“Ở đâu mà chẳng biết ta, Ta ở Thủ Đức, vốn nhà làm nem”. Đó là câu nói tự hào của những ai sống ở Thủ Đức Lâu đời. Nhắc đến nem chua, tôi nhớ đến ngay món ăn được làm từ thịt nhưng lại có vị rất riêng của nó, thịt mà lại chẳng giống thịt. Đây là món ăn khá phổ biến ở Việt Nam, ở vùng miền nào cũng sẽ có nơi làm món nem chua này, chỉ có điều tùy vào từng khu vực cũng như khẩu vị thì người ta sẽ có cách nêm nếm và chế biến khác nhau. Vì vậy mà món nem của mỗi miền Việt Nam sẽ có từng hương vị cũng như nét đặc trưng riêng của nó. Người nào sành ăn thì chỉ cần nếm một chút là đã có thể nhận ra nem của vùng nào ngay.
Giả dụ như với món nem miền Bắc, nhất là ở tỉnh Thanh Hóa, người ta sẽ dùng bột ngọt và sử dụng mùi hương của lá Đinh Lăng. Còn với miền Nam thì người ta lại dùng đường với lá ổi. Vậy nên mới nói món nem của người miền Nam ngoài vị chua còn có thêm vị ngọt nên khi ăn vào vừa có cảm giác ngon miệng, không bị ngấy, có thể nói ăn mãi cũng không ngán. Mà khi nhắc đến món nem miền Nam, ai mà chẳng biết đến tên tuổi của những thương hiệu nem nổi tiếng như nem Lai Vung Út Thẳng – đặc sản của Đồng Tháp. Còn nói về món nem ở Sài Gòn – Chợ Lớn thì người ta liên tưởng đến ngay làng nem Thủ Đức.
Nếu như bây giờ hỏi những người dân Sài Gòn, Chợ Lớn xưa chắc hẳn ai cũng đã từng thử qua món nem nổi tiếng này. Món đặc sản nem Thủ Đức từng làm thi sĩ Tản Đà không biết tốn bao nhiêu lời khen ngợi cho món ăn tuyệt vời này. Vào năm 1928, khi mà Thi sĩ Tản Đà được ông Chủ Bút Thời báo mời đến Sài Gòn làm việc, lúc tạt qua Thủ Đức ông được nếm món nem và từ đó ông thích món này đến kì lạ. Ông thích nhất là ăn nem gói lá vông, rồi nhâm nhi cùng với rượu Gò Đen Bến Lức tại Hotel Cafe Restaurant de La Gare Thiên Lợi Thành. Sau khi được thưởng thức mỹ vị này, ông đã viết bài thơ ca ngợi đặc sản ấy. Bài thơ nổi tiếng được truyền tai nhau có nội dung như sau: “Sài Gòn, Chợ Lớn ai qua lại, Thủ Đức, Xuân Trường khách vắng đông”. Vậy nên “Nem Thủ Đức, rượu Gò Đen Bến Lức” trở thành những món ăn truyền thống nổi tiếng với tên tuổi đã đi qua nhiều thế kỷ. Tuy món ăn nổi tiếng là như vậy nhưng với đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhiều người tấp nập cùng với sự du nhập của nhiều món ăn khiến nem Thủ Đức cũng dần dần bị lãng quên. Giờ đây, những cửa hàng bán nem Thủ Đức cũng đã thưa dần, không còn được buôn bán nhiều như trước. Nhưng dù có thay đổi hay món ăn đang dần bị lãng quên thì trong tâm thức của người dân Sài Gòn xưa, món ăn này vẫn là một phần đặc sản của khắp lục tỉnh miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Thử hỏi những người lớn tuổi ở Sài Gòn ai mà chẳng từng thử qua món này cơ chứ!
Có một câu ca dao quen thuộc của người miền Nam như thế này: “Đồng Nai có bưởi Biên Hòa, Thủ Đức nem nướng, điện bà Tây Ninh”. Ý của câu nói này là chỉ những đặc sản nổi tiếng của từng vùng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đất Thủ Đức lúc bấy giờ là dành để chỉ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức bây giờ. Ngày xưa đó là một vùng đất vô cùng rộng lớn, xung quanh là sự kết hợp của hai trạng thái khác nhau, một là thôn quê yên ắng, hai là khu chợ tấp nập, náo nhiệt. Khu chợ khá thích hợp với những thanh niên ăn chơi lêu lổng từ thập phương đến. Có câu nói “Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ” là có nghĩa chỉ những thanh niên du đãng chơi bời suốt đêm. Có người còn kháo nhau rằng Thủ Đức là cách gọi trại của Thức Đủ. Câu nói này nửa nói chơi mà cũng nửa nói thiệt. Tại Thủ Đức có nhiều nơi để mọi người vui chơi, ví dụ như dòng suối tên là Xuân Trường, còn có suối Lồ Ô, vườn lài vườn ngâu. Những nơi này được xem là nơi có nhiều thú vui đặc biệt khiến nhiều người thích thú và mê đắm vùng đất này. Thêm nữa là ở ven chợ Thủ Đức có nhiều quán xá, nhiều món ăn, nhưng đặc biệt nhất vẫn là món nem Thủ Đức. Nem thì ở 3 miền của Việt Nam miền nào cũng có, mỗi miền thì lại có mùi vị đặc trưng khác nhau. Tỉ như món nem miền Bắc ăn vào sẽ có vị mặn chua, món nem miền Trung thì có vị cay, còn ở Tây Nam Bộ thì có vị ngòn ngọt. Thế nhưng có một điều đặc biệt là món nem Thủ Đức lại như hòa quyện tất cả các vị ngon nhất của ba loại kể trên. Nem Thủ Đức có vị ngọt đan xen vị chua kích thích vị giác nên ăn hoài không ngán.
Để làm món nem chua, người ta dùng thịt heo, men của lá ổi hoặc lá sung, sau đó kết hợp với thính gạo (thính gạo là rang gạo cho vàng rồi giã cho mịn, đây là một loại gia vị hoặc là nguyên liệu phổ biến của nền ẩm thực Việt Nam ta) để ủ chín tạo nên vị chua ngậy, đó chính là món nem chua.
Món nem Thủ Đức mang hương vị tuyệt vời với sự kết hợp của vị chua chua ngọt ngọt cùng với độ giòn dai sần sật. Bên ngoài nem có màu hồng tươi và mùi thơm nhè nhẹ khiến ta có cảm giác muốn thưởng thức món ăn tuyệt vời này ngay tắp lự. Khi mẻ thịt heo đầu tiên vừa mới được đưa ra từ lò mổ, người ta đã mang tới khu chế biến nem. Đầu tiên, người ta lóc thịt nạc đơn thuần, không được để lẫn mỡ hay gân để đảm bảo quá trình lên men được diễn ra một cách tốt nhất. Tiếp theo người ta xắt thịt heo thành từng miếng mỏng rồi giã cho thật nhuyễn, trong quá trình giã người ta cho thêm gia vị như muối tiêu, đường cát, mật ong, tỏi và cho thêm một chút rượu. Cuối cùng là người ta định hình miếng nem bằng cách ép theo khuôn sao cho ra miếng nem vuông vức, và bên ngoài miếng nem người ta cuốn lá chùm ruột, lá ổi, hoặc là lá chuối. Nem để lên men tự nhiên sau 3 ngày là có thể dùng được. Mặt khác, nem có mùi thơm như thế phải kể đến là nhờ vào mùi thơm của các lá như lá chùm ruột, ổi, lá chuối cuốn bên ngoài.
Nem Thủ Đức đúng chất là có màu hồng tươi cùng với hương thơm dậy mùi. Nguyên thủy của nem Thủ Đức phải được làm từ thịt heo sống và quá trình lên men tự nhiên. Vì thế không hề có chứa hàn the hoặc quá nhiều gia vị, thế nên nem Thủ Đức có độ cứng và dai vừa phải, ai chuyên ăn nem chỉ cần ăn một cái là phân biệt được ngay nem nào là nem chất lượng. Ngoài món nem chua, người ta còn ăn món nem nướng. Thật ra món này là biến thể của nem chua nhưng không cần đợi quá trình lên men. Để làm món nem nướng này, người ta không trộn thịt với bì mà trực tiếp trộn thịt với tỏi tươi cùng với mỡ xắt hạt lựu trộn với nhau. Sau đó cuốn hỗn hợp ấy thành dạng cuộn hay viên tròn nhỏ, rồi dùng que xiên nem lại với nhau và đặt trên lò than để nướng. Sau khi nướng xong, món nem có màu vàng cộng với mùi thơm nức mũi. Cái này mà có thêm rượu Gò Đen Bến Lức để nhâm nhi thì đúng bài. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì món nem chua hay nem nướng đều là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Để ăn nem không cảm thấy ngán bạn có thể ăn kèm với các loại rau như xà lách, diếp cá, tía tô,… Rồi dùng bánh tráng, cho thêm tí bún và cho nem lên trên, cuốn lại chấm với nước mắm chua ngọt bao gồm chanh, tỏi, ớt, đường. Hoặc bạn có thể trộn chung nem với bún, cho thêm ít dưa leo và nước mắm. Vậy là bạn đã có món ăn sáng hoặc ăn xế ngon tuyệt cú mèo.
Hồi đó khi mà Xa Lộ Hà Nội (ngày xưa là Xa Lộ Đại Hàn) chưa được lưu thông, các xe khách từ các tỉnh Sài Gòn ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc thường dừng lại các trạm dừng chân để nghỉ ngơi đồng thời cũng để hành khách mua quà biếu cho người thân ở dưới quê. Những món quà được nhiều người lựa chọn nhất là nem chua, nem nướng, chạo nem, nem chiên,… Mọi người mua nem vừa để làm quà vừa để ăn dần trên xe. Nếu mà đi dọc đường ở đoạn Thủ Đức ngày ấy, chúng ta sẽ thấy rất nhiều chùm nem chua màu xanh treo lủng lẳng nhìn rất mát mắt. Đó cũng như là một hình ảnh đặc trưng của Thủ Đức thời đó.
Tương truyền món nem chua Thủ Đức có từ trước những thập niên của thế kỷ XX
Có giai thoại theo lời cô cháu ngoại của người làm ra nem Thủ Đức – Cô Jeannette Anna Villaria kể lại rằng món nem này được làm ra từ cô Tư Quăn. Hồi đầu những thập niên của thế kỷ XX, ở ga xe lửa Thủ Đức có một người phụ nữ góa chồng, mở quán cóc ven đường để buôn bán qua ngày làm kế sinh nhai cũng như để nuôi 6 đứa con, tên người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Kỳ. Vì bà có mái tóc quăn nên người ta thường gọi là Tư Quăn. Một hôm bà đang cầm một dĩa thịt heo sống, định chế biến món ăn cho khách thì có một vị khách xuýt xoa miếng thịt ngon quá, muốn ăn miếng thịt sống đó, kêu bà chủ cứ xắt cho mình một dĩa, để sống cả vậy, cho thêm miếng chuối chát với khế nhậu chơi. Bà Tư Quăn phản đối, nói rằng ai lại ăn thịt sống bao giờ. Ông khách nói là thịt sống cho thêm củ tỏi, vài trái ớt với chút giấm là nhậu bá cháy. Ngờ đâu nhờ có câu nói đó mà đã có món nem chua ngày nay.
Sau khi nghe khách nói vậy, để chiều lòng khách quen, bà nói để bà quết thịt cho nhuyễn, rồi cho thêm chút tỏi, tiêu, ớt vô. Rồi bà dọn lên bàn nhậu dĩa thịt đã quết, cho kèm thêm chút rau sống, lát khế, chuối chát. Ông khách sau khi thấy món ngon dọn lên đã lấy rau cuốn thịt lại rồi chấm nước mắm ăn, tấm tắc khen ngon. Thấy thế, bà Tư nghĩ bụng chắc cho thêm miếng muối, nước mắm vào thịt thì sẽ ngon hơn, mấy miếng da heo còn sót lại bà cũng xắt sợi rồi cho vào ướp chung. Sau đó bà ra sau vườn lấy lá cây vông vô, cuốn từng miếng thịt vô trong lá rồi ủ kín trong tô, đậy lại. Bận rộn với công việc buôn bán, bà quên phắt tô thịt đã ủ, cho đến 3 ngày sau, đang làm bếp tự dưng đâu đó có mùi thơm từ tô thịt truyền đến mũi bà. Bà liền mở tô thịt ra rồi ăn thử, kết quả món thịt ấy có vị chua chua thơm thơm rất ngon nên bà đưa hàng xóm quanh đó nếm thử. Ăn xong ai cũng tấm tắc khen ngon. Bà mừng rỡ, đặt tên món ăn mới chế biến ra là Nem. Từ đó người người tấp nập tới quán bà để được thưởng thức món Nem mới tinh này. Bà Tư Quăn cũng chế ra nhiều món ăn khác được làm từ nem. Ví dụ muốn ăn nem chua thì để cuốn với lá vông 3 ngày, ăn liền thì lấy nem chiên lên gọi là nem chiên,… Nhờ vậy mà công việc buôn bán của bà phất lên như diều gặp gió, từng bước một bà gầy dựng nên thương hiệu riêng. Từ quán cóc cạnh ga xe lửa, bà cất lên tòa nhà ngói, rồi cất thành nhà lầu. Đến đời con cái thì trở thành nhà hàng, khách sạn. Nổi tiếng là Hotel Cafe Restaurant de La Gare Thiên Lợi Thành – Nơi thi sĩ Tản Đà ngồi nhâm nhi nem với rượu Gò Đen Bến Lức và làm thơ ca ngợi món mỹ thực đặc biệt này. Về sau, con cái bà cũng bán nhiều món hơn nhưng nem vẫn là món chủ yếu của quán.
Thấy bà Tư Quăn làm ăn phát đạt nhiều người dân quanh Thủ Đức cũng đến học làm nem nhưng hiệu nem Thiên Lợi Thành của bà Tư Quăn là hiệu nem độc nhất, không ai có thể thay thế được. Dần dà món nem Thủ Đức trở thành đặc sản của vùng này.
Làm nem sau đó trở thành một nghề truyền thống, nhất là ở chợ Thủ Đức. Xung quanh chợ thời đó có nhiều lò nem nổi tiếng như Tư Liên, Sáu Trọc, Bảy Khá, Mười Sồi, Thiên Hương Viên,… Món nem chua Thủ Đức nổi tiếng gần xa, những vị khách tứ phương mỗi lần đi ngang qua đây đều sẽ mua làm quà tặng. Đặc biệt, nem còn được dùng trong các đám cưới hỏi. Có khi vào các ngày lễ Tết hay cưới hỏi, mỗi lò làm nem lên đến 300 – 400 ký một ngày vẫn không đủ để bán. Thịt để làm nem có khi lên đến 1 tạ thịt một ngày. Món nem Thủ Đức phải nói là có mặt khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, miền Đông thời đó.
Hoài niệm về món nem đã cũ
Bây giờ nem Thủ Đức không còn thịnh hành như trước, vậy nên các lò làm nem cũng đã giải thể ít nhiều. Trên đường Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Lê Văn Tách cũng chỉ có vài ba hộ nhà còn làm nem. Những người làm nem xưa bây giờ có người thì đã mất, có người sinh sống ở nước ngoài, con cháu không còn theo nghề truyền thống này nữa. Thế nên nghề làm nem chua không còn ai nối nghiệp. Theo lời kể của bà Chín nem với thời gian gần 40 năm gắn bó với nghề ở đường Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú. Bà lấy làm buồn khi nem bây giờ không còn ngon như ngày xưa nữa. Bởi vì các lò nem thời trước họ làm nem theo công thức bí truyền, hầu như không truyền ra ngoài nên công thức ấy không có ai biết. Chỉ có người làm công ngày xưa tự mày mò, bắt chước nên món nem bị kém chất lượng, không có vị nguyên thủy của món nem Thủ Đức nữa.
Để làm nem ngon cần phải cẩn trọng từng khâu
Để có món nem ngon đúng vị, người ta phải kỹ lưỡng từng khâu như chọn thịt, chọn bì, ướp gia vị, lá gói. Khi chọn thịt phải chọn phần nõn thịt từ hai đùi sau, không cần rửa thịt mà trực tiếp đem đi giã hoặc xay cho nhuyễn. Sau đó chuyển thịt qua máy quết để làm mềm thịt. Thịt phải được ướp gia vị như tỏi, đường, muối, đường, rượu, mật ong để giúp miếng nem có vị chua, cay, dai hòa quyện với nhau. Mỗi gia vị đều phải chọn loại ngon nhất. Đường phải là loại đường tinh luyện, rượu thì là rượu nấu loại tốt, có như vậy mới giữ nem được lâu mà không đắng. Muối ướp nên chọn muối trắng, không có mùi tanh, không lẫn cát của Phan Thiết. Sau khi ướp xong thì sẽ chuyển qua khâu trộn bì. Bì sẽ được lấy từ da lưng hoặc da đùi heo, tiếp đó người ta đem bì đi nhúng vào nước sôi rồi vớt ra liền để giữ được độ giòn của bì. Sau đó sẽ làm sạch da và tiến hành xắt nhỏ bì thành sợi rồi trộn chung với thịt và cho vào khuôn, gói bằng lá vông. Nem gói lá vông cũng là một điểm riêng biệt của nem Thủ Đức. Tương tự như nem Ninh Hòa thì người ta gói bằng lá chùm ruột, nem chợ Huyện (Bình Định) thì người ta gói bằng lá ổi. Khi chọn lá vông để gói thịt, người ta phải chọn lá vông không quá già cũng không quá non để đem lại độ ngon tuyệt nhất cho nem. Nếu chọn lá vông già thì nem sẽ bị khô, còn chọn lá non thì nem sẽ bị bở. Người ta chọn lá vông để gói nem vì lá vông không độc, không mùi lại có tác dụng giữ được thịt lâu.
Món nem cũng như làng nem Thủ Đức hiện nay đã không còn thịnh hành như trước. Thật tiếc thay cho món nhậu dân dã nổi tiếng nhất nhì Sài Thành bây giờ chỉ còn trong ký ức của người dân Sài Gòn xưa. Bởi lẽ với thời đại công nghiệp phát triển như hiện nay, cách làm nem đã trở nên phổ biến. Thế nhưng dù có như thế nào thì tôi vẫn sẽ mãi nhớ mỹ thực dân dã đậm đà khó quên này.