Cùng ngắm nhìn lại những kiến trúc cổ của Saigon xưa: Đi tìm thời gian đã mất

Đăng ngày 19/08/2024

Mối liên kết với quá khứ là chất liệu tạo nên giá trị tự thân và căn tính của cá nhân hay cả cộng đồng, không có nó chúng ta không còn biết mình là ai và sẽ đi về đâu. Những di sản kiến trúc từ thuở xa xưa của Saigon cũng là một trong số đó.

Xin mời quý vị độc giả ngắm nhìn lại những kiến trúc xưa còn lại của Saigon.

Sài Gòn thường được biết đến như một vùng giao thoa của nhiều nền văn hóa, đất hứa của nhiều người. Từ những khách giang hồ tha hương, những kẻ bị ruồng bỏ, tới dân tứ xứ đến tìm nơi sinh cơ lập nghiệp, Sài Gòn vẫn luôn mở rộng vòng tay bao dung nâng đỡ. Trong số đó có không ít người đã làm nên tên tuổi và để lại nhiều dấu ấn trên sự phồn hoa của mảnh đất này. Thương gia Nguyễn Văn Hảo (1890-1971) là một trường hợp như vậy. Qua bao thăng trầm, ký ức về người đàn ông xuất thân nghèo khó, lăn lộn ở Sài Gòn làm ăn, kinh doanh phụ tùng ô tô và có cơ nghiệp rực rỡ đã quá vãng từ lâu, nhưng di sản của ông thì vẫn còn đó. Tòa nhà bốn mặt tiền tại đường Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Lê Thị Hồng Gấm, biểu tượng thời vàng son của gia đình ông.

Kiến trúc cổ Sài Gòn: Đi tìm thời gian đã mất - ELLE Man Việt Nam

Được khởi công năm 1933 và hoàn thành năm 1937, biệt thự nằm trên khu đất rộng khoảng 800 mét vuông và được thiết kế theo phong cách Art Deco thịnh hành thời đó. Khác với sự cầu kỳ, hoa mỹ của các công trình thuộc địa xây dựng, tòa nhà ba tầng nổi bật đã phản ánh được tinh thần thời đại (zeitgeist): những năm 1930 là thời hoàng kim của lối kiến trúc hiện đại, thanh lịch, sang trọng và đề cao hiệu quả sử dụng.

Theo một số tư liệu, vật liệu xây dựng của tòa nhà là cát trộn với mủ cây, do thời đó chưa có xi măng, và gạch bông cao cấp lát nền cũng được nhập từ Pháp, cho tương xứng với vẻ ngoài công trình. Do không được bảo tồn và tu bổ, biệt thự Nguyễn Văn Hảo hiện trở nên xuống cấp, mang một dáng vẻ cũ kỹ, ảm đạm. Khách thập phương qua đây không mấy ai còn biết đến vị chủ nhân khi xưa, mà tên tuổi giờ chỉ được lưu trên các vách tường bằng dòng chữ “NG.V.HAO.” Nhưng đối với những người yêu mến và am hiểu Sài Gòn, biệt thự Nguyễn Văn Hảo là chứng tá quan trọng về một giai đoạn phát triển của kiến trúc Sài Gòn

Đài nước cổ trong khuôn viên tổng công ty cấp nước Sài Gòn. (1882

Sau thông báo về việc sẽ vĩnh viễn trụ lại đất Nam Kỳ (1865), người Pháp bắt đầu đặt nền móng cho dự án quy hoạch Sài Gòn theo mô hình đô thị châu Âu. Vấn đề về cơ sở hạ tầng được đặt lên hàng đầu, trong đó có việc xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Đài nước đầu tiên được xây dựng năm 1878, đài nước thứ hai xây dựng năm 1882 hiện vẫn nằm trong khuôn viên của Sawaco. Đài nước này hình oval gồm ba tầng, cao khoảng 25m, phía trên có hai bồn nước làm bằng thép không gỉ, được xây kiên cố như một pháo đài, và có lối kiến trúc hài hòa với tổng phổ quy hoạch đô thị. Điểm nổi bật của kiến trúc là các hàng cửa và lỗ thông gió được thiết kế cầu kỳ. Đài nước kết thúc vai trò lịch sử của mình (1966), khi việc cung cấp nước từ các giếng cạn được thay thế bằng hệ thống cấp nước từ sông Đồng Nai. Đài nước hơn 130 năm tuổi này đã chính thức được giữ lại để bảo tồn, và đứng đó như một tượng đài lịch sử của ngành cấp nước Sài Gòn.

Tòa nhà Catinat ( 1926 )

Kiến trúc cổ Sài Gòn: Đi tìm thời gian đã mất - THELUXURY.VN

Tại Sài Gòn, có những công trình cổ được cải tạo cho phù hợp với nếp sống hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và giá trị kiến trúc. Tòa nhà Catinat số 26 Lý Tự Trọng là một ví dụ. Tòa nhà từng là văn phòng làm việc của nhiều công ty lớn, trong đó có cả trụ sở của Lãnh Sự Quán Mỹ (1930-1940). Năm 1941, Catinat từng bị thiệt hại nặng vì trở thành mục tiêu đánh bom của người Nhật.

Những năm 60, người Mỹ đã dùng nơi này làm trụ sở của CIA. Sau 1975, Catinat trở thành một chung cư và tầng trệt được dùng làm nơi buôn bán. Vài năm gần đây, những người trẻ Sài Gòn mag đến cho Catinat một đời sống mới bằng cách biến nơi này thành một trung tâm thương mại thu nhỏ, với các cửa hàng, shop thời trang, quán cà phê…

Những yếu tố Art Deco trong công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn, từ nền gạch cũ, cầu thang sắt uốn lượn, đến chiếc thang máy cũ kỹ vẫn hàng ngày lên xuống đều đều chậm rãi. Nhưng bên trong các khu vực được cho thuê là những không gian mang phong cách riêng biệt, thể hiện cá tính của chủ nhân. Có nhiều tranh cãi xung quanh việc bảo tồn di sản bằng cách thay đổi công năng sử dụng, nhưng với trường hợp của tòa nhà Catinat, có thể coi đây là một giải pháp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại

Nhà Nguyện Chủng Viện hánh Joseph Saigon (1867).

Giữa lòng Sài Gòn ồn ào ngột ngạt như hiện nay, vẫn còn sót lại một vùng thanh tịnh và lặng im: Nhà nguyện Chủng Viện Thánh Joseph, có tuổi đời hơn 140 năm. Công trình được thiết kế theo phong cách Gothic với ý định ban đầu của cha Wibaux là “biểu tượng hóa lòng tôn thờ đặc biệt của Chủng Sinh”. Nguyện đường gồm một gian chính xen giữa hai gian phụ sử dụng các vòm nhọn, ngoài cùng là dãy hành lang mái bằng. Các hàng cột lớn nhỏ đan xen tạo cảm giác không gian rộng lớn hơn so với thực tế. Nội thất nhà nguyện tuy đơn sơ nhưng vẫn toát lên vẻ thanh tao, trang nhã. Dù ít được chú ý do nằm trong khuôn viên Chủng Viện, nhưng nhà nguyện này vẫn được coi là công trình kiến trúc quan trọng trên bản đồ di sản của thành phố.