Hóc Môn là vùng đất quan trọng của Sài Gòn – Gia Định xưa, bác sĩ Baurac có dịp đi qua và viết về đất, người Hóc Môn, và cả câu chuyện nhân dân 18 thôn vườn trầu nổi dậy giết chết tay sai thực dân là Đốc phủ Trần Tử Ca.
Chợ Hóc Môn cách Sài Gòn 18 cây số, trên trục đường chiến lược đi Tây Ninh. Sau Gò Vắp [nguyên văn tiếng Pháp, tức Gò Vấp – ND], đây là trung tâm quan trọng nhất của hạt Gia Định. Hóc Môn là trú sở của một phủ. Ở đây có một trường tổng, một phòng bưu chính và điện báo, một xưởng nấu rượu do một nhân viên người Âu giám sát, một số ngôi chùa…
Nhà việc chung rất đẹp, chợ mới xây khá hoàn chỉnh. Nó nằm trên một khu đất rộng bao la và gồm hai dãy nhà song song. Đường cái giáp một bên chợ. Một số cửa hàng người Hoa, ở bên phải rạch nhỏ Hóc Môn, nằm cuối khu chợ rộng lớn này; những ngôi nhà khác, gồm một số nhà tầng, trên một dọc đất khá dài, song song với đường, ở phía bên kia chợ và nhà việc chung. Trung tâm này rất đông dân, hơn 1.800 người. Ở đây buôn bán thuốc lá khá mạnh.
Hóc Môn còn nổi tiếng kể từ vụ việc xảy ra năm 1885, đó là vụ giết chết một bề tôi già và trung thành của Pháp quốc, Đốc phủ [Trần Tử] Ca, huy chương Bắc Đẩu Bội tinh. Một cuộc nổi loạn.
Chuyện Đốc Phủ Ca
Một người An Nam nói với chúng tôi rằng âm mưu đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và việc nổi loạn diễn ra quá nhanh, đột ngột đến mức không ai có thể ngờ được trước đó sáu giờ.
Bất chấp những sự kiện đang diễn ra vào thời điểm đó ở Bắc kỳ và Cao Miên, không có gì cho thấy một cuộc nổi dậy kiểu này có thể nổ ra ở Nam kỳ. Khắp nơi, người dân An Nam đang mải miết làm việc như thường ngày và chuẩn bị cho lễ tết, thì đột nhiên, vào chiều 8 tháng 2 [năm 1885, nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thân], những người nông dân hiền hòa này cầm giáo, gậy… ra khỏi đồng và tập hợp lại dưới sự dẫn dắt của những thủ lãnh [Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá…] mà họ đã chọn.
Đốc phủ Ca ở tại Hóc Môn, biết được biến động này thì đã quá muộn; quân nổi loạn chỉ cách đồn Bà Điểm 6 cây số. Họ cướp phá các ngôi làng trên đường đi, đốt nhà cửa.
Đốc phủ Ca nghĩ rằng chỉ là một hành động cướp bóc của kẻ cướp, như thường thấy trong vùng, chứ không phải là dân chúng nổi dậy, vì thế ông ta không làm gì để bảo vệ bản thân hoặc đồn của mình. Trong số 13 vệ binh hoặc dân quân mà ông có dưới quyền, ông cử một người đến Gia Định để báo cho Chánh tham biện và 5 người đi ngăn chặn bọn tội phạm.
Vài giờ sau, khoảng 7 giờ tối, đồn Hóc Môn bị bao vây và tấn công bởi một băng nhóm khoảng 600 – 700 người. Đốc phủ Ca, ở trong đồn, đã dũng cảm kháng cự lại quân nổi dậy, nhưng cuối cùng phải ngã xuống vì thương tích. Người vợ lớn tuổi, ở cùng ông, bị thiêu sống trong trận hỏa hoạn tại đồn. Ngày hôm sau, đầu của Đốc phủ Ca được tìm thấy trên một cột đèn.
Sau khi đốt Hóc Môn, quân nổi loạn rút lui để tiến về Sài Gòn, nhưng đụng phải lính mã tà do Chánh tham biện Bataille phái đi ngay khi biết tin về vụ đốt phá Bà Điểm, chúng bị đẩy lùi và đánh tan.
Nhất thời người ta nghĩ rằng động cơ cuộc nổi loạn của dân chúng chỉ là để trả thù Đốc phủ Ca, nhưng điều tra về vụ việc cho thấy cuộc nổi dậy này có một mục tiêu hoàn toàn chính trị. Trong tiến trình thẩm cứu, các thủ lãnh nổi loạn khẳng định họ chỉ muốn chiếm đồn Hóc Môn để có chỗ dựa cho các cuộc tiến quân sau này về Sài Gòn.
Những người bản xứ, với sự thơ ngây, chắc chắn tin vào lời của một người cầm đầu, có thể là một đặc sứ An Nam, đã nói với họ rằng hai cánh quân cứu viện, một từ Bình Thuận [bấy giờ thuộc Trung kỳ, giáp giới Nam kỳ] và một từ Cao Miên, sẽ tham gia với họ ngay sau khi chiếm Hóc Môn và đánh nổ kho đạn ở Sài Gòn!
Đốc phủ Ca là một trong những đặc vụ hữu dụng và được đánh giá cao nhất trong chính quyền chúng ta [chính quyền thuộc địa Nam kỳ]. Dưới đây là lời của tờ Công báo nêu các chức danh của ông được chính phủ Pháp công nhận:
“Phủ Ca thuộc hàng ngũ điền chủ thông minh và năng động, là tinh hoa của dân chúng ở nông thôn chúng ta. […]. Phụ trách huyện Hóc Môn vào năm 1862, ông là một trong những quan chức An Nam hiếm hoi biết vượt qua những thử thách tinh vi của cuộc khởi nghĩa Gò Công, nỗ lực cuối cùng của chế độ quan lại. Tỉnh táo và can đảm, ông đã không bị tấn công tại trú sở của mình và có thể kịp thời đưa ra một số lời khuyên hữu ích để ngăn chặn những nỗ lực tuyệt vọng của các đặc vụ phe Quản Định.
Được những người biết ông yêu mến và quý trọng, đối với chính quyền hạt ông mang sự nhiệt thành và ý chí kiên định mà trước đây ông đã từng làm cho vùng đất của ông trở nên thịnh vượng; […] ông cho xây dựng đường sá, sửa sang và mở rộng đường cũ […]. Ông có nhiều con, dạy cho chúng yêu nước Pháp; con trai cả của ông [Trần Tử Luông], đã đến châu Âu với sứ đoàn [Phan Thanh Giản chuộc đất] vào năm 1863, nói tốt ngôn ngữ chúng ta và làm việc trong các cơ quan hành chính […].
Ngay sau khi quy thuận [chính quyền thuộc địa], ông học giáo lý của đạo Công giáo và được cải đạo bởi một trong những tông đồ dũng cảm của chúng ta, Cha Puginier, người đã chia tay chúng ta đến những xứ xa xôi, để lại những kỷ niệm tuyệt vời cho thuộc địa […]”
Vài năm sau, Đốc phủ Ca bị chém và bêu đầu.