
Dòng sông này tình đầu chớm nở
Vẫn lững lờ con sông nước chảy xuôiQua mấy ngõ có một con đò trưa hè nắng đổ
Hàng dừa che mát anh, hàng dừa che mát em
Những lời tỏ tình
Ngày xưa không nói để ngày nay tiếc hoài
Hò ơ hỡi hò
Câu hát ân tình, ngàn năm vẫn còn
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Lỡ mai cha yếu mẹ già, lỡ mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng
Xót xa nhiều vì thương vì nhớ
Dẫu biết rằng tình bạc tình hờn
Người đi một nửa hồn tôi mất
Nửa dại khờ lây lất buồn xưa
Qua chốn cũ nghe lòng thương nhiều
Ai nào có hiểu ngày đầu tiên biết yêu
Mà không dám nói yêu, bây giờ lỡ rồi
Đường chia hai lối một mình ôm nỗi buồn
Hò ơ ơi hò
Câu hát ân tình, ngàn năm vẫn còn
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Lỡ mai cha yếu mẹ già, lỡ mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng