Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, Sài Gòn hôm ấy mưa như trút nước, chúng tôi có một khoảng thời gian tĩnh lặng nghĩ về những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn khi còn là sinh viên. Thời ấy chúng tôi thuê một phòng trọ cũ nát, ẩm thấp, ở sâu hút trong khu phố lụp xụp, vòng vèo qua mấy con hẻm chật hẹp chỉ vừa đủ cho 1 chiếc xe máy mới tới nơi. Người sống trong khu trọ đều là sinh viên và người lao động nghèo. Tôi còn nhớ như in cánh cửa phòng loang lổ vết gỉ sắt, gió thổi mạnh qua bức tường thủng nhiều chỗ rít lên từng cơn. Tiếng cho mèo, tiếng chuột chạy lục đục, tiếng khóc trẻ nhỏ đã trở nên quá quen thuộc. Mỗi lần Sài Gòn đổ mưa to, nước ngập lênh láng, tràn vào phòng, cả đám chúng tôi hối thúc nhau dọn dẹp, tát nước, cười nói rân ran. Những thanh âm ấy tạo nên một bức tranh sinh động của cuộc sống nơi ngoại ô nghèo.
Ở cái nơi xóm trọ với những căn nhà op ẹp, tường vách chia chung. Có căn phòng chỉ mười mấy mét vuông nhưng lại là nơi sinh sống của một gia đình 5 người. Họ sống một cuộc sống cơ cực, là những con người tha hương cầu thực, từ nhừng vùng quê nghèo lên thành phố kiếm sống với một niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp. Từng đợt mưa ào ạt trút xuống khu nhà rách nát, nước mưa tràn ngập trộn lẫn với đất bùn. Dưới cái bòng tối tăm ấy, con người nơi đây vẫn ung dung, lạc quan, tìm chút niềm vui nhỏ nhặt, họ đã quá quen với sự khó khăn, nhọc nhằn ấy rồi.
Bất chợt trong tâm trí tôi lại vang lên giai điệu của bài hát “Phố Buồn” của nhạc sĩ Phạm Duy. Một bài hát đã từ rất lâu, nổi tiếng gắn liền với giọng ca Thanh Thúy, khi nghe một lần ta sẽ nhớ mãi bởi điệu nhạc Tango và chủ đề độc đáo mà bài hát khai thác.
Bài hát “Phố Buồn” được Phạm Duy sáng tác năm 1954, lấy bối cảnh cuộc sống của những người lao động nghèo tha hương, sống trong những khu nhà tồi tàn giữa Sài Gòn hoa lệ. Khung cảnh xóm nghèo trên con đường chật hẹp không tên, mưa rơi xuống mái tranh im lìm, nước mưa thấm bùn lầy, được hiện lên qua cái nhìn của một cô gái đang trên đường về nhà sau một ngày làm việc vất vả.
Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn, những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Một cô gái đi về trong đêm mưa, cảm nhận sự lạnh lẽo, xơ xác nơi xóm nghèo, tác giả phác họa bức tranh tối tăm, cùng cực của những người nghèo. Từng có một bài hát nổi tiếng của Lam Phương cũng đã khai thác về chủ đề này, đó là bài hát “Kiếp Nghèo”.
Dưới mưa, không gian đìu hiu hiện ra trước mắt những người nghệ sĩ như một cảnh sống tối tăm của những phận đời mong manh, trôi nổi.
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm
Người dân nơi đây có lẽ chẳng bao giờ được hưởng thụ cuộc sống ấm no, sung túc. Ngày qua ngày mưu sinh vất vả, lại trở về chen chúc trong 4 bức tường loang lổ, chẳng biết được cuộc sống hào hoa nơi đô thi tấp nập là gì, nào có biết đến “hương đêm”, những thú vui giải trí nơi phồn hoa chỉ cách họ một con phố, nhưng họ không hề với tới được.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách, mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách, mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát, ru cơn mộng lành
Mưa như muốn trách sao ta chạy quanh. Những mảnh đời chạy loanh quanh với gạo chợ nước sông, ăn bữa sáng đã phải lo bữa tối vẫn là một cảnh tình thương tâm cho Sài Gòn nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Hạt mưa tuôn dưới vách, mưa xuyên qua mành, mưa qua mái tranh rách nát… Những hình ảnh không bao giờ hiện hữu đối với những người giàu sang. Giọt mưa rơi rả rích như cất tiếng hát “ru cơn mộng lành”, như đang cảm thông cho những kiếp nghèo cùng cực.
Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng xuân sang
Yêu phố yêu nhà gạch ngon
Trong đêm tối chốn phồn hoa, giữa đường phố thênh thang, ánh sáng của những ngọn đèn “tràn lan” khắp chốn, nhưng ở nơi xóm nghèo này vẫn là một màu tối tăm. Sự đối lập mà tác giả vẽ nên, cho chúng ta nhìn thấy được hiện thực phũ phàng về sự khác biệt lớn giữa giàu và nghèo. Không chỉ riêng thời điểm đó, thực tế cho đến bây giờ đất nước ta vẫn còn nhiều nơi vẫn chưa thoát được cái nghèo, vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, đáng thương.
Đèn đêm không soi phố vắng,
Kinh đô thắc mắc im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc, khuyên nhau chờ mong
Nhạc sĩ Phạm Duy với cái tâm và sự tài hoa của mình, ông nhìn thấu được nỗi khổ hạnh của những người nghèo và đem những cảm xúc ấy vào bài hát. Trong đêm tối u ám, lặng nghe tiếng phố buồn mà chẳng thể nào có giấc ngủ ngon. Nghe mưa dầm dề nghĩ về một tương lai bế tắc, không thể làm gì ngoài việc “khuyên nhau chờ mong”, chờ đến những ngày hạnh phúc hơn.
Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen.
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh.
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon
Đèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong